Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
11:45 (GMT +7)

Trong vắt như gương – Truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

VNTN - Đầu năm nay, cụ Huê đã bước sang tuổi một trăm linh năm. Tính trong vòng một thế kỉ trở lại đây thì cụ là người có tuổi thọ cao nhất cái làng May này.

Cụ thân sinh ra cụ Huê là một đồ nho, luôn lấy tam cương, ngũ thường tam tòng, tứ đức làm kim chỉ nam cho gia phong. Mười sáu tuổi, song thân cho cụ Huê về nhà chồng. Thật không may, vài tháng sau, cụ ông mất do mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Cụ Huê ở vậy cho đến tận bây giờ. Cụ không có con nên khi về già sống cùng một người cháu ruột năm nay cũng đã bảy mươi. Nhà người cháu ruột rất nghèo nên đời sống của cụ Huê không được một ngày sung sướng.

Trong dòng tộc, tôi chỉ là người họ hàng xa, gọi cụ Huê bằng cụ. Nhưng vì quí cụ Huê nên mỗi lần từ thành phố về quê, tôi luôn lui tới thăm hỏi, khi mua cho cụ đồng quà tấm bánh, khi tấm khăn lụa để động viên tuổi già. Vì vậy tôi được cụ Huê coi như một người ruột thịt gần gũi trong gia đình.

Tuy tuổi cao nhưng được cái không có bệnh tật gì nặng nên hàng ngày cụ Huê vẫn chống gậy đi lại trong nhà, ngoài sân và tự phục vụ những việc cần thiết cho bản thân chứ chưa đến mức phải phiền hà nhiều đến hai vợ chồng ông cháu ruột.

Có thể nói, cuộc đời cụ Huê là sự nối tiếp những trang thầm lặng. Từ bé đến giờ, nghĩa là trên dưới một thế kỉ, cụ chưa hề đặt chân đến bất kể một vùng đất nào khác ngoài cái làng May heo hút cách xa thành phố tới cả trăm cây số đường đất này.

Bước sang thế kỉ hai mươi mốt, khi làng May bắt đầu có điện lưới, ánh sáng văn minh dần dần hiện diện với những tiện nghi gia đình như ra- đi- ô, quạt máy, ti- vi… thì với cụ Huê mọi thứ đã chỉ như những cái bóng mơ hồ, xa xỉ. Đêm đêm, cụ vẫn bảo người nhà thắp cho cụ ngọn đèn thông phong đỏ dịu chứ không ưa cái ánh sáng chói mắt hắt ra từ bóng đèn nê- ông rực rỡ. Cụ vẫn thích ra ngồi ở vườn cây hiu hiu mát với cái quạt mo phe phảy chứ luôn lánh xa cái quạt bằng sắt kêu ù ù như chiếc cối xay. Còn ra- đi- ô và ti vi ư? Mắt cụ, tai cụ bây giờ không còn thích ứng với những thứ đồ văn minh ấy nữa.

Gần đây, tôi nhận thấy cụ Huê rất hay nhắc đến những chuyện ngày xưa. Âu cũng là tâm lí tuổi già. Mỗi lần gặp tôi, cụ thường tâm sự những chuyện đại loại như: “Thân mẫu của cụ ngày xưa vẫn kể cho cụ nghe tích Tấm Cám, tích Trầu cau, tích Trương Chi. Những tích ấy nghe não ruột lắm, tận bây giờ vẫn chưa quên”. Nếu không dốc bầu tâm sự thì cụ lại đọc cho tôi nghe những câu ca dao cổ mà có lẽ cụ đã thuộc lòng từ hồi còn nhỏ: “Con cò mà đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/ Ông ơi ông vớt tôi nao/ Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng”... Có duy nhất một lần, chẳng hiểu do một phút phấn khích nào đó, cụ đưa mắt nhìn trước ngó sau như sợ có ai nghe thấy rồi khe khẽ ngâm câu ca: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng anh tiếc lắm thay”. Tiếng ngâm của cụ nghe bùi ngùi, âm u và buồn thê thiết. Ngâm xong câu ca, mặt cụ hơi ửng đỏ như người mắc lỗi. Cụ ghé sát vào tai tôi: “Ngày xưa, làm phận gái mà ngâm nga câu ca ấy là bị quở đấy cháu ạ”. Nghe cụ nói, tôi nhăn nhó tỏ ra khó hiểu. Chẳng lẽ người ngày xưa khắc nghiệt đến thế sao. Những điều cụ Huê kể quả là quá xa lạ với một cô gái mới ngoài hai mươi tuổi, đang sống trong thời đại internet như tôi. Những lúc ấy, tôi thấy thương cụ Huê vô hạn.

Đầu năm nay cụ Huê có vẻ yếu đi nhiều. Cụ thường nằm bệt trên giường. Lúc nhớ lúc quên, lúc mơ lúc tỉnh. Cả tuần cụ không bước ra nổi cái mảnh vườn nhỏ mà trước đây ngày nào cụ cũng ra hóng gió cùng chiếc quạt mo. Ông cháu ruột bế cụ lên cân, dõng dạc tuyên bố với cả nhà: “Mười sáu cân rưỡi!”. Nghe kể lại sự việc này tôi thoáng ngậm ngùi. Thật chua xót. Cái thân xác một con người trải qua bao sương gió, cuối cùng chỉ còn lại ngần ấy thôi sao? Quả thật, khuôn mặt cụ Huê bây giờ chỉ bằng khuôn mặt một cô bé lên ba. Da mặt thì nhăn nhúm như quả trám khô.

Tôi hiểu cụ Huê không còn sống được bao lâu nữa. Về thăm cụ lần ấy, nhân lúc vui chuyện, tôi hỏi:

Nếu bây giờ có được một điều ước cho bản thân mình, cụ sẽ ước điều gì ạ?

Cụ Huê lặng đi một lúc lâu, vẻ như hơi bất ngờ trước câu hỏi của tôi. Nhìn vẻ mặt đăm đăm của cụ, tôi hồi hộp không hiểu sẽ nhận được câu trả lời ra sao? Vàng bạc châu báu, dẫu có chất đống thì bây giờ đối với cụ cũng đã trở thành vô nghĩa. Ngay cả sức khỏe là cái thứ mà người ta vẫn cho là quí giá nhất trên đời nhưng hình như với một người đã thọ trên trăm tuổi như cụ, chưa chắc đã là một ước ao cháy bỏng. Bất chợt, cụ khẽ nắm lấy tay tôi:

Cụ già cả lắm rồi, cụ không ước những thứ cao xa đâu cháu ạ.

Tôi cũng nắm chặt tay cụ:

Cháu biết ạ. Xin cụ cứ nói với cháu cái điều ước mà cụ thích. Dù đi cùng trời cuối biển cháu cũng sẽ tìm bằng được cho cụ!

Cặp môi héo quắt của cụ thoáng một nụ cười xa xăm:

Cũng không có gì khó lắm đâu cháu ạ. Cụ chỉ ước có một…một… chiếc gương thôi.

Tôi ngớ người. Chiếc gương? Tôi hiểu, một người mộc mạc, giản dị và chân chất như cụ Huê chắc không có kiểu nói bóng gió xa xôi. Chiếc gương mà cụ vừa nhắc tới đúng chỉ là một chiếc gương thật. Nhưng sao cụ lại ước có một chiếc gương? Lòng đầy thắc mắc, tôi vội hỏi lại:

Chiếc gương? Ý cụ muốn nói đến chiếc gương soi phải không ạ?

Đúng thế cháu ạ.

Ngập ngừng một lúc lâu, cụ nói bằng một giọng trầm trầm:

Cháu có biết là cả đời, cụ chỉ được soi gương đúng một lần không? Đó là cái lần cụ chuẩn bị đi làm dâu nhà người. Khi giúp cụ vấn lại vành khăn, bà mối đưa chiếc gương bằng cái miệng chén đến trước mặt cụ. Lần ấy, cụ đã được nhìn thấy mặt mình rất rõ. Rõ lắm cháu ạ.

Cụ khẽ thở dài, nói tiếp:

Nhưng cả đời, cụ chỉ được nhìn thấy mặt mình mỗi cái lần ấy thôi. Nhất là sau ngày cụ ông mất, cụ chả bao giờ dám soi gương nữa. Song thân cụ dạy đã là gái có chồng, dù chồng còn hay chết thì cũng không bao giờ được ngắm mình trong gương nữa. Người ta sẽ cười là gái lẳng lơ. Mà thực tình thì từ đó, cụ cũng chẳng thiết gì đến gương lược nữa.

Nghe cụ kể, đầu tôi cứ ong ong lên. Trời ơi! Nếu không có cuộc trò chuyện này cùng cụ thì một đứa như tôi sao hình dung nổi cái tình cảnh bất thường, kinh dị đến khó tin như vậy. Cả đời chỉ được soi gương duy nhất một lần vào cái ngày đi lấy chồng vậy sao? Nhưng tôi biết là cụ Huê không bao giờ nói dối. Chuyện đến vậy thì sự ao ước về chiếc gương của cụ đúng là rất đáng phải đắp bù. Nhưng tôi trộm nghĩ, nếu bây giờ thấy khuôn mặt nhăn nhúm của mình trong gương liệu cụ có đau lòng không? Tôi nhìn cụ, cười trong nước mắt:

Nhất định cháu sẽ mua cho cụ một chiếc gương đẹp nhất trần đời.  Nhưng…

Cụ không để ý đến từ “nhưng” của tôi, khẽ reo lên:

Cụ mang ơn cháu lắm. Cụ ước cái gương lâu lắm rồi nhưng chả dám nói với ai. Họ không hiểu, lại cho là… À, mà điều này cụ cũng chỉ dám nói với một mình cháu thôi. Đừng cho ai biết cháu nhá!

Do chuyến đi công tác đột xuất nên phải tới hơn một tuần sau tôi mới mang chiếc gương về cho cụ Huê với tâm trạng hân hoan nhưng cũng đầy bối rối, lo âu.

Cụ Huê xem chừng yếu hơn mọi lần. Tôi đến bên giường, phải một lúc khá lâu cụ mới khẽ mở cặp mắt đầy mệt mỏi, nheo nheo nhìn tôi mơ mơ, tỉnh tỉnh. Nhưng khi phát hiện thấy chiếc gương trong tay tôi, ánh mắt cụ sáng rực lên.

Tôi nhanh nhẩu:

Cháu đây! Cụ có nhận ra cháu không? Cháu đã đem điều ước về cho cụ đây ạ.

Cụ Huê khẽ gật đầu rồi lập cập đưa chiếc gương lên trước mặt. Tim tôi se thắt lại. Sẽ xót xa biết bao nếu tôi phải chứng kiến cái hình ảnh đôi tay cụ buông thõng xuống một cách đầy tuyệt vọng sau khi nhìn thấy mặt mình trong gương.

Chăm chăm soi vào gương một lúc, bỗng cụ Huê thốt lên mấy tiếng đầy phấn khích:

Ô kìa! Ô kìa!

Tôi ngạc nhiên:

Cụ nói sao cơ ạ?

Ô kìa! Cái hình trong gương là cái hình của cụ ngày mới đi lấy chồng đấy. Đúng là hồi cụ mười sáu tuổi đấy mà. Cháu nhìn xem này.- Cụ đưa gương cho tôi với nụ cười tươi roi rói - Cụ kháu khỉnh thế kia thì cái nhà ông phó lí bên làng Thạch mới phải lòng mà vội vàng mang trầu cau sang dạm ngõ đấy cháu ạ.

Tôi đờ người không thốt nổi một lời. Không ngờ câu chuyện lại diễn ra một cách kì lạ đến vậy. Do đôi mắt đã quá mờ hay do phép mầu gì mà cụ Huê đã nhìn lầm hình mình ngày hôm nay thành bóng hình của mình gần chín mươi năm về trước?

Cụ Huê ấn chiếc gương vào tay tôi, ríu rít như giọng một thiếu nữ mười sáu tuổi:

Đây! Cháu nhìn vào gương mà xem. Hình cụ đấy! Hình của cụ trong ngày đi lấy chồng đấy. Đẹp lắm! Kháu khỉnh lắm!

Tôi đỡ chiếc gương trong tay cụ Huê, cố giấu nước mắt. Tôi hiểu ra rồi. Nhưng tôi không nỡ gọi hiện tượng này là hiện tượng “lẫn” hoặc nói theo ngôn ngữ y học là bệnh lão hóa hay loạn thần tuổi già gì đó. Không! Đó chỉ là một ảo ảnh. Giống như một người đi trên sa mạc quá lâu ngày, do khát cháy mà bỗng thấy phía trước mặt mình hiện ra một dòng sông hay con suối trong lành. Nó cũng giống như một ẩn ức tươi đẹp, bị dồn nén, khuất chìm đâu đó trong cõi hư vô bỗng thăng hoa hiện về rực rỡ giữa cõi người.

Tôi run run nâng chiếc gương đưa lên soi, rồi nhẹ nhõm thốt lên:

Chao ôi! Đúng là cụ rồi! Cụ đẹp thật. Cứ như tiên nữ giáng trần ấy.

Cụ Huê gật đầu kiêu hãnh, thì thầm nói trong nụ cười hồn nhiên như con trẻ:

Nhưng này. Cụ giao hẹn là cái chuyện cụ và cháu soi gương hôm nay chỉ có cụ và cháu biết thôi đấy nhá! Song thân của cụ mà biết thì…

* * *

Buổi sáng hôm sau, một buổi sớm bầu trời trong vắt như một chiếc gương khổng lồ, cụ Huê nhẹ nhàng giã biệt cõi đời.

Tôi lén đưa chiếc gương vào trong quan tài của cụ. Nói “lén” là bởi tôi và cụ đã giao ước với nhau rằng cái chuyện soi gương hôm qua là một bí mật, chỉ có cụ và tôi được biết mà thôi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước