Trời lặn lại mọc vầng trăng...
Mở cửa xe, điều đầu tiên tôi chạm phải là cái nắng của miền Trung và cơn gió Lào rát bỏng. Vợ tôi bước xuống đường làm điểm tựa cho chồng bước theo. Gánh thêm nửa trọng lượng của tôi, đôi vai Xuyên khẽ chùn xuống rồi lại thẳng lên ngay. Nắng và gió dội vào rát mặt. Quê nhà đây rồi, bao ngày đi qua tôi đã mong được trở về, chỉ có nắng gió thế này thôi sao. Mọi thứ với tôi giờ chỉ còn trong những hoài niệm.
Nhà tôi đây rồi, mùi thơm dìu dịu của hoa lan thì không thể nào lẫn được. Vịn vai vợ bước vào nhà tôi không thấy được khung cảnh gần gũi ngày xưa. Giàn hoa lan do chính tay tôi làm nay thế nào rồi? Nghe vợ nói thì mọi thứ vẫn y nguyên không có gì thay đổi so với hơn năm trước. Mặc dù vợ nói vậy nhưng trong trí tưởng tượng của tôi mẹ và vợ đã già đi rất nhiều vì lo lắng. Ngoài bốn mươi tôi mới bị hỏng mắt, kinh nghiệm xã hội đã hiểu cả rồi! Có một người bước tới cầm tay tôi đặt lên vai mình. Tôi nhận ra ngay đó là mẹ. Mùi tương quen thuộc vẫn quện trên áo người. Hơn một năm tôi chữa bệnh ngoài Hà Nội mẹ không một lần ra thăm con. Tủi hờn thoáng chút rồi lại tắt ngay. Ba đứa cháu đã chiếm hết thời gian của bà, khiến người không thể bỏ ra một ngày đi thăm đứa con độc nhất. Nhà tôi cây một cành, cành lại ra được ba nhánh đó là một điềm lành. Mẹ tôi rất tự hào về điều đó, cả ba đứa cháu trai đều được bà chở tới trường đến hết tiểu học. Thằng út năm nay lớp 7, thằng hai lớp 9, thằng lớn lớp 11, phục vụ quán xuyến ba đứa cháu suốt hơn một năm qua, vai mẹ gầy đi rất nhiều. Mẹ không ôm lấy tôi khóc như là tôi đã tưởng tượng, giọng nói của bà tỉnh khô bảo với con dâu như những chiều vợ chồng tôi đi làm về lúc còn khỏe mạnh:
- Cơm chiều xong cả rồi, mẹ thằng Dũng nghỉ một lát rồi đi tắm rửa!
Dũng là con trai cả của vợ chồng tôi. Mặc dù đã nói chuyện điện thoại với con lúc còn ngồi trên xe nhưng vợ tôi vẫn hỏi:
- Cháu Dũng hôm nay đi học tới mấy giờ hả mẹ?
- Bảy giờ, nhưng Dũng không về nhà ngay mà phải qua ruộng cuốc xong cho bà luống rau mới về.
Tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Mới có hơn một năm thiếu thu nhập của cha, các con tôi đã phải vất vả như bố nó ngày xưa. Mồ côi cha, tôi phải ra đồng phụ mẹ cấy trồng từ rất nhỏ, hè năm lớp mười đã phải cầm cày theo trâu. Khi có con tôi quyết không để chúng phải khổ như mình. Hai vợ chồng làm lụng chắt bóp suốt gần hai mươi năm mới mua được căn nhà ở thành phố, chưa kịp chuyển các con lên để chúng có điều kiện học tập thì mắt tôi lại hỏng, việc cho các con ra phố học tập là khép lại rồi! Cả ba đứa vẫn còn đi học chưa về nên chẳng có đứa nào vui mừng đón cha như tôi mong đợi. Mặc dù hơn một năm không về nhà nhưng ngày nào tôi cũng được nghe giọng nói của các con qua điện thoại. Sáng nào các con tôi cũng được nhìn thấy cha mẹ trên màn hình nên nỗi nhớ cũng vợi đi rất nhiều.
Ráo mồ hôi, vợ tôi đứng lên chuẩn bị cho chồng tắm trước, áo quần sạch được treo gọn gàng ở mắc bên phải, khăn tắm mắc bên trái. Suốt cả tuần qua mẹ tôi và đứa cháu nội đã sửa sang sắp xếp lại nhà cửa cho phù hợp với người hỏng mắt. Hai bà cháu tới hội người mù và cả những gia đình có người hỏng mắt học hỏi kinh nghiệm để tôi trở về nhà được sống trong một môi trường tốt nhất. Làng quê tôi nắng lửa mưa dầu nhưng cây lúa vẫn nặng bông, cây khoai vẫn sai củ, nhờ sự tảo tần của những người phụ nữ như mẹ và như vợ của tôi. Hơn một năm mới được nằm trên chiếc giường nhà mình, tôi ngủ rất ngon. Vợ tôi bắp nhịp lại ngay với cuộc sống của người dân trong làng ra đồng làm từ rất sớm để tránh nắng. Dũng đánh thức tôi dậy, dắt bố đi rửa mặt rồi đưa vào nhà cầm tay người hỏng mắt đặt vào thành bát cháo. Hương sen theo gió vào nhà làm dịu đi cái nóng đã bắt đầu oi bức. Cháo lươn quê tôi có một sắc thái riêng. Hơn năm ở Hà Nội tôi rất nhớ món cháo này. Nhà mất điện, Dũng ngồi quạt cho bố ăn. Ngày mắt tôi còn sáng Dũng chỉ cao tới sống mũi của bố, bẵng đi hơn một năm hôm nay con cao hơn tôi cả cái đầu. Trẻ lớn nhanh quá, thằng út cũng đến vai anh cả nó rồi! Thằng hai đã cao bằng tôi. Bố hỏng mắt rồi, tương lai các con tôi sẽ như thế nào. Nghĩ đến các con cổ họng tôi nghẹn ứ không nuốt nổi miếng cháo. Quay sang Dũng tôi hỏi:
- Các em con đâu cả rồi?
- Hai đứa đến trường bố ạ!
- Con hôm nay không đi học sao?
- Lớp con nay học chính khóa vào buổi chiều bố ạ!
Mùi chè tươi tỏa ra từ căn bếp, Dũng vội chạy xuống bắc nước hay trốn những câu hỏi của tôi thì cũng không biết nữa. Mặt trời lên cao, chạy nắng ngoài đồng, láng giềng và một số người trong họ mới tới nhà tôi chơi thăm kẻ bệnh tật mới từ viện về. Nguyên nhân tôi bị hỏng mắt là một chuyện buồn cả nhà không ai muốn nói, cả xóm không ai muốn hỏi vì họ đã được nghe nói rồi: “Còn người là còn của, có phúc rồi sẽ có phần”, mọi người động viên tôi nhiều lắm, tựu chung lại thì cũng chỉ có một ý như thế. Mấy hôm, người tới chơi cũng thưa dần rồi vắng hẳn. Vợ tôi phải ra thị trấn làm công nhân để có tiền đóng học cho các con. Quê tôi khoai sắn nhiều nhưng bán không được bao nhiêu. Như thế nào thì cũng không thể để các con tôi bị thất học. Góp phần giúp đỡ con dâu, mẹ tôi suốt ngày ngoài đồng. Các con thì đi học, ở nhà một mình tôi khát thèm cuộc sống của một người bình thường đã đi qua. Buồn nhiều lắm khi nghe thấy Dũng bảo với bà nội: “Học hết lớp mười hai là cháu nghỉ ra thị trấn tuyển công nhân, khi nào có điều kiện học đại học sau”. Tôi sẽ không để Dũng phải chịu thiệt thòi như thế. Con là đứa hiểu chuyện, từ khi bố bị hỏng mắt, Dũng là người bạn gần gũi nhất của tôi. Hỏng mắt rồi mới thấy ánh sáng mặt trời là quý giá. Hạnh phúc biết bao khi mỗi ban mai lại thấy ánh mặt trời và được đi làm như tất cả mọi người. Ánh sáng giờ chỉ còn trong những giấc mơ, làm thế nào để đỡ gánh nặng cho mẹ và vợ là một bài toán khó mãi không nghĩ ra lời giải.
Tôi tự tập làm những việc trong nhà, tự tập đi ra ngõ. Hỏng mắt tôi cũng phải biết tự phục vụ bản thân mình. Nhiều người hỏng mắt làm được thì tôi cũng phải làm được. Mọi người ra đồng tôi cũng dậy sớm, tự chống gậy đi bộ quanh làng. Nắng mai vẫn ngọt ngào, gió vẫn rạo rực bao năm rồi vẫn thế. Nếu mắt sáng trở lại thì phải trả cái giá đắt mấy tôi cũng sẵn sàng. Thiếu ánh sáng mọi thứ khép lại rồi.
“Còn nước còn tát”, tôi nhờ con trai chụp bệnh án gửi vào email của các bác sĩ ở nước ngoài. Cả gia đình đều nuôi hi vọng một ngày mai tôi sẽ lại nhìn thấy nắng và ngọn núi xanh, thấy vòm trời xanh ngút đến vô tận, thấy ba đứa con đẹp trai hơn cả mình… Tôi sẽ làm tất cả vì hạnh phúc của các con. Mặc dù mẹ và vợ không đồng ý và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của tôi đã đủ tiêu chuẩn có thể cất sổ đợi đến ngày đủ tuổi nhận lương hưu, không có lương hưu tuổi già sẽ rất khổ, biết vậy nhưng tôi vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần lấy tiền sửa lại căn nhà ngoài thành phố và nhờ bạn bè tìm người thuê. Việc này không khó như tôi tưởng tượng, nhà sửa xong, hai hôm sau cậu bạn từng làm cùng phòng đã phóng xe máy về quê đón tôi đi kí hợp đồng. Thêm được số tiền nhỏ mỗi tháng đời sống gia đình cũng đỡ khó khăn hơn. Vợ tôi không phải làm tăng ca nửa đêm mới về tới nhà. Dũng học về không phải tranh thủ đi cuốc đất trồng rau. Mẹ tôi lại có thời gian nửa giờ lần tràng hạt niệm Phật mỗi ngày…
Quê tôi đất đai cỗi cằn, mùa hè nắng lửa, mùa thu mưa dầm, bão lũ… nhưng có tình yêu, con người vẫn bám đất giữ làng. Học xong đại học mẹ bắt tôi phải về quê làm việc và phải lấy gái làng làm vợ… Theo mẹ thì chỉ có người quê mới gắn bó với nhau cả trong lúc khó khăn. Giờ phải sống trong bóng tối mà tôi vẫn nhận được sự yêu thương của vợ mới thấy lời mẹ dạy không sai. Nghe đài nói hoàn cảnh người nọ kẻ kia, do bệnh tật đến bất ngờ vợ hoặc chồng không chịu đựng nổi bỏ ra đi mà thấy đau lòng. Nếu vợ tôi cũng như nhiều người khác thì gia đình sẽ ra sao? Vậy nên mỗi khi vợ mệt mỏi cáu gắt tôi thường nhường nhịn cho qua. Gia đình khốn khó mà không biết giữ thì hạnh phúc chẳng ấm êm. Tôi thương vợ phải gánh cả hai vai việc gia đình, nên rất siêng năng làm cái việc của thằng đàn ông trong nhà. Mà đó cũng là việc duy nhất hôm nay tôi còn làm được cho vợ.
Sức khỏe bình phục, bản năng của đàn ông trỗi dậy, nhưng vợ tôi chiều chồng một cách tẻ nhạt. Tôi nghi ngờ, nghĩ vợ có bồ. Tôi buồn rất nhiều nhưng phải tự nuốt hận vào trong cho yên cửa yên nhà, bởi tôi hiểu giờ mình đã trở thành kẻ yếu. Tức nước thì sẽ vỡ bờ lũ về không báo trước sẽ thiệt hại nhiều hơn. Tôi muốn tìm hiểu xem nghi ngờ của mình đúng hay sai nhưng khuyết tật không cho phép. Tôi muốn nói với vợ nhưng không thể mở miệng. Nếu vợ tôi thừa nhận, thì ba đứa con tôi sẽ ra sao? Tôi suy nghĩ mông lung suốt ngày đêm, tưởng tượng ra đủ thứ tình huống. Nếu không còn thằng chồng vô tích sự trong nhà thì vợ tôi sẽ được công khai đến với người mang lại cho mình hạnh phúc, ba đứa con sẽ có người cha dượng khỏe mạnh, giúp chúng được những việc mà tôi không làm được. Vợ chồng li hôn sẽ không có đứa con nào theo mẹ, mình mẹ tôi sao nuôi nổi một thằng con mù và ba đứa cháu, như vậy là việc học tập của chúng sẽ bị dang dở… Nếu con trai không còn, mẹ tôi sẽ cho phép chồng mới của con dâu về sống trong nhà này, gia đình sẽ có người đàn ông gánh vác việc nặng…. Nếu tôi âm thầm ra đi thì các con tôi liệu có được như suy nghĩ chủ quan của bố nó? Như thế nào thì tôi vẫn phải sống làm hạt nhân đoàn kết các con. Hỏng mắt tôi vẫn là chỗ dựa tinh thần của cả ba đứa. Có bài tập khó con tôi vẫn đọc cho bố nghe rồi cùng bàn luận cách giải. Tình địch của tôi thế nào mà khiến vợ tẻ nhạt với chồng. Hiểu rõ mẫu người lí tưởng của vợ tôi hình dung ra hắn là một kẻ cao to đẹp trai, tóc chải ngược, miệng thơm kẹo cao su… Hình bóng của tôi những năm hai mươi tuổi đi qua lâu lắm rồi, thời gian gần đây tôi đã quên mất việc chăm sóc bản thân mình: râu ria bờm xờm không cạo, nhiều hôm ngủ dậy quên cả đánh răng… Cả nhà chỉ có Dũng là năng nhắc nhở tôi phải vệ sinh cá nhân. Con mua kéo về tự cắt tóc cho bố. Mùa đông con đun nước nhắc tôi tắm rửa để cho cơ thể sạch sẽ, tránh các bệnh ngoài da. Dũng nói với tôi như một người bạn, học lớp mười hai con tôi đã thành người lớn rồi. Mặc dù được con trai nhắc nhở nhưng tôi vẫn quá dễ dãi với bản thân mình. Dũng bận học không quan tâm, tôi lại bỏ bê việc vệ sinh cá nhân. Người phụ nữ nào cũng rất sợ người chồng không thơm tho sạch sẽ. Chẳng phải ngày mắt còn sáng tôi đã từng phê bình mấy ông anh trong xóm về việc không chăm sóc bản thân đó sao? Hướng dẫn người khác rồi mà hôm nay tôi lại quên.
Mẹ tôi là người đầu tiên trong gia đình nhận thấy sự giày vò hiện lên gương mặt của con trai. Bà bí mật tìm hiểu rồi nói chuyện riêng với con dâu, cùng là phụ nữ vợ tôi đã nói với mẹ chồng điều khó bày tỏ của mình. Tất cả không phải như tôi nghĩ, vì quá tự ti mà tôi luôn nhận thức không đúng với sự việc. Vợ tôi hôm nào cũng vậy, đi làm về là ra đồng phụ mẹ tôi xới đất chăm cây, sáng dậy sớm mang rau ra chợ bán xong mới đi làm. Việc nhiều như thế sức đâu chiều thằng chồng ăn không ngồi rồi! Nghe vợ chia sẻ tôi mới nhận ra sự vô tâm của mình nhưng nằm bên vợ tôi không kiềm chế được bản năng của tự nhiên. Thương chồng vợ tôi vẫn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của mình. Như thế nào thì vợ tôi vẫn là người phụ nữ truyền thống thuần khiết luôn cam chịu nhận thiệt thòi về mình. Mỗi đêm qua đi tôi thấy vợ thêm mệt mỏi rã rời. Thông cảm với vợ, tôi tự tách ra ngủ với đứa con trai út. Chiến thắng bản thân mình thật khó, tôi vật vã chống lại bản năng.
Trằn trọc suốt đêm không ngủ được tôi đã nghe thấy tiếng chuông buổi sớm, từ ngôi chùa làng. Tôi nhờ con trai dắt tới chùa ngay hôm ấy. Thiền định của sư thầy truyền dạy đã giúp tôi khống chế được bản thân mình để người vợ có thời gian ngủ cho lại sức sau mỗi ngày lao động vất vả. Chẳng thể nào nói hết nỗi lòng của mình với người vợ thân yêu, dẫu trong tim bao giờ cũng tràn đầy nhung nhớ về những ngày mặn nồng đã đi qua. Mỗi ngày tới chùa là một ngày vui tôi như nhìn thấy quê hương trong hương thơm lúa, nồng nàn, trong vị ngọt ngào của chiếc kẹo cu đơ, trong nghĩa tình của câu hò Ví Dặm… Phải rồi bao đời nay làng quê tôi vẫn thế! Dãy núi Đại Huệ mùa nào cũng có ngọn ở trong mây. Người đi xa trở về nhìn thấy núi là biết đang đi trên đất quê nhà. Con trai lớn của tôi nhận giấy báo đỗ đại học từ ngôi trường bố nó là sinh viên thuở nào. Niềm vui nhen lên cùng với gánh nặng thêm nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Tiền thuê nhà trọ, tiền đóng học, tiền con tôi chi tiêu hàng ngày, tính sơ sơ cũng hơn số tiền thu được từ căn nhà cho thuê. Ra Hà Nội Dũng sẽ đi làm thêm, nhưng đầu tiên cũng phải có một khoản tiền mang đi.
Đỗ đại học có nghĩa là Dũng sẽ không còn phải cõng bầu trời trên cánh đồng làng và không còn phải làm công nhân đi sớm về muộn trong thị trấn heo hút. Mẹ tôi đón niềm vui cháu đỗ đại học như lúc bà cầm tờ giấy báo điểm của con trai ngày xưa. Con rồi lại cháu, gánh nặng của gia đình đè lên vai mẹ tôi khiến lưng bà đã còng xuống rồi! Cuối năm nay vợ tôi được tăng lương và tiền thuê nhà được tăng thêm chút nữa hi vọng là cuộc sống sẽ dễ thở hơn. Dũng ra Hà Nội được một tháng thì gia đình tôi lại nhận thêm một niềm vui mới. Muốn cho cả nhà bất ngờ Dũng trở về quê không báo trước. Con ôm lấy tôi khi đang chống gậy đi vào ngõ, ngửi mùi mồ hôi là tôi nhận ra Dũng ngay:
- Có việc gì mà con về đột ngột thế này?
- Chú Hải gửi biếu bố hai bộ quần áo mới để mặc đi chơi!
Hải là tên người bạn của tôi. Từ khi hỏng mắt tới hôm nay tôi chưa mua cho mình manh quần tấm áo mới nào. Vợ tôi sửa đồ các con không dùng nữa cho chồng mặc. Tôi hài lòng với những bộ đồ ấy, hỏng mắt đi đâu mà cần mặc đẹp. Trao quà cho tôi xong, Dũng chạy ngay ra đồng nơi mẹ và bà vẫn đang làm. Cơm chiều xong con tôi mới nói thông tin đặc biệt là: Có một bác sĩ người Mĩ đã nghiên cứu bệnh án của tôi và hồi âm rằng mắt tôi còn chữa được. Sau ca mổ thị lực sẽ phục hồi cao nhất được khoảng hai phần mười. Nhưng tôi phải bay sang Mĩ. Kèm theo kết luận bác sĩ gửi cả bảng dự toán cho ca mổ và chi phí của chuyến đi. Cơ hội được nhìn thấy màu xanh tràn nắng lại đến rồi, tôi không được phép để lỡ. Ông bác sĩ còn ghi chú mổ càng sớm thì kết quả thành công càng cao. Tôi sẽ bán căn nhà đang cho thuê lấy tiền sang Mĩ chữa mắt. Nhìn thấy là có tất cả, tôi sẽ quay về cuộc sống tươi đẹp của ngày xưa. Vợ tôi đồng quan điểm với chồng, các con tôi cũng hưởng ứng theo mẹ. Trong lúc cả gia đình tôi hồ hởi, mẹ tôi vẫn ngồi trên chiếc giường của mình lần tràng hạt niệm Phật. Khi niềm vui của cả nhà lắng xuống bà mới bảo đứa cháu trai:
- Dũng có thể chép lại toàn bộ những tờ giấy này bằng tiếng Việt giúp nội được không?
- Cháu làm được nhưng nội chép ra để làm gì? Chỗ nào chưa hiểu cháu dịch lại cho nội nghe!
- Nội già rồi, nghe một lần không hiểu đâu, cháu làm ngay sáng mai đưa lại cho nội.
Mắt sáng tôi lại được tự đi tới trường họp phụ huynh cho con, kiểm tra bài vở bảo ban chúng những chỗ sai. Mắt sáng, là niềm khao khát của tất cả những người khiếm thị đâu phải riêng tôi. Nhìn thấy một chút thôi vẫn còn hơn không? Có gì hạnh phúc bằng mỗi ngày được nhìn thấy gương mặt những người thân yêu của mình. Quan sát được cốc nước mình uống trong hay đục, buổi tối biết bật đèn hay chưa? Niềm vui đưa tôi vào giấc mơ đẹp tôi thấy mình cùng vợ và ba đứa con đi du lịch Cửa Lò. Tôi nhìn rõ mặt nước xanh trong và cả hòn đảo phủ kín cây cỏ phía ngoài. Ba đứa con tôi có khuôn mặt giống bố thời trẻ như tạc. Tôi tận mắt thấy chúng đang đùa vui với sóng biển. Tỉnh giấc, tôi trở về với hiện tại, bóng tối vẫn giam tôi trong khoảng không chật hẹp của mình. Nắng đã đi vào tới giữa nhà tôi nhận ra được bằng cái cọ vào làn da ran rát. Nhiều lắm là sáu tháng nữa thôi tôi sẽ bước ra khỏi cái không gian chật hẹp này để trở về với bầu trời cao rộng và tiếp tục đi làm để mẹ được nghỉ ngơi…
Hôm nay là một ngày vui. Nghĩ đến sư thầy mấy năm qua giúp tôi tu thiền để có cái tâm tĩnh tại, niềm vui này phải báo cho thầy biết. Thầy là người cha, người bạn luôn ở bên tôi những lúc khó khăn. Dũng đòi chở bố đi nhưng tôi không chịu. Bảo con ở nhà nấu cơm, tôi tự chống gậy ra chùa. Thời gian đã giúp tôi quen với những con đường quê lầm bụi đỏ. Mẹ tôi và vợ tôi vẫn đi làm như mọi ngày. Tới nơi, tôi mới biết mẹ đang nói chuyện với thầy trong nhà Tổ. Người làng tôi là thế, có chuyện vui tới chùa tạ ơn Đức Phật đã gia hộ, có việc khúc mắc thường tới chùa xin lời chỉ bảo của sư trụ trì. Tôi sẽ chữa khỏi mắt, chắc mẹ vui rất nhiều. Mẹ tôi kéo con ngồi xuống cạnh mình! Xin phép thầy xong mẹ dắt tôi lên chính điện lạy Phật rồi lại đưa con về nhà Tổ. Sư thầy vẫn ngồi ở chỗ cũ, tôi nghe thấy tiếng lật trang giấy trên tay ông: “Mọi việc trong cuộc sống đều có nguyên nhân. Sống chỉ suy nghĩ cho bản thân mình là ích kỉ”. Điều này trong suốt thời gian tu thiền tôi đã nghe thầy nói rất nhiều rồi!
Tôi thấy thái độ của mẹ rất khác. Để tôi ngồi lên chiếc ghế mây cạnh thầy, mẹ vòng ra phía sau sang chiếc ghế đối diện, bà mới nói:
- Mẹ định trưa về rồi nói chuyện với con, Đức Phật dẫn con tới đây rồi thì mẹ nói ngay! Con có dám chắc là bác sĩ mổ mắt cho con sẽ thành công không?
- Việc gì cũng có xác suất mẹ ạ, sao tuyệt đối được! Trong giấy bác sĩ ghi rõ cả rồi, cháu chưa dịch xong cho mẹ ạ!
- Mẹ đọc kĩ rồi mới mang đến đây nhờ thầy chỉ bảo thêm. Nếu ca mổ không thành công thì con mất trắng căn nhà đang cho thuê, tiền đâu cho các cháu ăn học?
Lời nói của mẹ như gáo nước lạnh đổ xuống đầu tôi! Trấn tĩnh lại tôi thấy mẹ nói đúng. Việc gì cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, nếu giờ tôi có khoản tiền trong sổ tiết kiệm không phải tiêu đến thì mang ra đánh bạc với số phận cũng không sao. Căn nhà ngoài thành phố là của chung 5 người chứ đâu phải riêng tôi. Ca mổ thành công đi nữa thì với thị lực như bác sĩ dự đoán thì tôi vẫn không phải là người bình thường, vẫn không trở lại công ty làm việc được như trước. Lương công nhân của vợ tôi, tiền bán mớ rau mỗi ngày của mẹ sao đủ nuôi ba đứa ăn học. Việc học tập của các con đứt gánh giữa đường tôi sẽ phải khổ tâm rất nhiều. Chút ánh sáng ít ỏi ấy cũng chỉ đủ giúp tôi làm việc vặt trong nhà. Không nhìn thấy tôi cũng làm được những việc đó rồi! Gia đình túng bấn không có tiền theo thuốc thì chút ánh sáng ít ỏi sẽ giữ được bao lâu? Bao đời nay người làng tôi vẫn dành điều kiện tốt nhất cho các con học thành tài, tôi không thể ích kỉ nghĩ riêng cho bản thân mình. Ba đứa con là tài sản quý nhất của vợ chồng tôi, cha hỏng mắt không có nghĩa là chúng phải chịu thiệt thòi về học tập. Mẹ đã hi sinh tất cả cho tôi tại sao tôi không thể hi sinh cho các con?
Thấy bố về muộn hai anh em Dũng đạp xe đi đón. Người bình thường mắt mờ chân chậm cũng phải nương tựa vào các con. Ai rồi cũng phải già. Các con học hành thành đạt kinh tế khá sẽ có điều kiện quan tâm đến bố mẹ nhiều hơn. Về tới nhà tôi bảo con đưa hết giấy tờ của bác sĩ cho mình. Tự tay tôi bật lửa đốt trước bàn thờ tổ tiên. Hai đứa bé không hiểu chuyện cứ hỏi tại sao? Thằng lớn ôm tôi khóc. Vợ tôi bảo Dũng: “Con trai lớn rồi phải mạnh mẽ, việc nhỏ không được để lộ cảm xúc, còn làm gương cho các em”. Mẹ tôi nhắc hai đứa nhỏ:
- Cả nhà về rồi, dọn cơm đi nội đói lắm rồi!
- Cháu cũng đói rồi nội ạ! Nội ăn cơm cháu nấu theo kiểu Hà Nội xem có ngon không nhé!
Nói rồi, Dũng buông tôi chạy đi phụ giúp các em dọn cơm. Hỏng mắt không phải là mọi việc sẽ khép lại. Sau ngày đáng nhớ ấy, tôi đã đi học nghề mát sa và làm nghề ngay tại quê nhà. Thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ đóng học cho một đứa con. Tôi hi vọng ngày mai các con tôi sẽ là những người thành đạt. Nghĩ về việc hôm nay chúng sẽ càng yêu thương bố nhiều hơn.
Lê Trung Cường
4 đã tặng
2
1
1
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Lê Tuấn anh9****@gmail.com
Sắp đến ngày Quốc tế người khuyết tật. Cảm ơn tạp chí đã đặng truyện về người khiếm khuyết.
Toan havu****@gmail.com
Con tôi cũng bị hỏng mắt. Tôi mong ngày mai con có được gia đình riêng.