Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:38 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Trò chuyện với người chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Ông Lê Trọng Hiệp, người thứ hai, hàng thứ hai từ phải sang (Bức ảnh do chuyên gia Trung Quốc chụp)
Ông Lê Trọng Hiệp, người thứ hai, hàng thứ hai từ phải sang (Bức ảnh do chuyên gia Trung Quốc chụp)

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang giá trị và tầm vóc thời đại, đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thế kỷ XX. Sự kiện đó cũng đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.

70 năm đã trôi qua, những người làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhiều người đã về với tiên tổ, hoặc ở tuổi xưa nay hiếm. Một trong những chiến sĩ Điện Biên năm xưa chúng tôi may mắn được gặp là ông Lê Trọng Hiệp, năm nay 91 tuổi, nguyên là kỹ sư Nhà máy Luyện Gang, hiện sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hưu trí Gang thép và sinh sống tại phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên. Ông cũng là một trong 10 công nhân tiêu biểu của Khu Gang thép được chọn đón Bác Hồ về thăm ngày 1/1/1964.

Ký ức một thời hào hùng

Ông Lê Trọng Hiệp sinh năm 1933, tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội). Ông nhập ngũ năm 1950, tham gia chiến dịch Tây Bắc giải phóng Nghĩa Lộ, sau đó làm việc tại Xưởng quân giới Quân đội đóng tại Đầm Hồng, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Cuối năm 1953, ông được điều động phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1958 ông phục viên đi học Trường trung cấp Kỹ thuật 1 Hà Nội và vào làm công nhân Gang thép.

Ngôi nhà của ông Hiệp giản dị, khiêm nhường bên đường Lưu Nhân Chú. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe không được tốt, nhưng trò chuyện về những năm tháng đã qua, ông như trẻ lại, ánh mắt lấp lánh sáng và nụ cười luôn nở trên môi. Bằng chất giọng hào sảng, ông cho biết: Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt. Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc. Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị trực tiếp làm Bí thư Đảng uỷ và Chỉ huy trưởng mặt trận. Chính phủ quyết định tổ chức Hội đồng cung cấp Mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

Ông Lê Trọng Hiệp
Cựu chiến binh Lê Trọng Hiệp

Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Hàng trăm ngàn dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy chỉ đạo tập trung cao độ sức người, sức của cho chiến dịch.

Giữa thời điểm khẩn trương đó, ông Lê Trọng Hiệp được điều động đến công tác tại Trạm trung chuyển, vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đinh Đức Thiện, Cục trưởng Cục vận tải – Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại đội ông có 10 xe ô tô làm nhiệm vụ vận tải, bảo vệ hàng từ binh trạm 31 đến binh trạm 62.

Để chi viện cho chiến dịch, Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức một mạng lưới vận tải gồm 3 tuyến chính: Tuyến từ Việt Bắc, tuyến từ Liên khu 3, Liên khu 4, cả 3 tuyến hướng lên Điện Biên Phủ đều phải qua Ngã ba Cò Nòi. Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Đường 13 (nay là Quốc lộ 37) và Đường 41 (nay là Quốc lộ 6) thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tại cung đường này, Pháp tập trung không quân đánh phá, có ngày chúng ném xuống đây hàng trăm quả bom phá, bom nổ chậm, bom na-pan, bom bướm. Các trọng điểm khác như đèo Lũng Lô, Tạ Khoa, Pha Đin... cũng bị máy bay Pháp oanh tạc dữ dội.

Ông Lê Trọng Hiệp trong buổi trò chuyện cùng tác giả
Ông Lê Trọng Hiệp trong buổi trò chuyện cùng tác giả

Mỗi chuyến hàng lên Điện Biên, ông mang súng trước ngực bám vào cửa xe ô tô, vừa quan sát máy bay địch, vừa sẵn sàng chiến đấu với bọn biệt kích, thổ phỉ. Một buổi sáng, chiếc xe đi đầu của ông phát hiện mấy tảng đá nằm giữa đường. Tối hôm trước từ Điện Biên về ông không thấy. Linh cảm bị địch phục kích, hoặc chúng đặt mìn, ông phát tín hiệu cho các xe sau dừng lại, triển khai đội hình truy kích. Không có công binh xử lý, nếu máy bay địch ném bom hậu quả sẽ khôn lường. Ông đề xuất đào một hố bên cạnh, chặt hai cây mai dài bẩy tảng đá xuống. Tảng đá vừa được bẩy thì mìn phát nổ. Rất may không ai bị thương vong và ta kịp thời giải phóng đoàn xe.

Không chỉ vận tải vũ khí, đạn dược, lương thực và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho mặt trận, đơn vị ông còn vận chuyển thương binh từ Điện Biên về tuyến sau. Máy bay địch liên tục đánh phá, biệt kích đêm ngày rình rập. Mỗi chuyến xe thực hiện nhiệm vụ đều vô cùng gian nan. Có lần đoàn xe tới gần một binh trạm thì một chiếc bị hỏng làm cả đoàn buộc phải dừng lại. Chỉ huy liên hệ binh trạm gọi điện báo cáo cấp trên. Một lúc sau đồng chí Đinh Đức Thiện đi xe con tới. Sau khi xem xét, đồng chí cho dỡ hàng, huy động sức người đẩy xe xuống vực. Đồng chí nói “Mặt trận chờ đợi từng viên đạn, không nhanh chóng giải phóng đoàn xe, quân Pháp trút bom ta sẽ mất tất cả”.

Đường chiến dịch gập ghềnh dốc núi. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã đổ xuống những nơi “túi bom, cửa tử”, góp phần viết nên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử. Giải phóng Điện Biên, ông cùng đồng đội vào cứ điểm thu dọn chiến trường, sàng lọc, vũ khí, đạn dược, các phương tiện quân sự thu được của địch chuyển về nơi tập kết…

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, phần lớn bộ đội, trong đó có ông, trình độ văn hóa đều rất thấp, chủ yếu học bổ túc trong quân đội. Trường Trung cấp Kỹ thuật 1 Hà Nội khóa đầu tiên tuyển sinh 800 người, trong khi hàng vạn người trên khắp miền Bắc dự thi. Để trúng tuyển, trước đó ông đã phải nỗ lực học tập và ôn luyện rất nhiều.

Từ hào khí Điện Biên đến tinh thần thép

Năm 1959, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định chọn Thái Nguyên làm địa điểm xây dựng Khu công nghiệp Gang thép - đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Hơn 1,5 vạn người (trong đó có tới 97% là bộ đội chuyển ngành với nhiều đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ) về tập trung san đồi, bạt núi thi công công trình.

Ông Lê Trọng Hiệp chụp khi làm kỷ niệm chương Chiến sĩ Điện Biên
Ông Lê Trọng Hiệp chụp khi làm kỷ niệm chương Chiến sĩ Điện Biên

Ông Đinh Đức Thiện, Chỉ huy trưởng công trường, người chỉ huy của ôngLê Trọng Hiệp tại mặt trận mỗi lần gặp đều trò chuyện cởi mở, thân tình, căn dặn ông phải giữ vững bản chất người lính và hào khí Điện Biên, xây dựng tinh thần thép trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Được rèn luyện trưởng thành trong môi trường quân đội, từng đối mặt với đạn bom trên mặt trận, bằng niềm tin yêu cuộc sống, ông luôn nỗ lựcphấn đấu để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và vinh dự, tự hào được thay mặt đội ngũ công nhân Gang thép đón Bác Hồ.

Từ nhiệt huyết cống hiến, ông học lên đại học, trở thành kỹ sư luyện kim phục vụ sản xuất của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Trong cuộc chiến đấu chống máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, ông là Đại đội trưởng tự vệ bảo vệ bầu trời Khu Gang thép. Nhiều lần trò chuyện với các chiến sĩ tự vệ dưới quyền ông ngày đó, các bác cho biết: “Ông Hiệp “lỳ” lắm. Đại đội chỉ có pháo 12ly7 và súng trường, bắn rơi máy bay là không thể. Ông ra lệnh khi máy bay bổ nhào xuống ném bom mới được nổ súng, uy hiếp bằng lưới đạn để chúng sợ, thả bom không trúng nhà máy. Mũ sắt ông Hiệp đội “dính” hai viên bom bi nhưng đầu không hề hấn gì”.

Năm tháng đã lùi xa, kỷ niệm đón Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên năm xưa của ông Lê Trọng Hiệp vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Ông kể lại: Ngày 31/1/1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về làm việc với lãnh đạo Công trường Khu Gang thép. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Công trường phấn đấu khoảng cuối năm 1963 hoặc đầu năm 1964 đưa lò cao số 1 vào sản xuất thuận lợi, vững chắc.

Từ tháng 3/1963, Ban Chỉ huy Công trường mở Chiến dịch “7 thông” (thông điện, thông nước, thông khí, thông hơi, thông gió, thông điện tín, thông vận chuyển), huy động khả năng của toàn Công trường vào công trình trọng điểm. Chỉ huy sở của Chiến dịch đặt gần lò cao. Cán bộ làm việc ngày đêm tại hiện trường. Trong 4 tháng cuối của Chiến dịch, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Công trường Đinh Đức Thiện hầu như ngày nào cũng có mặt, trực tiếp tham gia điều độ và chỉ huy thi công, giải quyết kịp thời tất cả những khâu then chốt. Cán bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, cán bộ kỹ thuật… đều ra hiện trường, theo sát chỉ đạo, hỗ trợ và động viên các đơn vị thi công…

8 giờ 30 phút ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 rực rỡ ra lò trong tiếng còi báo tin vui, trong tiếng hoan hô náo nức của cán bộ công nhân. Ngày 20/12/1963, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp cắt băng khánh thành lò cao số 1.

Thời gian đó, ông Lê Trong Hiệp làm việc tại phòng Kiểm tra kỹ thuật Công ty. Theo phương án tổ chức sản xuất của Đoàn chuyên gia Trung Quốc, toàn bộ khâu kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm gang đều do Công ty quản lý, giám sát. Biên chế nhân lực tại phòng Kiểm tra kỹ thuật Công ty, nhưng các ca sản xuất cán bộ làm việc trực tiếp tại nhà máy.

Khoảng 9 giờ ngày 1/1/1964, sau khi nói chuyện với đồng bào và chiến sĩ tại sân vận động thành phố Thái Nguyên, Bác Hồ về thăm Gang thép. Xe vừa dừng, một cụ già trong xe bước ra trông quắc thước, râu tóc bạc phơ tươi cười vẫy chào mọi người. Nhận ra Bác, mọi người hò reo lớn “Bác Hồ” và ùa ra đón Bác. Bác mặc áo nâu, khoác đại cán ka ki bốn túi màu hơi vàng, đôi mũ cát, đi dép cao su, tất chân màu cỏ úa. Vẫy tay chào một lát, Bác ngồi bệt xuống hè cửa Nhà Hóa nghiệm của Nhà máy Luyện Gang bên cán bộ công nhân. Bác hỏi thăm tình hình sản xuất của công trường, tình hình học tập, đời sống.

Mở đầu, Bác ân cần niềm nở: “Các cô các chú thế nào, sản xuất tốt chứ, vui vẻ chứ?” Tất cả đồng thanh “Vâng ạ!” và vỗ tay. Bác nói chuyện ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Ông Hiệp ngồi gần chú ý lắng nghe và ngắm Bác. Khoảng 40 phút sau, Bác lên lò cao xem ra gang và hỏi thăm, chụp ảnh lưu niệm với công nhân trên sàn đúc. Từ lò cao số 1, Bác xuống vẫy chào mọi người và lên xe tới thăm các địa điểm khác.

Mấy hôm sau vào phòng chuyên gia, ông Hiệp thấy có tập ảnh chụp Bác Hồ thăm Gang thép trên bàn. Thời kỳ ấy chuyên gia Trung Quốc một số người được trang bị máy ảnh. Qua người phiên dịch, biết ông Hiệp có mặt ngồi nghe Bác nói chuyện, người chuyên gia bày tỏ vui mừng và trao tặng ông bức ảnh tự tay chụp.

Từ bấy đến nay, ông trân trọng gìn giữ bức ảnh, bởi đó là kỷ vật trong cuộc đời. Ca sản xuất gang đặc biệt ấy, mãi sau này ông mới biết, danh sách công nhân có mặt đã được Công ty chuẩn bị kỹ. Ông được lựa chọn, bố trí đi ca đón Bác tới thăm lò cao số 1, trong đoàn 10 Chiến sĩ thi đua của công trường.

Năm 2002, ông cùng một số đại biểu về thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng và vinh dự được đại diện đoàn trao tặng Đại tướng bức tranh sơn mài.

Ông Lê Trọng Hiệp thay mặt đoàn cựu chiến Binh tặng Đại Tướng Võ NGuyên Giáp bức tranh sơn mài
Ông Lê Trọng Hiệp thay mặt đoàn Cựu chiến binh tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bức tranh sơn mài

Kỷ vật Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông vẫn giữ chiếc ca sắt tráng men do Triều Tiên sản xuất, chiếc ca ấy Bác Hồ tặng các chiến sĩ Điện Biên. Vài bảo tàng xin trưng bày ông vẫn cân nhắc vì muốn lưu lại kỷ niệm.

Về nghỉ chế độ, ông Lê Trọng Hiệp sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh của phường Cam Giá, tích cực tham gia các hoạt động và miệt mài làm thơ. Đến nay ông đã sáng tác được hàng trăm bài. Trong không khí hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đọc cho tôi nghe bài thơ về chiếc ca tráng men Bác Hồ tặng: “Âm vang Điện Biên thời đã xa/ Nhớ ngày chiến sĩ được tặng quà/ Phần thưởng Bác trao ca quyết thắng/ Ca men đẹp mãi mãi trong ta…”. Và những câu thơ viết về đường ra trận năm ấy: “Màn sương che bóng quân đi/ Dân công bộ đội tiến về tiền phương…”

Kỷ vật Bác Hồ tặng ông Hiệp vẫn giữ
Kỷ vật Bác Hồ tặng ông Hiệp vẫn giữ

Con người bình dị của một thời “cả nước cùng ra trận” và bạt núi, san đồi thắp lên màu hoa thép giờ đã như lá thu trong mùa quả chín. Nhưng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng từ trái tim của ông, cũng như bao người đương thời khác, tôi tin sẽ tiếp tục được truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phan Thái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy