Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 21: Chưa nổi bật bản sắc văn hóa vùng miền
Khai mạc vào ngày 25/8/2016 tại tỉnh Lai Châu, triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 21, năm 2016 đã có trên 400 tác phẩm của hơn 300 tác giả tham dự, trong đó có 223 tác phẩm của 207 tác giả được lựa chọn để trưng bày, gồm đủ các loại hình như: hội họa, đồ họa, điêu khắc. Chất liệu phổ biến nhất vẫn là sơn dầu, acrylic, lụa, và khắc gỗ. Lần đầu đăng cai tổ chức triển lãm, mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, không gian trưng bày, kinh nghiệm, nhân lực…, tuy vậy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thường trực UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và thành viên trong Ban Tổ chức, mọi việc đã được thực hiện, hoàn thành suôn sẻ. Được biết, Hội VHNT tỉnh Lai Châu đã huy động nguồn lực giáo viên mỹ thuật ở các huyện về giúp sức cho triển lãm. Đây là việc làm rất năng động mà nhiều tỉnh chưa nghĩ tới.
“Huyền thoại chợ phiên” của Hoàng Văn Điểm (Lạng Sơn)
Triển lãm lần này có gần 40 tác phẩm đồ họa, trong đó có trên chục bức mộc bản. Có nhiều tác phẩm được khắc rất tinh vi, kỹ thuật tốt, cách tạo hình đẹp, được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao như “Xuân về trên bản Há Hơ” của Trần Thị Thu Hiền (Tuyên Quang); “Phố núi” của Nguyễn Mạnh Tuấn (Vĩnh Phúc); “Chọn vải” của Mai Thanh Hưng (Điện Biên); “Một góc phố cổ” của Trần Hữu Đại (Hà Giang)… Song có nhiều tác giả, tên tranh lại đề chất liệu là khắc gỗ. Có những bức khi xem gần thấy lộ rõ đây là bản khắc của tranh khắc gỗ (âm bản), bởi vì hình ảnh ngược, nhưng khi in bị lỗi nên mực in vẫn nhòe trên bản khắc, chữ ký ngược. Nếu họa sỹ lấy mộc bản làm tác phẩm chính thì hình ảnh, họa tiết trong tranh nên để thuận chiều như tranh (dương bản).
Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 9 tác phẩm để xét giải thưởng. Lạng Sơn là tỉnh lần đầu tiên đạt giải thưởng, cũng là giải cao nhất của triển lãm khu vực 2016, với tác phẩm sơn dầu bộ ba tranh “Huyền thoại chợ phiên” của họa sỹ Hoàng Văn Điểm; giải B thuộc về tác phẩm sơn mài “Chơi quay” của họa sỹ Nguyễn Văn Tơn (Bắc Giang); giải C thuộc về tác phẩm sơn mài “Góc khuất” của họa sỹ Nguyễn Hùng Cường (Lai Châu); 6 giải Khuyến khích thuộc về tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái. Có hơn 10 tác phẩm của các tác giả chưa là đối tượng xét giải, được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Đề tài về chợ đã có rất nhiều họa sỹ thể hiện thành công, với “Huyền thoại chợ phiên” của họa sỹ Hoàng Văn Điểm (Lạng Sơn) đã gợi cho người xem một cảm xúc về sự lặng lẽ ở phiên chợ miền núi. Những tiếng cười nói thường chỉ tập trung vào nơi ăn uống, còn với người bán hàng thì họ yên lặng, chờ đợi và chịu đựng sự vất vả, có người mua hàng hay không có, họ vẫn kiên trì lặng lẽ… Hoàng Văn Điểm đã nắm bắt được tứ ấy, đã chia chủ đề thành ba không gian khác nhau, cho người xem thấy cả một khu chợ phiên miền núi nhiều màu sắc, tâm trạng.
Đánh giá về chất lượng triển lãm, Họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Mặt bằng chung thì về chất lượng nghệ thuật đã được nâng lên rõ rệt, xóa nhòa ranh giới trình độ giữa các tỉnh trong khu vực. Các tác phẩm mỹ thuật đã phần nào khắc phục được những nhược điểm như chú trọng yếu tố duy mỹ, xa rời hiện thực xã hội…. Trong thời kỳ đổi mới, mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc đã có bước phát triển của nền mỹ thuật hiện đại, có sự đổi mới của các loại hình mỹ thuật, hình thành đội ngũ họa sỹ tạo hình trẻ, đa dạng các phong cách nghệ thuật…
“Chọn vải” - khắc gỗ của Mai Thanh Hưng (Điện Biên)
Nói về giải thưởng năm nay, họa sĩ Lê Huy Tiếp, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa, nhận xét: Năm nay việc chấm giải đã có nhiều đổi mới trong cách nhìn nhận, đánh giá, động viên rất nhiều tới các họa sỹ trẻ thử sức, tìm tòi với những đề tài mới, mang tính xã hội hơn. Tuy vậy, vẫn chưa có tác phẩm lớn, độc đáo, chưa khai thác các đề tài mang tính xã hội mà vẫn chỉ là các đề tài quen thuộc như: chân dung, phong cảnh, chợ, góc bếp, góc nhà sàn.v.v.
Triển lãm có những tác phẩm gỗ khắc để nguyên tấm không in ra giấy như: “Xuân về trên bản Há Hơ” của Trần Thị Thu Hiền (Tuyên Quang), “Phố núi” của Nguyễn Mạnh Tuấn (Vĩnh Phúc); “Chợ ven đê” của Lê Quang Thái (Thái Nguyên)..., theo họa sỹ Lê Huy Tiếp thì: suy cho cùng đây chưa phải là tranh đồ họa, vì tranh đồ họa khắc gỗ phải được in ra giấy, quá trình in mới biểu hiện hết kỹ thuật của tranh khắc gỗ. Nếu chỉ khắc mà không in thì họa sỹ mới thực hiện được một nửa công việc của làm tranh đồ họa mà thôi. Còn gọi là tranh “mộc bản” thì chưa đúng, có thể căn cứ vào hình thức kỹ thuật tạm gọi là “gỗ khắc”. Thực tế thể loại này có nhiều tác phẩm được khắc rất tinh vi, kỹ thuật tốt, cách tạo hình đẹp, và Hội đồng Nghệ thuật đã từng xếp giải Khuyến khích như tác phẩm “Chợ ven đê” của họa sỹ Lê Quang Thái. Song Hội đồng Nghệ thuật vẫn còn băn khoăn, có lẽ cần phải bàn kỹ hơn, xem xét lại cách gọi, rất có thể sẽ tách thành thể loại mới, tên gọi mới. Tuy nhiên, cũng không khuyến khích họa sỹ làm thể loại này, bước đầu có thể là mới lạ, nhưng rất dễ gây nhàm chán, độ bền không cao, dễ biến dạng khi thời tiết thay đổi, khó khăn khi vận chuyển.
Đạt được những thành công nhất định, song nhìn nhận một cách thẳng thắn, khách quan, thì triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc lần thứ 21 thực sự thiếu vắng tác phẩm lớn. Họa sỹ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên hội đồng nghệ thuật cho rằng: Việt Bắc - Tây Bắc có rất nhiều đặc thù riêng biệt khác với khu vực khác mà các họa sỹ vẫn chưa biết khai thác hay khai thác chưa trúng, đặc biệt là yếu tố tâm linh. Vì vậy, các tác phẩm tham dự triển lãm nhiều năm nay vẫn còn chung chung, chưa nổi bật bản sắc Tây Bắc - Việt Bắc. Khắc phục hạn chế này, thiết nghĩ không còn cách nào khác là các họa sĩ cần phải đi thực tế nhiều hơn, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của Việt Bắc -Tây Bắc sâu rộng hơn nữa.
BTC trao tặng phẩm cho các tác giả có tác phẩm được giới thiệu dự giải thưởng của UBTQ LH các Hội VHNT Việt Nam - Ảnh: Triệu Doanh
Mặc dù Hội đồng nghệ thuật có chọn lựa và xếp được các giải A, B, C, nhưng dường như cũng chỉ là xếp giải theo khu vực của năm đó, theo cách hiểu dân dã là: “so bó đũa chọn cột cờ”. Nếu tác phẩm đạt giải A của năm nay mà so với các giải năm khác thì chưa chắc đã đạt. Dĩ nhiên việc so sánh bao giờ cũng là khập khiễng, song việc đánh giá tác phẩm mỹ thuật còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó không ngoại trừ quan điểm của hội đồng nghệ thuật. Theo ý kiến của nhiều họa sỹ: một tác phẩm mỹ thuật khó có thể vừa lòng tất cả mọi người. Bởi mỹ thuật là ngành nghệ thuật khá trừu tượng, khó có thể đưa ra một chuẩn mực chung về thẩm mỹ. Một tác phẩm được đưa ra triển lãm mà không nhận được một lời khen chê nào cũng là một thất bại.
Riêng về tỉnh Thái Nguyên, năm nay có 30 tác phẩm của 22 tác giả, được chọn trưng bày 17 tác phẩm của 17 tác giả, trong đó có 5 tác giả là hội viên trung ương. So về số lượng, Thái Nguyên đứng sau Vĩnh Phúc và Yên Bái. Các tác phẩm tham dự đợt này chất lượng khá đồng đều, phong phú về chất liệu như: thể loại hội họa có tranh sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa; đồ họa có khắc gỗ màu và in mộc bản. Nhìn tổng quan chất liệu khắc gỗ và mộc bản của đồ họa Thái Nguyên vẫn chiếm ưu thế hơn các thể loại khác. Ngoài giải Khuyến khích với tác phẩm mộc bản “Chợ ven đê” của họa sỹ Lê Quang Thái, thì tranh khắc gỗ màu “Vật nuôi” của Nguyễn Duy Nhiếp đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiệm thu tài trợ năm 2016; ba họa phẩm sơn dầu “Người giữ lửa” của Hoàng Minh Đức, “Đêm chợ tình Khau Vai” của Trần Quang Tú và “Ngõ chợ quê tôi” của Nguyễn Quang Minh đã được Hội đồng Nghệ thuật giới thiệu dự giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Gia Bảy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...