Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
18:07 (GMT +7)

Trăn trở văn xuôi về đề tài công nhân

Trong nền văn học đa dạng phong phú của Thái Nguyên đầu thế kỷ XXI (2002 - 2022), vắng bóng các tác phẩm phản ánh sự phát triển của giai cấp công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò… Những cây bút “chủ công” của Thái Nguyên dường như chưa tâm huyết với mảng đề tài “ngồn ngộn” tư liệu quý này. Điều đó phải chăng là “báo động đỏ” về thực trạng nan giải của văn học Thái Nguyên trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế?... 

“Đôi ngọn đèn” tỏa sáng…

Từ trong sâu thẳm, người dân Thái Nguyên nói chung, giai cấp công nhân nói riêng thầm tự hào, bởi Thái Nguyên là nơi ngành khai thác than có từ lâu đời. Đặc biệt, Thái Nguyên là “chiếc nôi” của ngành Luyện kim - Cánh chim đầu đàn nền công nghiệp nặng của Tổ quốc. Cũng từ đó, trong tiềm thức người dân phấn chấn, tự hào gọi Thái Nguyên là “Thành phố thép”.

Công cuộc đổi mới của đất nước đã trải qua chặng đường 36 năm (1986 - 2022). Thái Nguyên tiến hành công cuộc đổi mới với nhiều bứt phá, sáng tạo trên các lĩnh vực. Thái Nguyên có nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty quốc doanh liên doanh, các tập đoàn nước ngoài đầu tư trong ngành công nghiệp (điển hình là Sam Sung)… ở đó, người công nhân đã và đang ngày đêm cần mẫn làm ra nhiều sản phẩm, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh trên các lĩnh vực. Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, Thái Nguyên tiên phong trong lộ trình “số hóa” trên các lĩnh vực. Điều đó khẳng định Thái Nguyên đã và đang vươn tầm mạnh mẽ trong thời đại công nghiệp 4.0.

Sự phát triển vươn tầm cao của Thái Nguyên trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội… đã và đang là “điểm nhấn” nổi bật, tạo nên bức tranh toàn cảnh tươi đẹp, tràn đầy niềm tin, hy vọng. Tuy nhiên, nền văn học của Thái Nguyên đã phản ánh nhanh nhạy, kịp thời sự phát triển hay chưa là một vấn đề cần thẳng thắn tranh luận! Đặc biệt, trong 20 năm đầu thế kỷ XXI (2002 - 2022) văn xuôi đề tài công nhân nằm ở đâu trong lộ trình đời sống văn học Thái Nguyên?20 năm một chặng đường khá dài, hình ảnh của người công nhân trong văn xuôi Thái Nguyên trống vắng. Đội ngũ các tác giả đã và đang cầm bút sáng tác ở Thái Nguyên, “đếm đi, điểm lại” tựa như “đãi cát tìm vàng” có 2 tác giả tâm huyết với mảng đề tài được cho là “khó có sức hút”: Nhà văn Nguyễn Văn (tên thật Nguyễn Văn Thởn) và nhà văn Phan Thái. Đây là hai nhà văn được ví như “Đôi ngọn đèn tỏa sáng” viết về đề tài công nghiệp - công nhân. Hai tác giả mỗi người một cách viết khác nhau, tuy nhiên, có điểm chung đó là tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống của người công nhân trong thời đại mới. 

Nhà văn Nguyễn Văn

Niềm tự hào của người thợ trong “Danh gia đất mỏ”

Nhà văn Nguyễn Văn, giờ ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn đam mê với từng con chữ, trang văn. Trong cuộc đời sáng tác, ông trung thành, tâm huyết và yêu đề tài “văn học công nhân”. Phải chăng chính xuất thân từ người thợ lao động mỏ, sau này đi học và làm công tác công đoàn ở Liên đoàn lao động tỉnh Thái Nguyên đã tạo dựng nên tên tuổi ông gắn liền với đề tài này?

Như một người có “duyên thầm”, nhà văn Nguyễn Văn không ồn ào, không vội vã, kiên trì, lặng lẽ viết, tự xác định cho mình một hướng đi riêng. Từ những truyện ngắn sáng tác như: “Thủy - Truyện ngắn đạt giải 3 trong Cuộc vận động sáng tác về ngành giao thông vận tải viết về những người công nhân mở đường. Truyện ngắn “Lời thề khoáng sản”; “Chuyện ở suối tiên”… cho đến sức bật lớn khi ông sáng tác liền hai tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ” (năm 2015) và  “Lộ diện” (năm 2021) thì phải khẳng định, chính đề tài công nhân đã đưa tên tuổi ông vươn tầm mới trên văn đàn Thái Nguyên.

Bằng sự chiêm nghiệm thực tế, tư duy sâu sắc của người thợ trải qua nhiều thăng trầm lịch sử trong đời sống công nhân vùng mỏ thế kỷ 20, với lối viết chỉn chu, chặt chẽ, cẩn trọng… nhà văn Nguyễn Văn sáng tác tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ” biên độ rộng về không gian, thời gian. Thông qua gia đình, biến cố của dòng họ Lê Duy “4 đời làm thợ” trong ngành công nghiệp khai thác than, đã phản ánh trực diện, khách quan cuộc sống lao động, niềm tự hào của những người thợ gắn bó cuộc đời và dòng họ gắn với lịch sử, sự phát triển ngành khai thác than. Cảm xúc, tư duy của tác giả phát triển về bề rộng và sâu khi để nhân vật thể hiện niềm tự hào của giai cấp công nhân: “Ông nhận ra, tình cảm của người thợ mỏ dành cho gia đình Lê Duy vẫn đầy đặn như xưa. Mấy chục năm trước, ông đã từng được ngồi trên ghế danh dự dành cho công nhân nhiều đời trong những cuộc hội họp quan trọng của mỏ.Ông cũng đã từng có mặt trong đoàn đại biểu công nhân đi chào mừng đại hội lớn của tỉnh. Ông được kết nạp Đoàn Thanh niên và sau đó được kết nạp Đảng cũng chính trên mảnh đất này…

Qua suy tưởng và “cầu nối” giữa các thế hệ trong dòng họ Lê Duy của nhân vật chính, ông Lê Duy Hào - một người có chí khí, tinh thần thẳng thắn, bộc trực, hội tụ những nét đẹp hồn hậu, chất phác của giai cấp công nhân đương đại, khi thì ông hồi tưởng về quá khứ, lúc trong đương thì chứng kiến những người công nhân mỏ từ khai thác thủ công, đến tiến lên cơ giới hóa máy móc, lồng ghép trong lịch sử đất nước từ thời bao cấp đến cơ chế thị trường… đã có nhiều biến cố xảy ra, tác động trực tiếp đến cuộc sống khó khăn, vất vả của công nhân. Vậy thì điều đặt ra, niềm tự hào “đời nọ nối đời kia” của người công nhân mỏ có còn được duy trì phát triển hay sẽ chuyển đổi?

Trong 300 trang tiểu thuyết, tác giả thẳng thắn nêu bật suy nghĩ về vai trò tiên phong, đi đầu của giai cấp công nhân Việt Nam qua các thời kỳ, đồng thời đau đáu, trăn trở xót xa, đồng cảm với sự thiệt thòi trong giai đoạn chuyển đổi sản xuất, người công nhân mỏ thời điểm đó chấp nhận “vòng quay lịch sử xã hội”, chuyển công việc không đúng chuyên môn, hoặc nghỉ một cục do biên chế dư thừa. Trong thời khắc khó khăn, công nhân ngành than mất việc, phải bươn bả giữa cơn lốc xoáy thị trường, duy trì ổn định cuộc sống gia đình…Giữa thách thức như vậy, nhưng vượt lên tất cả, những người công nhân ngành than vẫn gắn bó, thủy chung với vùng mỏ, nêu cao chí khí truyền thống người thợ, vượt qua khó khăn, trắc trở, vươn lên kiêu hãnh trong cuộc sống.

Trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Văn đã đẩy mâu thuẫn xã hội lên cao trong cuộc đấu tranh dòng họ Lê Duy. Nhân vật chính diện ông Lê Duy Hào và nhân vật phản diện ông Lê Duy Đông - em trai của ông Hào. Từng tình tiết hấp dẫn đã phản ánh sâu sắc cấu trúc xã hội giữa trái và phải, tốt và xấu đan xen, song hành. Tuy nhiên, điều tác giả mong muốn, thông qua từng trang tiểu thuyết, phản ánh về sự vật, hiện tượng của một bộ phận người “lãnh đạo lên chức lên quyền, đi bằng con đường chạy chọt”. Có thể khẳng định điều đó qua đoạn văn ẩn ý, thẳng thắn, nhưng thực tế : “Sự thật ông Đông đến với công danh bằng con đường riêng, không cùng đường với những người khác. Đường của ông chỉ có ông độc hành. Trên con đường ấy ông có lý thuyết và hành động riêng của mình…” hoặc : “Mấy hôm sau ông bàn với vợ chuẩn bị quà đi thăm thủ trưởng…”

Và sau khi khép lại trang cuối của tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ”, tôi có cảm giác vừa trải qua một “cuộc phiêu du” trong xã hội mang tính chiến đấu cao của người công nhân mỏ. Ở đó ái, ố, hỉ, nộ đan xen, sống động, muôn màu, muôn vẻ quyện hòa nhuần nhuyễn. Thông qua sự chiêm nghiệm, đúc kết cuộc sống, cộng hưởng cùng tài quan sát tỉ mỉ, tinh tế, nhân văn, hồn hậu, tác giả gửi đi thông điệp “Người công nhân có vị trí xứng đáng trong văn chương”, đồng thời truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bạn đọc, gợi mở về sự tươi đẹp của lớp người thợ vùng mỏ thời kỳ mới với hành trang tri thức, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, góp phần nối dài truyền thống ngành khai thác mỏ trong công cuộc đổi mới đất nước, ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Tôi nghĩ, giá như tác giả dụng công, chắt lọc hơn nữa trong kết cấu tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ”, đi sâu vào khai tác nội tâm nhân vật, lược bỏ một số đoạn mang tính liệt kê, kể lể, áp đặt giọng kể của tác giả vào nhân vật… có lẽ tiểu thuyết sẽ thành công vượt trội. Tuy nhiên, đây là một tiểu thuyết quý trong lòng bạn đọc Thái Nguyên.

Lối viết trực diện, thẳng thắn trong “Lửa khuất”

Vào những năm gần đây, văn xuôi Thái Nguyên đương đại nổi lên “hiện tượng” khá thú vị về một nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi, đó là nhà văn Phan Thái. Khởi đầu bằng một số truyện ngắn, sau đó dường như chất “men say” cảm hứng sáng tạo của nhà văn lên cao trào, tác giả viết liền các cuốn tiểu thuyết “Cơm áo chợ đời - 2014”; “Đèn giời - 2016”; “Nắng phía sau mặt trời - 2019”; “Linh Sơn tử chiến - 2020”; “Lửa khuất - 2020” và tập truyện ngắn “Người đàn bà đi trong sương - 2017”. Trong những tiểu thuyết kể trên thì “Lửa khuất” sáng tác năm 2020 về đề tài công nhân trong khu công nghiệp luyện thép.

Nếu như tác giả Nguyễn Văn viết tiểu thuyết biên độ, thời gian rộng, thì tác giả Phan Thái sáng tác tiểu thuyết trong một giai đoạn lịch sử nhất định, giới hạn về không gian, thời gian. Tác giả đi sâu khai thác hiện thực cuộc sống của giai cấp công nhân, những trăn trở, khó khăn về cơ chế chuyển đổi sản xuất liên kết, liên doanh thời kinh tế thị trường trong ngành luyện kim, được phản ánh trên bình diện tương đối rộng, đề cập tới nhiều vấn đề cũng như thực trạng “góc khuất” của Công ty thép Hào Quang.

Tác giả xây dựng nhân vật trên cơ sở thực tế, anh chính là “người trong cuộc” gắn bó với Công ty Gang thép Thái Nguyên trên 30 năm công tác, trải qua nhiều cương vị trọng trách khác nhau, từ đó anh suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo, viết về những điều tâm huyết, máu thịt nhất. Có thể nói, bằng sự quan sát tinh tế, anh mô tả, khắc họa đậm nét sức lao động cật lực, nhọc nhằn, vất vả của người công nhân trong môi trường khắc nghiệt: “Không gian tràn ngập hơi nóng của lò luyện thép. Vừa vào ca áo thợ đã ướt đẫm mồ hôi.Ở nhà máy này, người thợ không chỉ đổ mồ hôi mà một số người đã đổ cả máu”.

Đọc tiểu thuyết “Lửa khuất”, bạn đọc trân trọng những đóng góp của tác giả về đề tài cũng như nội dung tác phẩm. Anh tìm được tiếng nói riêng cho mình về một “vùng đất” văn chương “khó”. Bên cạnh đó anh mạnh dạn thể nghiệm sự khám phá về nội dung kết cấu tác phẩm. Thông qua lối viết giản dị, mạch văn nhanh, ngắn, hành văn đơn giản, không lạm dụng mỹ từ, nhân vật gắn liền với lối tư duy hiện đại, anh đã đề cập, phân tích nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, đa chiều trong tổng công ty và nhà máy thép Hào Quang. Trong đó, giữa trắng và đen; ánh sáng và khoảng tối; ngay thẳng bộc trực, có tâm, có tầm và đầy rẫy mưu mô, xảo trá, đê tiện… đã được đề cập rất rõ. Tác giả phân tích nhiều phức tạp “nóng” nảy sinh trong nhà máy thép đó là: Lòng tham, sự đố kỵ, chạy chức, chạy quyền, tiền tài, địa vị, danh vọng… Đây thực sự là tiểu thuyết bộn bề, trăn trở về ngành công nghiệp luyện thép hiện đại mà “gai góc”, trong vòng xoáy khắc nghiệt của đời thường và quy luật tàn nhẫn của thương trường. 

Có được điều đó là do tác giả xây dựng tiểu thuyết cùng các tuyến nhân vật trong bối cảnh ngành công nghiệp luyện kim cổ phần hóa và đang trong quá trình liên kết, liên doanh với đối tác nước ngoài. Điều dễ nhận thấy trong “Lửa khuất” là hai tuyến nhân vật. Một bên là nhân vật những người công nhân thẳng thắn, bộc trực, chân chất, trung thực, hồn hậu, yêu thương đùm bọc nhau, nhưng khiến cho bạn đọc vô cùng day dứt về mỗi phận đời, phận người của một xã hội thu nhỏ trong lòng công ty gang thép, đó là: Kiên, là Tân, ông Việt… tựa như “gam màu sáng” của người công nhân trong tập thể cộng đồng và mỗi cá nhân, được tác giả dẫn giải trong tác phẩm: “Năm tháng làm việc ở đây, Kiên hiểu thêm về những bước thăng trầm của nhà máy qua nhiều thế hệ, Lúc khó khăn nhất cũng là lúc người thợ thể hiện cao nhất bản lĩnh, trí tuệ của mình…”

Hoặc ở một đoạn văn khác, tác giả khắc họa “chân dung” người thợ có thâm niên của nhà máy: “Với Tân, ông Việt không chỉ là người thợ lành nghề, có trách nhiệm cao trước mọi công việc được phân công, mà còn là tấm gương sống giản dị, mẫu mực, hết lòng vì anh em, đồng nghiệp…”

Đó là những trang tiểu thuyết chân thực và đầy tính nhân văn của Phan Thái với khát vọng mong mỏi cuộc đời bớt đi những ti tiện, xảo trá, hẹp hòi để giá trị đích thực của người công nhân vươn tới sự hoàn thiện, tươi đẹp trong cuộc sống thị trường bộn bề, tâm huyết với công việc, bảo đảm từng mẻ thép ra lò đạt chất lượng cao. Đó là sự tốt đẹp giản dị chân chất, tràn đầy yêu thương của nhân vật kỹ sư Kiên - Người mà tác giả dụng công khắc họa, xây dựng hình tượng một sĩ quan công an không ngại hiểm nguy, quyết tâm thi vào trường đại học công nghiệp, để rồi sau khi ra trường, trong vai trò một kỹ sư trẻ tâm huyết, lăn lộn giữa những người công nhân, “nằm vùng” hợp pháp theo dõi, đánh phá án ở ngành luyện kim.

Từ giản dị, đến chau chuốt, từ xa đến gần, tác giả Phan Thái đã viết như sự hối thúc cần thiết để gióng to hơn hồi chuông cảnh báo về những con sâu mọt, tham quan và dân xã hội đen đao búa đang làm mục ruỗng xã hội, mà sự ngăn chặn còn nhiều nan giải. Đó là  tuyến nhân vật phản diện Tổng giám đốc công ty Trần Dũng; Nhữ - Chánh văn phòng Công ty thép Hào Quang; Vương “dân xã hội đen”  - nhà thầu cung cấp thép phế cho nhà máy bởi sự móc ngoặc với Tổng giám đốc Trần Dũng… đây là “gam màu tối” với đầy những mâu thuẫn đan xenvà bóng đen tình, tiền, quyền lực của một bộ phận có chức có quyền trong Công ty thép Hào Quang và dân xã hội làm ăn bất chính. Tác giả dùng bút pháp hiện thực lột tả chân dung của vị “quan tham” Trần Dũng, Tổng Giám đốc Công ty như sau: “Bây giờ Trần Dũng đã đứng trên đỉnh cao quyền lực tại vùng đất có các nhà máy lớn thuộc công ty Hào Quang trong khu công nghiệp. Mỗi cái gật đầu của Trần Dũng giờ là những xấp đô la mới cáu cạnh chảy vào túi”.

Với sự mẫn cảm, nhạy bén trước thời cuộc, bằng ngòi bút sắc sảo, tác giả nêu bật cái thấp hèn, xấu xa, lòng tham vô độ của quan chức: “Ngày mới nhậm chức, bản thân Trần Dũng không hình dung nổi mình lại có thể kiểm tiền dễ như vậy, chỉ cần nương nhẹ một chút trong các thương thảo hợp đồng, rất nhiều tỷ sẽ đột nhiên có trong tài khoản hoặc kín đáo nằm trong phong bì, ấy là chưa kể hằng hà sa số bao nhiêu món giời ơi đất hỡi từ sự hàm ơn”

Bằng lối viết “tốc độ”, dồn nén, áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột tính cách của sân khấu và nhiều đoạn lướt qua sự kiện như báo chí… tác giả đã để người đọc tiếp cận nhanh thông tin, gợi mở cho bạn đọc sống và “trôi” cùng nhân vật trong “Lửa khuất”. Đây là tác phẩm phản ánh trực diện về người công nhân gang thép trong khí thế của nền kinh tế thị trường và hội nhập. Sự giản dị, chân thực, trí tuệ với khát vọng khẳng định vị thế của lớp người công nhân thời kỳ mới trong sự đối lập sáng - tối; sang - hèn đã được tác giả dụng công khắc họa thành công.

Hơn 300 trang tiểu thuyết, bằng lối viết trực diện với hoàn cảnh hiện tại nhưng tư duy nhân hậu, nhân văn, tác giả đã gửi thông điệp đến bạn đọc: Kẻ xấu sẽ bị trừng trị thích đáng. Niềm tin vĩnh hằng về sự đổi mới, mà nơi đó chân lý thuộc về thế hệ trẻ làm chủ nhà máy thép, cùng sự linh hoạt liên kết thành công trong hướng đi thời hội nhập, tạo hướng mở của nền kinh tế trong thời đại công nghiệp 4.0.

Có thể, bạn đọc sẽ bàn thêm và tranh luận với tác giả về cách lý giải, phân tích hiện tượng tiêu cực đang lây lan, cũng như những đổi thay ghê gớm của nhân tình, ân đức, hay cách viết “bạo tay” về sự cám dỗ của ma lực đồng tiền và tình ái với “tần suất” của “tình công sở cuồng dục” xuất hiện khá nhiều trong tác phẩm. Giá như anh bớt đi những chi tiết “dông dài” về thuyết lý, nói thay cho nhân vật trong sự phát triển nội tại, để nhân vật phát triển nội hàm triết lý, bằng thủ pháp nghệ thuật xây dựng hình tượng, thì bạn đọc sẽ đồng tình với anh hơn và tác dụng truyền tải, lan tỏa của tác phẩm sẽ cao hơn. Tuy vậy chúng ta trân trọng những tìm tòi trong sáng tác của tác giả.

“Nốt trầm” trong đề tài công nhân

Hiện nay, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập đã tạo sự thay đổi vượt bậc của Thái Nguyên trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật trong cuộc cách mạng 4.0, nhất là bước đầu tiến hành “số hóa” trên các lĩnh vực, là “điểm nhấn” trong bức tranh toàn cảnh về Thái Nguyên đã và đang trên đà vươn lên không ngừng.

Song song với sự phát triển đó, trong các tập đoàn nước ngoài, các công ty cổ phần hóa có tổng giám đốc, giám đốc công ty quản lý điều hành theo phương pháp làm ăn mới. Đội ngũ thợ lành nghề được đào tạo cơ bản qua trường lớp và những người công nhân chiếm số đông. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ”, là nguồn lực hiện thực sinh động quý giá để lực lượng cầm bút sáng tác khai thác, viết về văn học công nhân trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, nhìn vào sự thật thì văn học sáng tác đề tài công nhân ở Thái Nguyên trong 20 năm qua vô cùng trống vắng, tựa như “nốt trầm” trong thời gian dài. Những tác phẩm văn học thực sự hấp dẫn, thuyết phục về nội dung không có. Hình tượng người công nhân trực tiếp sản xuất trong các tập đoàn, công ty, xí nghiệp, nhà máy, hầm lò… cùng những trang viết nóng hổi về đời sống sinh hoạt phong phú, đa thanh sắc sôi động của công nhân chưa được phản ánh trong các tác phẩm văn học Thái Nguyên. 

Vì sao lại như vậy? Phải chăng đề tài này đang “bỏ ngỏ” ở Thái Nguyên?

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Phải thẳng thắn nhìn nhận, những người sáng tác văn xuôi Thái Nguyên, thế hệ cầm bút từ 60 tuổi trở lên, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp thì một số tác giả thành danh đã chuyển công tác đi nơi khác, hoặc về hưu không sáng tác, có 2 tác giả đau đáu với từng con chữ, nghiệp viết, khai thác lại vốn sống để sáng tác ra tác phẩm đã đề cấp ở phần trên.

Ngày nay, lớp công nhân trẻ làm việc ở khu công nghiệp, mải mê trong cuộc sống mưu sinh, quay cuồng bởi vòng xoáy cơm, áo, gạo, tiền, làm ca kíp, không có thời gian tiếp cận đọc sách báo… và việc cầm bút viết về cuộc sống hiện tại là điều khó khăn, vì người có năng khiếu và khả năng viết, sáng tác, đam mê với văn học rất hiếm.

Những nhà văn Thái Nguyên đang say mê sáng tác văn xuôi, độ tuổi từ 40 đến ngoài 50 hoặc 60 đại đa số tốt nghiệp đại học, làm việc trong ngành giáo dục, báo chí và một số cơ quan, không gắn bó và trưởng thành từ công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy… không có sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống và chiêm nghiệm thực tế môi trường sản xuất công nghiệp, thế nên các tác phẩm viết về đề tài công nhân vắng bóng là lẽ đương nhiên. Có một sự thật, người viết hiện nay khó thâm nhập thực tế vào các công ty, nhà máy, xí nghiệp khai thác hầm lò. Có đi tham quan thực tế thì như “cưỡi ngựa xem hoa” không tìm hiểu sâu, không “3 cùng” với công nhân làm việc ca kíp, không cùng sống với người thợ, vậy nên họ làm việc thế nào, quy trình sản xuất ra sao, các thông số kỹ thuật trong sản xuất… người sáng tác không biết. Đây là rào cản lớn , là “tác nhân” khiến cho tác phẩm vắng bóng.

Một số cây bút trẻ hiện nay, đại đa số đào tạo cơ bản qua các trường đại học, trình độ cao, tuy nhiên chọn ngành nghề không gắn với ngành công nghiệp, vì vậy cuộc sống sôi động của công nhân trong các khu công nghiệp khá là xa lạ. Đặc biệt, nền kinh tế thị trường với bao tích cực và tiêu cực, cùng cuộc sống sôi động phong phú trong xã hội, tạo ra đời sống văn học có nhiều biến động,thu hút các cây bút trẻ sáng tác. Đó là sự nở rộ của văn học thị trường, các đề tài tình yêu, giới trẻ, thể loại giả tưởng, kinh dị, ngôn tình…có lẽ “ăn khách”, đáp ứng thị hiếu bạn đọc hơn đề tài văn học công nhân.

Thay lời kết

Dẫu vẫn biết, đề tài công nhân trong văn xuôi Thái Nguyên 20 năm qua chưa theo kịp dòng chảy cuộc sống công nghiệp, chưa có tác phẩm xứng tầm. Tuy nhiên, hy vọng trong tương lai không  xa, để có nhiều tác phẩm về đề tài công nghiệp - công nhân, các cấp, các ngành, nhất là Hội VHNT tỉnh quan tâm phát hiện, đào tạo các cây bút trẻ trong lực lượng công nhân. Đẩy mạnh công tác tổ chức các hoạt động thâm nhập thực tế dài ngày ở khu công nghiệp, công ty, nhà máy, mỏ than… Đồng thời, một số nhà văn Thái Nguyên với niềm hứng khởi, trái tim mẫn cảm, cùng nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào, sẽ đi sâu tìm hiểu, khai thác đời sống của người công nhân để thai nghén và sáng tác ra những tác phẩm chất lượng cao, góp phần thúc đẩy nền văn học Thái Nguyên phát triển sâu rộng lên tầm cao mới.

Nhà văn Bùi Thị Như Lan

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy