Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:20 (GMT +7)

Trăn trở tìm hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống

VNTN- Sáng 2/7, tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đăng cai tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc trong đời sống đương đại”. Đây là hoạt động được luân phiên tổ chức hàng năm của Nhóm liên kết xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật khu vực Việt Bắc (gọi tắt là VB 7+).

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Clip: Chia sẻ của một số đại biểu dự Hội thảo

Dự Hội thảo có PGS.TS - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo và hội viên 9 Hội Văn học nghệ thuật Nhóm VB 7+, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh; cùng đại diện các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo đang công tác, hoạt động nghệ thuật trong tỉnh.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo

Góp phần quan trọng làm nên bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo của khu vực Việt Bắc chính là sự hiện diện của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Tuy nhiên trước sự biến động mạnh mẽ của xã hội hiện đại, văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc cũng không nằm ngoài hiện trạng đáng lo ngại ấy.

Hội thảo của Nhóm VB7+ được tổ chức với mong muốn nhận diện, đánh giá những tinh hoa, giá trị của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống khu vực Việt Bắc ở 4 chuyên ngành: Múa, Sân khấu, Âm nhạc và Văn nghệ dân gian; đề xuất những giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị đó trong đời sống đương đại.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách - Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận “Nhận diện di sản Then trong bối cảnh hiện nay”
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bách - Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên trình bày tham luận “Nhận diện di sản Then trong bối cảnh hiện nay”

17 tham luận của 9 Hội VHNT trong Nhóm VB7+ được gửi về với chất lượng khoa học tương đối đồng đều, ở đầy đủ 4 chuyên ngành, đã tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề Hội thảo đặt ra.

Theo đó, các Hội đã lựa chọn và giới thiệu đến Hội thảo những loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống đặc trưng của địa phương mình. Từ đó góp phần tạo nên một bức tranh tương đối đa sắc màu, với những đường nét ấn tượng, độc đáo về các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vùng Việt Bắc: Then, Páo Dung, Sli, Chèo, Tuồng Dá Hai, Tắc Xình,….

Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Việt Hùng với tham luận “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở tỉnh Cao Bằng”
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cao Bằng Nguyễn Việt Hùng với tham luận “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở tỉnh Cao Bằng”

Không chỉ cung cấp nguồn tri thức, thông tin hữu ích để nhận diện các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vùng Việt Bắc, các tác giả còn chỉ ra những sai sót, khiếm khuyết trong cách hiểu, cách sử dụng, khai thác các giá trị nghệ thuật đó.

Trước thực trạng nhiều “loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống bị thu hẹp dần trong tâm thức sáng tạo và tiếp nhận của cộng đồng”, các đại biểu đã bày tỏ tiếng nói tâm huyết của người trong cuộc, đáng chú ý là tham luận “Múa Việt Bắc - nỗi niềm trăn trở” của NSƯT Hoàng Thiện Thực - Trưởng khoa Múa Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

NSƯT Hoàng Thiện Thực - Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc với tham luận “Múa Việt Bắc - nỗi niềm trăn trở”
NSƯT Hoàng Thiện Thực - Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc với tham luận “Múa Việt Bắc - nỗi niềm trăn trở”

Nghệ sĩ tâm tư: “Mỗi tác phẩm múa dân gian dân tộc ngày nay là niềm trăn trở khôn nguôi không chỉ của riêng ai trong mỗi chúng ta, đang ngày đêm đau đáu hy vọng nghệ thuật múa Việt Bắc không bị đẩy lùi về phía sau mà sẽ trường tồn phát triển mạnh mẽ”.

Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà với tham luận “Giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo Bắc Giang trong thời gian qua”
Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà với tham luận “Giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo Bắc Giang trong thời gian qua”
Tác giả Nguyễn Thị Lượng, đại diện Hội VHNT tỉnh Hà Giang với tham luận “Giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại”
Tác giả Nguyễn Thị Lượng, đại diện Hội VHNT tỉnh Hà Giang với tham luận “Giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại”

Chính niềm đau đáu khôn nguôi đó là động lực quan trọng để các tác giả, đơn vị đề xuất các giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại. Các giải pháp vừa mang tính cụ thể, thực tiễn trong từng loại hình, như: “Bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng Dá Hai ở Cao Bằng” (Hội VHNT tỉnh Cao Bằng), “Giải pháp bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo Bắc Giang trong thời gian qua” (Hội VHNT tỉnh Bắc Giang),…; vừa có sự khái quát, hệ thống, liên hệ mở rộng, như: “Giải pháp trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong đời sống đương đại” (Hội VHNT tỉnh Hà Giang), “Vai trò của văn học nghệ thuật trong bảo tồn phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong thế giới đương đại” (Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh)…

NSND Lê Khình, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đóng góp ý kiến trong phần thảo luận
NSND Lê Khình, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đóng góp ý kiến trong phần thảo luận

Cùng với các tham luận, những ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề hữu ích, đáng chú ý là ý kiến của NSND Lê Khình khi ông cho rằng cần có một đơn vị chuyên trách về biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian - một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để bảo tồn vốn quý của dân tộc.

Ghi nhận và hoan nghênh chương trình Hội thảo, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá “Cuộc hội thảo có hàm lượng khoa học cao. Chủ đề được chọn lựa cũng là một chủ đề rất lớn, rất nóng, rất nhiều trăn trở”. Ông cũng nhấn mạnh về việc cần đổi mới tư duy trong phương pháp, hình thức bảo tồn các giá trị: “Chúng ta phải thay đổi phương pháp, phải tìm được phương pháp hiện đại hơn, uyển chuyển hơn, hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ hôm nay. Chúng ta không thể bảo tồn theo khuôn mẫu, theo hình thức cũ nữa mà phải làm bằng những phương pháp mới, những hình thức mới, làm cho giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật trở nên sống động”.

PGS.TS - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS - Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Mai - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao kết quả Hội thảo. Đồng chí cho rằng đây là một cơ hội tốt để được lắng nghe, tiếp thu nhiều hơn những tâm tư, nguyện vọng, trăn trở của các văn nghệ sĩ trước một vấn đề hết sức cấp bách về văn hóa, đó là cơ sở để tham mưu kịp thời đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại Hội thảo

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các văn nghệ sĩ đã được tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, qua đó hiểu hơn về công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa nói chung và giá trị của các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói riêng.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội thảo
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội thảo

Hội thảo là hoạt động thường niên của Nhóm VB7+, được các Hội VHNT trong nhóm luân phiên tổ chức từ năm 2011. Hội thảo năm 2025 sẽ do Hội VHNT tỉnh Hà Giang đăng cai tổ chức.

Khuê Minh - Hồ Điệp

Ảnh: Anh Thắng, Quang Khải

Clip: Trần Thép – Lê Tú

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy