Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
05:25 (GMT +7)

Trần Thị Việt Trung – người định vị cho phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại trong những năm đầu thế kỷ XXI

1. Đặt vấn đề

Văn học dân tộc thiểu số hiện đại đã thể hiện đời sống tâm hồn phong phú của các dân tộc thiểu số nước ta. Nó là một bộ phận không thể thiếu trong dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại và thể hiện màu sắc riêng trong quá trình phát triển với những đặc điểm độc đáo. Tuy chưa thực sự có một bề dày về thành tựu và phát triển mạnh mẽ đồng đều ở các thể loại, nhưng văn học dân tộc thiểu số đã phần nào cho thấy đời sống văn hóa tâm hồn của các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và thực sự trở thành một thực thể quan trọng có mối quan hệ không thể tách rời đối với văn học Việt Nam hiện đại. Văn học dân tộc thiểu số ngày càng phát triển khẳng định được vị trí, vai trò của mình cùng những đóng góp quan trọng cho đời sống văn hóa, văn học Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu mảng văn học này chưa được chú ý đúng mức. Cần có  những công trình nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thấu đáo về tiến trình vận động và đóng góp cụ thể của văn học dân tộc thiểu số. Đặc biệt là việc nghiên cứu gắn với tổng kết kinh nghiệm, bảo tồn văn hóa và giới thiệu trong đời sống tiếp nhận và trong giảng dạy cho các cấp học thì còn thưa thớt. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, xu hướng nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số đã được tập trung quan tâm nghiên cứu và phát triển mạnh bởi một số nhà nghiên cứu ở Đại học Thái Nguyên, trong đó có trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên - cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Chúng ta có thể kể tới các công trình tiêu biểu của các nhà nghiên cứu như: Đào Thủy Nguyên (Bản sắc văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam, 2014), Nguyễn Đức Hạnh (Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam truyền thống và hiện đại, 2015), Cao Thị Hảo (Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - từ một góc nhìn, 2018; Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại,2020), Nguyễn Kiến Thọ (Thơ ca dân tộc Hmông - truyền thống và hiện đại, 2014),…Và đặc biệt là nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung. Không chỉ bề thế về số lượng công trình, bà còn là người thắp lên ngọn lửa cho việc nghiên cứu khu vực văn học này, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số và định vị cho một xu hướng nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.

 2. Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp

Trần Thị Việt Trung, còn có bút danh khác là Trần Thị Vân Trung sinh ra trên quê hương có con sông Cầu hiền hòa chảy qua - Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Từng học tập trong môi trường Sư phạm và làm công tác giảng dạy ở Đại học nên lĩnh vực chuyên môn chính của bà là nghiên cứu và giảng dạy. Bà đã từng giữ các trọng trách Trưởng ban Quản lý khoa học - Đại học Thái Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên. Từ năm 1985 đến năm 1987, Trần Thị Việt Trung là chuyên gia giáo dục tại trường Đại học Tổng hợp Phnôm Pênh - Campuchia. Bà đã được nhận phần thưởng cao quý Huân chương Hữu nghị, Huy hiệu vì sự nghiệp quốc tế do nhà nước Campuchia và chính phủ Việt Nam trao tặng sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế; được nhận danh hiệu cao quý NGƯT; Huân chương Lao động Hạng Ba; Huân chương Lao động Hạng Nhì; Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam,… Hiện nay bà đang sinh sống và làm việc tại thành phố Thái Nguyên, là hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngoài 5 tập thơ đã xuất bản: Xin đừng té nước vào em - 1989; Sao đôi xa xăm - 1991 (in chung); Khoảng cách cuối cùng - 1999; Hoa bất tử - 2011. Trần Thị Việt Trung nghiên cứu khá sâu về văn học hiện đại đặc biệt là văn học các dân tộc thiểu số. Bà đã xuất bản 9 đầu sách nghiên cứu (với vai trò tác giả, đồng tác giả, chủ biên), trong đó có 6 công trình nghiên cứu vềvăn học dân tộc thiểu số; công bố trên 40 bài báo khoa học về đề tài dân tộc thiểu số trên các tạp chí trung ương và hội thảo khoa học các cấp; hướng dẫn thành công 37 luận văn thạc sĩ, 1 luận án tiến sĩ về đề tàivăn học dân tộc thiểu số. Chúng ta có thể kể đến các công trình tiêu biểu như: Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại- 2010 (chủ biên); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm-2011 (đồng chủ biên); Nghiên cứu, lí luận phê bình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - diện mạo, đặc điểm- 2013 (chủ biên); Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - truyền thống và hiện đại - 2014 (đồng chủ biên),... Là một người có bề dày nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc thiểu số qua công trình nghiên cứu các cấp (cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học), qua quá trình giảng dạy và hướng dẫn nhiều luận án, luận văn, Trần Thị Việt Trung đã nỗ lực, miệt mài giới thiệu tinh hoa văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đến với độc giả. Từ những công trình hướng dẫn học viên, nghiên cứu sinh đến những đề tài nghiên cứu, bà đều hướng học trò đến với kho tàng của các tác giả dân tộc thiểu số.Đặc biệt, những cống hiến của bà cho văn học nghệ thuật đã được ghi nhận bằng các Giải thưởng quốc gia và tỉnh Thái Nguyên cho chính các tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học dân tộc thiểu số: Giải B (không có giải A của Hội đồng Lí luận phê bình Trung ương cho tác phẩm: Nghiên cứu, phê bình về Văn học dân tộc thiểu số (2018); Giải B - Giải thưởng 5 năm VHNT tỉnh Thái Nguyên cho tác phẩm: Bản sắc dân tộc trong thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại (2013),…

3. Những đóng góp tiêu biểu

Trong những năm đầu thế kỉ XXI, khi văn học dân tộc thiểu số chưa được nghiên cứu nhiều, và vị trí của nó trong đời sống xã hội còn hạn chế do ít người biết đến hoặc do nguồn tư liệu chưa được giới thiệu thì cái tên Trần Thị Việt Trung đã gắn liền với những bài báo, công trình khoa học, những cuốn sách sưu tầm, nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số và cả tập hợp những tuyển tập tác phẩm của các tác giả dân tộc thiểu số vốn chưa được công bố, giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc.

Văn học dân tộc thiểu số miền núi trong quan niệm truyền thống vẫn bị coi như một sản phẩm mang tính chất vùng, miền mà chưa được quan niệm như một bộ phận văn học gắn bó khăng khít cùng phát triển với văn học của cả nước. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, những nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số miền núi hầu như vắng bóng trên diễn đàn văn chương. Và thân phận của nó thật long đong, đúng như lời nhận định của một nhà nghiên cứu giàu tâm huyết với mảng văn học này: “Văn học viết các dân tộc thiểu số còn nằm bên lề của việc giảng dạy văn học, nằm bên lề của các sách giáo khoa, giáo trình và trong các diễn đàn văn học, có nghĩa là nó còn nằm bên lề cuộc sống văn học Việt Nam hiện đại” (Lâm Tiến). Tuy nhiên, với nỗ lực của các nhà nghiên cứu những năm đầu thế kỉ XXI, đặc biệt là Trần Thị Việt Trung, văn học dân tộc thiểu số đã được giới thiệu, nghiên cứu và có một vị trí nhất định trong dòng chảy đời sống văn học. Đặc biệt bà là người gợi mở, dẫn dắt, động viên, hợp tác nghiên cứu với nhiều thế hệ cán bộcủa Đại học Thái Nguyên nói riêng, của khu vực nói chung nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số. Từ đó tạo ra một xu hướng nghiên cứu thế mạnh của các nhà khoa học ở Đại học Thái Nguyên.

3.1. Những công trình lí luận, phê bình

Trần Thị Việt Trung là một trong những nhà nghiên cứu tiêu biểu của Thái Nguyên tập trung nghiên cứu nhiều về văn học dân tộc thiểu số. Qua những công trình nghiên cứu của bà và các cộng sự, gương mặt dân tộc thiểu số hiện ra với sự đa dạng, phong phú, nhiều màu vẻ. Nhiều thành tựu và đóng góp quan trọng của văn học dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam lần đầu tiên được phát hiện, giới thiệu, nghiên cứu một cách hệ thống và khoa học. Văn học dân tộc thiểu số đã được nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung quan tâm trên rất nhiều phương diện từ bản sắc văn hóa dân tộc đến đặc điểm, tính hiện đại và truyền thống, thành tựu và đóng góp của các thể loại tiêu biểu như: thơ, văn xuôi, lí luận phê bình,… Với công trình đầu tiên về văn học dân tộc thiểu số: Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, 2010, nhà nghiên cứu Việt Trung cùng với các cộng sự của mình đã giới thiệu đến bạn đọc diện mạo và những đóng góp quan trọng của thơ dân tộc thiểu số. Vấn đề bản sắc và đóng góp tiêu biểu của thơ ca các dân tộc như: Tày, Thái, Mông, Dao, Giáy và Pa Dí cũng được nghiên cứu và giới thiệu với những thành tựu nổi bật. Năm 2011, công trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại - một số đặc điểm (đồng chủ biên cùng Cao Thị Hảo) được xuất bản đã cho thấy vai trò và vị trí quan trọng của văn học dân tộc thiểu số trong đời sống xã hội và trong giáo dục. Văn học dân tộc thiểu số được giới thiệu một cách toàn diện và hệ thống cùng những đặc điểm cơ bản của các thể loại, mang bản sắc riêng, đại diện cho tiếng nói và văn hóa của các dân tộc anh em. Bà và các cộng sự đã đánh giá và phân tích được những chặng đường vận động, phát triển, thành tựu chủ yếu, chân dung đóng góp của một số tác giả tiêu biểu trong đời sống văn học dân tộc thiểu số hiện đại. Từ đó cho thấy được sự đa dạng và phong phú của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam. Đặc biệt là các tác giả đã đánh giá được thực trạng tiếp cận văn học dân tộc thiểu số trong các cấp học hiện nay và mạnh dạn đưa ra những đề xuất, kiến nghị đưa văn học dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong nhà trường các cấp: “Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề dân tộc và miền núi trong nhiều năm qua, và đã có nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời trong việc chỉ đạo, lãnh đạo các cấp, các ngành thực hiện các chế độ, chính sách về dân tộc miền núi trong tất cả các lĩnh vực (kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật,…). Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chúng tôi thấy rằng: Đảng và Nhà nước (ở đây cụ thể là Bộ Giáo dục & Đào tạo) cần phải có sự chỉ đạo một cách quyết liệt và cụ thể hơn về việc: Thực hiện chủ trương dạy tiếng DTTS và dạy VHDTTS trong nhà trường các cấp. Điều quan trọng là Bộ Giáo dục & Đào tạo phải xây dựng một chiến lược với một lộ trình cụ thể (trong từng giai đoạn) về vấn đề này đối với các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông (các cấp). Nếu không triển khai một cách nghiêm túc việc dạy và học ngôn ngữ DTTS và VHDTTS thì sẽ dẫn tới việc: hầu hết tất cả học sinh, sinh viên sẽ có chung một quan niệm: Văn học Việt Nam chỉ là văn học của người dân tộc Kinh mà thôi, còn VHDTTS vẫn chỉ tồn tại như một bộ phận phụ, nằm ngoài tiến trình văn học Việt. Điều đó sẽ làm tăng lên sự bất bình đẳng (vốn đã có) trong việc ứng xử với các cộng đồng DTTS - ít nhất là trong lĩnh vực văn học.”[2; tr.434-435].

Tiếng nói đúng đắn, mạnh mẽ và kịp thời đó đã được thấu hiểu và đồng thuận. Hiện nay trong chương trình mới (2018) môn Tiếng dân tộc thiểu số đã được đưa vào là môn tự chọn ở các cấp Tiểu học và THCS. Trong các bộ sách Ngữ văn biên soạn theo chương trình mới (2018), các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số đã có một vị trí nhất định. Nhiều bộ SGK Ngữ văn các lớp 6, 7, 10 đã chọn tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số trong ngữ liệu văn học. (SGK Ngữ văn lớp 6, bộ Cánh diều có đưa vào giảng dạy tác phẩm Chích bông ơi của Cao Duy Sơn, lớp 7 là bài Rồi ngày mai con đi- Lò Cao Nhum; bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chọn giới thiệu tác giả Lò Ngân Sủn: Nhà thơ Lò Ngân Sủn - người con của núi; lớp 7 dạy bài thơ Chiều biên giới của Lò Ngân Sủn; Bộ Chân trời sáng tạo, lớp 6 dạy bài thơ Con là… của Y Phương; lớp 7 dạy tản văn: Mùa thu về Trùng Khánh nghe hạt dẻ hát của Y Phương,…).

Qua những công trình phê bình, lí luận mà nhà nghiên cứu Trần Thị Việt Trung đã đam mê, tâm huyết viết ra, những thành tựu của các thể loại thơ, văn xuôi, lí luận phê bình và đóng góp của một số tác giả tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại đã được khẳng định và giới thiệu trong đời sống văn học hiện nay.

3.2. Những công trình tuyển tập

Trần Thị Việt Trung không chỉ nghiên cứu, phê bình mà còn tập hợp và giới thiệu đến bạn đọc nhiều tuyển tập đồ sộ về các công trình, tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Từ Mã A Lềnh - đậm chất văn hóa Mông nơi trập trùng đồi núi Sa Pa (Mã A Lềnh tuyển tập, 2016), đến Hà Thị Cẩm Anh với những câu chuyện chất chứa tâm hồn Mường (Tuyển tập văn xuôi Hà Thị Cẩm Anh, 2016),… Và nhiều tuyển tập do bà chủ trì tổ chức xuất bản với vai trò đồng Chủ biên (với các tác giả dân tộc thiểu số), trong đó có cả tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc thiểu số, có tranh minh họa đẹp, được trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số rất yêu thích. Đó là những ngữ liệu quan trọng để bạn đọc có thể tiếp cận tìm hiểu văn học dân tộc thiểu số, giúp mảng văn học này ngày càng gần hơn với đời sống văn học nước nhà. Qua những bài giới thiệu ở các tuyển tập, Trần Thị Việt Trung đã thẩm thấu được hồn cốt văn hóa trong phong cách mỗi tác giả để truyền đến cho bạn đọc sự say mê, khao khát khám phá bản sắc văn hóa tộc người và vùng đất gắn liền với dân tộc đó.

Khi đánh giá về thơ Mã A Lềnh, Trần Thị Việt Trung đã gọi được thần thái của tác giả miền núi đá này: “Đọc thơ Mã A Lềnh ta hiểu hơn cái gọi là trái tim và tâm hồn của người “đàn ông đá núi”. Nhìn bề ngoài đầy vẻ “xù xì”, “nghênh ngang”, lầm lì, thô nhám, tua tủa ngạo nghễ - nhưng hóa ra: đá cũng có nước mắt (nước mắt đá/ đọng khô/ kết nhũ); đá cũng có trái tim mềm mại và yếu đuối (Đá cũng mềm mại/ Trái tim đá/ nhiều khi tan nát); Đá cũng cô đơn (Những cuộc tình/ hóa đá/ độc côi); và đôi khi đá cũng “mỉm cười” và nghêu ngao hát một khúc dân ca/ Tỉa tót một điệu khèn” (Tình ca đá núi)… Đó chính là nhân vật trữ tình trong thơ Mã A Lềnh - “người đàn ông đá núi” với tính cách, bản lĩnh Hmông: Trung thực, mạnh mẽ, quyết liệt; với tâm hồn Hmông lãng mạn, phóng túng như gió núi; với trái tim Hmông cháy đến kiệt cùng trong tình yêu và cũng đau đớn, tan nát vì tình yêu, vì niềm tin bị đánh cắp,…” [4; tr.16,17].

Mạch văn chảy tràn như nhiệt huyết của nhà nghiên cứu say mê, tâm huyết đang đồng điệu cùng tâm hồn nóng bỏng của chàng thi sĩ dân tộc Mông. Sự tinh tế của người nghiên cứu, phê bình được thể hiện ở cách trích dẫn và đánh giá trúng Tâm và Tầm của tác giả, khiến người đọc thấu hiểu hơn về phong cách nhà thơ.

4. Kết luận

Có thể thấy, từ những công trình nghiên cứu của mình và các cộng sự về văn học dân tộc thiểu số, Trần Thị Việt Trung đã góp phần quan trọng định vị cho văn học dân tộc thiểu sốViệt Nam hiện đại có một đời sống riêng. Giúp văn học dân tộc thiểu số trở thành một thực thể sống được quan tâm nghiên cứu trong dòng chảy của văn học hiện đại Việt Nam nói chung và có vị trí trong giáo dục đào tạo nói riêng. Và mặc dù không phải là người dân tộc thiểu số nhưng cái duyên gắn bó với văn học dân tộc thiểu số đã gắn cái tên Trần Thị Việt Trung với đời sống lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Tiếp nối những nhà nghiên cứu đi trước như Vi Hồng, Lâm Tiến,… giai đoạn cuối thế kỉ XX, cái tên Trần Thị Việt Trung đã khẳng định lí luận phê bình văn học dân tộc thiểu số hiện đại vẫn được nghiên cứu ngày càng sâu rộng ở vùng đất Việt Bắc những năm đầu thế kỉ XXI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Thị Việt Trung (chủ biên), Bản sắc dân tộc trong thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2010.
  2. Trần Thị Việt Trung - Cao Thị Hảo (đồng chủ biên), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại - một số đặc điểm, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2011.
  3. Trần Thị Việt Trung - Nguyễn Đức Hạnh (đồng chủ biên), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại - truyền thống và hiện đại, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2014.
  4. Trần Thị Việt Trung - Mã A Lềnh (tuyển chọn và biên soạn), Mã A Lềnh tuyển tập, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2016.
  5. Cao Thị Hảo, Giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb ĐH Thái Nguyên, 2020.

PGS.TS Cao Thị Hảo

(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy