Trần Đức Thảo – Người trí thức đồng hành cùng lịch sử vất vả của dân tộc
Tưởng niệm 25 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo (24/4/1993-24/4/2018)
Ở Việt Nam có một nhà triết học thì đó là Trần Đức Thảo, còn chúng tôi chỉ là người nghiên cứu triết học mà thôi. Một nhà tư tưởng lớn của đất nước là Trần Văn Giàu đã nói như vậy về Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo không những là nhà trí thức mang tầm cỡ quốc gia mà còn là trí thức mang tầm cỡ quốc tế, ông “là một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền văn hóa Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại” (Nguyễn Đình Chú).
Giáo sư Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Năm 1936, ông nhận học bổng của Phủ Toàn quyền Đông Dương sang Paris, Pháp. Năm 1942, ông đậu thủ khoa Thạc sĩ Triết tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942), thành người Việt Nam đầu tiên trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ triết học. Từ năm 1944, Giáo sư bắt đầu nghiên cứu sinh về triết học để hoàn thành luận án tiến sĩ quốc gia Pháp về triết học nhưng do chiến tranh thế giới thứ II nổ ra khốc liệt nên ông phải bỏ dở chương trình học.
Có giai thoại cho rằng khi vị giáo sư hướng dẫn ông hỏi rằng người Pháp quay trở lại Việt Nam sẽ đón tiếp thế nào, Giáo sư Trần Đức Thảo trả lời “nổ súng”. Tuy nhiên trong bài viết Hành trình cuối cùng của một triết gia, tác giả Phùng Quán cho rằng đó là ông trả lời một phóng viên trong một cuộc họp báo tại Paris. Phùng Quán cũng viết rằng vào những năm 1950, khi đa số những người lính các ông nhiều người vừa biết đánh vần và không ít người chưa thoát nạn mù chữ thì tại Paris của Pháp, triết gia luận bàn với J-P. Sartre - một trong những cây đại thụ triết học và văn học Pháp về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh. Cuộc luận bàn sau đó đã được khép lại và không phân phần thắng bại, nhưng sau này, phu nhân của J-P. Sartre nói rằng Trần Đức Thảo có lý hơn chồng bà.
Không những vậy, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn đối với đất nước. Khi Bác Hồ sang thăm Pháp năm 1946, ông đã xin được trở về phục vụ đất nước nhưng Bác khuyên ông về nước lúc này chưa phù hợp. Tuy nhiên, năm 1952, ông đã đi bằng ngả Đông Âu để về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp và trở thành giáo sư triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Về cuộc sống riêng, Trần Đức Thảo và tiến sĩ Nguyễn Thị Nhứt (tiến sĩ tại Pháp) kết hôn năm 1954 và ông bà thuận tình ly hôn năm 1967. Sau này, bà Nhứt trở thành phu nhân của người bạn thân của vợ chồng bà và cũng là một nhà văn hóa lớn - bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Trong Phong trào Nhân văn giai phẩm, người đại trí thức hồn nhiên và ngây thơ ấy đã không vượt qua được bánh xe của vòng quay lịch sử để rồi ông bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, bán dần bán mòn những bộ từ điển; bị hạn chế liên lạc với người khác, bị cô lập trong cuộc sống. Giáo sư Nguyễn Đình Chú, một học trò của Thầy Trần Đức Thảo sau này đã viết những dòng hối hận về cung cách cư xử với Thầy: “Cách đây vài năm, anh Cù Huy Chử cho tôi biết ngày Thầy sống ở Sài Gòn trước khi đi Pháp, có lần Thầy nói với anh: Nguyễn Đình Chú là người ghi bài giảng của Thầy để làm tài liệu học tập cho sinh viên nhiều nhất và tốt nhất nhưng sau cuộc đấu tố, gặp mình mà không chào. Quả có sự thật khốn nạn đó. Hàng ngày vẫn gặp Thầy lên xuống ở cầu thang mà tôi cứ phải cúi mặt xuống không dám chào Thầy vì sợ liên lụy, vì xấu hổ về tội phản Thầy. Chỉ một Đoàn Mai Thi là người duy nhất không sợ gì cả vẫn thường xuyên lui tới săn sóc Thầy trong hoạn nạn, để lại một điểm son về đạo tôn sư trong lòng chúng bạn".
Mỗi nhà triết học trên thế giới được giành một dòng trong Đại từ điển triết học của thế giới, riêng Giáo sư Trần Đức Thảo được giành hẳn 20 dòng. Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn đánh giá về ông: "Đó là một trong những người Việt hiếm hoi được học hành đến nơi đến chốn về triết học và cho thấy người Việt mình cũng có thể tiếp cận rất gần với triết học thế giới”. Nhà văn Nguyễn Đình Chính đánh giá về ông: “Trần Đức Thảo là một người Việt Nam được chọn, đã nhận được lời mách bảo thì thầm đầy minh triết của tổ tiên, đã nhận được một nguồn năng lượng bí ẩn của vũ trụ để tổ chức lại tư duy của mình theo một phương cách tư duy mới được gọi tên là tư duy phức hợp. Ông đã bước đầu cố gắng hòa giải triết học và khoa học. Ông đã khiêm nhường nghiêng mình trước bí mật vô song, huy hoàng trên con đường vừa tự phá hủy vừa tự tổ chức của đời sống tâm linh và sự sống tổng thể vũ trụ”. Giáo sư Michel Espagne - Giám đốc Nghiên cứu ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) thì cho rằng: “Trần Đức Thảo trở thành khuôn mẫu trong tiến trình chuyển giao tư tưởng giữa các không gian văn hóa xa nhau. Năng lực ấy có khả năng lật đổ hay làm lung lay những diễn giải triết học truyền thống… Ông đã mở đường dẫn lối cho một bộ phận trí thức Pháp vào nghiên cứu một kiểu triết học mác-xít, đem lại cho họ một khám phá mới về hiện tượng luận, đã di chuyển điểm nhìn về hướng nhân chủng học... Ở góc độ này, ông đã dự cảm và thúc đẩy tiến trình của nền triết học Pháp”. Trong lời tựa cho cuốn sách: "Triết gia Trần Đức Thảo: Di cảo, Khảo luận, Kỷ niệm" mới xuất bản gần đây, tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách đã viết: “Giờ đây, từ trong ngôi đền thiêng của những nhân vật kiệt xuất nhất của lịch sử Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Thảo cùng với những người khác, đồng hương khác của ông, những Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Trương Vĩnh Ký, v.v... hẳn đang trìu mến nhìn ra bên ngoài, nơi có một ngôi miếu nhỏ cho ông mới được dựng lên thêm. Trong đó, có cả những ngọn nến lung linh ấm áp là trái tim của những người trẻ tuổi ngưỡng mộ và trân kính ông, là những giọt nước mắt mặn nóng vẫn nhỏ xuống khi nghĩ về ông, về thân phận của người trí thức đồng hành cùng lịch sử vất vả của dân tộc”.
Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức, nghiên cứu sâu sắc Heghen, Husserl, Trần Đức Thảo để lại cho nhân loại khoảng 15 ngàn trang viết bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Đức. Những tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của ông là “Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng”; “Tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức” (tác phẩm được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), “Logic của cái hiện tại sống động”... Nhưng để đọc và hiểu những gì Trần Đức Thảo viết phải tích lũy được những tri thức nhất định cần thiết (thông thạo tiếng Pháp hoặc tiếng Đức, am hiểu về môi trường xã hội và môi trường khoa học mà ông đã sống, hiểu biết về nhiều môn khoa học khác...) điều này không phải ai (ở Việt Nam) cũng đạt được.
Nhà thơ Việt Phương, Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về ông: Về con người của Trần Đức Thảo, ông Phạm Văn Đồng luôn luôn nói với tôi: “Đó là một tài năng và là một người bị oan khuất”. Và tôi nhận ra thêm một điều cực kỳ đáng trân trọng ở con người ấy: Mọi nỗi oan khuất mà ông phải gánh chịu suốt cuộc đời không hề để lại trong ông dù chỉ là một dấu vết nhỏ nhất của sự cừu hận. Con người ông trong sáng đến mức ngây thơ… Tôi mong tất cả những tác phẩm của ông được xuất bản và để mọi người hình dung được tư tưởng, con người của ông, và tự hào về một đại trí thức của Việt Nam”.
Ngày 24-4-1993, người đại trí thức, người lữ hành vất vả (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi) ấy đã đi hết chặng đường dấn thân của người trí thức “đồng hành cùng lịch sử vất vả của dân tộc” (Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành).
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...