Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:33 (GMT +7)

Trần Cầu - Nhà thơ của ân tình xứ sở

Trần Cầu làm thơ khá đa dạng với cảm hứng phong phú về các chủ đề khác nhau như: Về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng (15 bài), Về cuộc đời quân ngũ của một Cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên “Chấn động địa cầu” (16 bài), Về đất nước (27 bài), Về tình bạn (17 bài), Về nghệ thuật (17 bài), Về mùa xuân (13 bài), Về thế sự (8 bài), Về tình yêu (7 bài) và Viết cho riêng mình (6 bài)…

Trần Cầu - Nhà thơ của ân tình xứ sở
Nhà thơ Trần Cầu (thứ 3 từ trái sang) nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. (Ảnh: Quang Khải)

Tuy nhiên, mảng thơ chiếm số lượng áp đảo trong thơ Trần Cầu là cảm hứng về xứ sở. Trong 182 bài thơ đã xuất bản của ông có 17 bài viết về nơi “cắt rốn chôn rau”: thôn Giang, xã Nhân La, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và 56 bài viết về mảnh đất Thái Nguyên, nơi ông sau khi ra quân, học xong Trường Luyện kim về công tác và gắn bó từ 1959 đến tận hôm nay.

Như vậy, tổng hợp cảm hứng thơ Trần Cầu về 2 miền quê có tất cả 73 bài. 73/182 quả là một con số đầy ý nghĩa và rất giàu sức gợi. Đây chính là lý do tôi đã đặt tên cho bài tham luận của mình là: Trần Cầu - nhà thơ của ÂN TÌNH XỨ SỞ.

Theo quan điểm thơ hiện đại với biên độ mở và sự dung chứa mới của nhịp sống hôm nay, khái niệm xứ sở không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn của ta mà còn bao hàm cả nơi ta gắn bó, sống và công tác từ lúc trưởng thành. Như vậy, khá nhiều người có 2 miền quê yêu dấu là quê cha đất tổ, nơi ta được sinh ra, lớn lên, đi học, chứng kiến những năm tháng đầu đời thương mến và trong trẻo nhất và miền quê thứ hai nơi ta công tác, nghỉ hưu và sống cùng gia đình trong phần lớn cuộc đời.

Đọc kỹ 73 bài thơ của Trần Cầu, tôi tìm thấy bóng dáng của chính tôi trong những vần thơ trĩu nặng ân tình xứ sở.

Trước hết, khi viết về quê cũ Hưng Yên, thơ Trần Cầu âm vọng những khúc nhạc hồn da diết. Những địa danh quê cũ, nơi có tổ tiên, ông bà, cha mẹ luôn đau đáu trong trái tim ông, vẫy gọi ông hồi hương bằng hoài niệm:

Cứ nao lòng chiều tím nhớ quê

Nơi mẹ tảo tần đồng chiều, ruộng bãi

Chuông chùa Đồng Ngọ gió xuân vọng lại

Nghe thiết tha nhắn gọi tôi về

(Lấp lánh hồn quê)

…Ký ức về cha mẹ, về quê hương gian nan, nghèo khó luôn nhức nhối và ám ảnh ông, tạo ra những câu thơ gan ruột, xúc động sâu sắc lòng người:

Mảnh ruộng, chợ quê

Mẹ oằn lưng bước lún bờ vùng

Mảnh vá chồng lên mảnh vá

Cha trầy trật cả đời buôn thúng bán bưng

Ngay cả giấc mơ cũng sợ

(Nắng cuốn giục ngày đi)

Quê hương là vĩnh hằng thơm thảo trong tâm thức những đứa con xa. Đây là chân lý nghệ thuật mà mọi hồn thơ tha hương vẫn tìm về. Nhưng cảm nhận được cái Mùi làng như Trần Cầu thì quả là vô cùng độc đáo:

Đây là nơi không thể tàn phai

Mát rượi vòm tre, câu Kiều cánh võng

Cá đớp chân bèo… vàng thu rời rợi

Dậu cúc tần thủ thỉ lời yêu

Mùi làng gợi nhớ hương không lẫn

Muôn nẻo thời gian đau đáu nhau

(Tự tình làng)

Nói đến Hưng Yên là nói đến tương Bần, đến con sông Luộc, bến Triều Dương và đội nữ du kích Hoàng Ngân đã đi vào lịch sử kháng chiến oai hùng của dân tộc. Nói đến làng Giang, xã Nhân La, huyện Kim Động quê ông là nói đến xứ sở của nhãn lồng nức tiếng. Có những cây nhãn cổ thụ đã mấy trăm năm chia sẻ buồn vui với các thế hệ người. Hương nhãn dắt tâm hồn nhà thơ về quê cũ, làm thức dậy cả một thời giặc giã gian khổ mà vinh quang, đau thương mà anh dũng để ông lại vững vàng bước tiếp trên con đường mới hôm nay:

Hương nhãn dẫn tôi đi

Bâng khuâng chiều phố Hiến

Bước thương vương bước nhớ

Sương giăng Bán Nguyệt Hồ

Thương quê ngày rỉ máu

Đắng ngắt giọt tương Bần

Sông Luộc dìm xác giặc

Chắc tay súng Hoàng Ngân

Tôi về ngày lặng gió

Áo qua cầu đã bay

Bước đi trên đường mới

Gặp lại thời cỏ may

(Miền quê thương nhớ)

Sau khi đã về hưu, gần như năm nào Trần Cầu cũng về quê thăm quê cũ. Những dịp về quê tảo mộ là thêm một lần hồn thơ Trần Cầu lại rưng rưng nỗi niềm xứ sở:

Thanh minh trong sáng ánh ngày

Con về tảo mộ nhòe cay cõi lòng

Lòng thành lạy tạ cha ông

Rưng rưng ngọn gió ấm nồng thơm hương

(Tảo mộ)

Về quê để gặp lại chính mình, để bâng khuâng đắm buồn vào ký ức và để tiếp thêm nguồn năng lượng tồn sinh mới, để tiếp tục bước đi trong hành trình hoàn tất phận kiếp con người:

Tôi trở về tìm lại dấu xưa

Rặng nhãn ấy đã thành cổ thụ

Lớp học thành cửa hàng điện tử

Nghẹn dòng trôi, hẫng bước người xa

Mắt dõi tìm lưng gốc cây xưa

Tên lớp thân thương chìm trong thớ gỗ

Ngước vòm xanh gặp chân dung nỗi nhớ

Vị chát nhãn non tuổi học trò

(Dấu xưa)

Và đây nữa:

Những bước chân tung tẩy đường làng

Dọc bờ ao, dậu cúc tần ngõ nhỏ

Tuổi thơ tôi hồn nhiên mắt lá

Khúc đồng dao kéo giãn nắng chiều

Đường mưa con chữ liêu xiêu

Bước trượt, bước trơn vương loang mực tím

Cặp sách căng phồng dậy mùi bàng chín

Lịm ngọt môi nhau, thơm những dại khờ

(Những con đường hằn sâu ký ức)

Trong nền thơ Việt chúng ta viết về quê hương, hình ảnh Mẹ bao giờ cũng lớn cao sừng sững. Khi mái đầu ta đã bạc, hình ảnh Mẹ càng thêm ám ảnh trong niềm thương nhớ khôn nguôi. Mẹ đã hóa thân vào miền mây trắng nhưng Mẹ vẫn luôn hiện hữu trong tâm hồn đẫm lệ của con để bài thơ con viết hôm nay chính là thơ của Mẹ. Bài thơ Mẹ gieo lục bát của Trần Cầu là một thi phẩm lạ. Ông ít làm thơ lục bát, không như các bậc cao niên khác. Nhưng khi ông đã viết, lục bát ông luôn có những tìm mới bất ngờ. Rõ ràng là lục bát của ông nhưng thi tứ lại là của Mẹ. Mẹ đã gieo câu lục bát vào tâm thức của ông rồi:

Sá gì bảy nổi ba chìm

Vì con khóe mắt chân chim nheo cười

Dập dìu mây trắng ru hời

Giọng trầm buông lửng mẹ ngồi đăm chiêu

Mẹ giờ về cõi phiêu diêu

Hồn con ướt đẫm cả chiều không mưa

(Mẹ gieo lục bát)

…Có thể nói, với 17 bài thơ viết về quê cũ, Trần Cầu đã mở sáng một xứ sở của ân tình sâu thẳm, linh thiêng. Tuy nhiên, hoài niệm vẫn chỉ là hoài niệm. Quê cũ luôn là cội nguồn trong trẻo và bền vững nhất của hồn ta nhưng quê mới lại là nơi ta sống và gắn bó nhiều hơn cả. Từ 1959, đến nay đã 64 năm, nhà thơ Trần Cầu sống ở Thái Nguyên, nơi ông là kỹ sư cấp cao ngành luyện kim, gắn bó với công ty Gang Thép Thái Nguyên ngay từ những ngày đầu khai lập, nơi ông đã cùng vợ con và cháu chắt xây dựng hạnh phúc gia đình và một cuộc sống mới, nơi ông đã từng chứng kiến và chia sẻ vui buồn cùng những đổi thay, thăng trầm của đất nước. Vì vậy, ông đã dành cho xứ sở này ân tình đầy nặng và sâu đậm nhất. Tôi không ngạc nhiên khi ông có tới 56 bài thơ viết về Thái Nguyên, trải dài theo bước đường công tác và sinh sống của mình.

Trần Cầu - Nhà thơ của ân tình xứ sở
Nhà thơ Trần Cầu không giấu nổi niềm xúc động trước những tình cảm của bạn thơ

Ông viết về lò cao Gang Thép từ những ngày đầu tiên cho tới những tháng năm chống Mỹ. Hồn thơ Trần Cầu là hồn thơ người thợ lấp lánh lửa thép ra lò và vang âm tiếng còi tầm cùng những gương mặt đẫm mồ hôi và nét cười tươi trẻ của người thợ năm nào:

Chiều về nghiêng bóng lò cao

Dòng gang cuộn chảy xôn xao sắc hồng

Nắng hanh vàng trải mênh mông

Lô xô nhà xưởng bóng lồng thảm xanh

Dòng thơ suối thép long lanh

Chắt chiu từng những nhọc nhằn đầy vơi

Thép đi cuối đất cùng trời

Mang tình sợi ngắn sợi dài thương nhau

(Chiều Gang Thép)

Và đây nữa:

Ngước trông lên lò cao

Ánh lửa hàn lóe sáng hơn sao

Gió ngàn dạo qua

Những tầng cao vời vợi

Đêm công trường

Trăng nghiêng vẫy cánh sao rơi

Chúng tôi hát theo giai điệu thân quen

Suốt một thời ồn ào tuổi trẻ

Nhà máy thêm nhiều áo thợ

Thành phố Thép cùng chúng tôi lớn lên.

Bài hát cũ rồi

Cô thợ hàn xưa tôi không gặp lại

Chỉ còn lại tình người trong ánh thép

Mãi xốn xang, tươi trẻ thuở ban đầu

(Bài hát năm xưa)

…Đã từ rất lâu Trần Cầu coi Thái Nguyên là quê mình, là xứ sở của yêu thương máu thịt:

Sông Cầu đậu lại làm quê

Gieo vần mở bến đam mê đón chờ

Nắng phai vén lớp sương mờ

Lênh đênh còn một câu thơ đợi mình

(Duyên muộn)

Thành phố Thái Nguyên đã trở thành một sinh thể máu thịt trong từng dòng tâm cảm của ông:

Thái Nguyên ơi những giọt đời không nghỉ

Thơ mộng cao sang còn vương nét hao gầy

Vận hội mới gõ từng ô cửa

Vời vợi trời thu nâng bước chân ngày.

(Thành phố của tôi)

Nhà thơ yêu tin thành phố đang chuyển mình rạng rỡ bởi mảnh đất này có gốc nền bền vững từ những giá trị truyền thống của cha ông:

Thành phố trên đường đi tới

Bức tranh ba chiều đậm nét hào hoa

Thoáng đãng khung trời khởi nghiệp

Linh hiển tiền nhân dõi bước trợ phù ta

(Thành phố ngày mới)

Ông viết về thành phố mới Sông Công, về Hồ Núi Cốc, về ATK Định Hóa, về Võ Nhai, Đại Từ, Tân Cương, Hồ Xương Rồng… Nhìn chung, thơ Trần Cầu đã tìm đến những gì đặc sắc nhất của xứ sở này.

…Càng gắn bó với Thái Nguyên, ân tình của nhà thơ Trần Cầu càng thêm thiêng liêng, sâu đậm và bền chặt. Ông nhiều lúc chìm lắng vào những suy tư, chiêm nghiệm về thành phố yêu quý của mình để tiếp tục đồng hành với từng con phố, từng dãy nhà và từng sợi nắng vầng mây qua mỗi chiều, mỗi sớm:

Lần theo vệt nắng tìm nhau

Tóc huyền linh hiển bên đầu bạc sương

Khoác tay dạo chốn vô thường

Lời thề xanh cỏ, bước thương luân hồi

Bồi hồi tôi tựa vào tôi

Tiếng chim khỏa mộng ngậm ngùi cỏ non

Bao nhiêu dành dụm vui buồn

Tôi về hong nắng khô ròn gửi mây

(Tìm xưa)

Sống ở Thái Nguyên từ 1959 về hưu từ 1997, hơn 64 năm qua từng tế bào hồn ông đã hòa quyện với mảnh đất này, từng nhịp đập trái tim ông đã hòa điệu với trái tim thành phố này. Từ thời bom rơi đạn nổ đến thời bao cấp đói nghèo và cho đến tận hôm nay, thành phố chúng ta đã thay da đổi thịt, vươn tầm cùng đất nước và các miền quê khác trên Tổ quốc chúng ta. Trần Cầu vẫn sống bình dị và trong sáng, ân tình và lạc quan như thế. Tôi tin rằng những vần thơ hay nhất của ông vẫn còn đang ấp ủ để cùng ông, cùng tất cả chúng ta tiến bước cùng Thành phố Thái Nguyên yêu quý.

Võ Sa Hà

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Sân khấu độc lập: Những thách thức

Sân khấu - Múa 4 giờ trước

Ẩm thực Thái Nguyên - tinh hoa phong vị xứ Trà

Cuộc sống quanh ta 23 giờ trước

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 1 ngày trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 2 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước