Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:01 (GMT +7)

Trái thị cổ tích – Tản văn. Hạnh Trần

VNTN - Lúc còn nhỏ tôi nhớ cứ vào cuối mùa mít là bắt đầu có thị. Các cụ thường bảo “Thị chín thì mít sượng”. Ấy là chớm thu, những quả mít mật múi cứng lại dở dang không mềm mượt ngọt ngào, mít dai hạt nảy mầm đâm rễ ngay trong quả, múi sống sượng, hơi đăng đắng không còn ngon nữa. Khi ấy là bắt đầu mùa thị chín.

Mẹ gánh rau ra chợ, chị em tôi ngong ngóng mẹ về để chia nhau những trái thị vàng ươm còn tươi nguyên chùm lá. Những trái thị đầu mùa được mẹ nhẹ nhàng rửa sạch, xếp ngay ngắn trên đĩa, vàng óng ả điểm lá xanh thơm lựng được dâng lên thắp hương. Mùi nhang thơm và mùi hương thị ngọt ngào lan tỏa trong năm gian nhà ngói, ngoài trời trăng thu vằng vặc tạo nên một không gian mát mẻ và yên bình. Hạ hương, chị em tôi được chia nhau những quả thị thơm, tôi bé nhất thường được nhường quả to nhất và tròn trịa, những cái tai cong lên ôm chiếc cuống gắn lá xanh đẹp đẽ. Trái thị màu vàng chanh lại lấm tấm các đốm xanh mơ, da mịn màng chỉ muốn cắn ngay một miếng. Chị em tôi lập tức đan rọ để treo thị. Những bàn tay nhỏ nhắn khéo léo sẽ lấy dây len của mẹ cắt ra thành những đoạn khoảng hai gang tay. Buộc túm một đầu thật khéo để có chùm bông tua rồi Tết như mắt võng nhỏ dần, sau cùng chia đôi ra và tết quai rọ, không phải ai cũng rết được những cái rọ cân đối và xinh xắn. Quả thị được nhẹ nhàng thả vào đó và xách đi chơi, treo ở bàn học và sau cùng lúc đi ngủ được treo ở gần đầu giường như bà cụ trong truyện cổ tích Tấm Cám thường làm. Thị đem đi chơi đồ hàng và khoe với bọn trẻ hàng xóm, xem thị ai to hơn và đẹp hơn, dẫu thèm nhưng chưa ai nỡ ăn quả thị đẹp đẽ ấy.

Mấy ngày sau, khi vỏ thị đã ngả màu vàng sậm, quả mềm nhừ mới đem liên hoan. Ngày ấy sao mà trái thị thơm ngon thế, vỏ thì hơi chan chát, ruột ngòn ngọt và lùng nhùng cố bám chặt vào những cái hột to như ngón chân cái khiến những cái mồm háu ăn của chúng tôi cứ phồng lên mà gặm. Chả trách mà có câu “Lúng búng  như ngậm hột thị”. Cái hột ấy cứng nhưng bọn trẻ chúng tôi tìm cách lấy dao gọt vỏ ngoài rồi chẻ ra để nhai. Nó sần sật giòn giòn như xương sụn ăn khá ngon với lũ trẻ ngứa răng bấy giờ. Cơ mà ăn thị  cũng phải chờ đúng lúc chín nhừ, nếu ăn ngay lúc mua về thì vừa cứng vừa chát xít. Nếu để qủa chín quá, vỏ thâm lại là bên trong có bọ. Con bọ ấy có từ trước khi quả chín nhưng chưa kịp nở trứng, để chín quá nó nở ra trông phát sợ, tiếc rẻ mà vứt ra vườn. Các cụ vẫn bảo: “Hồng tròn, thị vẹo, khế còng queo” ý nói là những thứ như thế thì ngon. Quả thị vẹo thường ít hột. Cơ mà ai cũng chỉ muốn quả thị to và thật tròn.

Khi mới mọc, cây thị con lá cứng và xanh đậm nom giống lá vải.  Nhưng rất ít nhà trồng. Cây thị thường là tự mọc, vì quan niệm “thần cội đa- ma gốc thị”.  Cũng có lẽ bởi cây rất to, lá rậm rì xanh thẫm quanh năm. Khu tôi ở chả có một cây thị nào cả, chỉ có bên làng đất đai rộng rãi mới thi thoảng có một cây. Mùa quả đến chỉ ngong ngóng chợ phiên để mẹ đi chợ về mua thị.

Lá thị hơi giống lá chè thế nên cánh thanh niên làng tinh nghịch hò nhau cho vào đun lẫn với ấm nước trà xanh lấy đũa khoắng nhiều lần để “chơi khăm” nhóm bạn nào đó đến chơi nhà bọn con gái. Có khi là nhóm học sinh “nhất quỷ nhì ma” nghịch ngợm xát cả lá lên ghế cô giáo. Đôi khi nhóm gái làng bí mật đun nước phục vụ cánh lính trẻ về dân vận, rồi cười rúc rich với nhau rình…bom nổ chậm. Những trò nghich dại ấy mỗi khi nhắc lại ai cũng cười nắc nẻ.

Trái thị đẹp đẽ thơm tho gắn liền với hình ảnh cô Tấm nết na dịu hiền giờ không còn bày bán trên chợ quê mỗi dịp cuối hè. Không còn hình ảnh đôi quang thúng, trên đậy cái mẹt bày những trái thị vàng như trăng thu lấm tấm đốm xanh mơ núp trong cọng lá xanh mỡ. Ngày nhỏ khi nghe kể chuyện Tấm Cám tôi tưởng tượng ra chị Tấm bé xíu nấp trong quả thị vàng thơm trên đầu giường bà cụ. Giờ kể lại chuyện cổ, các con tôi không hình dung được hương thơm và hình dáng đẹp đẽ của trái thị bình dị thôn quê. Khi mà những cây thị hàng trăm năm tuổi bị cưa gỗ bán hết. Những cây thị đương ra quả cũng bị lùng mua sạch, họ cưa cành, bứng tận gốc cẩu đi đâu đó trồng cùng với sấu, khế và những cây ăn quả trưởng thành khác trong các trang trại, biệt thự đẹp đẽ. Còn đâu hương thị thân quen khi mà các loại hoa quả ngoại nhập lan tràn dán mác, đóng túi và ướp thuốc bảo quản tràn ngập thị trường. Một số loại quả dân dã thân quen dần vắng bóng, và trái thị cũng đã lui về miền cổ tích của riêng mình. Hương thị chỉ còn thơm trong những giấc mơ, những kí ức của tôi về một thời ấu thơ đẹp đẽ.

Mùa thu đã lại gõ cửa, trăng sáng vằng vặc trên đồi quê. Vẳng trong xa xăm tiếng trống ếch tùng rinh mùa trung thu. Tiếng trẻ nô đùa vang vang những bài đồng dao quen thuộc trong các trò chơi “cam-quýt- mít- dừa - hồng - na - thị - ổi…”. Trái thị cổ tích trong trong tôi lại vàng như vầng trăng mỗi mùa phá cỗ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước