Tổng quan về văn xuôi Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI
20 năm, thời gian tuy không dài nhưng đủ để chúng ta nhìn nhận về bức tranh toàn cảnh của văn xuôi Thái Nguyên trên chặng đường đầu tiên của thế kỷ mới. Có thể khẳng định ngay rằng đây là thời kỳ văn xuôi Thái Nguyên nở rộ và tiểu thuyết là một điểm nhấn trong giai đoạn văn học này.
Văn xuôi Thái Nguyên đã có sự bứt phá, đa dạng về đề tài, bút pháp và đã từng bước hình thành các mảng văn học theo nhiều đề tài, chủ đề khác nhau với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Điều dễ dàng nhận thấy của văn xuôi Thái Nguyên là khả năng liên tưởng độc đáo, giọng điệu riêng rất khác nhau của mỗi tác giả. Các tác phẩm đã phản ánh khá đa dạng bức tranh nhiều màu sắc của đời sống xã hội trong một tâm thức mới, đầy tư duy sáng tạo. Nhiều tác phẩm có lối biểu đạt bằng ngôn ngữ trần thuật sinh động, nhuần nhuyễn, cấu tứ chặt chẽ, từ đó bật lên giao nhịp phức điệu giữa tình người, tình đời, thể hiện nét sắc sảo, tài hoa của người sáng tác.
Nhà văn Phan Thái trong lễ ra mắt sách"Nắng phía sau mặt trời"
Trong bối cảnh đất nước phát triển nhanh chóng về kinh tế, văn hóa xã hội và mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 mà nền tảng là kỹ thuật công nghệ số bùng nổ, văn hóa đọc và việc sử dụng thiết bị công nghệ cho nhu cầu đọc có sự thay đổi, các tác giả vẫn nỗ lực không ngừng, miệt mài sáng tạo bằng sự đam mê và đã cho ra đời nhiều tác phẩm với nhiều thể loại có chất lượng phục vụ bạn đọc.
Tiếp nối thành quả của Văn nghệ Việt Bắc với thế hệ các nhà văn trưởng thành từ quê hương cách mạng “Thủ đô gió ngàn” như Vi Hồng, Nông Viết Toại, Hồ Thủy Giang…; Khu liên hợp Gang thép như Xuân Cang, Lê Minh, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện… của thế kỉ trước, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, qua đó góp phần hình thành nên đội ngũ sáng tác văn xuôi dồi dào bút lực, tâm huyết với sự nghiệp văn học tỉnh nhà.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đối với cách mạng Việt Nam, các tác giả văn xuôi Thái Nguyên luôn nêu cao bản lĩnh chính trị, có quan điểm rõ ràng trước những luận điệu sai trái, tập trung mọi khả năng sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm văn học, phản ánh với góc nhìn đa chiều về mọi mặt đời sống xã hội.
Điều rất đáng ghi nhận là 20 năm qua, Thái Nguyên luôn duy trì được một lực lượng viết văn xuôi khá đông đảo. Hầu hết các tác giả đều có trình độ đại học, trên đại học. Nhiều hội viên đã hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội… nên ở mỗi tác phẩm các hình tượng nghệ thuật được khắc họa sống động.
Tiêu biểu nhất của văn xuôi Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỉ XXI là nhà văn Hồ Thủy Giang. Ông không chỉ là cánh chim đầu đàn mà còn là người thầy tâm huyết đã đào tạo, bồi dưỡng nên nhiều tác giả văn xuôi triển vọng. Với bút lực dồi dào, nhà văn Hồ Thủy Giang sáng tác nhiều thể loại văn học, thể loại nào cũng thành công nhưng nổi bật nhất là tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng cao của trung ương, địa phương.
Khác với nhiều ngành kinh tế, trong lĩnh vực sáng tác nhắc đến nhà văn phải nói đến tác phẩm. Bên cạnh một số lượng tác phẩm lớn in báo và tạp chí, các tác giả đã cống hiến cho văn học tỉnh nhà và văn đàn cả nước xấp xỉ 200 đầu sách. Hầu hết các tác phẩm đều được phát hành rộng rãi trên toàn quốc. Nhiều cuốn sách được các nhà lý luận phê bình văn học và độc giả đánh giá cao. Trong đó ghi dấu ấn đậm nét là tiểu thuyết “Con đường cát bụi”, “Những người mở đường” của nhà văn Hồ Thủy Giang, “Bão rừng” của nhà văn Phạm Đức, “Lửa khuất” của nhà văn Phan Thái, “Apsara dưới trăng” của nhà văn Đào Nguyên Hải…
Điểm nổi bật ở văn xuôi Thái Nguyên 20 năm qua là đã hình thành các mảng đề tài khá rõ nét, bước đầu tạo nên phong cách riêng của nhiều tác giả như: đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử, đề tài nông nghiệp, nông thôn, đề tài công nghiệp, đề tài dân tộc và miền núi… Hầu hết các tác phẩm đều có chất lượng khá tốt trong cách thể hiện cùng ngôn ngữ hàm súc được chắt lọc từ hiện thực cuộc sống, có tính thẩm mỹ cao…
Thể loại tiểu thuyết, một trong những thể loại văn học khá thưa vắng trong những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước vắt sang đầu thế kỷ XXI, đã được nhiều tác giả quan tâm đầu tư sáng tạo, hàng năm đều cho ra đời những tác phẩm về quê hương đất nước, về mảnh đất và con người Thái Nguyên. Bên cạnh nhà văn Hồ Thủy Giang, Phạm Đức, Ma Trường Nguyên, Ngọc Thị Kẹo đã có sự tiếp nối của các tác giả tiểu thuyết như Nguyễn Văn, Phan Thái, Đào Nguyên Hải…
Thể loại truyện ngắn, tản văn, bút ký văn học, nhiều tác giả đã thành công với những tác phẩm giá trị ở nhiều mảng đề tài khác nhau như: Lê Thế Thành, Bùi Thị Như Lan, Trần Quang Toàn, Phạm Quí, Minh Hằng…
Một số nhà văn như Đỗ Dũng, Dương Mạnh Việt… bằng sự trải nghiệm từ thực tiễn dưới bom đạn khốc liệt trong chiến đấu đã có những tác phẩm văn học đậm chất sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng.
Là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, mảng đề tài dân tộc và miền núi được một số cây bút đi sâu khai thác và tạo nên một sắc thái riêng khá ấn tượng trong nhiều tác phẩm của các tác giả Ma Trường Nguyên, Bùi Thị Như Lan và gần đây là sự xuất hiện của tác giả trẻ Hoàng Thị Hiền.
Đặc biệt, Thái Nguyên là một tỉnh có bề dày lịch sử anh hùng và giàu truyền thống cách mạng. Tái hiện lịch sử với vẻ đẹp mới đầy tự hào và kiêu hãnh của đất và người Thái Nguyên thông qua tác phẩm văn học, cũng là một trong những nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều cây bút văn xuôi. Một số tác phẩm như “Thái Nguyên năm 1917”, “Những người mở đường”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của nhà văn Hồ Thủy Giang; “Linh Sơn tử chiến”, “Nắng phía sau mặt trời”, “Bình minh máu” của Phan Thái; “Thượng thư Đỗ Cận” của Phan Thức là những minh chứng.
Với những tác phẩm đa dạng trong phong cách, thể loại, bút pháp, ở nhiều thể loại truyện ngắn, bút ký, phóng sự, tản văn… nhóm tác giả trẻ hứa hẹn nhiều triển vọng như: Hoàng Thị Hiền, Kim Ngân, Trần Thị Nhung, Trinh Nguyên, Nguyễn Bích Hồng, Mai Linh Lan… đã mang đến làn gió mới cho đời sống văn xuôi Thái Nguyên.
Sự đan xen các thế hệ tác giả, sự đa dạng về đề tài không chỉ làm cho đời sống văn học Thái Nguyên thêm phong phú mà còn từng bước đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng người đọc. Mặt khác, lực lượng đông đảo các tác giả sáng tác cũng góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn khi độc giả tiếp nhận được những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn từ các tác phẩm.
Nhìn chung, sáng tác về mảng đề tài nào, các tác giả văn xuôi Thái Nguyên cũng dày công tìm hiểu tư liệu, nắm bắt cập nhật thông tin, những nét đặc trưng của văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Từ đó có sự phản ảnh khách quan cùng sự tìm tòi bứt phá để có những tác phẩm chất lượng.
Đặc biệt 20 năm qua, tiểu thuyết lịch sử xuất hiện ngày một nhiều cũng là một nét mới của văn xuôi Thái Nguyên. Các tác giả đã tìm cách thể hiện hình tượng nhân vật, chiến công, sự ngưỡng mộ, tự hào về lịch sử dân tộc. Qua đó đã tạo nên những tác phẩm hướng đến việc giáo dục thẩm mỹ, nhận thức về tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống quê hương. Trên cơ sở tôn trọng những hiện thực khách quan, cứ liệu lịch sử đã được kiểm chứng, các tác giả đã tạo nên những hình tượng văn học chân thực.
Cùng với các tác giả chuyên ngành văn xuôi, một số tác giả ở các chuyên ngành khác hoặc chưa là hội viên cũng sáng tác các tác phẩm văn xuôi, tạo nên một không khí văn chương khá sôi động như Nguyễn Đức Hạnh, Phan Thức, Hoàng Luận, Quản Văn Tại…
Mỗi tác phẩm văn học là một công trình nghệ thuật được xây dựng bởi ngôn từ, hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của tác giả. 20 năm qua, các công trình nghệ thuật đã góp phần làm đẹp thêm khu vườn văn chương của tỉnh nhà trong sự nghiệp đổi mới. Đòi hỏi của độc giả luôn rất cao, có thể một số tác phẩm còn chưa làm người đọc hài lòng. Song nhiệt huyết cầm bút của mỗi tác giả giữa muôn nỗi vất vả của cuộc sống thường nhật là điều rất đáng trân trọng.
Những kết quả của văn xuôi Thái Nguyên trong 20 năm đầu thế kỷ XXI cho thấy đội ngũ sáng tác có đầy đủ năng lực sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm văn học ở mọi đề tài, thể loại khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả vẫn chưa quan tâm đầu tư để có những tác phẩm xứng với tầm vóc của một tỉnh có hoạt động văn học nghệ thuật ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc. Một số mảng đề tài ít/chưa được khai thác như lịch sử cách mạng truyền thống giai đoạn kháng chiến chống Pháp, đề tài học sinh, sinh viên…
Sáng tác văn học phụ thuộc chủ yếu vào tài năng và nhiệt huyết của mỗi tác giả. Hướng đi trên chặng đường mới đã khơi mở. Chắc chắn thời gian tới, các tác giả văn xuôi Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy tốt khả năng sẵn có và ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, duy trì cảm hứng sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm văn học có chất lượng hơn nữa, đóng góp với nền văn học nước nhà và xây dựng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh vững mạnh toàn diện về mọi mặt.
Nhà văn Phan Thái
(Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...