Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:30 (GMT +7)

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật

VNTN- Chiều 29/12, tỉnh Thái Nguyên đã trang trọng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Giải thưởng lần này có số lượng tác giả, tác phẩm tham dự lớn nhất từ trước tới nay.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Các đại biểu tham gia Lễ trao tặng giải thưởng VHNT Thái Nguyên

Clip: Không khí tại buổi Lễ

Đây là một sự kiện đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà, thể hiện sự đánh giá, tôn vinh, ghi nhận của cấp ủy, chính quyền, nhân dân đối với các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, góp phần động viên khích lệ sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ tại địa phương.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Một tiết mục đoạt giải được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tại buổi Lễ 

Đến dự Lễ trao tặng Giải thưởng có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vũ Duy Hoàng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phạm Thái Hanh,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Các nghệ sĩ, diễn viên trong tác phẩm "Mầm xanh"

Các văn nghệ sĩ là thành viên Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021.

Trân trọng từ khâu tổ chức

Giải thưởng VHNT đã được Thái Nguyên tổ chức mang tính truyền thống từ năm 1992. Qua nhiều lần trao giải, giải thưởng đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, công trình của các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên, trong đó có những tên tuổi lớn, có nhiều cống hiến và được tiếp tục vinh danh ở phạm vi quốc gia.

Tuy nhiên, Giải thưởng lần này lại là điều đặc biệt. Với những nỗ lực của cơ quan thường trực Giải thưởng cùng sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị hữu quan, sau 6 kỳ tổ chức Giải thưởng trong hơn 30 năm, đến nay Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên đã chính thức được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi (tháng 6/2023).

Đây thực sự là một sự kiện hết sức ý nghĩa, phù hợp với yêu cầu của pháp luật và thực tiễn, có tác dụng quan trọng trong việc trân trọng, ghi nhận những thành quả lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng ban Thường trực Giải thưởng tặng hoa các nghệ sĩ, diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2017 – 2021), do đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh là cơ quan thường trực Giải thưởng đã tham mưu xây dựng Quy chế, Kế hoạch tổ chức Giải thưởng, ban hành Thể lệ Giải thưởng, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động và tạo mọi điều kiện để các tác giả tham dự Giải.

Sau 1 tháng thông báo Thể lệ Giải thưởng, đến hết ngày 28/7/2023 cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng tiếp nhận 116 lượt tác giả/nhóm tác giả, 204 tác phẩm thuộc 11/11 chuyên ngành tham dự Giải.

Việc thành lập Hội đồng Chung khảo thực hiện theo Quy chế và được sự phối hợp nhiệt tình, trách nhiệm của các Hội chuyên ngành trung ương. 11/11 Hội chuyên ngành trung ương giới thiệu thành viên Hội đồng Chung khảo cho Ban Tổ chức Giải thưởng; các thành viên được giới thiệu đều là các văn nghệ sĩ có uy tín cao, nhiều người được Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Nhờ sự nghiêm túc, tận tâm, trách nhiệm trong từng phần việc nên một số trường hợp người dự thi vi phạm nội dung, quy chế, thể lệ đều được Ban Tổ chức phát hiện và xử kịp thời.

Bộ Giải thưởng mà tỉnh Thái Nguyên mới ban hành theo hướng thể hiện sự trân trọng cao nhất đối với tác phẩm dự thi. Những cơ chế, chính sách ấy đã truyền cảm hứng không chỉ trong giới văn nghệ sĩ trong tỉnh mà còn lan tỏa tới cộng đồng những người yêu nghệ thuật của các tỉnh bạn.

Ban Tổ chức Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 đã xem xét, công nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 gồm: 9 giải A, 18 giải B, 21 giải C, 22 giải Khuyến khích.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Phát biểu tại Lễ trao tặng Giải thưởng, đồng chí Vũ Duy Hoàng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của văn hóa, Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Thực hiện lời dạy của người, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm sự nghiệp Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những năm qua, các tác phẩm văn học, nghệ thuật Thái Nguyên đã phát triển theo đúng dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”; tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới.

 Hội VHNT các cấp của Thái Nguyên đã trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của hơn 1.000 văn nghệ sĩ, góp phần thiết thực đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” vào cuộc sống.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá rất cao vai trò, trách nhiệm tham mưu, đề xuất của cơ quan thường trực tổ chức Giải thưởng giai đoạn 2017 – 2021. Các tác phẩm đoạt giải đã đáp ứng yêu cầu của Giải thưởng, đó là “mang tính chân thực, dân tộc, nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với văn hóa người Việt Nam; có tính sáng tạo, giá trị thẩm mĩ cao, có sự tìm tòi và những phát hiện mới, có tính hiện đại song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Đại diện cho các giám khảo ở vòng Chung khảo, Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước sự trưởng thành của đội ngũ và những thành tựu mà các văn nghệ sĩ Thái Nguyên nói chung, các họa sĩ nói riêng đã giành được trong thời gian qua. Nhưng ông cho rằng, nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ để tạo ra một Giải thưởng VHNT giai đoạn 2017 – 2021. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, tài năng của các văn nghệ sĩ được ghi nhận và vinh danh xứng đáng như hôm nay là nhờ tỉnh Thái Nguyên có sự quan tâm và đánh giá đúng tầm quan trọng của lĩnh vực VHNT trong đời sống xã hội.

Hội tụ những tác phẩm xứng đáng nhất

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
9 tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải A

Nhìn chung các tác phẩm tham gia dự thi Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 đều lấy cảm hứng và đề tài chủ đạo là quê hương, con người Thái Nguyên, có sự mở rộng biên độ sang những vùng không gian và đề tài khác mà Giải thưởng cho phép.

Thành tựu chung là các tác phẩm đạt giải đã phản ánh được hiện thực sinh động của cuộc sống từ quá khứ đến hiện tại; khai thác các mảng đề tài truyền thống, đề tài chiến tranh cách mạng cùng với những đề tài đương đại bằng ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng của từng chuyên ngành. Nhiều tác phẩm đã có đời sống riêng vững chãi trong cộng đồng yêu nghệ thuật.

Ở chuyên ngành Âm nhạc: Đại đa số các tác phẩm tập trung phản ánh về đời sống văn hóa, cảnh sắc, ký ức, con người và sự vươn lên không ngừng của Thái Nguyên xưa và nay. Thể hiện được tình cảm của các nhạc sĩ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến như Đại đội Thanh niên xung phong 915, với đất nước, biển đảo và niềm tự hào với Thủ đô gió ngàn truyền thống và hiện đại. Nhiều tác phẩm thiên về phong cách trữ tình, ngợi ca, có những tìm tòi đáng trân trọng trong xây dựng cấu trúc và giai điệu tác phẩm. Bên cạnh đó là một số tác phẩm với phong cách nhạc nhẹ, sôi động, phản ánh không khí trẻ trung, phát triển hiện đại đạt hiệu quả âm nhạc khá tốt.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
18 tác giả/nhóm tác giả nhận Giải B

Ở chuyên ngành Múa, mặc dù chỉ có 3 tác giả dự thi song đã để lại dấu ấn của chuyên ngành Múa trong Giải thưởng kỳ này. Nhóm tác phẩm đoạt giải là những thành công mới trong nỗ lực phát triển dòng múa đương đại khai thác chất liệu dân gian các dân tộc Việt Bắc, làm giàu nền nghệ thuật múa của tỉnh Thái Nguyên.

Trong chuyên ngành Thơ, Giải thưởng quy tụ một vùng thơ tương đối phong phú về đề tài và giọng điệu, có nội dung và nghệ thuật thể hiện tương đối tốt. Một số tác giả có tìm tòi ấn tượng về giọng điệu, nổi trội là Nguyễn Nhật Huy, Doãn Long. Có chiều sâu suy tư, trách nhiệm xã hội và công dân cao. Thể thơ truyền thống là chủ đạo.

Một trong những chuyên ngành quy tụ khá đông đảo tác giả tham gia là Văn xuôi. Cùng với những cây bút khá quen thuộc với bạn đọc Thái Nguyên văn xuôi Thái Nguyên đã xuất hiện một số cây bút mới, sung sức, đầy triển vọng.

Về tác phẩm, bên cạnh số đông tác phẩm mang tải hơi thở nóng hổi của đời sống và con người Thái Nguyên đương đại, thì sự xuất hiện của các tác phẩm về đề tài lịch sử là một điểm sáng đáng ghi nhận và trân trọng. Đề tài đất và người Thái Nguyên tiếp tục được khai thác kỹ lưỡng. Đó là những câu chuyện về nông nghiệp nông thôn, miền núi trong công cuộc đổi mới, những va đập biến cải từ đời sống đến phận người. Tuy chưa có những đột phá về thi pháp nhưng những nỗ lực phản ánh đời sống đa diện và sinh động, qua đó bày tỏ sự hướng thiện sâu sắc là những thành công của văn xuôi trong bộ giải lần này.

Nét mới trong Giải thưởng lần này là sự tham gia của tác giả, tác phẩm dịch thuật (tiểu thuyết) với sự khẳng định rõ nét về chất lượng.

Góp phần làm cho một bộ giải phong phú là sự hiện diện của các tác giả, tác phẩm thuộc chuyên ngành Lý luận phê bình. Trong 7 tác giả/nhóm tác giả tham gia và đoạt giải, có công trình nghiên cứu công phu kỹ lưỡng về một đề tài hẹp; có công trình nghiên cứu ở phạm vi rộng, có tính đương đại cao; hoặc gắn việc ứng dụng khoa học văn học vào nghiên cứu văn học địa phương, vào thẩm bình tác phẩm cụ thể. Bộ giải đã phản ánh sự đa dạng và đồng hành với đời sống văn học của công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Thái Nguyên.

Ghi nhận ở chuyên ngành Điện ảnh - Truyền hình cho thấy các tác phẩm dự giải bằng các kịch bản tốt, đề tài tốt, hàm lượng tri thức cao, được dàn dựng, tổ chức sản xuất công phu, đã tham góp tích cực vào việc khẳng định và lưu giữ các giá trị lịch sử, cách mạng và văn hóa của quê hương Thái Nguyên; với những thành công nhất định về nghệ thuật.

Các tác giả  dự thi ở chuyên ngành Kiến trúc đã cho thấy sự đổi mới ngôn ngữ kiến trúc trong thiết kế công trình. Xu hướng kiến trúc xanh, kiến trúc thân thiện với môi trường đã hiện dần trong các công trình. Các tác phẩm dự thi ở chuyên ngành này khá phong phú về thể loại, từ các đồ án quy hoạch đến các công trình công sở, nhà ở các loại …

Trong đó có những công trình tiêu biểu đã đi vào đời sống tạo ra những dấu ấn mới trong quy hoạch - kiến trúc Thái Nguyên.

Ở chuyên ngành Văn nghệ dân gian, bộ giải là sự ghi nhận những nỗ lực đáng kể về tinh thần khoa học, tâm huyết của các tác giả và nhóm tác giả, thể hiện trên từng tác phẩm, trong việc khảo cứu, lưu giữ, bảo tồn và truyền bá các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Các tác phẩm dự giải ở chuyên ngành Mỹ thuật thuộc loại hình hội họa và đồ họa, có chất lượng tương đối đồng đều; bám sát hiện thực đời sống trong đó chủ yếu là đời sống đồng bào miền núi vùng cao; khá đa dạng về phong cách, vừa khai thác được các giá trị của nghệ thuật tạo hình truyền thống vừa vận dụng được ngôn ngữ hội họa hiện đại... Đáng chú ý là bên cạnh những tên tuổi quen thuộc qua các kỳ giải thưởng đã có sự xuất hiện của một lớp tác giả trẻ, mới qua đó cho thấy mỹ thuật Thái Nguyên có bước phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn.

Không chỉ có vậy, Giải thưởng lần này còn thu hút sự góp mặt của cả tác giả ngoài tỉnh, với những sáng tác ấn tượng về Thái Nguyên, góp phần làm nên diện mạo phong phú của bộ Giải thưởng.

Điểm nổi bật ở chuyên ngành Nhiếp ảnh của bộ giải lần này là sự đầy đủ của các thể loại tham dự: nhóm ảnh đơn, ảnh bộ, sách ảnh, tập sách phê bình nhiếp ảnh.

Các tác giả dự giải bám sát Thể lệ, có nhiều sáng tạo trong cách thể hiện, phản ánh được những nét đặc sắc về cuộc sống lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân các dân tộc. Đáng chú ý, những góc máy thú vị, sáng tạo về đề tài công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hóa trong công cuộc đổi mới và hội nhập trên quê hương Thái Nguyên đã đem lại những cảm xúc tươi mới cho công chúng.

Đặc biệt, sự xuất hiện và khẳng định vững chắc giá trị của tập sách phê bình, tiểu luận Tiêu điểm thời gian của NSNA Vũ Kim Khoa - một tác phẩm hiếm hoi về phê bình nhiếp ảnh của Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung - đã cho thấy sự ý thức cao độ về chuyên môn cũng như sự phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu của nền nhiếp ảnh Thái Nguyên.

Sự xuất hiện của các tác phẩm thuộc chuyên ngành Sân khấu là một bước tiến mới của Giải thưởng về lĩnh vực này. Việc có sự hiện diện của tác phẩm thuộc chuyên ngành Sân khấu đã góp phần quan trọng làm nên chất lượng bộ Giải thưởng.

Tôn vinh tài năng trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật
21 tác giả, nhóm tác giả đoạt giải C 

Các tác phẩm đoạt giải thưởng đã đáp ứng yêu cầu của Giải thưởng, đó là  “mang tính chân thực, dân tộc, nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, phù hợp với văn hóa người Việt Nam; có tính sáng tạo, giá trị thẩm mĩ cao, có sự tìm tòi và những phát hiện mới, có tính hiện đại song vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc”.

Kết quả Giải thưởng thể hiện sự tôn vinh và khẳng định những giá trị mới trong đời sống văn học nghệ thuật Thái Nguyên, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ứng dụng văn học nghệ thuật vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Thái Nguyên.

 

Danh sách chi tiết tác giả, tác phẩm đoạt giải:

1705636694TP.pdf

Nhóm P.V

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục