Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:39 (GMT +7)

Tôn vinh những người thầy trong kháng chiến

VNTN - Ngày 6/11, một hoạt động có ý nghĩa của Hội Cựu Giáo chức (CGC) tỉnh được tổ chức tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, với tên gọi “Gặp mặt hội viên nhà giáo dạy học trong kháng chiến”. Đây là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhằm tri ân và tôn vinh các nhà giáo đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người từ hơn nửa thế kỷ trước. 

1. Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng trong kí ức các nhà giáo ở các tỉnh miền xuôi lên Thái Nguyên dạy học, các nhà giáo Thái Nguyên lên dạy học ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đi làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, Campuchia và vùng giải phòng miền Nam, vẫn đầy ắp kỉ niệm về những ngày đi “gieo chữ” trong những năm kháng chiến. Gian khổ mà tự hào, từ nhà trường, giáo viên đến học sinh đều bình thản vượt qua những khốn khó về vật chất để dạy và học. Để từ đó, góp phần đặt nền móng vững chắc cho lớp người Việt chiến thắng giặc ngoại xâm, xây dựng lại đất nước sau chiến tranh…

Các thành viên Ban Chấp hành Hội Cựu giáo chức tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2015-2020Ảnh: Phương Thảo

PGS-TS Nguyễn Duy Lương (Hội Cựu giáo chức Đại học Sư phạm (ĐHSP), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Việt Bắc, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên, người đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Thái Nguyên (và Bắc Thái cũ) từ năm 1970, sau khi nhận bằng tiến sĩ hóa học ở Liên Xô, đến khi nghỉ hưu năm 2000. Trong những năm ấy, ông đã coi Thái Nguyên là quê hương thứ hai của mình và hết lòng cống hiến cho mảnh đất này. Lúc còn công tác thì lãnh đạo đơn vị ngày một phát triển, đến khi nghỉ hưu lại tiếp tục tham gia các hoạt động giáo dục, truyền bá khoa học kĩ thuật của tỉnh bằng nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo khoa học có giá trị cho các tạp chí khoa học kĩ thuật. Điều đó cho thấy 1 tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ của một nhà giáo uyên thâm.

Nhà giáo Hoàng Quốc Sinh (Hội CGC xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa) nhớ lại: Vào một ngày đầu thu năm 1969, tôi cùng 25 chàng trai, cô gái tuổi trăng tròn của quê hương Thái Nguyên đã đặt chân lên bao núi cao, suối sâu, gắn bó cả tuổi thanh xuân nơi biên cương Lũng Cú - Hà Giang, theo tiếng gọi của Đảng. Ngày đó, chiến tranh ác liệt, thiếu thốn cực khổ trăm đường, cộng thêm sự bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán, khiến không ít lần tôi đã có ý định bỏ về quê… Nhưng rồi, mỗi lần lên lớp, những đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn tôi, rồi cảnh cả bản không một người biết chữ, không ai biết tiếng phổ thông đã níu kéo tôi ở lại và thầm nhắc tôi hãy cố gắng vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ. Và rồi chính mảnh đất biên cương ấy đã rèn luyện tôi trưởng thành…

Nhà giáo Đình Sơn (Hội CGC xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) thì nghĩ về thời tuổi trẻ hào hùng ấy bằng những câu chữ mộc mạc: “Chúng ta đã sống/ Để lại những trang giáo án lời ca/ Và những vần thơ đi cùng năm tháng/ Nơi ấy có những đêm chúng ta thức trắng/ Nhớ vợ con và những người thân/… Sau chiến tranh/ Nhiều người đã trở lại quê nhà/ Lại đứng trên bục giảng/ Dáng vẻ gầy hơn/ Nhưng bài giảng thường mang âm hưởng Trường Sơn…”.

Đều đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, sức lực cạn dần, nhiều nhà giáo đã không còn cơ hội đến đây tay bắt mặt mừng, nhưng tinh thần của những “người lái đò chở chữ qua sông” vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Không vẹn nguyên sao được, bởi họ chính là những người gieo mầm văn hóa cho biết bao thế hệ trẻ - những người gieo mầm kiên cường trong thời khắc khó khăn nhất của dân tộc. Và đó chính là lí do để Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này.

2. Hội Cựu giáo chức tỉnh thành lập từ tháng 7 năm 2005, Hội có nhiệm vụ và quyền hạn: Tập hợp, đoàn kết và đại diện cho cựu giáo chức, phát huy tiềm năng, trí tuệ của hội viên tham gia các hoạt động giáo dục đào tạo; Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên, giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, tương trợ nhau khi gặp khó khăn trong cuộc sống, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của dân tộc, truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; Phối hợp với các trường học, các cơ sở và cơ quan giáo dục đào tạo, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhân dân chăm lo giáo dục thế hệ trẻ và góp phần thực hiện “Giáo dục cho mọi người”, “Cả nước trở thành một xã hội học tập” và thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục.

Đến nay, Hội Cựu giáo chức tỉnh Thái Nguyên đã có mạng lưới cơ sở tại 9 huyện, thành, thị và 165 xã, phường, thị trấn với hơn 8.500 hội viên. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự chịu trách nhiệm về các điều kiện hoạt động, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, nhiều năm qua, Hội đã tham gia có trách nhiệm với các hoạt động của mặt trận Tổ quốc các cấp; hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc chỉ đạo. 100% các nhà giáo hội viên tham gia Hội Khuyến học các cấp; 1.200 hội viên tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở như bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố và trưởng phó các đoàn thể ở khu dân cư. Nhiều tổ chức hội và hội viên là nòng cốt trong giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh học yếu, chưa ngoan, được các nhà trường, nhân dân rất trân trọng. Hội đã làm tốt công tác xã hội từ thiện, tính riêng năm 2017, Hội đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 6 gia đình hội viên nghèo trị giá 100 triệu đồng; quyên góp 50 triệu đồng giúp các hội viên nghèo bệnh tật lâu ngày, gặp thiên tai, bão lụt; và vận động các nhà hảo tâm tặng 20 xe đạp cho học sinh nghèo… Ngoài ra, các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đều có sự đóng góp tích cực của các hội viên.

Từ những đóng góp đó, Hội Cựu giáo chức tỉnh Thái Nguyên đã phát huy được năng lực, trí tuệ của nhà giáo, góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tinh thần hết lòng cống hiến cho sự nghiệp trồng người từ 60 năm trước, vẫn ắp đầy trong các thế hệ hội viên của Hội hôm nay.

 

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy