Tôn trọng sự khác biệt
VNTN - Mới đây, một nhân vật quan trọng, có địa vị trong xã hội (VIP) đã đưa ra nhận xét rằng, một trong những nguyên nhân khiến người Việt mãi nghèo là do thích áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, không muốn ai có chính kiến khác mình. Nói rộng ra là dị ứng với sự khác biệt.
Nhận định này nghe có vẻ chủ quan. Có thể ai đó sẽ suy diễn để cho rằng, như vậy là biểu hiện của sự "chống đối", là "phá hoại sự đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân", hoặc nâng quan điểm để gán cho tội "cổ vũ đa nguyên đa đảng". Thế nhưng, nếu bình tĩnh và khách quan suy xét, hẳn chúng ta đều phải thừa nhận, nhất trí với nhau rằng, nếu không tôn trọng cách suy nghĩ khác biệt của nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý Ga-li-lê thì nhân loại cứ phải tin là trái đất sẽ đứng yên mãi hay sao? Từ đó có thể khẳng định: Nếu cứ dị ứng với sự khác biệt sẽ chẳng bao giờ có phong trào Thơ mới, cũng chẳng bao giờ có tiến bộ về khoa học công nghệ, đồng nghĩa với triệt tiêu mọi sáng chế phát minh.
Do hoàn cảnh lịch sử nên trong một thời gian dài - đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược - chúng ta buộc lòng không chấp nhận sự khác biệt về mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, tiến tới xây dựng Tổ quốc Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Dẫu không phải là biểu hiện kiêu binh hoặc công thần, nhưng rõ ràng là ngay sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã có không ít người ảo tưởng rằng, bây giờ sẽ là lúc muốn gì cũng được, song hóa ra đây lại chính là thời kỳ phải đối mặt với vô vàn khó khăn chồng chất. Không phải cứ đánh giặc giỏi thì làm kinh tế cũng giỏi, bởi đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Và việc không tôn trọng những ý kiến khác biệt trong xây dựng và quản lý kinh tế mà chỉ tập trung chạy theo một mô hình tự (hoặc bị) áp đặt lại đã dẫn đến sự khủng hoảng nên phải tiến hành Đổi mới từ ba chục năm nay.
Thời gian đã chứng minh, nếu biết tôn trọng những ý kiến khác biệt, thậm chí trái chiều, như: không duy trì nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp quá lâu, không ngăn sông cấm chợ, không bài xích các doanh nhân nắm giữ các nhà máy, xí nghiệp có công nghệ tiên tiến; không vì chủ nghĩa lý lịch mà lãng phí chất xám... thì hẳn là sự đổi mới đã có những bước tiến đáng ngưỡng mộ.
Những ai ít nhiều dính dáng đến nghiệp viết lách, có tuổi một chút, hẳn còn nhớ câu chuyện của một nhà văn tên tuổi khi còn làm lãnh đạo cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội đã nói rằng, lãnh đạo văn nghệ có nghĩa là... không lãnh đạo gì cả. Đây chính là thông điệp thể hiện cách ứng xử văn minh, không áp đặt suy nghĩ của mình cho cấp dưới. Tuy vậy, không vì thế mà tờ tạp chí uy tín này bị "chệch hướng", trái lại vẫn giữ được sức hút qua thời gian như một địa chỉ vàng của những sáng tạo, niềm tin từ phía bạn đọc.
Đã qua cái thời “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sỹ/ Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ” và nhìn đâu cũng thấy "mây bay một chiều, chim kêu một giọng" che giấu sự bằng mặt mà không bằng lòng. Ở thời đại hội nhập sâu rộng trong thế giới phẳng, muốn thu hút nhân tài, nâng cao vị thế quốc gia và để bạn bè yêu mến thì tôn trọng sự khác biệt đã thành yêu cầu bắt buộc. Nếu làm ngược lại điều đó, chỉ dẫn đến tụt hậu và tự cô lập mà thôi.
Thái Văn
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...