Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
11:11 (GMT +7)
KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024)

Tôi viết về đề tài lịch sử

Tôi bước chân vào nghề báo từ năm 2000, khi “từ Đoàn sang Đài, cùng vần Đi” như tôi vẫn nói vui với anh em Đài Sông Công khi được điều chuyển đến đó làm Trưởng Đài. Trong suốt quãng thời gian hoạt động báo chí, tôi hầu như chỉ viết phóng sự, bài về kinh tế, xây dựng Đảng… Nhưng từ năm 2020, khi chuyển từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về Báo (nay là Tạp chí) Văn nghệ Thái Nguyên cho đến nay, tôi lại thường viết về đề tài lịch sử.

Một số cuốn sách lịch sử của tỉnh đã xuất bản (ảnh mang tính minh họa)
Một số cuốn sách lịch sử của tỉnh đã xuất bản (ảnh mang tính minh họa)

 

Kể từ bài “Đôi điều về một “sử thi” còn ít người biết đến” đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên năm 2017, bài viết đầu tiên về đề tài lịch sử, đến nay, tôi đã có hơn 30 bài viết về mảng đề tài này, chiếm hơn một nửa số bài viết của tôi trên Văn nghệ Thái Nguyên.

Những dấu ấn nghề nghiệp

Việc chuyển sở trường cũng có lý do của nó. Đó là vì từ tháng 7/2016, tôi được điều chuyển từ Trưởng phòng Tuyên truyền - Báo chí - Xuất bản sang làm Trưởng phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Hơn 3 năm ở cương vị này đã giúp tôi tiếp cận với các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu của tỉnh. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tôi tham dự hàng trăm Hội đồng thẩm định lịch sử của tỉnh với vai trò Thư kí, tham dự các hội thảo lịch sử ở cơ sở… do vậy, tôi dần tích lũy được rất nhiều kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử đảng bộ tỉnh, lịch sử đảng bộ các địa phương và lịch sử truyền thống các đơn vị.

Chính vì thế, khi chuyển sang làm báo Văn nghệ Thái Nguyên, tôi mới có điều kiện “lục lại” kho tư liệu của mình, kết hợp với tìm hiểu thực tiễn rồi dần đi sâu vào mảng đề tài này.

Có thể nói, viết về đề tài lịch sử là rất khó, bởi sự kiện đã diễn ra từ lâu. Những gì sử sách đã ghi, những gì nhân chứng cung cấp… thì các nhà báo cũng đã khai thác hầu như không còn sót. Vậy làm thế nào để viết được bài, nghĩa là phải tìm ra được tính mới, tính phát hiện? Điều này phải kết hợp giữa việc nghiên cứu tư liệu lịch sử một cách logic, vừa phải lao vào tìm hiểu thực tế.

Tôi còn nhớ rất rõ câu chuyện chứng minh “địa chủ kháng chiến” cho ông Chu Quang Châu, xã Bình Sơn, TP. Sông Công. Tôi thực hiện nhiệm vụ tham mưu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận “Cán bộ Tiền khởi nghĩa” đối với ông. Lúc đó, bên Công an tỉnh có khai thác trong tàng thư tài liệu “Danh sách địa chủ, phú nông đề nghị thay đổi thành phần” của xã Bình Sơn, huyện Đồng Hỷ (tháng 7/1958), trong đó ghi nội dung ông Chu Quang Châu “vẫn là địa chủ”, “không phục tùng nhân dân”, “nghi vấn chính trị” mặc dù ông đã được hạ thành phần xuống “địa chủ kháng chiến” trong cải cách ruộng đất. Nếu văn bản này có giá trị thực hiện thời kỳ đó thì ông Châu sẽ không đủ điều kiện công nhận Cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Tác giả (người đứng) trong một Hội đồng thẩm định
Tác giả (người đứng) trong một Hội đồng thẩm định

 

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin để tra tìm tài liệu trên Kho lưu trữ Tỉnh ủy (được chia sẻ hạn chế trên mạng nội bộ Tỉnh ủy) nên tôi đã tìm được một số tài liệu rất quý, quy định rằng việc “duyệt thành phần” do huyện tổ chức, Tỉnh ủy phân công các Tỉnh ủy viên xuống tham gia duyệt, rồi sau đó chính quyền tỉnh ra quyết nghị. Như vậy văn bản không cho hạ thành phần của cấp xã là không có giá trị pháp lý. Sau này, do Hội đồng tư vấn xét, công nhận người hoạt động cách mạng của tỉnh đã nhất trí xét, công nhận ông Chu Quang Châu là Cán bộ Tiền khởi nghĩa. Câu chuyện được tôi chia sẻ trong bài viết “Số hóa các tài liệu lịch sử – hướng đi đã rộng mở” đăng trên Văn nghệ Thái Nguyên tháng 7/2021.

Bài “Ai làm Chủ nhiệm Việt Minh trong Tỉnh ủy lâm thời năm 1945?” (đăng tháng 10/2020) lại là một câu chuyện khác. Quá trình sưu tầm tài liệu, phân tích trên cơ sở logic, tôi chứng minh rằng: từ tháng 8/1945, khi thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã được chỉ định làm Ủy viên Ban Thường vụ, giữ chức Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh Thái Nguyên (trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1, xuất bản năm 2003 chỉ ghi nhận: đồng chí Hoàng Thế Thiện là Ủy viên Ban Chấp hành lâm thời, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh niên). Năm 2021, khi tái bản cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện đã được Hội đồng thẩm định thống nhất, đưa vào danh sách các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời.

Trong bài viết “Hiểu thêm về Dương Tự Minh qua sử sách” (2020), tôi đã phân tích các cứ liệu lịch sử để chỉ ra rằng: Dương Tự Minh không tham gia chống quân xâm lược Tống lần thứ hai (năm 1077), và vì vậy gọi ông với danh xưng “Anh hùng dân tộc” là không chuẩn xác. Các cuốn sách lịch sử của tỉnh đều gọi ông là Thủ lĩnh phủ Phú Lương, giống như Từ điển Thái Nguyên đã ghi rõ: “Là người đức độ, có tài thao lược, được vua Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương. Dương Tự Minh đã có công lớn trong việc phù giúp triều Lý giữ vững biên cương quốc gia Đại Việt những năm 20 - 40 thế kỉ XII, được nhà Lý 2 lần gả cho 2 công chúa làm vợ”.

Gần đây (tháng 1/2023), tôi có bài “Nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết thư bức hàng quân địch ở Đại Từ cần được công nhận là di tích lịch sử” (sau này, có viết tiếp để mở rộng vấn đề). Bài viết đã cung cấp, phân tích các tư liệu lịch sử và chứng minh rằng: Ngày 16/8/1945, một đội Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Tân Trào (Tuyên Quang), về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Ngày 18 tháng 8, trên đường hành quân, đơn vị đã đi qua và nghỉ tại Khuôn Gà, xóm Vân Long, xã Hùng Sơn. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết một bức thư bức hàng quân địch, giao cho 2 người đem lên đưa cho quan tri huyện. Nhiều Cán bộ Tiền khởi nghĩa thường được tổ chức hội họp tại đây. Căn cứ Khuôn Gà trở thành một nơi an toàn và rất bí mật đưa cán bộ Việt Minh di chuyển từ Võ Nhai, Phú Lương sang Tân Trào, hoặc ngược lại. Nguyện vọng của người dân nơi đây là mong muốn các cấp có thẩm quyền lập hồ sơ và công nhận Di tích lịch sử cho Đền Khuôn Gà.

Hành trình đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống

Tác phẩm “Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên" được tôi dày công sưu tầm tài liệu, và như có mối lương duyên nào đó, nên đã thu được những kết quả bất ngờ.

Dòng họ Phạm Cuống ở Hoằng Hóa và dòng họ Phạm Cuống ở Thái Nguyên đã có mối quan hệ và ngày càng gắn bó
Dòng họ Phạm Cuống ở Hoằng Hóa và dòng họ Phạm Cuống ở Thái Nguyên đã có mối quan hệ và ngày càng gắn bó

 

Đầu tiên là việc giúp dòng họ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm xã Yên Lãng tìm lại Gia phả của dòng họ. Thông tin cho biết: Khoảng năm 1980, cuốn gia phả được một cán bộ văn hóa huyện mượn rồi sau đó đem “nộp cho một bảo tàng ở trên tỉnh”. Tôi đã nhờ một bạn cộng tác viên Văn nghệ Thái Nguyên công tác tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tra tìm giúp. Tìm suốt 1 tuần mà vẫn không thấy tăm hơi đâu. Sau đó, bạn này cung cấp thêm thông tin: sau khi tỉnh Thái Nguyên thành lập Bảo tàng tỉnh (cuối năm 1991), Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam có bàn giao một số hiện vật cho Bảo tàng tỉnh. Thật may mắn, khi nhờ tra tìm, tôi đã thấy được cuốn gia phả quý báu nói trên đang được Bảo tàng tỉnh lưu giữ và cầm tận tay để chụp ảnh làm tư liệu!

Khi biết hậu duệ Phạm Cuống ở xã Yên Lãng có mối quan hệ với hậu duệ Phạm Cuống ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tôi đã nhờ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ để kết nối với Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thanh Hoá cung cấp thêm một số tài liệu liên quan. Công việc rất thuận lợi bởi khi còn làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tôi đã được tới giao lưu, học tập kinh nghiệm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Hơn nữa, một người bạn thân học cùng lớp đại học với tôi hiện làm Phó Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhờ sự kết nối đầy thân tình, tôi được đồng chí Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Thanh Hóa sao lục rồi đóng dấu đỏ xác nhận vào Hồ sơ Di tích Đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn (Di tích lịch sử cấp tỉnh) và gửi về giúp.

Tác giả tiếp cận bản gốc cuốn Gia phả dòng họ Phạm Cuống ở Đồng Dùm, Yên Lãng (ảnh trái) và trang cuối ghi tóm tắt nội dung Gia phả (ảnh phải)
Tác giả tiếp cận bản gốc cuốn Gia phả dòng họ Phạm Cuống ở Đồng Dùm, Yên Lãng (ảnh trái) và trang cuối ghi tóm tắt nội dung Gia phả (ảnh phải)

 

Trong Hồ sơ này, có cả bản dịch Gia phả của dòng họ Phạm Cuống ở xã Hoằng Trường. Đây là nguồn tài liệu quý bổ sung cho thông tin cho dòng họ Phạm Cuống ở Thái Nguyên. Nhưng cũng có một chi tiết thú vị, là không hiểu sao, Gia phả dòng họ Phạm Cuống ở xã Hoằng Trường lại ghi Phạm Vấn là anh trai của Phạm Cuống. Đây là lí do đền thờ có tên là “Đền thờ Phạm Cuống – Phạm Vấn” (Phạm Vấn cũng là một tướng quân nổi danh trong Khởi nghĩa Lam Sơn, theo một số tài liệu lịch sử, ông là người Thanh Hóa).   

Sau khi cung cấp thông tin về thân thế sự nghiệp và về dòng họ Phạm Cuống, bài viết cũng đề đạt được nguyện vọng của dòng họ, của địa phương, mong muốn ngành Văn hoá sớm nghiên cứu, xem xét đưa Miếu thờ Phạm Cuống ở xóm Đồng Dùm, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ vào danh mục điểm di tích cần được bảo vệ; xa hơn là đầu tư để tôn tạo và công nhận miếu thờ này là Di tích lịch sử của tỉnh. 3 tháng sau khi đăng bài, tôi còn quay trở lại và viết thêm 2 kỳ nữa để nói kỹ hơn về dòng họ Phạm Cuống cũng như những công việc cần làm để tri ân công đức đối với ông, một trong 3 tướng quân nhà Lê là người Thái Nguyên vào tụ nghĩa, trở thành những vị công thần khai quốc (Lưu Nhân Chú, Lưu Trung và Phạm Cuống).

Tác giả (thứ hai, bên phải) giao lưu với dòng họ Phạm ở Đồng Dùm, Yên Lãng sau khi bài viết được đăng trên báo
Tác giả (thứ hai, bên phải) giao lưu với dòng họ Phạm ở Đồng Dùm, Yên Lãng sau khi bài viết được đăng trên báo

Một niềm vui nho nhỏ, tác phẩm “Đi tìm nơi thờ tướng quân Phạm Cuống ở Thái Nguyên” của tôi sau khi gửi tham dự Giải Báo chí Huỳnh Thúc Kháng (Giải Báo chí tỉnh Thái Nguyên, tổ chức lần thứ nhất vào năm 2024) đã đoạt Giải Khuyến khích. Đây cũng là nguồn động viên để tôi tiếp tục đi sâu khai thác, viết các bài về đề tài này. Hiện nay tôi đang còn 2 dự án nữa. Công việc quản lý rất bận rộn, nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp để hoàn thành trong tháng 7/2024, chào mừng 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024).

Trần Văn Thép

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

4 đã tặng

1

0

1

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy