Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
11:40 (GMT +7)

Tôi chứng kiến và cảm nhận về sự sụp đổ của Liên Xô

một lao động Việt Nam sống và làm việc ở thành phố Kadan, Thủ đô nước Cộng hoà tự trị Tatarxtan thuộc Nga của Liên Xô ngay trước thời điểm Liên Xô tan rã, tôi đã chứng kiến những biến chuyển xã hội, tâm lí xã hội đối với chính thể Xô Viết.

 Bài học về sự sai lầm của lãnh đạo tối cao và nguyên tắc sinh hoạt Đảng, sai lầm về đa nguyên đa đảng, sai lầm về chính sách kinh tế, nhất là chính sách hàng hoá dân dụng… dẫn đến công cụ chuyên chính không bảo vệ Đảng và Nhà nước, chính thể Xô Viết vĩ đại đã nhanh chóng tan rã. Đây là bài học sâu sắc cho Đảng ta: Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải làm thường xuyên, liên tục, không một phút lơ là, mất cảnh giác.

Kadan Kremlin (Nga) được công  nhận là Di sản thế giới. Nguồn ảnh: wikipedia.org
Kadan Kremlin (Nga) được công nhận là Di sản thế giới. Nguồn ảnh: wikipedia.org

Năm 1848 ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đánh dấu chương mới của nhân loại. Hệ tư tưởng Cộng sản chính thức hình thành, phát triển đối nghịch với hệ tư tưởng Tư bản và khẳng định tính ưu việt vượt trội trong sự phát triển đi lên của nhân loại. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng lan rộng, có tổ chức thống nhất, chặt chẽ. Công xã Pari 1871 đánh dấu mốc lần đầu tiên trong lịch sử loài người đã thiết lập được mô hình chính quyền cộng sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo ngay trong lòng Chủ nghĩa Tư bản.

Cách mạng Tháng Mười ở Nga do Lênin lãnh đạo thành công, lập ra nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Mặc dù bị thù trong, giặc ngoài cô lập, bao vây và tiến đánh trên khắp các mặt trận nhưng nhà nước công nông vẫn đứng vững và cổ vũ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển. Đảng Cộng sản và nhà nước công nông còn đánh tan chủ nghĩa phát xít Đức, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, thành lập hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa theo Chủ nghĩa Cộng sản ở châu Âu, sau đó lan rộng ra châu Á, châu Phi, châu Mĩ la tinh. Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), trở thành thành trì của cách mạng thế giới. Thời kì Tổng Bí thư Bregionep (1964 - 1984) đã tuyên bố Liên Xô đang ở vào giai đoạn CNXH phát triển, tiến gần đến chủ nghĩa cộng sản theo lí thuyết của Mác - Ăng ghen.

Năm 1985, Mikhain Gorbachop lên làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi mới 54 tuổi. Tại Đại hội 27 Đảng Cộng sản Liên Xô (1986) ông ta tuyên bố học và mở rộng dân chủ, tức là phủ nhận dân chủ cộng sản, học theo dân chủ Tư sản, đối lập hoàn toàn lí luận Mác - Lênin khẳng định dân chủ cộng sản hơn gấp vạn lần dân chủ tư sản. Đặc biệt, ông thực hiện đường lối perextroica, đập tan mô hình nhà nước cộng sản Liên Xô. Từ tiếng Nga “perextroica” nghĩa là “xây dựng lại” nhưng ở Việt Nam thời điểm đó được dịch và dùng chính thức là “cải tổ”. Tôi là người học tiếng Nga, tôi không đồng tình với cách dịch này. Nhưng là đảng viên nên tôi tôn trọng và vẫn dùng từ “cải tổ” theo cách dùng chính thức.

Tháng 12/1988 tôi sang Liên Xô lao động hợp tác tại thành phố Kadan, thuộc nước Cộng hoà tự trị Tatarxtan, Liên bang Nga. Mỗi người chúng tôi được cấp một cái đài bán dẫn đặt ở đầu giường, suốt ngày oang oang tiếng nói của Gorbachop. Quản trị “ốp” (Kí túc xá) Fargat nói nghiêm túc với chúng tôi: Mỗi ngày đài không phát bài nói của Gorbachop và perextroica một lần thì Giám đốc đài mất chức. Phụ trách ốp là Iuri, nghe đâu là thiếu tá an ninh, trẻ khoẻ, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát, đúng tác phong sĩ quan. Có lần tôi tranh luận với Iuri về từ perextroica. Xây dựng lại cái gì? Tại sao phải xây dựng lại? Khi mới đây Bregionep còn tuyên bố Liên Xô đang ở vào giai đoạn CNXH phát triển. Tôi phê phán Gorbachop sai lầm, đang dùng quyền tối cao để phá nát thành quả cách mạng tháng Mười vĩ đại. Iuri đòi kỉ luật tôi vì phê phán Tổng Bí thư và đường lối cải tổ. Nhưng tôi không phải đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô và ý kiến của tôi không sai nên chuyện kỉ luật bỏ qua.

Khi đó tôi là một lao động Việt Nam sống và làm việc ở thành phố Kadan
Khi đó tôi là một lao động Việt Nam sống và làm việc ở thành phố Kadan

Ở công trường, tôi được điều vào đội lao động gồm toàn tiến sĩ, kĩ sư đi lao động nghĩa vụ một năm để được cấp căn hộ. Tôi rất ngạc nhiên, chính sách này chẳng khác gì vô sản hoá trí thức vậy. Không ngờ các vị trí thức này nhún vai đáp: Ở Liên Xô chỉ có ba “người”, gồm người lãnh đạo, người công an và người bán hàng thực phẩm. Nghĩa là họ chưa phải là người. Ôi trời, lãnh đạo tối cao tuyên bố hay như đài vậy mà ở dưới đáy lại phân tầng như vậy thì còn gì là cái hay, cái ưu việt của chế độ nữa! Trí thức nghĩ như thế này làm sao có thể thật lòng ủng hộ chế độ họ đang sống. Họ chỉ là phải tuân theo, phải cam chịu mà thôi.

Một lệ đẹp từ thời Lênin vẫn được duy trì trên công trường, đó là lệ “Ngày Chủ nhật đỏ”. Mỗi tháng có 4 Chủ nhật thì công trường tổ chức 2 Chủ nhật lao động cộng sản. Hồi ở trong nước tôi đọc Lênin toàn tập hay như đọc tiểu thuyết, yêu Lênin mà xin đi lao động Liên Xô chứ không đi lao động Đức, nay có lao động đỏ là xung phong đi làm luôn. Hoá ra lao động nửa ngày được tính công cả ngày vì làm vào ngày nghỉ chứ không phải chỉ lao động cộng sản không lấy công. Đến buổi lao động lần thứ ba thì Đội trưởng Igo mời đến nhà riêng chơi. Igo từng công tác ở Đại sứ quán Liên Xô ở Mông Cổ, trong nhà treo nhiều tấm thảm len đẹp mang từ Mông Cổ về làm kỉ niệm.

Cũng vừa đến bữa trưa nên Igo mời dùng bữa. Vợ Igo đi làm thông ngày nên anh tự làm bữa. Làm rất nhanh. Mở hộp thịt lợn và mở hộp trứng cá hồi. Trứng ốp lết. Bánh mì gối thái lát. Bơ, pho mát lấy trong tủ lạnh. Mở chai rượu ngoại. Xin nói nhỏ, toàn món ăn cao cấp cả đời tôi chưa nhìn thấy. Dân Liên Xô càng không nhìn thấy. Nhất là chai rượu xịn. Bấy giờ Liên Xô của Gorbachop cấm rượu ngặt nghèo vậy mà Igo có hẳn rượu ngoại. Anh rót rượu gần đầy 2 cốc to, đậy hai lát bánh mì lên miệng cốc. Anh giải thích để bánh mì ngấm hơi rượu vì rượu lúc mới rót ra cốc bay hơi mạnh. Đoạn anh nhấc lát bánh mì ra, nâng cốc lên hít hà khá lâu rồi mới uống. Anh bảo đấy là thưởng rượu.

Ngày đầu đi chơi ở Kadan (ảnh tự chụp ở phố Phutrica, tác giả là người thứ ba từ trái sang)
Ngày đầu đi chơi ở Kadan (ảnh tự chụp ở phố Phutrica, tác giả là người thứ ba từ trái sang)

Thấy tôi nhắc nên chờ vợ anh về cùng dùng bữa, anh bảo cô ấy là người bán hàng thực phẩm, ăn trưa tại cơ quan, tối mới về dùng cơm cùng anh. Đến lúc này tôi mới có “thực tiễn là thước đo chân lí” để kiểm chứng lời các trí thức Liên Xô cùng làm với tôi trên công trường về “lí thuyết ba người” ở Liên Xô. Tôi nói muốn xem trong tủ có món ăn Mông Cổ hay Việt Nam không, anh gật đầu đồng ý. Trời ơi, trong tủ đầy đồ hộp “xịn”, toàn hàng hiệu tôi chưa thấy bao giờ. Chả bù cho hồi tôi nhỡ xe từ thành phố Tren-nư về Kadan, đang không biết tìm đâu chỗ ngủ thì có anh bạn cùng đi xe rủ về nhà người chị nghỉ nhờ. Trường hợp này dân ta gọi là “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Nhà chị ở tầng bốn toà chung cư. Hai anh em tôi đến nhà thì chị đã đi chợ, anh chưa đi làm về, hai con gái nhỏ đón chúng tôi.

Chị về làm bữa, xong thì anh về. Nói thật, ăn uống khá đạm bạc, mặc dù nhà có khách. Tôi hỏi thật, ăn uống thế này thì các cháu bé khổ quá. Anh chị chỉ nhún vai. Tôi rút mấy tờ tiền to biếu hai cháu nhưng anh chị nhất định không nhận. Tôi mở tủ kiểm tra, chỉ có mấy chai sữa thường và độ nửa cân kẹo hoa quả. Ăn xong nói chuyện tào lao chút rồi đi ngủ. Hai cháu kéo cái ghế ra thành giường đôi. Chị mở cái tủ đứng lấy tấm đệm trải ra góc nhà ngay dưới chân giường anh chị để ngủ. Chật chội nhưng ấm lòng. Sáng hôm sau mọi người dậy sớm để đi làm, đi học, anh bạn đi tiếp đến thành phố Vongagrad, còn tôi về Kadan. Lúc này tôi mới nói là người Việt Nam và cám ơn anh chị. Anh chị và hai cháu ngạc nhiên lắm. Tôi tặng hai cháu mấy thứ đồ chơi đẹp, nhất là con công nhựa. Các cháu rất vui.

Chủ nhật không tham gia lao động cộng sản thì tôi đi “bát phố”. Ở Kadan có tượng Muxa Dgialin, nhà thơ liệt sĩ người Tatar thời Chiến tranh Vệ quốc. Thật ngạc nhiên khi rất ít người biết lai lịch nhà thơ liệt sĩ này. Lịch sử hào hùng và bi tráng của cả dân tộc, cả đất nước đang mai một dần trong tâm thức nhân dân. Ngẫm câu nói của nhà thơ Abutaliv “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác” mà ghê sợ và buồn. Lại có lần tôi mua được lô bình nóng lạnh, trên đường mang về Kí túc xá nghe dân Nga bàn tán “Người Việt Nam mua hết hàng quý hiếm rồi” mà không hiểu sao một đất nước phát triển lại khan hiếm hàng hoá dân dụng như vậy. Có lần thấy người dân xếp hàng rồng rắn ở cửa hàng bách hoá, biết là có hàng quý hiếm về, tôi định kiên trì thử vận may, nhưng ước số người quá dài mà cố đấm ăn xôi hẳn sẽ lâm cảnh “Bầu dục đâu đến phần số tám”. Đi lên trên xem hàng gì, té ra chỉ là cái đồng hồ báo thức để bàn thông thường, không có giá ở quê nhà, mà tôi cũng đã có một cái để báo thức đi làm rồi. Mà ít ngày sau, cái đồng hồ quý hiếm này còn phản tôi, mấy lần báo thức sai, khiến tôi đi làm muộn. Tôi tức tiết, cho nó một búa tan tành.

Tác giả phát biểu tại Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (16/6/2010)
Tác giả phát biểu tại Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (16/6/2010)

Vào khoảng đầu năm 1990 đi trên đường phố tôi rất ngạc nhiên thấy người ta dán những bức tranh cổ động lớn, có in ảnh Stalin và số 1 rõ to, nhưng kèm dòng chữ “Kẻ thù của nhân dân”, nghĩa là “kẻ thù số 1 của nhân dân”. Vị Đại nguyên soái thời chống Phát xít cứu thế giới khỏi hoạ diệt chủng mà bây giờ đánh giá thế này ư? Ngẫm lại, thấy ở Liên Xô cứ thế hệ sau phê phán thế hệ trước. Stalin là “Kẻ thù số 1 của nhân dân”. Khơrutxôp là “Xét lại”. Bregionep là trì trệ. Cộng lại ra kết quả cả hệ thống chính trị là sai lầm. Một sự tuyên truyền thâm hiểm vô cùng. Mà lại cho tuyên truyền công khai.

Có lần đi đến một khu phố khá hẻo lánh, tôi thấy dán áp phích mời dự mít tinh của Đảng Dân chủ Nga. Ở Liên Xô xưa nay chỉ có một Đảng Cộng sản lãnh đạo, sao lại có đảng mới xuất hiện công khai như vậy? Nghĩa là chấp nhận đa nguyên từ bao giờ vậy? Nghe đâu Enxin, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Mátxcơva đã bị khai trừ đảng là lãnh đạo của Đảng Dân chủ này. Tôi không có thời gian đến nghe xem người ta thuyết trình chống cộng, chống chế độ thế nào nhưng linh cảm Nhà nước Xô viết đang trên bờ lâm nguy. Thượng tầng lãnh đạo Gorbachop có quan điểm sai lầm, học theo Tư bản làm Tổng thống, tiến hành đường lối “xây dựng lại” tất tần tật. Bên dưới người dân thờ ơ chính trị, mất lòng tin với chế độ do cuộc sống khó khăn, sẵn sàng chạy theo cái mới. Đảng lãnh đạo mới hi vọng tìm cái phao cứu sinh mới. Mất lòng dân là mất tất cả. Cộng thêm lãnh đạo tối cao sai lầm càng làm cho tiến trình thay đổi chế độ diễn ra nhanh hơn. Nguyên tắc sinh hoạt đảng để đâu? Chuyên chính vô sản để đâu? Rõ ràng Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn nắm công tác cán bộ, vẫn nắm các cơ quan quyền lực nhà nước, vẫn nắm công an, quân đội, vẫn nắm công tác tư tưởng chính trị, giáo dục truyền thống và giáo dục văn hoá nhưng chỉ sai ở lãnh đạo tối cao và mất lòng dân mà sẽ dẫn đến mất tất cả. Vấn đề “ai thắng ai” giữa hệ tư tưởng tư sản lỗi thời và hệ tư tưởng vô sản tiến bộ dường như đang bước vào giai đoạn cam go mới.

Cuộc sống thường nhật ở Kadan vẫn diễn ra bình thường. Nhưng đến giữa năm 1990 đã có sự thay đổi lạ. Các cửa hàng thực phẩm khan hiếm hàng hoá trầm trọng. Theo kinh nghiệm, khi ở chợ khan hiếm bánh mì, muối và diêm là lúc đất nước bên bờ chiến tranh hoặc thay đổi chế độ. Thì ra một loạt nước Hội đồng tương trợ kinh tế tuyên bố độc lập, thay đổi chế độ. Liên Xô không còn nguồn hàng từ các nước đồng minh nữa. Tiếp đến một số nước cộng hoà Xô viết thuộc Liên Xô cũng tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Liên Xô. Hàng hoá thực phẩm lại càng khan hiếm hơn. Người dân càng mất lòng tin vào chế độ hơn.

Chân dung tác giả
Chân dung tác giả

Lúc này Hệ thống XHCN đã tan rã từng mảng lớn. Và chỉ một năm sau Liên Xô, thành trì cách mạng thế giới cũng tan rã. Bước lùi của Chủ nghĩa cộng sản này là bài học đau xót cho các cước còn giữ vững nền tảng lãnh đạo hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa. Theo tôi, bài học hàng đầu là phải luôn giữ vững nguyên tắc sinh hoạt đảng cùng với sự phê phái tệ sùng bái cá nhân. Gorbachop là Tổng Bí thư, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, Tổng thống, nghĩa là thâu tóm hết quyền lực trong tay. Chắc không ai “dám” phê bình ông ta trong sinh hoạt Chi bộ, nơi quản lí, giáo dục, rèn luyện và đánh giá xếp loại đảng viên. Tệ sùng bái cá nhân do đó lại càng có đất phát triển, bất kể cá nhân đó có sai phạm đến đâu chăng nữa.

Một đảng có bề dày kinh nghiệm lãnh đạo, nơi đẻ ra các lí thuyết xã hội chủ nghĩa, chuyên chính vô sản lẽ nào không nhận ra sai lầm thâm hiểm từ gốc rễ của perextroica. Nếu đã là chế độ xã hội chủ nghĩa phát triển thì còn xây dựng lại cái gì? Ngôi nhà xã hội chủ nghĩa 70 năm vững chãi là thế lại phá đi xây dựng lại ngôi nhà màu sắc khác ư? Người đứng đầu thâu tóm hết quyền lực mà phản bội lại chế độ thì ai có thể chống đỡ. Trên thực tế, sau đó hầu hết Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô khi nhận ra vấn đề thì đã không thể khắc chế được nữa. Họ chấp nhận cho Đảng Dân chủ của Enxin hoạt động (lúc này đã “đủ lông cánh”) khắc chế lại tập thể lãnh đạo tối cao của Liên Xô, bảo vệ Gorbachop khiến chế độ mau chóng tan rã hơn.

Một bài học quan trọng nữa là đường lối chính sách không được lòng dân. Người dân luôn phải bằng lòng với hàng hoá rất cũ kĩ, lỗi thời bởi “gốt”- tiêu chuẩn Nhà nước về hàng hoá duy trì mấy chục năm. Mà hàng hoá lại rất khan hiếm. Bên dưới bị phân hoá giai tầng sâu sắc ở “lí thuyết ba người”. Tầng lớp lãnh đạo như là tầng lớp quý tộc vương giả. Tầng lớp chuyên chính như là thứ kiêu binh, quyền lực tối thượng nhưng lại không bền vững lí luận và chính trị Mác - Lênin, trong khi Đảng và Nhà nước cấp cho họ quyền lực chuyên chính. Tầng lớp chuyên môn “nắm dạ dày” của đất nước, của người dân chiếm dụng hết của ngon vật lạ, họ chỉ để dành cho người dân những thứ lương thực thực phẩm thông thường vừa đủ sống. Người dân sợ chế độ là chính chứ không phải tận tâm sống chết cùng chế độ.

Chế độ không còn là ngọn cờ chính trị, không còn là biểu tượng chân lí để người dân đi theo, bảo vệ như hồi Nội chiến hay hồi Chiến tranh vệ quốc. Do đó khi có ngọn cờ mới, Đảng Dân chủ, người dân hoặc là hi vọng đổi mới tốt đẹp hơn, hoặc là thờ ơ không sống chết bảo vệ chế độ chính trị của mình, nhà nước của dân, vì dân. Stalin lãnh đạo Chiến tranh vệ quốc thắng lợi mà nay trở thành “Kẻ thù số 1 của nhân dân” khiến người dân bị khủng hoảng niềm tin. Rõ ràng, họ đã rất chán, rất thờ ơ với chế độ rồi. Mặt khác, những người “nắm chuyên chính” để mặc cho những nhân tố mới hoạt động công khai, và khi họ tấn công Đảng, tấn công chế độ, những người lãnh đạo đó lại làm ngơ vì thấy chính sách của thượng tầng sai quá rồi.

Cũng giống như Mátxcơva, Xanh Petecbua, thành phố Kadan được xem như thủ đô thứ ba của Nga và được biết đến là thành phố thể thao nước này. Nguồn ảnh: danhnamtravel.vn
Cũng giống như Mátxcơva, Xanh Petecbua, thành phố Kadan được xem như thủ đô thứ ba của Nga và được biết đến là thành phố thể thao nước này. Nguồn ảnh: danhnamtravel.vn

Đến nay, bài học Liên Xô sụp đổ đã được lãnh đạo Đảng ta và các nhà lí luận khoa học đánh giá sâu sắc trên nhiều khía cạnh. Chúng ta cần lấy đó để sớm loại trừ các nguyên nhân đã biết và sẵn sàng khắc phục những nguyên nhân mới nảy sinh, phát sinh trong cuộc sống hoà nhập quốc tế và cuộc cách mạng số hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn cần thiết và cấp thiết. Các tổ chức Đảng, các đoàn thể chính trị của Đảng luôn phải đi tiên phong, vừa xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh, vừa củng cố bản lĩnh chính trị và phê phán, đấu tranh với mọi biểu hiện xa rời lí tưởng, xa rời thực tế phát triển của đất nước.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối, có đường lối lãnh đạo đúng đắn nhưng đường lối đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất khi quần chúng nhân dân hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Do vậy, đòi hỏi mỗi Đảng Cộng sản phải trung thành với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo các nguyên lý cách mạng để đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Để lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước có hiệu quả, Đảng cầm quyền, bộ máy chính quyền phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được lòng dân, nắm chắc dân và quy tụ được sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Đảng và chính quyền bị tha hóa biến chất, xa dân và sách nhiễu dân, mối quan hệ với nhân dân bị rạn vỡ cũng đồng nghĩa với Đảng sẽ mất quần chúng; nhà nước, chế độ mất đi cơ sở xã hội chính trị thì tất yếu bị lật đổ.

Trên đây là vài sự quan sát và suy ngẫm của tôi khi thực tế sống với người dân Liên Xô thời kì đang biến chuyển mạnh ở thành phố Kadan. Góc nhìn của một người dân, một người Việt sống và lao động tại Liên Xô về chế độ xã hội khi đó. Xin được trình bày lại để góp một phần nhỏ vào nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Phạm Thuận Thành

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy