Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Tình yêu nam nữ trong dân ca Nùng Khen Lài

Từ hơn nửa thế kỷ nay dân ca Nùng Khen Lài không còn mấy người hát nữa. Có chăng chỉ là những câu sli còn nằm ngủ đâu đó trong lòng những người trung niên Nùng Khen Lài sống ở một số xã thuộc huyện Hạ Lang tỉnh Cao Bằng.

Thiếu nữ Nùng Khen Lài.


Người Nùng Khen Lài có những điệu dân ca đặc sắc riêng của tộc mình, nhất là dân ca giao duyên của họ. Và những làn điệu khá độc đáo mà ngày nay chỉ còn các bậc cao niên là có thể hát được. Người Nùng Khen Lài gọi hát dân ca giao duyên trong đêm là Sli, còn sli hát ban ngày là lượn “slam khót” (ba câu) còn gọi là lượn Nổc Gảt chỉ loài chim có tiếng hót rất hay, loại sli hát gồm ba câu trọn ý trọn lời. Khi tìm hiểu về dân ca tộc người này chúng tôi mới phát hiện làn điệu dân ca này vô cùng phong phú.

Cũng như các tộc người khác ở miền núi, nam nữ thanh niên Nùng Khen Lài hát giao duyên trong khi đi chợ, đi hội, hay hát trong đám cưới, vào nhà mới… hoặc trong khi đi làm nương lấy củi tình cờ gặp bạn sli họ có thể dừng công việc để sli lượn…

Nội dung cuộc sli thường ba chặng chính: Chặng thứ nhất, gồm mục lượn mời: "Lượn xỉnh, sli xỉnh", nội dung mục này chào hỏi, làm quen, chúc mừng; Chặng thứ hai là chặng tiếp đãi, chúc mừng ca ngợi, tâm tình, nguyện ước kết duyên: "Sli kến, lượn kến"; Chặng thứ ba là, từ giã, nhắn nhủ, hẹn hò: "Sli piảc, lượn Piảc".

1. Chặng thứ nhất

Sli xỉnh, lượn xỉnh, gồm những bài sli chào mời nhau. Sli Tóp gồm những bài đáp lời mời. Trước khi hát "Sli Xỉnh", mời nhau hát, thanh niên trong bản thường cất tiếng hát xin phép chủ nhân gia đình để được hát sli.

Hau rành slao đây cẳm nẩy mà

Ất mà rờn nẩy chử bấu ché

Dỉ mà rờn nẩy chử mí à

Sáu chử rờn nẩy lẻ sli va

Lượn tẻ chao cần cẳm nẩy à!

(Người đồn gái xinh vào bản ta

Có phải vào nhà đây không chị

Có phải vào nghỉ đây không à

Nếu phải vào đây xin sli hoa

Lượn để chao(*) duyên tối nay mà!)

Chào hỏi thưa gia chủ đó là lẽ thường tình của khách đến nhà, sau đó người sli mới cất tiếng lượn mời. Nếu mời mãi khách chưa trả lời thì chủ nhờ đến gia chủ khuyên giúp:

Ồ pá chang rờn nải tháy cạ

Ồ mé chang rờn nải tháy soi

Khửn slim soi súc mìn tẻ vả

Cạ hử slao mìn sli oóc pài

(Ông bố trong nhà hãy có lời

Bà mẹ trong nhà hãy khuyên bảo

Đồng lòng khuyên các nàng cất tiếng

Giục cho gái xinh hãy đáp lời.)

Khách thường không nhận lời hát ngay mà chối khéo:

Tối nay đến chân núi nhá nhem

Hai anh bước chân vào cửa trước

Hai em cũng liền bước vào cửa sau

Vào nhà lửa tắt chẳng rõ mặt

Ngại gặp phải anh em họ hàng

Ngày mai ra đi người ta chê

Người ta chê mình lượn thông gia.

Lời ca trong sli Khen Lài chủ yếu là vần thơ tự sự, phổ biến là loại thơ bảy từ, từ cuối của dòng trên vần trắc vần với từ cuối của câu thứ dòng dưới vần bằng. Ví như đoạn sau:

Sli dìn đảy tải mà kỷ khót

Lồm pặt pây tốc chi cốc chiu

Thẳng có pây thắp chày pây tẩy

Tẩy đảy sli đây cỏi mà sỉnh

Mí hử lùm chình lẻ dá cà

(Sli tình có đem theo mấy khúc

Gió tạt bay rơi đâu gốc ướt

Đợi anh đi tìm kiếm đuốc đi soi

Soi tìm được sli hãy đến mời

Chẳng để quyên tình là thôi mà)

Lên tiếng đáp lại nhưng người đáp vẫn khiêm tốn xin chối. Tuy là sli chối nhưng khi khách đã sli đáp lại nghĩa là đã nhận lời mời và cuộc lượn hát bước sang phần lượn đáp. Khách hát những bài sli chúc mừng, mừng đường, mừng nhà, mừng cửa, mừng các vật dụng, mừng gia súc gia cầm sinh sôi nẩy nở…

2. Chặng thứ hai

Chặng thứ hai là chặng dài nhất, chiếm hầu hết thời gian của đêm sli. Tùy theo trình độ của đôi bên mà cuộc sli kéo dài một hay hai đêm. Chặng này thường chia ra hai phần. Phần sli theo sách, đôi bên nam nữ hát những bài sli chép trong sách là những bài sli khuyết danh được những người giỏi sli đặt lời truyền lại cho. Đôi bên hát thi thố, hiểu biết của nhau… Thường có các bài sli đố, sli Tứ quí, sli về thời gian, sli về các tích chuyện…

- Sli Tứ quí là bài sli bao quát cả bốn mùa trong năm, mỗi mùa có những tiết những loài cây, hoa khác nhau cùng với việc nông trang và những phong tục truyền thống của người Nùng Khen Lài.

Tháng Giêng có kỳ lân chũm chọe

Tháng Hai xuất ra cây hoa hồng,

Tháng Ba mùng ba đi tảo mộ

Tháng Tư gió mát qua hẻm núi

Tháng Năm lúc đó nông tang bận…

Tháng Bảy lúc đó mọi người nhớ

Người giàu kẻ nghèo thăm ông bà…

Tháng Chạp lúc đó tới hai nhăm

Cúng mồ mả tổ tông cầu phúc.

Bài sli Tứ quí khái quát được phần nào, sinh hoạt phong tục tập quán của người Khen Lài bốn mùa trong năm. Tháng Giêng có tục đội múa kỳ lân đến múa trước cửa từng nhà chúc gia chủ một năm mới an lành, gia chủ sẽ lì xì cho đội múa. Tháng Ba tiết thanh minh có tục đi tảo mộ sửa sang phần mộ cho tươm tất… Các bài sli có tính nhắc nhở truyền dạy con cháu nhớ về tập quán tộc mình.

Bài sli về thời gian là bài sli điểm về cách tính thời gian giờ, ngày, năm, tháng theo can chi - lịch cổ của người phương đông. Mười hai tháng mỗi tháng tương ứng với một con vật. Cứ tuần tự như vậy người Nùng Khen Lài tính thời gian theo chu kỳ tuần hoàn của đất trời.

Bài sli thời gian nhằm truyền dạy nam nữ cách tính thời gian theo lịch can chi, đây cũng là hình thức nâng kiến thức cho người hát. Đây là một trong những giá trị thiết thực, trong hoàn cảnh xã hội miền núi xưa kia việc học chữ chỉ được dành cho nam giới ở những gia đình có điều kiện, còn đa số là mù chữ. Hát sli lượn là một trong những cách truyền dạy một số kiến thức cho người hát cũng như người nghe. Do vậy, xưa kia người hát lượn giỏi được xem là người thông minh, hiểu biết.

Trong các cuộc hát thường bên nam chủ động hát trước, dù là khách hay là chủ nam thường hát dẫn đường. Nội dung lúc này không phải là đối đáp mà tuân theo nam nữ nối tiếp nhau hát từng đoạn, bên nào vì quên không hát nối tiếp được đúng coi như là thua và chuyển sang bài khác.

Sang phần thứ hai là phần đôi bên bày tỏ tâm tình yêu thương nhung nhớ. Là những bài sli tỏ tình, thề thốt đến các bài than tình yêu đơn lẻ, nỗi chờ mong… Phần này thường sli theo ngẫu hứng, ứng khẩu đối đáp. Tuy nhiên, cũng có nhiều câu, nhiều đoạn thuộc làu thành bài đặt sẵn mà đôi bên nam nữ vận dụng ra cho hợp cảnh hợp tình. Ở phần này thường có sli kết, sli chao, sli ba khúc… Những câu thề thốt, ước nguyện giữa đôi lứa.

Sli tình yêu nhau chẳng lấy được

Nước mắt tuôn chảy thau thêm thau

Lời nào trúng tim nàng hãy nhớ

Sẽ kết thành đôi lứa như người.

Và những bài hát luôn đề cao tình yêu chân chính, coi trọng hạnh phúc gia đình, phản ánh những khát vọng về tình yêu:

Nếu anh được chao kết với nàng

Chao đến khi nước biển cạn trơ rêu

Biển cạn trơ cát anh mới lìa.

Tình yêu đẹp khi hai người nguyện thủy chung bên nhau, chung thủy là giá trị hàng đầu trong tình yêu:

Nếu anh được chao em thực sự

Chao cùng em đến chết chẳng quên

Ngày xuôi tay nhắm mắt nhớ em hoài.

Và vì tình họ có thể bất chấp hết mọi gian nguy để đạt được hạnh phúc lứa đôi. Nếu một trong hai người đã kết duyên rồi nhưng vì tình họ có thể kết đôi rồi lìa xa nhà, xa quê hương đến một nơi khác để sinh sống, dẫu khó khăn muôn vàn cũng bên nhau đến hơi thở cuối cùng:

Đất xa chỗ rộng ta hãy sống

Sẽ kiếm ăn chốn ở đôi ngày

Nếu ta kiếm được tiền dư dật

Dựng căn nhà sống như mọi người.

Dẫu cay đắng cùng nhau ta chịu

Cháo loãng một bát cũng sẻ chia

Mai này nếu như làm ăn tốt

Hãy quay trở về thăm mẹ cha…

Về đến cha mẹ mà chẳng nhận

Ta sẽ thắt cổ chết với nhau.

Chết đi chẳng cho chôn khác đồi

Vào hòm cùng nhau để chôn chung.

Tình yêu đó là sức mạnh để vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau bất chấp để được bên nhau, dẫu có chết thì cùng chung một mộ hoặc thây phơi xương cũng chẳng ngại :

Nếu anh được chao tình thực sự

Làm ăn chẳng nên đành xuôi tay

Chết chẳng đất chôn thì phơi xương.

Từ tình yêu mạnh mẽ đó mà trai gái Khen Lài kết duyên với nhau đằm thắm, chung thủy tối lửa tắt đèn có nhau, anh vác cày thì em dắt trâu, anh đi bừa thì em phát bờ và đến khi ốm đau sẽ ngồi bên bón cháo cho nhau…

3. Chặng thứ ba

Thường là những bài sli thương nhớ, hứa hẹn nhắn nhủ và chia tay...

Đêm qua sli kết đến tận sáng

Sáng nay chia tay về khác phương

Ngẫm mà xa xót nước mắt tuôn

Khi chia tay, họ lại nhắn nhủ: Nếu bạn may mắn làm ăn khấm khá hãy nghĩ đến người bạn cô đơn kém may mắn này, nếu có đến ăn xin hãy thương tình cưu mang giúp đỡ.

Mệnh anh tốt đẹp nên đôi lứa

Mệnh em chẳng hay thành ăn mày

Ăn nên anh hãy thương em cùng

Sli chia tay là những bài sli nói lên tình cảnh đang vui mà lại phải xa nhau, xa bạn tình, cô đơn, vắng lặng. Nhưng dẫu có xa người mà lòng chẳng xa, mình về nhưng hồn vía mình vẫn ở bên bạn. Nên đến bữa ăn cơm nhớ mời vía mình ăn cùng, có tấm áo, manh quần hãy chia cho vía mình với, hàng ngày ra ruộng, lên nương nhớ gọi vía cùng đi, chớ bỏ vía một mình bơ vơ...

Giờ anh đã chia tay về đó

Vía anh còn ở bên cô nàng

Đến bữa ăn sáng chiều gọi với

Chớ để vía sầu cháo muối không

Về nhà quần áo chia vía với

Nón rách chia nó nửa dùng…

Sli diễn ra theo trình tự như trên gọi là "cuộc sli". Những cuộc sli thường kéo dài từ tối đến sáng. Nếu đôi bên còn say đắm chưa muốn dứt thì phải đợi tới đêm mới hát tiếp. Có những cuộc sli còn kéo dài hai ba đêm. Những đêm sli người già trong xóm lại có dịp được thưởng thức tài nghệ hát sli của đôi bên nam nữ và hồi tưởng một thời mê mải đã qua, lớp trẻ học thêm được những bài sli mới. Sli làm cho làng bản đêm thanh vắng trở nên ấm áp sống động. Sli có sức quyến rũ để người đi xa thì nhớ, khách đến làng thêm thân thương. Và bao cặp nam thanh, nữ tú đã nên duyên chồng vợ để rồi cùng nhau làm ăn sinh sống:

Nếu anh được kết em thực sự

Sẽ được cùng em việc nông gia

Thời anh đi bừa, em phát bờ

Đó là hạnh phúc lứa đôi tạo nên sự bình yên cuộc sống trên mảnh đất biên cương này.

Loại sli lượn hát ban ngày, gọi là lượn “sam khót” (ba câu). Nghĩa là ba câu trọn ý. Cách thức hát ban ngày thường đôi bên gặp nhau, muốn bắt quen người ta cất tiếng lượn chào, nếu bên kia đáp lại sẽ thành cuộc lượn. Cả nấc bước cũng như cuộc lượn ban đêm nhưng chủ yếu là lượn ba câu ngắn gọn, nội dung theo ngữ cảnh đặt lời, cuộc hát ngắn hay dài tùy thuộc vào tài đối đáp của đôi bên.

Sli Nùng Khen Lài như những đóa hoa thơm góp phần phong phú thêm vườn hoa dân ca trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Triệu Thị Mai

------------------------

(*)Chao tiếng Nùng có nghĩa là “giao”

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy