Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:55 (GMT +7)

Tinh thần Phật giáo và một số biểu tượng trong trường ca Cúc

Cuốn trường ca “Cúc” của NSND Hoàng Cúc chính là một cuốn phim ghi lại những sự kiện quan trọng trong tâm hồn chị từ lúc nhỏ cho đến khi không còn trẻ nữa.

Trường ca có kết cấu 3 phần. Phần 1: Cánh đồng của mẹ là những kỉ niệm về quê hương Hưng Yên nơi chị được sinh ra và quê hương thứ hai là Tuyên Quang - nơi bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật của chị từ năm 16 tuổi. Phần 2: Hồn thu xứ mặt trời là những chiêm nghiệm về tình yêu, về cuộc người khi sống ở xứ sở Phù Tang. Phần 3: Phục sinh là sự ngộ đạo, thấy mình thực sự đã sống lại sau tất cả những đớn đau về thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, giữa 3 phần vẫn có sự giao thoa, đan cài nhiều chủ đề và nhiều đoạn có thể tách ra thành một bài thơ độc lập. Bởi trường ca “Cúc” thực chất là những lát cắt tâm trạng trong những mốc thời gian khác nhau, thậm chí cách xa nhau được NSND Hoàng Cúc ghi lại đủ để người đọc hình dung được diện mạo tâm hồn của chị.

tr
Trường ca “Cúc” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, năm 2024, gồm ba phần: Cánh đồng của mẹ, Hồn thu xứ mặt trời và Phục sinh. (Ảnh: Thụy Du)

Đọc “Cúc”, tôi nhận thấy thơ chị thấm đẫm triết lí và tinh thần thiền của Phật giáo; thấy được một số hình ảnh được lặp lại nhiều lần nâng lên thành biểu tượng cùng với một số cách biểu đạt nghệ thuật mang dấu ấn riêng. Hoàng Cúc đã thực sự trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp khi viết được một trường ca đầy đặn, dày dặn 177 trang như thế.

Tinh thần Phật giáo trong trường ca “Cúc”

Những trải nghiệm và biến cố cuộc đời đã dẫn dắt NSND Hoàng Cúc đến với Phật giáo một cách tự nhiên. Trong những lúc tuyệt vọng, thơ ca đã cứu rỗi chị, chị đã vịn những câu thơ để đứng dậy, chị vịn vào tâm linh để tìm cho mình một sự bình an, để phục sinh. Có thể thấy dấu ấn Phật giáo đậm đặc trong trường ca “Cúc” với hàng loạt thuật ngữ nhà Phật (khoảng 30) sử dụng như: tịnh độ, khẩu nghiệp, nhân duyên, cát bụi, chấp ngã, bồ đề, luân hồi, cửa Phật, sám hối, chúng sinh, cõi Ta bà, tham sân si, kiếp phù du, sáu nẻo đi về, vô lượng kiếp trần, sắc sắc không không,… thậm chí còn có cả câu thần chú của Phật giáo Mật tông: Om ma ni Pad me hum nữa…

 - Thân xác mượn vay chân cửa Phật / Khi thì dao kéo lúc hôn mê/ Chẳng chê đời tạm say sưa nhập/ Mệt kiếp phù du đủ đoạn trường.

- Người đã đến gửi đâu là cát bụi/ Mà đau thương đeo bám kiếp ta bà.

- Nẻo xa ngã giấc lối về hư không/ Đời thực biết sắc không không.

- Mỏng manh cánh hoa ly biệt/ Nồng nàn thoảng tịnh miền thiêng.

- Dưới gốc bồ đề / Tâm linh nhập Phật/ Mười phần đi bẩy về ba/ Đến khi vò ra/ Hết ba/ Mô Phật/ Om ma ni

Qua trường ca “Cúc”, người đọc thấy chị hiểu sâu sắc các triết lý của Phật giáo như triết lí vô thường, triết lí nhị nguyên, triết lí nhân duyên…

Trong cuộc sống, chị đã từng chứng kiến hàng loạt những cái chết bất đắc kì tử, vô lí, oan uổng bởi chiến tranh (thịt người vắt trên cành nhãn), bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, bởi những thảm họa lũ lụt, cháy rừng; bản thân chị cũng đã từng ở bên bờ vực “ba phần sống, bảy phần chết”… Tất cả những điều đó đều được phản ánh trong thơ chị. Chính vì nhận thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh nên chị càng hiểu sâu sắc triết lí vô thường.

Thấu hiểu triết lí nhị nguyên trong đạo Phật, hạnh phúc và bất hạnh luôn song hành, NSND Hoàng Cúc đã tự an ủi mình: Thế tim nhé niềm tin hy vọng/ Trong yêu thương luôn có cả muộn phiền. Chị rất biết đời không cho ai hết cái gì và lấy đi hết cái gì; không một ai lúc nào cũng chỉ có toàn may mắn và bình an: Ở đời có ai dám nói mình không gặp tai ương/ Có người tiễn Phật ra cửa/ Còn bị mũi tên đạn lạc/ Sóng ngay tại chân cửa nhà mình.

Đời cho chị cũng nhiều nhưng lấy đi của chị cũng nhiều; cho chị công danh sự nghiệp ở đỉnh cao, nghề diễn viên đã cho chị hóa thân vào hàng trăm vai diễn với nhiều số phận, được sống nhiều cuộc đời trong một cuộc đời: Một trăm số kiếp đàn bà/ Một trăm mái nhà đạo cụ/ Một trăm dải ngân hà bọc nước/ Trôi qua đời tôi; cho chị được đi nhiều nơi trong nước và trên thế giới, cho chị có trai hiền dâu thảo cháu ngoan… Nhưng đời cũng lấy đi sức khỏe làm cho thể xác chị đau đớn với đủ loại bệnh tật, lấy đi bờ vai để tựa khi “ngôi nhà tuột nóc lần hai” rồi lại còn dồn cho một làn sóng thị phi khẩu nghiệp “táp tràn bờ”... Cuộc đời lấy của ta vài thứ/ lúc tim đau/ lúc phù mặt/ lúc xẻo thịt/ lúc máu tràn…/ khi “chiết áp” vọt lên như sóng cuộn/ Táp tràn bờ khẩu nghiệp chẳng tiếng rên/ (…) /Đời buồn thế/ Ngạt hơn gió lốc/ Trong ngôi nhà tuột nóc lần hai… Tuy cuộc đời có đắng cay, ngột ngạt, buồn phiền nhưng chị vẫn kiên cường vượt qua và luôn cố gắng để thay đổi số phận, không để mình bị gục ngã: nếu “Bên má trái giọt đắng cay nếm trải” thì “Nơi kề bên má phải ngẩng cao đầu”.

Có lẽ hơn ai hết, càng trải nghiệm nhiều, người đàn bà xinh đẹp này càng thấm thía chân lí “tài mệnh tương đố”, “biết nhiều khổ nhiều”của tiền nhân: “Tài có nên mệnh sao ổn/ Đời truân chuyên thường đãi kẻ hiểu đời. Chị cũng thông suốt triết lí nhân duyên của đạo Phật: những người đến với ta trong cuộc đời này, dù là mẹ hay là cha, là bạn hay là chồng, là con đẻ hay con nuôi… cũng đều do tiền định sắp xếp: “Có phải con là bóng của ta/ Thềm xuân kề liếp của ta bà / Lòng xin khấn lạy nơi cửa Mẫu/ Lội kiếp đây về tịnh giới quan/ Ta đã gập đầu dưới gốc đa/ Mong được cùng nhau dựng mái nhà/ Tịnh độ nhân duyên như mệnh định/ Một cõi đi về bên mẹ cha”...

Chị ơn Trời Phật, ơn đức thánh Mẫu đã cho chị ngộ đạo, cho chị có tầm nhìn cao hơn một cảnh giới vì biết “tự vươn”, biết “bay” lên, biết “thấm được gió ngàn” ở “trên cao’; để biết buông bỏ sân si, sống chân thật, yêu thương, từ bi, làm từ thiện giúp đỡ những người còn bất hạnh; biết bỏ qua những “mưu mô” của người đời, quên đi sân hận:

- Tôi bay trên những cung đường/ mang đầy thương tích./ Những lát cắt thịt da vây bủa/ Lóp ngóp sống, như thân cây trụi lá/ Tóc trắng đêm tự cạo trọc, tự vươn.

Khép rồi mỗi phím sân si/ Em là đôi cánh chim di/ Bay đi trên tầng mây trắng.

- Đường dài biết lắm mưu mô/ Ta bước trên phiến đời rong rêu ướt/ Trong mắt nụ cười xin chân thật/ Trên cao mới thấm được gió ngàn.

- Nếu cuộc đời là sắc sắc sắc…không / Cho ta được muôn phần buông bỏ...

- Xin tạ mẫu cho cháu con của mẹ / Biết yêu thương khao khát ánh chiều/ Bước đường đời có phút phiêu diêu/ Ta có bạn duyên lành quên sân hận!

Hơn ai hết, NSND Hoàng Cúc thấu hiểu chỉ có tình yêu thương, từ bi mới có thể chữa lành những vết rách tâm hồn: Ánh mắt yêu thương thay thế hằn thù/ Sẽ không còn màu đen độc địa / Trong đám mây tội lỗi kiếp người. Chị đã “Tự nhủ lòng sống tốt thiện lành hơn/ Và chia sớt những cảnh đời ngang trái”, “Xin chia sớt tấm lòng vô hạn/ Dịu nỗi đau trong vô lượng kiếp trần”… Chị đã thực hành ngồi thiền, tập yoga để tâm an bình, để hiểu được giá trị của hạnh phúc (Bất động nhé, bất động là tâm tĩnh/ Im lặng như pho tượng nhập hồn/ Sâu dưới đáy tâm can mình chiêm nghiệm/ Biết đêm đen mới coi trọng sáng ngày).

Song song với đó, chị còn xác định thực hành tu khẩu. Bởi khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất mà mọi người thường mắc phải như nói dối, nói hai lưỡi, nói độc ác, cay nghiệt. Chị tự dặn mình: Chớ gieo khẩu nghiệp xác phàm rối thân, tự nhắc mình không nên nóng giận mất khôn: Miệng là hoa lá mùa xuân / Vướng chi khẩu nghiệp gian truân một đời/ Nên thôi người cứ nguội lời

Những khổ thơ cuối của tập trường ca như một tiếng reo vui, an nhiên, thanh thản của một con người đã “biết nương thân” vào bờ giác ngộ, dù đã qua “quá nửa” cuộc đời. Chị cảm ơn thời gian, tuổi tác đã cho chị ngộ đạo. Thậm chí có lúc chị sợ hãi nếu phải quay lại thời đầu xanh tuổi trẻ: Bây giờ chỉ sợ/ Bây giờ chỉ sợ/ Lại xanh mái đầu. Tại sao sự sợ hãi lại được nhắc lại tới hai lần, tại sao lại sợ tuổi trẻ, phải chăng khi còn trẻ, con người thường có quá nhiều tham sân si nên chưa thể thực sự hạnh phúc. Đến bây giờ khi “tóc trên đầu không còn ban mai nữa”, chị đã cất tất cả nỗi buồn vào quá khứ, với một tư thế “ngạo nghễ”, kiêu hãnh. Chị không còn sợ bất cứ điều gì, kể cả cái chết: Đâu lo hãi ngày mai trong vũ trụ/ Cát bụi hư vô trôi tuột kiếp người, bởi chị biết: Đời thực chất còn neo là bể khổ/ Siêu trăm năm mây trắng vẫn xanh trời

Giờ đây, mỗi ngày mới với chị chỉ còn tình yêu thương, sự ngộ đạo và niềm lạc quan vui sống: Ta là thế ngạo nghễ cười dương thế/ Quá nửa chiều mới biết nương thân/ Không biết sợ xin dưới kia đất mẹ/ Cho yêu thương, chào nhé hôn nào./ Tờ lịch cũ câu thơ buồn nhân thế/ Trả cho đời mơ giọt nắng tinh khôi/ Trên trời biếc lũ chim trời quấn quýt/ Dưới đất mềm ta ươm một nhành mai…

Riêng câu thơ cuối cùng của tập trường ca này đã cho thấy chị am hiểu sâu sắc ý thơ của Thiền sư Mãn Giác nổi tiếng: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua- sân trước- một nhành mai. Một khi đã có ý thức “ươm một nhành mai” thì tức là chị đang tồn tại với Phật tính vĩnh cửu chân như của chính mình.

Mặc dù NSND Hoàng Cúc không hề có ý định làm thơ để tuyên truyền Phật pháp nhưng nhiều câu trong trường ca “Cúc” đã cho thấy triết lí và tinh thần nhân văn của đạo Phật thấm đẫm trong thơ chị một cách hết sức tự nhiên, như được bật ra từ vô thức và chúng thực sự tác động mạnh mẽ đến người đọc.

Một số biểu tượng trong trường ca “Cúc”

Trường ca “Cúc” có ba hình ảnh được lặp đi lặp lại nhiều lần tạo thành biểu tượng là nhãn, sentrăng.

Mảnh đất Hưng Yên là nơi NSND Hoàng Cúc được sinh ra. Vì vậy, ngoài hình ảnh cha mẹ, anh chị em thân thuộc thì trong thơ chị hai biểu tượng nhãnsen được nhắc đi nhắc lại như một dấu ấn quê hương khó phai mờ. Nhãn được hiện ra với đủ mọi kết hợp: hoa nhãn, cành nhãn, gốc nhãn, nhãn lồng, nhãn nước, nhãn đầu mùa, nhãn cổ, nhãn già… Nhãn gắn với những kỉ niệm thân thương, đẹp đẽ, tinh khôi: Hoa nhãn vàng cứa càng ong mật/ Anh chặt vườn xoan ngâm chết cá làng..; Sao cứ thấy mẹ về nơi cô quạnh/ Mảnh mai như trái nhãn đầu mùa; Ngào ngạt hương thơm bện hoa nhãn đầu mùa; Tháng tư nắng đổ tàn nhãn rụng

Đặc biệt hình ảnh cây nhãn tổ (nhãn cổ), nhãn già được nhắc đến nhiều nhất gắn liền với những hồi ức, suy tư ngẫm ngợi về đời người cùng với sự tiếc nuối thời gian một đi không bao giờ trở lại: Cây nhãn già dưới gầm trời buốt giá/ Trổ mầm xanh ngậm nụ trắng li ti; Những cánh đồng phong tỏa/ Cây nhãn già phát tiết những chùm hoa; Cây nhãn cổ cõng đời quả phụ/ Nửa nhãn lồng, nửa nhãn nước bưng cây!; Cây nhãn già bên ta bao năm tuổi/ Mà hồn ta vít bóng cây tà; Lối cũ giờ đây lá giăng đầy/ Hàng cây nhãn cổ chẳng còn đây; Nhãn cũng nhắc nhớ đến kí ức tuổi thơ phải sống trong cảnh chạy loạn, chết chóc tang thương vì chiến tranh bom rơi đạn lạc, gây ấn tượng mạnh mẽ: Hoảng hồn ta chạy cho mau/ Vướng vào gốc nhãn xác thau xuống hồ hoặc: Một đêm chết hết cả nhà/ Thịt người vắt trên cành nhãn

Bên cạnh biểu tượng nhãn, NSND Hoàng Cúc cũng viết rất nhiều về hoa sen. Sen trong thơ Hoàng Cúc là biểu tượng của quê hương yên ả, thanh bình, nơi có truyền thuyết về Chử Đồng Tử - một trong những tứ bất tử của Việt Nam:  Chử Đồng Tử vùi mình ôm cát/ Tiên Dung tắm Dạ Trạch đầm sen bát ngát. Và sen với mùi hương thần thoại luôn bay về đậu trên giấc mơ của Hoàng Cúc: Ta độc chiếm giấc mơ ta/ Giấc mơ bay về mùa sen thay lá/ Những đoá sen sau mưa bung tỏa/ Rưng rưng sương sớm ngóng thu về/ Cánh đồng sen thơm nức/ Ngào ngạt vốc hương thần; Nghe sen hát tóc trên đầu phiêu bạt/ Thương cánh nở, cánh tàn ngàn ngạt hương quê; sen là linh hồn của làng, nơi có mẹ hiền: Xưa mẹ nói quê mình toàn cánh đồng sen; Sen mang vóc dáng quê nghèo/ Lắng lòng mẹ đượm nắng gieo xóm làng; Dưới đất mẹ bùn lầy thơm thanh thảo/ Sen là trời đất sinh ra hồn cốt ở cánh đồng. Chị nuối tiếc khi sen dần ít đi: Cánh đồng sen mọc những ngôi làng/ Giờ toàn ô tô đổ bộ; Đầm sen kín dần còn búp sen biêng biếc/ Ngoi lên khỏi đống bùn sũng nước mưa tuôn/ Chào vĩnh biệt mặt trời lần cuối / Mùa sau chẳng thấy sen rồi. Sen không còn đồng nghĩa với một phần biểu tượng văn hóa làng quê đã mất, nhường chỗ cho những tệ nạn xã hội như lô đề, đua xe xuất hiện:Váy xanh môi đỏ ngõ nào cũng đánh đề/ Khét lẹt ống bô trẻ trâu phượt dạo/ Cổng làng bốc khói gọi âm hồn

Ngoài biểu tượng nhãnsen thì trăng cũng có mặt nhiều trong thơ Hoàng Cúc. Nhà thơ Chử Văn Long trong bài thơ “Trăng đã chết” có viết: “Trăng đã chết từ khi Hàn đi mất/ Trăng còn đây chỉ là bản phô tô”. Tôi biết đấy là cách ông xác quyết, ca ngợi biểu tượng trăng độc đáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng ông sẽ rút lại nhận xét này nếu đọc thơ của NSND Hoàng Cúc (người sống sau thi sĩ họ Hàn mấy chục năm) viết về trăng cũng rất nhiều và hay. Tôi trộm nghĩ chị đã đọc nhiều thơ Hàn Mặc Tử và đồng cảm sâu sắc với thơ ông, bởi giữa ông và chị đều mắc trọng bệnh, hơn nữa cái tên Hoàng Cúc cũng vô tình trùng với tên nàng thơ, ý trung nhân của thi sĩ họ Hàn. Có lẽ vì  thế nên chị cũng viết nhiều về trăng như vậy. Trăng trong trường ca “Cúc” cũng chính là một người bạn tâm giao, chia sẻ nỗi đau bệnh tật và cả những nỗi buồn tinh thần của chị. Trăng hiện ra thật phong phú với đủ kiểu kết hợp, đủ trạng thái, đủ cung bậc cảm xúc.

Kết hợp từ ngữ mà từ trăng làm trung tâm trong trường ca “Cúc” có thể thấy nhiều hơn bất kì một tác giả nào viết về trăng mà tôi được biết. Có thể kể ra kết hợp trăng + X như: trăng chết, trăng tàn, trăng rơi, trăng lạc, trăng về, trăng rằm, trăng sầu, trăng non, trăng vắng, trăng suông, trăng mờ, trăng hanh, trăng đâu biết, trăng mọc lênh khênh, trăng phủ sơn khê, trăng đắm say, trăng đã khuyết, trăng tỏa hồn nhiên, trăng cũng khuyết vương, trăng cũng treo veo, trăng chín gối nằm, trăng chín mõm mòm, trăng sáng đầu non, trăng vàng man mác, trăng là linh hồn của bầu trời, trăng lặn khuyết gầy đáy tim… Ví dụ: Em nằm lặng lẽ đợi trăng rơi/ Chắc rằng nơi đó trăng đâu biết / Hồn cũng rời em vút mây trời.../ Trăng đã đắm say ngập đêm dày; Miền đau trăng vắng đêm u ám; Nơi đêm tối trăng tàn, trời rơi xuống tóc/ Tiếc thương mình trong tiếng vọng thiên thu; Hôm nao trăng lạc nơi này/ Ngày mai trăng lặn khuyết gầy đáy tim/ Trăng rằm sáng trắng im lìm/ Đến giờ tan giấc im im trăng về; Anh đã ngỡ trăng là linh hồn của bầu trời; Gió quẫy trên cây lá buồn gãy cuống/ Muộn không trăng đã khuyết qua rằm/ Đêm nằm nghiêng má đè trên bóng đổ/ Em quờ tay trăng chín gối nằm; Hôm nay trăng sáng đầu non/ Hôm mai trăng chín mõm mòm gió đông

Bên cạnh kết hợp từ trăng + X là kết hợp X + trăng: tình trăng, khát trăng, ôm trăng, nhớ trăng, có trăng, ngắm trăng, rước trăng, mắt trăng, bóng trăng, thịt da trăng, linh hồn trăng, lạnh lùng trăng, đuổi theo trăng, ôm ấp chúa trăng, tàn trăng ánh trắng, khuôn mặt trăng méo tròn mây phủ Ví dụ: Ôm ấp chúa trăng tình vụng dại; May mắn trong đời được khát trăng/ Thèm khát ôm trăng đẫy tỏ mờ; Linh hồn trăng đắng như rượu chát/ Tôi uống tái tê lạc cõi đàng; Ngây ngất thịt da trăng trắng xóa / Say đắm tơ trời thơm biết không?;  Khuôn mặt trăng méo tròn mây phủ / Mắt em buồn hơn cả mắt trăng

Dấu ấn riêng trong diễn đạt nghệ thuật

Hoàng Cúc đưa chất liệu dân gian thành ngữ, tục ngữ, đồng dao, truyện cổ tích… vào thơ khá ngọt ngào nhuần nhuyễn, uyển chuyển hợp với tâm trạng, nỗi niềm, ngữ cảnh. Chẳng hạn, chị đã miêu tả cách sống ảo (“tự sướng đưa hình nhau” trên facebook với công nghệ chỉnh ảnh hiện đại) bằng nhịp điệu đồng dao rất ấn tượng: Ảo lừa dù thật/ Nhấn vào chỗ xóa/ Nhấn sang chỗ lồi/ Nhấn chìm đồi mồi/ Di vết chân chim/ Gieo vào niềm tin. Nhiều thành ngữ, tục ngữ được chị cải biến và vận dụng rất linh hoạt, như: Đói cho cốt cách phải thương lấy lề (Giấy rách phải giữ lấy lề); Đất vẫn thấm nghìn bước chân kẻ lạ/ Đồng sàng mây dị mộng cả núi bào (Đồng sàng  dị mộng); Phiêu linh chao liệng nơi hoang hoải/ Bạc kiếp nhan hồng phận phù du (Hồng nhan bạc phận); Đãi bôi trôi tuột nụ cười/ Thờn bơn méo miệng chê bai nỗi gì (Thờn bơn méo miệng chê chai (*) lệch mồm); Hãy cứ nhìn xem nhân tài khắp gầm thiên hạ/ Có ai ngồi đáy giếng mà khôn? (Ếch ngồi đáy giếng) …

Để miêu tả sự cô đơn, chị viết Gió hát solo…”; để miêu tả nỗi buồn, sự hẫng hụt, chị viết: Vọng lũng khuya tiếng dương cầm/ “La thứ đau thương”/ Gãy quãng ở nốt trầm. Nếu không phải là người có kiến thức về thanh nhạc, từng thi đỗ thanh nhạc thì chắc sẽ không diễn đạt như thế. Bởi trong âm nhạc gam la thứ và nốt trầm gẫy quãng sẽ gợi nỗi buồn và sự hẫng hụt sâu sắc hơn cả.

Hoàng Cúc làm thơ rất tự nhiên, không câu nệ thể thơ, khi thì là thể truyền thống như lục bát, 7 chữ hoặc 8 chữ; khi lại là thể tự do. Khi nội dung mang tính suy tư, triết lý, chiêm nghiệm về cuộc sống thì chị thường dùng thể 8 chữ với nhịp lẻ 3/5 (nhịp lẻ thường buồn hơn nhịp chẵn). Khi miêu tả sự hối hả, tất bật, mệt mỏi như cảnh tắc đường lúc tan tầm (Chiều cài then cửa/ ngập người Kim Mã / ngược xuôi) thì câu chữ ngắn gọn và rất… hậu hiện đại: tắc tị la bàn ị thị lị/ quay vít tịt tay ga/ (…)/ Tít mít / hít khói bụi.  Nguyên âm /i/ ở đây thật ấn tượng, nó là một nguyên âm tắc, gợi sự kín, bí, bức bối, chật chội của đám đông. Hoặc có lúc chị lại không ngại sử dụng vần eo độc đáo, mang hơi hướng nửa Nguyễn Khuyến, nửa Hồ Xuân Hương:  hoảng hồn chèo bẻo / bay vèo./ Nhà hẻo mốc meo / hoa neo gốc mục…

***

Có thể thấy, trường ca “Cúc” chính là thông điệp cuộc đời của NSND Hoàng Cúc. Thơ chị là sự chiêm nghiệm của một người ngộ đạo; của những song hành niềm vui nỗi buồn chắt lọc lại để thành thơ.

Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc được công chúng biết đến với vai trò là một diễn viên gạo cội trong sân khấu và điện ảnh. Từng giữ vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc ghi dấu ấn qua những vai diễn trong các tác phẩm sân khấu Hà Nội như “Tôi và chúng ta”, "Lũy hoa", “Em đẹp dần lên trong mắt anh”, “Ăn mày dĩ vãng”… và cũng thành công trong điện ảnh, đặc biệt là vai Tám Bính trong bộ phim “Bỉ vỏ”, Thủy trong bộ phim “Tướng về hưu”…

 

Bên cạnh sân khấu và điện ảnh, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc còn bộc lộ tài năng văn chương. Bà từng đoạt giải với truyện ngắn “Về nhà” trong cuộc thi truyện ngắn do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức. Với trường ca “Cúc”, công chúng biết thêm tài năng thi ca của Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Cúc.

 

(Theo nguoihanoi.vn)

----------

(*) Nhiều người cho rằng chữ này viết là “trai”, nhưng theo tác giả đây là “chai” (cá chai) chứ không phải con trai trai vì loài này so sánh với cá (thờn bơn) là khập khiễng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục