Tình Tết – Tản văn. Trinh Nguyên
Mẹ đi cắt lá dong từ độ tháng Một, tháng Một rét căm căm. Người dân lam lũ quanh năm, đã bắt đầu mua lá dong cho Tết từ đầu tháng Chạp, sợ cuối năm hiếm hàng, đội giá, mà có khi chả còn lá dong mà mua thì mất trọn cái Tết à? Mẹ xếp lá dong thật gọn gàng, mớ năm chục, mớ một trăm, bọc kín lá, chỉ còn hở bó cuống để ngâm nước cho tươi, để bán dần.
Chợ phiên làng họp vào ngày có tận là 0 và 5 của tháng âm. Chợ huyện họp sau ấy một ngày. Phiên chợ huyện ngày hăm sáu là được mong ngóng nhất. Cô bé dậy từ bốn giờ sáng, thập thững những bước đi trong đêm cùng với chị gái, mẹ và gánh lá dong lên chợ huyện cách đó bốn cây số. Lên tới nơi là lúc trời đã tang tảng sáng. Thu lu đứng cạnh chờ mẹ mở hàng, xong đưa hai chị em ra quán phở như lời đã hứa. Mùi hành thơm, vị nước ngọt, sợi phở dai, thịt nạc mềm, không làm hai chị em quên lời mẹ dặn: “Ăn xong ở nguyên đó đợi mẹ quay về, chợ Tết đông, không lang thang, dễ lạc”. Bán xong gánh lá dong, cũng là lúc chợ đông nghịt người. Hai chị em được mẹ chen lấn đưa đi mua quần áo mới, bằng tiền công quét chợ làng cả năm của hai chị em. Tiền bán lá dong của mẹ còn để sắm Tết. Cô bé chọn bộ quần áo hoa màu hồng, chị màu xanh, luôn là như thế, và một ít bóng bay nữa (cho bõ những ngày quét chợ, mong mãi mấy phiên cuối năm để được nhặt bóng bay vỡ và phồng tẹt mồm mà mút). Thế là đủ cho hai chị em vui cả Tết rồi.
Mẹ mới sáu mươi tuổi mà lưng đã còng như cụ tám mươi. Tròn hai mươi năm mẹ không đi cắt lá dong và gói bánh chưng nữa. Bệnh tật cướp đi sức khỏe của mẹ… Chị làm thợ may, năm nào cũng lo may quần áo Tết cho cả nhà, không quên may cho em gái váy, áo màu hồng. Chị vẫn mặc áo màu xanh. Chị chưa lấy chồng… Người phụ nữ không còn đi những phiên chợ Tết…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...