Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024
04:27 (GMT +7)

Tinh giản bộ máy với chủ trương sáp nhập thôn, xóm: đông để mạnh

VNTN - Theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì thôn, xóm thuộc vùng miền núi, nông thôn như tỉnh ta phải có từ 100 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có từ 150 hộ trở lên. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 850/3.032 xóm, tổ dân phố không đạt quy mô so với yêu cầu. Do vậy, việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố nhằm tạo sự công bằng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo... đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Hưởng ứng chủ trương sáp nhập các xóm, tổ dân phố không đủ điều kiện, đến nay dù chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều địa phương, người dân đã chủ động liên kết đối ứng để xây dựng nhà văn hóa mới đạt tiêu chuẩn. (Nhà văn hóa xóm Tiến Thành, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ do nhân dân các xóm Tiến Thành 1 và Tiến Thành 2 liên kết xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện).

Bộ máy quá cồng kềnh

Khoảng 30 hộ, 20 hộ, thậm chí chỉ hơn 10 hộ dân cũng là một đơn vị xóm, tổ dân phố với đầy đủ các chức danh cán bộ không chuyên trách và trưởng, phó các đoàn thể hưởng phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Thực tế này đang tồn tại khá phổ biến trên địa bàn tỉnh.

Xóm Trại Mới, xã Tân Khánh (Phú Bình) chỉ vẻn vẹn 11 hộ dân, nhưng có tương đối đầy đủ các chức danh như: Trưởng xóm, Công an viên, Trưởng ban Công tác mặt trận, phó xóm, Chi hội nông dân, Phụ nữ, y tế thôn bản... Chia trung bình ra, mỗi hộ có ít nhất một người làm cán bộ xóm. Tương tự, trong nhà văn hóa xóm La Mao, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) chỉ có 23 hộ dân, gần 80 nhân khẩu. Trừ số hộ đi làm ăn xa, hộ cao tuổi neo đơn thì thực tế số gia đình thường xuyên tham gia các hoạt động tập thể chưa đến 20 hộ. Trong khi đó xóm đang có tới trên 10 chức danh cán bộ được hưởng phụ cấp.

Mặc dù có đầy đủ các tổ chức đoàn thể nhưng do có quá ít người nên các xóm, tổ dân phố này đều gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và tham gia các hoạt động phong trào của địa phương nói riêng. Bà Ngô Thị Hà, Trưởng xóm La Mao chia sẻ: Có dịp chúng tôi phải thành lập đoàn diễu hành. Quy định, mỗi xóm 30 người, riêng La Mao được đặc cách chỉ cần 20 người. Thế nhưng mặc dù chúng tôi đã huy động cả người già, trẻ nhỏ góp mặt cũng không đủ được. Có năm làm 200m đường bê tông, nhân dân phải đối ứng 26 triệu đồng thôi nhưng cả tuyến đó chỉ có lác đác vài hộ nên có nhà phải đóng góp tới 6 triệu. Hoặc như năm 2015, để được sửa chữa, nâng cấp tuyến đường điện của xóm, mỗi hộ trong xóm La Mao cũng phải đóng góp tới 4 triệu đồng. Đó thực sự là những khoản tiền quá lớn so với mức thu nhập bình quân của người dân ở xóm.

Từ thực tế ở 2 xóm Trại Mới và La Mao, nhìn rộng ra những bất cập trong tổ chức đơn vị hành chính ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 3.032 xóm, tổ dân phố. Trong đó có hơn 400 xóm quy mô dưới 50 hộ, gần 300 tổ dân phố từ 50-80 hộ. Thử làm một phép tính, mỗi xóm, tổ dân phố trung bình sẽ có từ 10-12 chức danh được hưởng phụ cấp từ ngân sách. Số tiền thù lao cho số lượng này ở mỗi xóm khoảng trên dưới 6 triệu đồng/tháng. Chưa tính số tiền ngân sách hàng năm hỗ trợ cho các khu dân cư tổ chức các hoạt động tập thể.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến sự thiếu công bằng giữa các khu dân cư đông và ít người. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Trưởng xóm Vũ Chấn, xã Thượng Đình, Phú Bình phân tích: “Trong xã Thượng Đình, xóm ít nhất khoảng 70 hộ dân, xóm Vũ Chấn chúng tôi đông nhất với hơn 300 hộ dân. Ngân sách Nhà nước chi trả cho công tác mặt trận của các xóm là bằng nhau. Sau khi trừ đi các khoản chi phí cần thiết, số tiền còn lại có thể tổ chức cho bà con liên hoan nhẹ trong ngày hội đại đoàn kết. Còn với xóm đông như chúng tôi, phải chi phí nhiều hơn nên không thể dư giật. Nhiều người không hiểu, thấy vậy liền so sánh và cho rằng Ban công tác mặt trận của xóm tôi hoạt động không tốt bằng các xóm khác”.

Cùng là khu dân cư cấp cơ sở nhưng nơi quá đông, chỗ lại quá ít là một nghịch lý diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Theo quy định của Thông tư số 04, toàn tỉnh hiện có tới hơn 800 xóm, tổ dân phố không đủ đảm bảo quy định. Đi kèm với đó là bộ máy cán bộ đồ sộ. Điều này không chỉ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, gây ra sự bất hợp lý trong việc bố trí các chức danh cũng như chi trả phụ cấp, tạo tâm lý bức xúc trong một bộ phận những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xóm.

Cần sớm triển khai sắp xếp với lộ trình phù hợp

Việc sắp xếp lại bộ máy cán bộ cơ sở cho hợp lý, giảm bớt sự cồng kềnh là yêu cầu đề ra cấp thiết. Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Theo tính toán hiện nay, để chi trả thù lao cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, xóm, tổ dân phố khoảng 250 tỷ/năm. Nếu thực hiện giảm 850 xóm, tổ dân phố không đủ điều kiện hiện nay, mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được từ 70 - 80 tỷ tiền ngân sách.

Không chỉ tiết kiệm ngân sách, việc sáp nhập những khu dân cư có quy mô nhỏ còn là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông Đoàn Văn Điển, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ bày tỏ quan điểm: Khi sáp nhập sẽ thuận lợi hơn trong việc quy hoạch tổng thể ở mỗi địa phương. Từ đó sẽ tạo ra được những định hướng có tầm hơn trong phát triển kinh tế. Đồng thời huy động tập trung được các nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng và hệ thống phúc lợi công cộng.

Qua thực tế tìm hiểu ở nhiều địa phương, người dân cũng có tâm lý đồng thuận khi khu dân cư của mình đang sinh sống sáp nhập để thành một đơn vị có đông hộ hơn vừa đảm bảo các hoạt động tập thể, vừa giảm bớt gánh nặng đối ứng. Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất khi tiến hành sáp nhập các xóm, bản, tổ dân phố có quy mô số hộ và nhân khẩu ít là yếu tố đặc thù về phong tục, nền nếp sinh hoạt; những thiết chế văn hóa sau khi sáp nhập. Cùng đó là tâm lý muốn giữ lại tên gọi của cộng đồng dân cư vốn gắn bó lâu đời của người dân. Bà Lâm Thị Vinh xóm La Mao, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ bày tỏ quan điểm: Cái tên La Mao đã gắn bó biết bao đời nay với người dân xóm tôi, từ thời các cụ, kỵ tôi đã gọi như vậy. Xóm tôi ít người, gộp lại cũng tốt, nhưng giá như giữ lại được tên xóm thì tốt biết mấy, chứ giờ gộp lại gọi chung là xóm 4, thực sự chúng tôi thấy luyến tiếc tên xóm của mình.

Không thể phủ nhận, việc mỗi cộng đồng dân cư dù đông hay ít người trải qua thời gian gắn bó đã hình thành những nét văn hóa riêng, bản sắc riêng cần được trân trọng. Tâm lý băn khoăn cũng là điều dễ hiểu và chắc chắn quá trình thay đổi này sẽ nảy sinh những khó khăn do thực tiễn đặt ra. Ví như với địa hình chia cắt ở khu vực miền núi việc đảm bảo số hộ, số nhân khẩu của mỗi xóm theo quy định là điều không dễ. Bởi vậy, vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ để đảm bảo sự hợp lý.

Khó khăn có thể sẽ có, nhưng việc sáp nhập những thôn, xóm, tổ dân số có quy mô nhỏ không chỉ giúp giảm được bộ máy cán bộ cồng kềnh, tập trung được nguồn lực cho sự phát triển từ mỗi cộng đồng dân cư mà còn xóa được xóm trắng chi bộ hoặc chi bộ ghép, xóa được việc thiếu các tổ chức đoàn thể. Từ đó phát huy được trí tuệ cũng như sức mạnh trong cộng đồng dân cư. Vì thế cho nên việc sắp xếp lại là điều cần thiết. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy