Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:22 (GMT +7)
Trại Sáng tác văn học Trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Tin vào tuổi trẻ

Tôi được mời tham gia trại sáng tác văn học trẻ của Thái Nguyên mùa thứ hai. So với năm 2023 thì năm nay, số lượng tác giả và tác phẩm gửi dự trại đều tăng. Tôi đã đọc 87 tác phẩm văn xuôi bao gồm đoản văn, tản văn, truyện ngắn và trích đoạn truyện dài của 30 tác giả gửi đến.

Nhà văn Tống Ngọc Hân (ngồi giữa) trực tiếp tryền đạt tại điểm cầu Hội VHNT tỉnh sáng 7/8/2024
Nhà văn Tống Ngọc Hân (ngồi giữa) trực tiếp truyền đạt tại điểm cầu Hội VHNT tỉnh sáng 7/8/2024

Có lẽ Thái Nguyên là một trong số những địa phương ít ỏi tổ chức được trại sáng tác cho những cây bút trẻ, từ lứa tuổi nhi đồng trở lên. Phát hiện, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác cho những người viết trẻ với mục đích xây dựng lực lượng sáng tác kế cận cho tỉnh nhà là tâm huyết và nỗ lực từ rất nhiều năm nay của Hội VHNT Thái Nguyên. Là người đọc văn xuôi cho trại hai năm liên tiếp, tôi xin đưa ra một số những nhận định sơ bộ về chất lượng sáng tác của trại viên.

Trước hết là nói về những điểm chưa đạt. Ở những trường hợp lần đầu dự trại, tác phẩm còn non nớt là chuyện đương nhiên, tôi sẽ không nói. Bởi vì chính tôi, ở tuổi 26 mới viết truyện ngắn đầu tiên, là một truyện dành cho thiếu nhi. Nên tôi hiểu, bắt đầu viết văn từ thời điểm nào trong cuộc đời, không thật sự quan trọng. Nhưng khi chúng ta đã bắt đầu, thì nên nghiêm túc với chọn lựa của mình. Trong số những bạn đã dự trại lần hai, vẫn còn hiện tượng xảy ra ở một số bạn là chưa phân biệt được tản văn và truyện ngắn. Tại sao có cùng một độ dài, cùng một đề tài, cùng số lượng nhân vật, mà cái thì gọi là tản văn, cái lại gọi là truyện ngắn? Từ chỗ nhầm lẫn ấy dẫn đến việc các bạn đã gắn mác truyện ngắn cho tản văn cũng là bình thường.

Vấn đề thứ hai là các bạn còn viết sai chính tả và không đặt tên cho tác phẩm của mình. Ngay cả các bạn học chuyên Văn cũng viết sai chính tả. Cá biệt còn có một bạn viết tắt rất nhiều, rất tùy tiện trong tác phẩm. Và một bạn không đặt tên cho truyện ngắn của mình. Trong văn chương, sai chính tả và viết tắt là một điểm trừ rất lớn. Người viết để mất thiện cảm từ những cái lỗi không đáng có ấy thì thật là tiếc. Còn tác phẩm không đặt tên, giống như đứa trẻ chưa được khai sinh đã đưa đến trường.

Vấn đề thứ ba là nguồn vốn văn của các bạn còn quá mỏng. Ở độ tuổi thiếu niên, ngoài kiến thức sách vở ra, trải nghiệm của các bạn chưa có bao nhiêu, cộng với áp lực học tập đè nặng, không có nhiều thời gian nên không thể trách các bạn. Tuy nhiên, không phải là chúng ta không có cách để cải thiện vấn đề này. Chỉ là các bạn có muốn hay không mà thôi. Đó là sách. Tôi đọc văn của các bạn thì thấy rõ một hiện thực là các bạn nhỏ rất ít đọc sách văn học. Các bạn chưa biết cách tận dụng kho kiến thức khổng lồ từ sách cho nên vốn văn nghèo nàn. Do vốn văn nghèo nàn nên thường xảy ra hai hiện tượng. Một là vừa kể đã hết chuyện rồi. Còn chưa đâu vào đâu đã xong rồi. Hai là dồn hết vốn liếng vào một cái truyện, đến cái còn lại thì hụt hơi.

Vấn đề thứ tư tôi gặp là phong độ rất bấp bênh, thiếu ổn định. Có bạn năm nay viết kém hơn năm ngoái. Có bạn tản văn viết rất khá, truyện ngắn lại rất dở. Có bạn thì truyện kể rất chỉn chu nhưng tản văn lại hời hợt và đuối. Hoặc truyện này rất được nhưng truyện kia lại yếu. Lý giải cho điều này chính là ở cái nguyên nhân hạn chế về vốn văn phía trên. Viết văn mà ăn đong thì đương nhiên bữa no, bữa đói rồi. Cho dù phần lớn các bạn đến với trại viết, tôi đều thấy các bạn có năng khiếu để viết văn.

Còn một điều nữa, dù không phải là hạn chế của trại viên. Nhưng tôi cảm thấy nên nói ra. Đó là sự mong đợi, kỳ vọng của tôi dành cho các bạn nhưng chưa được đáp ứng. Tôi thấy các bạn dường như chưa mấy quan tâm đến đề tài miền núi. Vẫn biết, viết về văn hóa tộc người hay đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc chưa bao giờ là dễ ngay cả đối với những nhà văn lớn. Thế nhưng, một tỉnh trung du miền núi có tới 46 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống mà trong hơn tám mươi tác phẩm văn xuôi của các em, không có lấy một tác phẩm nào khắc họa, quả là điều đáng tiếc. Một điều đáng tiếc nữa còn thiếu là sự gắn kết tự nguyện giữa tâm hồn các em với thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, sản vật, con người Thái Nguyên.

Tin vào tuổi trẻ
Nhà văn Tống Ngọc Hân

Thái Nguyên được cả nước biết đến với khu công nghiệp gang thép và rất nhiều các khu công nghiệp đã và đang được đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Chính điều này khiến Thái Nguyên trở thành tỉnh trung du miền núi duy nhất lọt vào top 10 tỉnh thành trong toàn quốc có thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Thái Nguyên cũng là nơi có thương hiệu chè nổi tiếng, vươn ra cả thế giới. Thế nhưng, các em hình như chưa có ý thức để quảng bá, giới thiệu, tôn vinh những thế mạnh đó của Thái Nguyên với người đọc bằng văn chương của mình. Hay là các em cho rằng, đó không phải là trách nhiệm của các em? Đành rằng, viết cái gì, lựa chọn đề tài nào là tùy thuộc vào sở thích và mong muốn của các em. Nhưng muốn tạo ra một thứ văn chương có ích, thứ nghệ thuật có ích, thì ngay từ buổi chập chững, ngay từ những tác phẩm đầu tiên, hãy dành cho những điều thân thương. 

Để sang một bên tất cả những hạn chế hoàn toàn có thể khắc phục đó, thì trại sáng tác năm nay, đã có những thu hoạch đáng kể. Đó là dấu ấn của những nỗ lực mà tôi nhìn thấy rất rõ. Tôi rất ấn tượng về truyện ngắn "Nhà có hai chị em" của bạn Chu Hà Linh. Bạn Linh đã biết cách cuốn hút người đọc bằng việc phá bỏ mô típ xưa cũ. Cái cũ xưa ấy là chị lành, em tợn, chị chăm chỉ, em lười nhác, chị luôn nhường nhịn em. Còn bạn Linh cùng lúc tạo nên hai nhân vật nữ có cá tính mạnh mẽ ngang nhau. Chính cá tính đã khiến hai chị em không ai nhường ai, liên tục xung đột, cãi vã, tị nạnh, tranh giành. Không khí của truyện lúc nào cũng sục sôi, ồn ã. Nhưng về cuối, tôi thật sự tan chảy khi đọc đến đoạn cô chị chuẩn bị đi du học xa thì cô em chạy đến ôm chầm lấy, òa khóc, không muốn chị đi nữa.

Ấn tượng của tôi còn dành cho Đoàn Gia Hân và Dương Phương Thảo, hai bạn nhỏ xíu nhưng lại biết kể truyện ngắn đâu ra đó, rõ ràng và mạch lạc. Những câu chuyện thiếu nhi rất sinh động về thế giới động vật mà chỉ có độ tuổi các em mới thật sự phù hợp để kể. Được biết Gia Hân năm ngoái còn đang ở nhóm thơ, thế mà khi chuyển qua viết truyện ngắn, bạn ấy lại rất có triển vọng.

Trong số những học sinh chuyên Văn, thì Nguyễn Ngọc Hoàng Ly, Hoàng Hương Giang và Ngô Thị Thanh Tân là những cây bút mà tôi thích. Bạn Ly, cả ba truyện đều đề cao, tôn vinh lòng tốt, ca ngợi những con người sống tử tế nhân hậu, có trách nhiệm với cộng đồng. Những câu chuyện bạn Ly kể đã không còn nằm trong phạm vi gia đình nữa mà mạnh dạn đề cập đến các vấn đề đáng bàn trong xã hội. Và truyện nào thì bạn ấy cũng khéo léo đưa quan điểm cá nhân mình vào, đó là phản đối, lên án những việc làm xấu xa và cổ vũ những việc làm tốt. Một người chính trực, có quan điểm sống tích cực, nếu trở thành tác giả thì vô cùng đáng quý. Bên cạnh Hoàng Ly mạnh mẽ hướng ngoại là một Hương Giang hướng nội. Bạn Hương Giang có ba truyện đều thiên về khai thác tâm lý tuổi mới lớn. Lợi thế của bạn ấy là giọng điệu. Hương Giang có giọng văn trong sáng, tha thiết và đầy nữ tính. Những câu chuyện Hương Giang kể khiến người đọc thật dễ cảm nhận. Và bạn ấy là một trong số ít người rất biết cách đặt tít cho truyện.

 Bên cạnh Hương Giang dịu dàng tỏa sáng là Ngô Thị Thanh Tân gai góc, sắc sảo. Truyện ngắn "Kẻ ra rìa" của Ngô Thị Thanh Tân theo tôi đánh giá là một truyện ngắn hay. Lần đầu tiên ở trại sáng tác của cả hai mùa, có một truyện ngắn xây dựng được ba tình huống liên tiếp và đẩy truyện tới cao trào sau đó mới tiến hành cởi bỏ nút thắt. Diễn biến tâm trạng nhân vật vô cùng phức tạp nhưng lại rất logic. Tôi cho rằng đây là điều Tân đã học hỏi và lĩnh hội được khi dự trại cộng với năng khiếu của bạn ấy. Tân viết tản thì có vẻ cường ngôn, quan trọng hóa vấn đề. Nhưng khi viết truyện lại rất uyển chuyển linh hoạt. Theo tôi, Tân là một người viết rất có nội lực.

Một trong những bạn kể chuyện về tình cảm gia đình rất tinh tế đấy là bạn Kim Ngân. Tôi nhớ bạn Ngân có hai truyện ngắn kể về tình cảm cha con và tình cảm chị em gái rất là cảm động. Tình cảm gia đình xuất hiện trong tác phẩm của các em là một xu thế tự nhiên, cho nên chỉ cần kể chân thực là đã rất hay rồi, vì các em là người trong cuộc, là một phần của câu chuyện các em kể. Truyện ngắn tôi thích nhất ở mảng đề tài tình cảm gia đình là truyện ngắn "Bố và nắng" của bạn Lâm Phương Thảo. Đây là một trong số những truyện ngắn để lại trong tôi nỗi ám ảnh day dứt. Một người con có người bố làm vật liệu gỗ suốt ngày chạy xe ô tô chở hàng trên đường và ông đã từng xảy ra tai nạn. Sau đó, có những cơn ác mộng cứ đuổi bám cô bé. Đó là giấc mơ bố mình bị tai nạn rồi qua đời. Mà chỉ tới những dòng cuối truyện, người đọc mới biết đó là giấc mơ.

Ngoài ra, ở trại này, tôi còn phát hiện ra những bạn có khả năng xây dựng được những cốt truyện rất lớn. Đó là bạn Khánh Linh với truyện ngắn "Chiếc vòng dâu" vô cùng kỳ công. Bạn Khánh Linh cũng là người duy nhất biết luân chuyển điểm nhìn trong một truyện ngắn để kể chuyện, khiến câu chuyện được soi rọi từ nhiều góc, cuốn hút được người đọc dù nó dài. "Chiếc vòng dâu" là một cốt truyện đồ sộ so với độ tuổi của bạn ấy, nhưng Khánh Linh đã làm được dù đôi chỗ còn chưa thật sự mạch lạc. Hay như truyện ngắn Hành trình của Boo do Trịnh Mai Anh viết, cũng là một cốt truyện rất hay và dày đặc các chi tiết, tình tiết có giá trị mà Mai Anh đã biết cách bố cục, xâu chuỗi để đi đến cái kết đầy bất ngờ.

Bên cạnh những truyện ngắn đồ sộ ấy là những bạn viết tản văn rất ngắn nhưng khá tốt. Người viết tản văn nhuần nhuyễn và hay nhất chính là Hoàng Tuệ Minh. Cùng với Tuệ Minh là Gia Linh. Gia Linh là một cây bút nữ rất cá tính. Tôi luôn hy vọng Tuệ Minh và Gia Linh sẽ dành thời gian để viết truyện ngắn. Vì truyện ngắn mới là mảnh đất để cá tính văn chương thật sự phát triển.

Tin vào tuổi trẻ
Các học viên chăm chú lắng nghe những lời nhận xét cực kỳ bổ ích từ giảng viên - nhà văn Tống Ngọc Hân

Bạn nam duy nhất của mảng văn xuôi là bạn Gia Bảo. Bạn này có ba truyện ngắn đều rất thuyết phục. Bảo khác với phần còn lại của trại không phải vì bạn ấy là nam, mà bởi tư duy kể truyện hiện đại. Các nhân vật trong truyện không đi theo mạch truyện đã vạch sẵn. Từ A đến D mà không nhất thiết phải qua B, C nhưng người ta vẫn hình dung ra lộ trình của nhân vật. Qua văn bạn ấy, có một hiện thực khác với hiện thực chúng ta đang sống nhưng chúng ta lại không hề cảm thấy xa lạ, lạc lõng. Văn của Bảo là thứ văn kén người đọc. Nó không dành cho giải trí, không dành cho người vội vàng đọc lướt và cũng không dành cho người thiếu kiên nhẫn. Tôi nhận thấy Gia Bảo là người chịu khó đọc sách và qua đó có điều kiện giao lưu với những nền văn học khác để tích lũy thêm vốn liếng cho những lần khám phá chính bản thân mình.

Vài lời không thể nói hết và còn rất nhiều bạn tôi không nhắc tên không phải là không có cố gắng. Trước đây, khi đi dự trại viết, tôi thường nghe các thầy cô nói đến cụm từ "đãi cát tìm vàng". Nhiều người, trong đó có tôi, từng ngộ nhận, từng ước mình là vảy vàng lấp lánh trong cát được trại tìm thấy và bồi dưỡng. Về sau, khi viết tôi mới phát hiện, người viết văn mới thực sự là kẻ đãi cát tìm vàng. Tức là phải biết khơi trong gạn đục từ hiện thực, để đưa lên trang viết những điều có giá trị nhất đối đời sống con người. Luôn mong rằng, các bạn trẻ đến từ trại viết hôm nay sẽ là những cây bút đầy năng lượng của ngày mai, khiến cho những người làm VHNT Thái Nguyên có thể trọn vẹn đặt niềm tin vào các bạn.

Nhà văn Tống Ngọc Hân

3 đã tặng

1

2

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục