VNTN - Ngôi nhà của chú Bé không lớn nhưng gọn gàng sạch sẽ nhất làng. Người đi qua ai cũng phải thốt lên:
- Nhà ông này chắc có bà vợ đảm đang lắm. Đúng là sạch sẽ tinh tươm từ cổng sạch vào.
Vậy mà chú Bé chưa từng có vợ. Chú hơn tôi đến hai mươi tuổi, nhưng nhìn hình thức bên ngoài thì chỉ chênh nhau độ chục tuổi là cùng. Không phải tôi già trước tuổi mà tại chú quá trẻ so với cái tuổi tứ tuần. Từ ngày mẹ qua đời, chú vẫn ở một mình. Ở cái độ tuổi của chú mà vẫn phòng không, chưa có người nâng khăn sửa túi thì quả là hơi bất bình thường. Thì quả tình người trong xóm cũng có rất nhiều thắc mắc, phán đoán. Lớp người già trong làng thì thào: “Có nhẽ thằng Bé nó ái nam ái nữ”. Còn bọn trẻ như lứa tuổi bọn tôi thì bảo chắc là ông Bé “xăng pha nhớt” rồi. Nhưng tôi hiểu tất cả những phán đoán ấy đều sai tất. Vì tôi là người hiểu chú Bé hơn ai hết. Chú là người theo đánh giá của tôi là “chuẩn men”. Ngoài cái hình thức bề ngoài cân đối, đẹp trai, rất đàn ông, chú còn là một người sống rất tình cảm và có hiếu với mẹ. Chú lại có tài đánh đàn ghi ta và giọng hát hay từng làm không ít cô mê mẩn, tương tư. Ấy thế mà đến cái tuổi sắp sửa làm ông mà chú vẫn phòng không lạnh lẽo. Là láng giềng, đồng thời là bạn vong niên thân thiết với chú suốt cả chục năm nay, tôi không thể không cảm thấy áy náy và lo lắng.
* * *
Chủ nhật được nghỉ học, tôi sang nhà chú Bé chơi. Thường cứ có thời gian rỗi tôi lại sang bên chú Bé hàn huyên, vì có nhiều chuyện chú chỉ tâm sự với tôi chứ không hé răng cho bất kì ai. Với lại, tôi cũng là người thích ca nhạc. Những đêm trăng thanh gió mát mà được nghe chú hát quan họ bài “Người ơi người ở đừng về” thì hết chê. Nhưng hôm nay, mang sẵn trong lòng nỗi băn khoăn, tôi vào thẳng vấn đề ngay:
- Cháu hỏi thật, sao chú vẫn chưa chịu lấy vợ? Ở một mình thế này buồn chết.
Chú ngước mắt lên ban thờ, nơi có tấm ảnh của người mẹ đã khuất, ánh mắt chú trở nên đờ đẫn:
- Thú thật với cháu là chú cũng muốn lắm chứ nhưng chưa tìm được. Ngày mẹ chú còn sống, người thường bảo…
Thấy chú bộc bạch, tôi vội nói:
- Trời đất! Tưởng chú không thích lấy vợ vướng víu cuộc đời, chứ đàn ông đẹp trai ngời ngời lại đàn hát giỏi như chú thì tìm vợ có khó gì. Việc này chú cứ đi với cháu là xong béng.
Tôi say sưa đưa ra các phương án rồi giao hẹn với chú:
- Ở nhà cháu gọi chú là chú nhưng đi tán gái, cháu chỉ gọi chú bằng anh thôi đấy. Chú yên tâm, người như chú, gái ngoài hai mươi vẫn còn xin chết hàng tá.
Chú cười, lộ hàm răng thẳng tắp như bắp ngô:
- Ừ! Gọi là anh cũng được, nhưng phải nói là đi tìm một nửa của mình chứ ai lại nói là đi tán gái nghe nó dung tục quá cháu ạ.
Tôi suýt phì cười vì tính khí có vẻ cổ lỗ và cái ngôn ngữ hơi cải lương của chú.
- Vâng… thì đi tìm một nửa của mình. Thế chú muốn “một nửa của mình” là cô giáo, bác sỹ hay kỹ sư nông nghiệp?
Sau một hồi suy tính, tôi và chú quyết định vào trường y. Chú đồng ý ngay, bảo rằng với tình hình thực phẩm thiếu an toàn như ngày hôm nay, lấy vợ ngành y là đắc sách. Hơn nữa, tôi lại có mấy cô bạn đang học trong ấy, thế là tiện cả đôi đường.
Theo đúng phương án đề ra, hôm ấy tôi sang nhà chú sớm để tư vấn cho chú cách ăn mặc hợp thời trang với lớp trẻ. Ai ngờ chưa sang đến nơi đã thấy chú dắt xe ra cửa với bộ trang phục rất đĩnh đạc, khiến tôi phải sững sờ. Hóa ra chú am hiểu thời trang hơn tôi tưởng. Chắc là bấy lâu nay chú không hề lơ là chuyện hôn nhân. Chẳng qua chú chưa tìm được người ý hợp tâm đầu mà thôi. Nghĩ vậy, tôi thấy vui vui.
Đã bài binh bố trận sẵn trong óc về các tình thế, tôi nói với chú:
- Chú Bé này, đến đấy cháu giới thiệu thế nào về chú, chú cũng cứ ngồi im nhé, đừng phản ứng.
Chú khẽ cười:
- Được! Nhưng nói gì thì nói cũng phải đúng mực. Trai cũng như gái, điều quan trọng nhất là phải lấy sự đúng mực làm gốc.
Tôi cố nhịn cười. Trời ơi! Đi tán gái, đi tìm vợ mà chú cứ làm như đi dự hội nghị những tấm gương đạo đức không bằng. Tôi có chút ngờ rằng đã bằng này tuổi mà chú không có nổi một mảnh tình vắt vai có lẽ một phần cũng là do cái sự… “đúng mực làm gốc” chú vừa tuyên bố. Ừ, thì ai chẳng biết chuyện yêu đương, hôn nhân là cần phải ngay ngắn, nhưng tôi thấy ở đời, những người ế chỏng, ế chơ lại thường rơi vào những người đạo mạo chứ không phải những người lẳng lơ.
Chú cháu tôi lên đường.
Các cô gái trường y đón tiếp chú rất vui vẻ và trọng thị. Hẳn là cái dáng bên ngoài khá… hoành tráng của chú đã phần nào làm các em ưng ý. Vậy mà ngồi trong phòng ký túc tôi thấy mặt chú Bé lúc đỏ bừng, lúc lại tái đi. Tôi đưa mắt nhìn một lượt, nhận thấy các em ăn mặc khá sex. Em váy ngắn, em quần soóc nhưng đều ở dạng kéo lên thì hở mông kéo xuống thì hở rốn, áo ba lỗ thì cổ rộng lấp ló “núi đôi”. Ở cái giường trong góc tường có hai cô đang nói với nhau chuyện gì đó, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Tôi dỏng tai nghe thì thấy một cô nói:
- Gớm, hôm nay ra phòng khám, thầy lại điều ngay mình ra khám cho một ông già, bệnh gì chẳng nói, lại là bệnh sùi mào gà cái “của ấy”.
Nói xong, hai cô ghé tai nhau thì thầm rồi đẩy vào vai nhau cười ngặt nghẽo.
Bỗng chú Bé đứng bật dậy chào mọi người rồi đi thẳng ra cửa như bị ma đuổi. Tôi vội vàng chạy theo. Ra đến cổng tôi thấy chú ngước mắt nhìn trời nhìn đất rồi thở đánh phào một cái, như người vừa thoát chết. Chú lắc đầu nói một mình:
- Ghê quá… Ghê quá… rác tai, rác mắt…
Tôi hiểu mọi chuyện, lựa lời:
- Thì gái trường y mà chú. Đó cũng là nghề nghiệp của họ.
Nhưng rồi tôi nói thế nào cũng không lay chuyển nổi chú Bé. Tôi đành chuyển hướng:
- Thôi, thua keo này ta bày keo khác, bây giờ còn sớm, chú với cháu tạt sang trường nông lâm vậy. Nghề nông lâm bây giờ cũng có giá lắm.
Hai chú cháu lại tất tả ra đi.
Nhưng vừa mới bước chân đến hành lang ký túc xá trường nông lâm, tôi thấy chú dừng lại quan sát một lúc rồi quay sang kéo tay tôi lôi tuột ra ngoài. Về đến nhà, tôi thắc mắc hỏi chú:
- Sao mới đến hành lang chú đã lôi cháu về? Vào đấy nhỡ có em nào hợp thì sao?
- Hợp… hợp cái gì! Cháu không nhìn dọc hành lang trước cửa kí túc à, con gái con nứa gì mà chẳng có ý có tứ, quần lót, áo con đem giăng ra khắp cửa. Mẹ chú bảo, khi đi tìm vợ, đến nhà chỉ cần nhìn vào cái sào phơi quần áo là biết ngay người có nết có na hay không. Con gái phơi quần áo lót phải biết phơi vào chỗ kín hoặc phải lấy quần áo ngoài che đi. Người biết ăn ở thì từ cái áo phơi trên sào cũng phải ngay ngắn, hai vạt áo phải bằng nhau. Mẹ chú bảo…
Nhìn vẻ mặt vừa trang nghiêm vừa đau khổ của chú, tôi vô cùng ngao ngán nhưng chẳng biết nói năng sao.
* * *
Tôi nghĩ, với tính nết như chú, chắc là chỉ hợp với nghề giáo, nên lần thứ ba tôi quyết định dẫn chú đến trường sư phạm.
Ở trường sư phạm tôi và chú cũng được đón nhận nồng nhiệt không kém gì ở trường y.
Mới đến cửa ký túc xá, cái Mai bạn tôi đã chạy ra. Nó hô to hơi quá cỡ làm chú Bé giật mình:
- Chúng mày ơi! Có khách quý! Có khách quý!
Tiếp đó, tôi nghe thấy những tiếng nhảy huỳnh huỵch từ giường tầng xuống, tiếng nói, tiếng cười xôn xao. Vào đến nơi tôi trịnh trọng giới thiệu:
- Giới thiệu với các em đây là anh Bé bạn anh, đang phụ trách mảng văn hóa văn nghệ xã. May lắm mới rủ được anh ấy đi đấy.
Tôi vừa dứt lời, cả phòng đã ầm ĩ lên:
- Công tác văn hóa văn nghệ hả? Anh hát cho bọn em nghe đi. Bọn em là thích nghe hát lắm đấy.
Tôi đưa tay chém gió ra dáng ông bầu:
- Tiếc quá, hát mà không có đàn thì khác nào ăn nem mà không có lá sung.
- Có ngay…Có ngay. Để em sang phòng nam mượn đàn - Mai nhanh nhẩu.
Đi một loáng đã thấy Mai vác cây đàn về, đưa vào tay chú Bé.
- Em mời anh.
Nhìn thấy chú Bé có vẻ hơi lúng túng tôi vội cứu nguy:
- Em nào hát trước đi. Tiền chủ hậu khách mà.
Cả đám nhao nhao:
- Cái Na... Cái Na! Nó quê Kinh Bắc, hát quan họ hay lắm.
Cả bọn đẩy từ trong góc giường ra một cô gái. Thoạt nhìn tôi đã thấy hợp với chú Bé. Cô gái vừa xinh vừa phúc hậu, mặn mà. Na thoáng đỏ mặt, đưa mắt nhìn chú Bé rồi vội nhìn đi nơi khác.
- Em chỉ biết hát bài cũ thôi.
- Ôi! Thế thì quá hợp với anh Bé rồi - tôi vui vẻ nói.
Thế rồi tiếng đàn, tiếng hát vang lên như quện lấy nhau. “Chị cả tựa mạn thuyền, anh hai ngồi thổi sáo…Chứ quan họ về là về trao duyên ớ… ơ.”. Cả phòng lặng đi. Tôi nhìn ra ngoài hành lang thấy sinh viên mấy phòng bên đứng kín cửa. Bước đầu đã thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chú Bé đã để lại ấn tượng trong lòng các em. Lúc ra về, Na tiễn chúng tôi đến tận chân cầu thang.
Rồi dăm bữa nửa tháng sau đó, anh chị có vẻ ăn ý. Chú Bé đã đưa được Na về nhà chơi. Anh chị dập dìu đưa đón trong sự xôn xao của cả xóm. Còn tôi thì cảm thấy tự hào lắm vì đã làm được một việc lớn.
Bẵng đi một thời gian tôi ôn thi hết môn nên không có thời gian để mắt đến mối tình của chú Bé và Na. Hôm thi xong tôi vội vã phóng về, chủ yếu xem mọi chuyện tiến triển đến đâu rồi. Có khi tôi còn được dự lễ dạm ngõ cũng nên.
Vừa đến cửa tôi đã gọi:
- Chú Bé… Chú Bé ơi, bao giờ cho cháu ăn kẹo đấy?
Ra cửa đón tôi bằng vẻ mặt rầu rĩ, chú lắc lắc đầu nói:
- Hỏng rồi! Hỏng rồi!
- Sao? Na từ chối à?
- Không phải Na, mà là chú.
- Sao lại là chú, cháu chẳng hiểu gì cả, con bé ấy hình thức ngon lành, lại hiền thục nết na...
Chú Bé đứng dậy dắt tay tôi đến chiếc ghế đôn cạnh bàn, nhấc chiếc ghế lên, chỉ:
- Cháu nhìn đi.
Tôi mở căng mắt nhưng chẳng nhìn thấy gì, ngoài mấy cái vụn giấy kim tuyến.
- Có cái gì đâu chú, chỉ có mấy cái vụn giấy...
- Thì chính là những cái vụn giấy ấy đấy.
Tôi vẫn ngớ người, không hiểu. Chú Bé ngồi xuống ghế chậm rãi nói:
- Ngày mẹ chú còn sống, bà bảo “người phụ nữ con chọn làm vợ điều đầu tiên là phải biết quét nhà sạch”.
- Ôi giời ! Tưởng gì to tát chứ quét nhà sạch thì ai mà chẳng làm được.
- Cháu lầm rồi. Đâu chỉ đơn giản là chuyện quét nhà. Ý mẹ chú không phải chỉ có vậy. Người quét được cái nhà sạch chính là người mang đầy đủ tính cách tỷ mỉ, chu đáo, gọn gàng, ngăn nắp, điềm tĩnh, biết đối nhân xử thế. Nói tóm lại, đấy là người đủ kỹ năng làm vợ.
Nghe chú Bé nói một thôi một hồi, tôi ù cả tai. Nhìn điệu bộ ngơ ngác của tôi, chú giải thích thêm:
- Những người không biết quét nhà thì chỉ đưa chổi qua những chỗ trống trên nền nhà thôi. Đó là những người hời hợt, nông cạn, không biết nhìn trước nhìn sau. Khi quét nhà phải biết nhấc các đồ vật ở dưới đất lên để quét sạch bên dưới rồi đặt đồ xuống. Vậy mới là người sâu sắc, có cái nhìn bao quát. Đấy mới là người vợ mà chú muốn tìm theo sự dạy bảo của mẹ chú.
Đến lúc này tôi mới hiểu, mấy cái vụn giấy kim tuyến được chú bí mật ém dưới đáy chiếc ghế đôn kia là để thử thách Na và cũng chính là nguyên nhân làm chú chủ động dừng cuộc tình đi tới hôn nhân.
Tôi thấy nghẹn lên cổ, dằn giọng:
- Trời ạ! Thời bây giờ mà chú săm soi như thế thì chỉ có đi hành tinh khác hoặc ngược lại thời trung cổ mà tìm vợ thôi.
* * *
Sau ba lần tháp tùng chú Bé bị thất bại ấy, tôi lao vào học để thi ra trường, rồi nhận công tác ở tận thành phố Hồ Chí Minh. Do bận rộn công việc nên chẳng mấy lúc về thăm quê.
Tết Nguyên Đán năm nay tôi đưa vợ và hai cháu về thăm ông bà. Tối ba mươi tết, cơm nước xong, tôi tranh thủ ghé thăm chú Bé. Bước tới hiên nhà, tôi nhìn thấy chú ngồi ật cổ trên chiếc ghế nhựa bên ban thờ, mặt vếch lên trần nhà, miệng ngâm nga mấy câu thơ, có lẽ cũng do mẹ chú dạy: “Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ”. Cái bóng đơn độc, gù gù của chú hắt lên tường, trông thật tội nghiệp.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...