Tiếp nhận, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam và Quyền miễn trừ văn hóa
Văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận những gì?
Thực tế trong lịch sử đã diễn ra, việc tiếp nhận văn hóa và lan tỏa văn hóa của một dân tộc, một quốc gia ra thế giới bằng hai cách: Một là cưỡng bức, hai là tự nguyện.
Cưỡng bức thường là của quốc gia mạnh hơn trong quá trình chiếm đóng và xâm lược các dân tộc, quốc gia khác mà có. Mục đích cuối cùng là đồng hóa nền văn hóa bản xứ, phục vụ cho chính sách đô hộ quốc gia, dân tộc khác.
Với văn hóa Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hơn nghìn năm đô hộ Đại Việt của các triều đại phong kiến Trung Hoa đối với nước ta là một ví dụ. Văn hóa trong đó có chữ viết, tôn giáo, quan chế, lễ hội, phong tục... của Việt Nam hôm nay đều bắt nguồn từ văn hóa Hán. Nhờ sức mạnh truyền thống và lịch sử của văn hóa Việt Nam mà nhân dân ta dù phải tiếp nhận văn hóa Hán nhưng đã Việt hóa thành của người Việt và truyền lại cho các thế hệ nối tiếp nhau đến hôm nay.
Thế kỷ XVI, XVII là sự thắng thế của chủ nghĩa thực dân. Văn hóa phương Tây theo gót bọn thực dân lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Châu Á, Châu Mỹ, Châu Phi phải tiếp nhận văn hóa Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp... Riêng Việt Nam ta bị (hay được) văn hóa phương Tây ôm trọn mấy thế kỷ (thế kỷ XVI Thiên Chúa giáo đã theo chân các cố đạo Bồ Đào Nha đến truyền đạo ở nước ta) trước khi Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm 1858.
Đồng thời với sự tiếp nhận cưỡng bức văn hóa là sự tiếp nhận tự nguyện của các dân tộc, quốc gia nhằm làm giàu có thêm phong phú, thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. 86 năm (1885 - 1954) xâm lược và đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp đã để lại chữ viết La - tinh thay cho chữ Hán và chữ Nôm, đã để lại kiến trúc, hội họa (từ thế hệ Nguyễn Phan Chánh, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm...), văn học (phong trào Thơ mới với Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Hàn Mặc Tử..., Tự lực Văn Đoàn với Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh..., Văn học Hiện thực: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao...). 30 năm người Mỹ có mặt ở Việt Nam đã mang đến những thành tựu đáng kể về thơ ca, báo chí, nhạc nhẹ, Bolero, Jazz, Hiphop, Swing... và tiểu thuyết của các nhà văn Phương Tây: Hemingway, U. Faulkner. A. Camuy, S. Bekett, Eugene Oneil, S. Sartre...
Vấn đề tiếp nhận nhưng không phải là tiếp nhận tất cả mọi cái, mọi thứ của các nền văn hóa khác mà phải chọn lọc, phải phù hợp với nhu cầu của Văn hóa Việt Nam. Đó là điều kiện chính trị và xã hội, lịch sử, địa lý, kinh tế, tâm lý... của người Việt Nam. Điều đó cắt nghĩa vì sao Kịch Phi lý, Hội họa Ấn tượng, nhạc Opera người Việt Nam không thích.
Về vấn đề lan tỏa những giá văn hóa Việt Nam, dù đã có nhiều cố gắng và thành tựu nhưng phải thừa nhận rằng chúng ta chưa có những tác phẩm nghệ thuật có giá trị xứng đáng ở tầm quốc tế để có thể đưa ra trình làng với thế giới. Một đất nước với lịch sử hàng trăm năm chiến tranh, chiến thắng trong mọi cuộc chiến tranh, mọi quân xâm lược nhưng thời hiện đại, chiến tranh đã kết thúc hơn nửa thế kỷ rồi mà chỉ có Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh được người nước ngoài thỉnh thoảng nhắc đến. Ngoài ra chưa có tác phẩm nào xứng tầm thời đại như: Chiến tranh và hòa bình, (Tolstoi) những Vĩnh biệt vũ khí, Chuông nguyện hồn ai (E.Hemingway) hay Khói lửa (H. Barbus), Mặt trận phía Tây yên tĩnh (H. Remark)... Bao giờ chúng ta mới có được những bộ phim xứng đáng về chiến tranh trong lịch sử như của Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nga... cho người nước ngoài xem?. Trong các kỳ liên hoan phim Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta có mang một vài bộ phim sang chiếu. Buồn hơn vui vì không có ai xem (trừ vài vị khách mời vì phép lịch sự ngoại giao) chứ đừng nói chiếu ở rạp có bán vé.
Văn hóa chúng ta có gì để lan tỏa ra thế giới
Có hơn 100 định nghĩa về văn hóa nhưng với người Việt Nam, định nghĩa về văn hóa của Bác Hồ là hợp lý nhất: “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Văn hóa của chúng ta cơ bản vẫn là văn hóa của một nền nông nghiệp lạc hậu. Chèo, Tuồng, Cải lương là sản phẩm của văn hóa lúa nước và lũy tre làng. Phần lớn quần chúng thưởng thức văn hóa ngày nay chẳng mấy ai còn để ý bởi tiết tấu chậm chạp, không phù hợp với tâm lý của văn hóa công nghiệp tính bằng phút, bằng giây. Trang phục áo tứ thân, “Tay em cầm cái nón quai thao, chân em đi đôi guốc cao cao” (thơ Nguyễn Nhược Pháp), hay “Những cô gái răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng” (Hoàng Cầm), “Xóm giềng đã đỏ đèn đâu/ đợi em ăn giập miếng trầu em sang” (Nguyễn Bính)... Đó là văn hóa, nét đẹp của người Việt Nam trong quá khứ, trong lịch sử. Không ai ăn mặc như thế, cười nói như thế, hẹn hò kiểu đó nữa.
Cũng như chủ trương xã hội hóa văn hóa. Nếu không thấy mặt trái của nó thì sẽ biến văn hóa thành thương mại. Chúng ta đã có nhiều thành tích trong các kỳ thi Hoa hậu, cả trong và ngoài nước nhưng việc thương mại hóa đã làm cho những cuộc thi Hoa hậu sau này mất hết tính văn hóa của nó. Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam biến thành hàng hóa không ít lần ở các cuộc thi Hoa hậu và chúng ta đã thất bại, mất đi cả giá trị văn hóa.
Với Việt Nam, có lẽ một trong những kho tàng văn hóa có giá trị mà nhiều nước quan tâm, đó là Hồ Chí Minh và Nguyễn Du. Những cốt cách văn hóa của hai vĩ nhân này được nhân dân thế giới sẵn sàng tiếp nhận.
***
Thực ra giá trị của văn hóa dân tộc đạt đến tầm nhân loại để hội nhập là khi nó đạt đến đỉnh cao nhất, tột cùng của tính dân tộc. Không có một nền văn hóa nào cô độc trong thế giới hội nhập ngày nay. Về lý luận, chúng ta phải nhận thức lại chức năng của văn hóa, tránh giáo điều, xơ cứng khi nhìn nhận văn hóa, trong đó có các bộ môn của Văn học – Nghệ thuật. Thời đại Hậu công nghiệp – Tiêu dùng ngày nay cho phép ta coi chức năng đầu tiên là Giải trí, tiếp theo là Thông tin và các chức năng khác. Có như vậy chúng ta mới lựa chọn được sản phẩm văn hóa đưa ra nước ngoài.
Thời đại Hậu Công nghiệp và Hậu Tiêu dùng với 4.0, chúng ta phải biết thế giới cần gì, ta có gì. Không phải người nước ngoài ai cũng quan tâm tới văn hóa Việt Nam. Sự quan tâm nhiều khi chỉ là thỏa mãn tính hiếu kỳ và tò mò về vùng miền xa lạ, lạc hậu mà thôi.
Những biện pháp để tiếp nhận và lan tỏa văn hóa ra nước ngoài
Cần có sự phối hợp giữa các bộ, các ngành
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần có chiến lược về Văn hóa. Nước ta ra đời từ năm 1945 nhưng trước đó, năm 1943 đã có bản Đề cương Văn hóa, vậy mà đến nay Nhà nước chưa có một bộ Lịch sử Việt Nam, chưa có Bách khoa thư Việt Nam nói gì đến các bộ môn nghệ thuật khác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và đề ra chương trình, nội dung đào tạo cho học sinh, sinh viên. Các thế hệ công dân phải biết nội dung văn hóa (gồm những gì, các loại hình văn hóa vật thể văn hóa phi vật thể, và lịch sử các nền văn hóa) của thế giới và đặc biệt là của dân tộc ta.
Cũng thực tế là các loại hình nghệ thuật như Hội họa, Âm nhạc, Điêu khắc, Tạo hình, Kiến trúc... vắng bóng trong chương trình phổ thông. Chỉ riêng văn học, chương trình đào tạo của Việt Nam, cho đến nay học sinh và sinh viên nhiều thế hệ vẫn chưa có một bộ sách giáo khoa của Nhà nước về Lịch sử Văn học của từng nền văn học có nhiều thành tựu (đoạt giải thưởng Nobel và có quan hệ, ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam như Mỹ, Anh, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản...).
Nâng cao năng lực khi xây dựng các Trung tâm văn hóa ở nước ngoài
Việt Nam có khoảng 4 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài; chừng 1 triệu người cư trú có thời hạn là sinh viên, học sinh và lao động xuất khẩu, còn lại là Việt kiều cư trú lâu dài ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó có người là thế hệ thứ 4. Có vô số nhà thờ, đền, chùa, trường lớp học... là cơ sở văn hóa của người Việt, là những nơi có thể phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa của Việt Nam.
Các Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc để hấp dẫn bạn bè và dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt và những ai muốn học tiếng Việt.
Tổ chức các sự kiện văn hóa
Để tạo điều kiện cho văn hóa thế giới kết giao với văn hóa Việt Nam, hàng năm nhà nước cần tổ chức các sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật nước ngoài có Việt Nam tham gia và tổ chức một số chương trình Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại các sự kiện Quốc tế như triển lãm, trưng bày quốc tế. Liên hoan Phim quốc tế... Giới thiệu sách văn học Việt Nam ở các Hội chợ sách hàng năm.
Tổ chức dịch và giới thiệu, xuất bản tác phẩm văn hóa, văn học có giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài.
Giới thiệu, truyền bá các nội dung sáng tạo văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, TV, đài phát thanh, báo, tạp chí nước ngoài có uy tín và số lượng phát hành lớn.
Thường xuyên tổ chức ở Việt Nam các festival, lễ hội, cuộc thi, giải thưởng, chương trình biểu diễn nghệ thuật có chất lượng.
Tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thành thương hiệu có uy tín trong khu vực và thế giới. Tạo điều kiện và mời các nghệ sĩ nước ngoài có uy tín, các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam hoạt động, xây dựng nhiều bộ phim (video và màn ảnh rộng) về con người và văn hóa Việt Nam.
Hỗ trợ tài chính cho các hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế như: Hội thảo, liên hoan nghệ thuật, quảng bá sản phẩm văn hóa, phim ảnh, sách, tạp chí, báo ảnh, băng đĩa âm nhạc, tranh, ảnh... Tổ chức và đầu tư kinh phí cho sản xuất phim quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Tiếp nhận văn hóa với “Quyền miễn trừ văn hóa” phải trở thành nguyên tắc trước hiểm họa xâm lăng văn hóa
Thời đại hiện nay là thời đại thắng thế của khoa học kỹ thuât và công nghệ, của công nghệ truyền thông mà Mỹ và Trung Quốc là những nước chiếm vị trí hàng đầu. Họ sẵn sàng áp đặt văn hóa của họ lên thế giới, nhất là nước ta đang trong quá trình hội nhập với Thế giới phẳng với những yếu kém của một quốc gia đang phát triển. Các Viện Khổng Tử, Weibo, Tiktok (Trung Quốc), các Trung tâm văn hóa và các phương tiện của Facebook, Google, Twitter, Gmail,... (của Mỹ) đang làm mưa làm gió. Thực tế nền văn hóa khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc đang có khuynh hướng thống trị thế giới.
Sở dĩ văn hóa Trung Quốc càng ngày càng lấn át các nền văn hóa có lịch sử và truyền thống như Pháp, Ý, Nga... và nhanh chóng lan tỏa khắp thế giới bởi dân số hơn 1,5 tỷ người, họ nói tiếng Trung không chỉ ở đại lục mà ở các China Town (phố Tàu) ở mọi thành phố lớn nhỏ rải rác khắp các nước.
Đầu băng, đĩa các thế hệ, điện thoại di động các thế hệ đã làm thay đổi quyền thưởng thức văn hóa. Các ngành công nghiệp giải trí cũng nhờ đó mà tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn khách hàng bằng kỹ thuật, kỹ xảo. Phim lịch sử và phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc đang chiếm hầu hết các kênh TV Việt Nam từ trung ương đến các tỉnh, thành phố... Không chỉ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới mà phim ảnh (văn hóa vật thể) Trung Quốc cũng nhanh chóng đánh bại phim Đài Loan, Hồng Công, Hàn Quốc.
Để bảo vệ văn hóa dân tộc, nhiều nước trên thế giới chống lại bằng "Quyền miễn trừ văn hóa” (Cultural Exception). Nhiều nước coi văn hóa và sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc thù nên không phải áp dụng vào GATT. Mỹ thì ngược lại, cho rằng sản phẩm văn hóa là hàng hóa nên được tự do (cạnh tranh, xuất khấu, đóng thuế và chiếm lĩnh mọi thị trường). Mỹ không có Bộ Văn hóa mà sản phẩm văn hóa nằm trong Bộ Thương mại. Cuộc chiến về pháp lý giữa Mỹ và các nước khác diễn ra gay gắt bởi xuất phát từ lợi ích của mỗi quốc gia. Việc thực hiện các nguyên tắc của GATT và sau này là WTO đối với hàng hóa và các dịch vụ về văn hóa sẽ làm suy yếu đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia, bởi chúng chỉ chú trọng tới khía cạnh thương mại (1). Nếu chỉ quan tâm đến lợi ích thương mại thì văn hóa của nhiều nước sẽ bị các nước có sức mạnh tài chính to lớn (như Mỹ, Trung Quốc) áp đảo, làm cho suy yếu. Chúng ta phải thấy nguy cơ ấy, cho nên cần có cơ chế để duy trì và phát triển văn hóa của dân tộc.
Lê Thị Hạnh Liên
--------------
(1) Quyền miễn trừ văn hóa ( Cultural Exception) ra đời năm 1994 ở Uruguay khi chuyển Thỏa ước chung về thuế quan và thương mại (GATT) thành WTO, coi sản phẩm văn hóa là hàng hóa.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...