Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:04 (GMT +7)

Tiếp lửa cho nghệ thuật sân khấu Thái Nguyên

VNTN - Nhân dịp Liên hoan Kịch nói toàn quốc đang diễn ra tại Thái Nguyên, sáng 18/6, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc nói chuyện chuyên đề “Quan hệ thẩm mĩ giữa văn học kịch và nghệ thuật biểu diễn sân khấu” với sự chia sẻ, trao đổi của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, sự đồng hành của nhà thơ Dư Thị Hoàn - Nguyên Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng.

Tham dự cuộc nói chuyện có đại diện lãnh đạo Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, các văn nghệ sĩ chuyên ngành văn học và sân khấu của Hội cùng những khán giả quan tâm đến chủ đề này.

Được biết đến là một nhà nghiên cứu nghệ thuật đầy nội lực và cá tính, với sự am tường về văn hóa nói chung và lĩnh vực nghệ thuật sân khấu nói riêng, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã có những trao đổi, chia sẻ hữu ích thông qua những trải nghiệm chân thực, những câu chuyện thú vị.

Các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc và đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và nhà thơ Dư Thị Hoàn
Các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Dân gian Việt Bắc và đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng hoa PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái và nhà thơ Dư Thị Hoàn

Cuộc trò chuyện được mở đầu bằng việc làm rõ những khái niệm, thuật ngữ nền tảng: tác giả kịch bản, vở diễn sân khấu, đạo diễn, diễn viên…; về nguồn gốc của kịch cũng như lịch sử hình thành thể loại kịch ở Việt Nam trong tương quan với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, múa rối…

Về mối quan hệ giữa văn học kịch và nghệ thuật biểu diễn sân khấu, diễn giả đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người đạo diễn. Nếu trên sân khấu, diễn viên có thể được xem như “ông hoàng bà chúa”, tác động trực tiếp đến cảm xúc của người xem, thì ở ngoài sân khấu, người đảm nhiệm trọng trách chính yếu, làm nên thành bại của một vở diễn chính là đạo diễn. Họ là cầu nối giữa tác giả kịch bản với diễn viên.

Một trong những yêu cầu chuyên môn hàng đầu đối với đạo diễn là việc đọc hiểu tác phẩm văn học kịch. Cụ thể là “đọc vỡ chữ”. Đó là khả năng đọc được những điều “ý tại ngôn ngoại”, đọc được “đáy chữ, bóng chữ và ý nghĩa xung quanh chữ”. Để làm tốt điều này đòi hỏi ở đạo diễn một tầm kiến văn sâu rộng, một niềm say mê và thái độ nghiêm túc với việc đọc. Xung quanh điều này, diễn giả đã chứng minh qua những ví dụ hết sức sinh động về sự nguy hại của việc dùng sai, hiểu sai chữ, cũng như hiệu quả của việc hiểu chữ, dùng chữ chuẩn xác.

Không chỉ đem đến những tri thức lý thuyết nền tảng, diễn giả còn có những chia sẻ về thực trạng đời sống nghệ thuật sân khấu, đội ngũ những người làm sân khấu hiện nay với nhiều điều khó khăn, trăn trở mà sân khấu Thái Nguyên không phải ngoại lệ. Với tình cảm và tâm huyết của một người con được sinh ra tại Thái Nguyên, Phó Giáo sư bày tỏ sự sẵn sàng góp tâm sức của mình trong việc khôi phục nền sân khấu Thái Nguyên đã từng một thời hoàng kim.

PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái 
PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái 

Cuộc nói chuyện được mở rộng hơn với phần giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của những người tham dự về các vấn đề liên quan, đáng chú ý là những câu hỏi về tương lai, hướng đi của nghệ thuật sân khấu. Theo diễn giả, để bắt kịp với xu thế hiện đại, rất cần một tư duy mới cùng sự thích ứng với kinh tế thị trường, trong đó xã hội hóa nghệ thuật là một cách thức hiệu quả, nên được quan tâm và áp dụng.

Cuộc trao đổi đã làm khơi dậy tình yêu với nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà, mang lại nhiều cảm xúc cho những người tham dự.

"Vượt ngoài khuôn khổ một buổi nói chuyện chuyện đề, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đã giúp nhiều người có thêm kiến thức về một hình thức sân khấu, đó là kịch. Là một người sáng tác, trong đó có kịch bản văn học, tôi thấy bài nói chuyện của chị hết sức bổ ích. Kịch bản là nghệ thuật của ngôn từ, tác giả phải chắt lọc, gọt giũa nêu bật chủ đề của tác phẩm. Đạo diễn chuyển tải bằng hình thức nghệ thuật biểu diễn sân khấu thông qua diễn xuất của diễn viên, mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng... Kịch bản văn học hay, có tính tư tưởng và yếu tố thẩm mỹ cao với bối cảnh, tình huống, bố cục, tình tiết và lời thoại.. chính là cơ sở cho đạo điễn có thể thực hiện tốt nhất ý đồ của người sáng tác kịch bản thành vở diễn"

(Nhà văn Phan Thái, Ủy viên Ban Thường vụ, Chi hội trưởng Chi hội Văn xuôi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh).

 

"Diễn giả là người hiểu biết sâu sắc, khá toàn diện về sân khấu. Đồng thời lại là cử nhân Văn học của Đại học Tổng hợp cho nên những hiểu biết về ngôn từ rất sâu sắc. Đấy là lợi thế để cho PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái chiếm lĩnh nhiều phương diện của nghệ thuật và của lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Đây là một buổi nói chuyện thú vị, bổ ích và đậm tình người".

(Nhà thơ Võ Sa Hà, Chi hội Thơ Hội VHNT tỉnh).

 

“Là một người làm nghệ thuật (tuy đã về hưu) tôi cảm nhận được đây là một buổi nói chuyện rất ý nghĩa, làm sáng tỏ rất nhiều vấn đề, để cho mọi người đều cảm nhận được cái nghệ thuật sân khấu từ văn học chuyển thành bộ môn kịch nó sẽ có những bước như thế nào. Diễn giả cũng đã diễn giải rất đúng, rất trúng, anh em chúng tôi ngồi nghe lĩnh hội được rất nhiều".

Nghệ sĩ Trần Minh - Chi hội Sân khấu, Hội VHNT tỉnh).

 

Tiếp lửa cho nghệ thuật sân khấu Thái Nguyên

Kết thúc cuộc nói chuyện, thay mặt những người làm văn học nghệ thuật trên địa bàn, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh đã gửi lời cảm ơn chân thành đến diễn giả. Nhà thơ hy vọng những chia sẻ quý giá từ cuộc trao đổi này sẽ góp phần làm nên những tín hiệu tích cực cho sân khấu Thái Nguyên trong thời gian tới.

Khuê Minh, Hồ Điệp

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy