Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:49 (GMT +7)

Tiếng sáo gọi hồn

VNTN - Buổi sớm, tiếng sáo của đứa trẻ chăn bò xua tan màn sương sũng lạnh bao phủ bệnh viện. Bên ngoài ô cửa sổ, những hàng phi lao xa xa dần hiển lộ trong con mắt chong chong suốt một đêm dài. Thắng Sẹo nằm vắt tay lên trán, chính xác hơn là lên vết sẹo dài, nó được thảo khấu khắp nơi cho là chiến tích huy hoàng, biểu tượng làm nên tên tuổi của hắn trong giới giang hồ suốt dải châu thổ sông Hồng. Thắng Sẹo vốn là một tên đại ca cầm đầu một băng, chuyên cướp của giết người, đâm thuê chém mướn.

Đã nhiều năm, từ khi hắn còn là một thằng nhóc, đi bụi khắp từ thị trấn này qua thành phố nọ, cho đến khi trở thành một tên cướp độc hành, và đỉnh cao của cuộc đời lăn lộn là lập ra hẳn một băng, hắn chưa bao giờ thất thủ. Nhưng lần này cái án tử đang lơ lửng trên đầu hắn. Hắn nghĩ ngợi rất lâu, đầu hắn quay cuồng đau đớn. Hắn liên tục nắn bóp vết sẹo và đảo mắt nhìn về phía cánh cửa đang có hai công an viên đứng canh gác. Những lúc đau đầu như thế, hắn tự nhiên lại cảm thấy êm dịu khi lắng nghe âm thanh của khúc nhạc sáo vọng vào, và vết sẹo dài lại co giật rất mạnh. Mới đây thôi, chính những cơn đau đầu kinh khủng thực tế đã biến thành cái cớ để hắn có cơ hội được chuyển từ trại tạm giam vào bệnh viện cấp cứu. Đây cũng là cơ hội tẩu thoát hiếm hoi mà hắn bắt buộc và chắc chắn phải nắm được.

Một ánh mắt rất quen thuộc lướt qua nhìn hắn trong bộ đồng phục màu trắng của bác sĩ. Khuôn mặt gã nọ bị che kín bởi khẩu trang, nhưng Thắng Sẹo nhận ra ngay Hùng Tuyền, với màu đen nhẻm ở phần lộ ra của da mặt, và cái nhìn tròng trọc luôn xói thẳng vào mặt người đối diện. Đúng. Nó là Hùng Tuyền. Thằng đệ thân cận của Thắng Sẹo. “Thế là chúng nó đã nhận được tin mình đang nằm bệnh viện”. Theo ám hiệu, đêm nay băng Thắng Sẹo sẽ hành động để cứu đại ca. Thắng Sẹo bình tĩnh đến lạ thường. Hắn nằm chờ. Không chút hồi hộp và sốt ruột. Tiếng keng keng báo hiệu tốp bác sĩ đi thăm khám đang điểm.

 

Kết quả xét nghiệm máu được chuyển đến sau gần một ngày. Hắn đã nhiễm virus HIV. Bầu trời có lẽ như đang sụp xuống. Nhưng với sự lão luyện và thần kinh cứng như thép của một thảo khấu, Thắng Sẹo lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa sổ. Nếu là một người bình thường, có lẽ người đó đã bưng mặt khóc rưng rức hoặc đã phát điên. Ngoài ô cửa sổ, mùa thu đang tràn đến theo cơn gió heo may, cũng là mùi gió heo may này, mùi cỏ, mùi lúa, mùi rơm, mùi da trâu, lông bò, mùi đất và mùi nước, nhưng sao quá khác rồi. Đã hơn bốn mươi năm nay, Thắng Sẹo không được ngửi mùi thơm ngọt ngào và êm đềm của quê hương. Chỉ có tiếng sáo của đứa trẻ chăn bò nào đó đang réo rắt ngoài kia là còn lại. Nó giống đến kỳ lạ. Nó còn vẹn nguyên đến kỳ lạ. Thắng Sẹo bước chân xuống đất, lẳng lặng bước về phía ô cửa sổ đang mở toang, dõi nhìn đứa trẻ ngồi bên con ngòi trong vắt, hai tay nâng ống sáo, thổi vang âm điệu thật yên bình.

Thắng Sẹo cất tiếng gọi oang oang: “Này thằng bé! Này thằng bé kia!”.

Đứa trẻ ngơ ngác vội buông ống sáo nhìn về phía bệnh viện. Thắng Sẹo lại ló đầu ra ngoài song sắt phơ phất những nhành cây hồng tầm xuân đầy gai nhọn, như muốn cất tiếng gọi, lần này tiếng gọi trầm xuống, buồn bã hơn, tha thiết hơn: “Này cháu bé! Cháu bé ơi! Đừng bỏ ống sáo xuống! Cháu thổi tiếp cho chú nghe đi! Thổi lại bài lúc nãy ấy!”.

“Cháu bé ơi! Cháu bé ơi! Ai dạy cháu bài này thế?”. Thắng Sẹo cất giọng hỏi như rất khẩn khoản, rồi thoáng ân hận vì đã làm đứa trẻ giật mình. Nhưng đứa trẻ chăn bò đã chầm chậm lùa đàn bò đi về rất xa. Tiếng gọi của Thắng Sẹo không thể nào chạm đến được. Cánh đồng mùa thu rập rờn hương thơm lúa chín. Đâu đó, những cánh hạc trắng vút lên nền trời rồi bay đi tít tắp, để lại sau lưng sự thảng thốt của linh hồn quỳ khóc sau những nấm mồ hoang.

***

Hắn vẫn quyết định bỏ trốn ngay khi có thể. Sương đang nặng và dày dần, đồng bọn thấy cơ hội thuận lợi hơn vì hai công an viên sắp thay ca sau một ngày mệt nhọc, chỉ còn một tiếng nữa là họ hết ca gác, phải lập tức cứu đại ca Thắng Sẹo ra khỏi đây vào lúc hoàng hôn buông xuống. Màn sương ngày một u ám hơn và đang phả hơi ẩm cũng như sự mờ mịt vào các căn phòng bệnh viện. Ngoài sân trước và sân sau của bệnh viện, có cảm giác như đứng cách nhau khoảng chục mét là đã mất dấu. Hai công an viên sắp thay ca vốn đã mất cảnh giác sau một ngày căng thẳng, mí mắt chỉ trực sụp xuống, họ ngáp ngắn ngáp dài, lơ đãng cúi đầu nhìn xuống nền đất, đến mức còn không muốn trò chuyện gì hết cả.

Không gian mùa thu bao phủ một màu xám bạc của thời khắc giao hòa giữa buổi chiều và buổi tối. Hùng Tuyền và tên tay chân trong bộ đồng phục trắng, đeo khẩu trang kín mặt, thản nhiên bước vào phòng bệnh nhân Thắng Sẹo, trong vai trò của nhóm bác sĩ và y tá đi thăm khám theo ca trực trong ngày. Điều đó hoàn toàn hợp lý. Và vì thế, không ai nghi ngờ gì về chúng. Dụng cụ đo huyết áp và đo nhịp tim được sử dụng dường như khá thuần thục, bịch nước hoa quả để truyền được treo lên khá đúng quy cách, những viên thuốc giảm đau được gạt ra từ trong lọ thuốc đã được kiểm tra đúng tên thuốc và liều lượng bởi hai công an viên, cũng rất đúng với đơn thuốc hàng ngày được kê cho Thắng Sẹo.

Dường như chúng cũng không giấu giếm gì trong bộ quần áo vải trắng mỏng mảnh của bác sĩ và y tá. Một khẩu súng ư. Một con dao găm ư. Ồ không có. Nhưng nhanh như cắt, đúng vào lúc hai công an viên bất cẩn quay lưng về phía phòng bệnh để cảnh giới hoạt động bên ngoài, bốn cánh tay cứng như thép đã bịt ngay hai tấm khăn có tẩm thuốc mê liều cao vào mũi và miệng họ. Không kịp kêu thành tiếng, hai công an viên giãy giụa trong giây lát rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Những khẩu súng nhanh chóng bị tước bỏ. Bộ quần áo bác sĩ trắng tinh vội vã được mặc vào. Trời nhá nhem tối. Thắng Sẹo, Hùng Tuyền cùng cả chục tên lâu la phóng xe máy như bay trên con đường bê tông nứt nẻ ngoằn ngoèo hướng về rặng bạch đàn sau nghĩa địa.

Đi được một quãng dài, Thắng Sẹo bỗng thảng thốt hỏi: “Này chúng mày! Chúng mày có nghe thấy tiếng gì không?”. “Tiếng sáo đấy chúng mày!”.

Mấy thằng lâu la thúc giục ở đằng sau: “Chúng em có nghe thấy gì đâu đại ca. Kệ mẹ sáo với đàn đi. Vọt lẹ thôi đại ca, kẻo lũ cớm nó bắt kịp thì khốn”.

Thắng Sẹo vừa đi, vừa suy nghĩ một hồi, rồi ra hiệu dừng hẳn xe lại. “Chúng mày lại đây đại ca bảo, còn mấy đứa thôi, không thể đi chung như thế này được, rất dễ gây chú ý của đám dân đen lắm chuyện và bọn trật tự ở huyện xã. Bây giờ phải chia ra mà đi. Không có tao, thằng Hùng Tuyền sẽ là đại ca của chúng mày. Tao hết đường sống ở đây rồi. Phải tìm đường vọt sang Lào hoặc Căm Bốt. Khi nào êm chuyện tự tao sẽ tìm lại chúng mày! Hùng Tuyền, nghe lệnh tao. Cấm bàn lùi!”.

Ngoảnh mặt về hướng có những căn nhà hoang đổ nát tưởng như sắp sụp xuống dưới chân ngọn đồi mộ, Thắng Sẹo đợi cho đến khi cái bóng của đám đàn em biến mất dần trong màn sương trắng đục, hắn mới đạp số, tăng ga chiếc wave phóng thẳng về ngôi làng trước mặt. Cái đói cồn cào gan ruột. Ngồi gục xuống gốc cây xoan đào, trong phút chốc, hắn nhận ra tiếng dế qua bao nhiêu năm rồi, người sống kẻ chết, vật đổi sao dời, thì vẫn mãi còn là tiếng dế. Âm điệu tẻ nhạt như cứa vào nỗi đau về được mất của một đời người và của những dấu chân dọc ngang trời đất, mà nay lạc lõng giữa trần ai.

Sau ba ngày lang thang lẩn tránh, từ cánh đồng này qua bãi sông nọ, Thắng Sẹo lảo đảo. Bóng tối phủ phục trước loài người. Phía trước là một mái chùa cổ kính, lấp ló sau tán cây đa tỏa rộng. Tiếng mõ thanh thản như báo hiệu bình an khiến đôi chân rã rời chỉ trực đổ khuỵu của hắn bước thẳng đến trước cánh cửa đại điện. Rồi hắn ngã vắt ngang mình qua bậc cửa gỗ mít trong cái đói, cái khát, cái mòn mỏi, cùng những cơn đau đầu dồn dập dội đến.

***

Vị thiền sư nhẹ nhàng chườm khăn ấm lên vết sẹo dài đang co giật trên vầng trán của Thắng Sẹo. Thắng Sẹo từ từ hồi tỉnh. Đôi mắt hiền từ của thiền sư chợt như mỉm cười. “Con đã mê man gần mười hai canh giờ rồi. Bây giờ đang là buổi tối. Ta vừa xuống bếp nấu cho con một tô cháo tía tô. Ăn vào sẽ đỡ mệt ngay thôi. Con cứ nằm yên. Đừng cử động mạnh. Con còn yếu lắm”. Nói rồi thiền sư bưng bát cháo ân cần đưa cho Thắng Sẹo. “Con ăn từ từ thôi kẻo bỏng”. Thắng Sẹo ngồi dậy húp bát cháo nóng sùm sụp. Rồi bỗng hắn liếc nhìn thiền sư. Đó là một ông già gần tám mươi tuổi, dáng vóc tiều tụy ẩn chứa đầy thống khổ, không giống như một người tu hành thoát tục mà hắn từng gặp trên những cung đường phiêu bạt. Duy chỉ có đôi mắt rất sáng, rất trong, cũng đang nhìn Thắng Sẹo một cách trầm tư. Thiền sư bỗng từ tốn hỏi: “Ta và con có nhân duyên gặp gỡ. Con có thể cho ta biết tên con là gì? Và vết sẹo kia...”. Thắng Sẹo giật nảy mình. Hắn chột dạ. “Chết rồi! Khẩu súng mình mang theo từ hôm trốn tù rớt đâu mất rồi? Sao lão già này lại hỏi tên mình? Lại nhận ra cả vết sẹo trên trán mình nữa chứ. Lão già chắc chắn đã xem lệnh truy nã toàn quốc về mình trên ti vi”.

Thắng Sẹo định vùng dậy để bỏ trốn theo bản năng. Nhưng hắn ghìm lại được. “Biết đâu đám công an đang đứng bu đầy cả ở ngoài kia. Ra đó thì chỉ có ăn kẹo đồng. Nếu vậy mình chỉ còn nước bắt lão già làm con tin. Lão già thăm dò vậy chắc chưa biết rõ quá đâu. Cứ thử xem sao đã”. Thắng Sẹo nghi hoặc, trả lời thiền sư: “Bạch sư ông, con tên Tuấn”.

Trên nét mặt của vị thiền sư thoảng một chút ngờ vực. Thiền sư nhanh chóng rời khỏi gian phòng nhỏ và rảo bước ra ngoài, hướng đến đại điện. Thắng Sẹo muốn đuổi theo chặn thiền sư lại nhưng vì hắn quá yếu sau mấy ngày lo lắng và không ăn uống, lại cộng thêm các triệu chứng bệnh tật, hắn chỉ biết lê gót ra ngoài cửa, nhìn với theo. Nhưng kỳ lạ là ngoài cửa không có một công an viên nào. Ngoài sân, vầng trăng tròn như tấm gương đồng đã ngàn năm soi xuống nhân gian, tỏa ánh hào quang bừng sáng cả ngôi chùa. Trong đại điện, tiếng mõ âm vang siêu độ trầm luân về trong cõi tu hành trong ánh đèn bừng lên ấm áp.

Thắng Sẹo rút dao găm giắt ở sau lưng, hung ác lẻn vào đại điện.

Nhát dao đâm thẳng vào lưng thiền sư. Tiếng thét đau đớn vang khắp điện thờ Bồ Tát. Thiền sư quay mặt lại, thần thái vẫn không có vẻ gì là sợ hãi hay giận dữ. Đôi mắt thiền sư vẫn rất sáng và rất trong, chớp nhìn buồn thảm về gương mặt độc ác của Thắng Sẹo như lần cuối. Thiền sư bước loạng choạng, lùi lại và đổ thân mình lạnh lẽo vào bức tường gạch già màu nâu xám. Thắng Sẹo thấy thiền sư chưa chết hẳn, hắn lao về phía thiền sư định đâm tiếp một nhát dao nữa vào lồng ngực nạn nhân. Bỗng, một cây sáo trúc cũ kĩ sơn màu đỏ son, màu sắc rất đặc biệt rơi ra từ trong tà áo cà sa. Thắng Sẹo bàng hoàng chững lại…

Hắn đứng như trời trồng nhìn vị thiền sư đang hấp hối. Cùng lúc đó, ngoài sân chùa, tiếng sáo trúc lại ngân vang lên bài ca quen thuộc mà hắn từng được nghe ở bệnh viện, cũng chính là bài ca quen thuộc mà hắn từng được nghe dọc chặng đường trốn chạy. Thắng Sẹo lao ra hiên chùa, tay hắn run lẩy bẩy, nhìn đứa tiểu đồng xa lạ đang tập thổi sáo dưới bóng trăng thượng tuần mùa thu. Âm ba như nước thẳm mây ngàn. Miệng hắn méo xệch đi, chực như muốn mếu, chực như muốn cười reo hạnh phúc, chực như muốn rú rít tuyệt vọng.

 

Hắn quay ngược trở lại đại điện, quỳ xuống ôm lấy thiền sư. “Sư ông! Sư ông tỉnh lại đi! Vì sao? Vì sao ông có cây sáo này? Ai đã dạy bọn trẻ con thổi sáo bài này? Ông trả lời đi!”. Thắng Sẹo ấn thật mạnh vào nhân trung của thiền sư, miệng hỏi không ngừng.

Đôi mắt của vị thiền sư đã dần khép lại, bàn tay thiền sư nắm lấy tay Thắng Sẹo không buông, miệng thiền sư vẫn lắp bắp điều gì đó. “Là ta đã dạy. Là ta. Tội lỗi của ta. Đừng làm hại bọn trẻ”. Thắng Sẹo chỉ nghe được có bấy nhiêu thôi. Nỗi đau và nỗi sợ dâng lên trong ngực Thắng. Thắng bế thốc thiền sư, theo chân các tiểu đồng và bọn trẻ chăn bò sống trong chùa, vừa chạy vừa kêu cứu hoảng loạn về phía trạm y tế xã. Màn sương loãng dần.

***

Vị thiền sư hôn mê trong phòng cấp cứu của bệnh viện tỉnh. Thắng và một đám trẻ con chầu trực bên ngoài phòng hậu phẫu. Gương mặt ai cũng nhem nhuốc, nổi lên những mạch máu xanh xao và nước da vàng vọt. Cái đói khát, nỗi lo sợ phập phồng đã khiến cho tất cả đều suy sụp. Trong cái đầu óc giản đơn của những đứa trẻ đã bắt đầu manh nha về nỗi thống khổ, về cái ác và về cái chết. Chúng luôn nhìn Thắng với những con mắt căm hận. Đối với bọn trẻ, chính Thắng là kẻ đã đang tâm phản phúc lại ân nhân cứu mạng. Chính Thắng là kẻ tàn nhẫn khi đã xuống tay phá tan tuổi thơ yên bình trong ngôi chùa cổ nằm thâm trầm bên bờ nam Như Nguyệt giang phẳng lặng. Đối với bọn trẻ, chính Thắng là một tên giết người đáng bị muôn đời nguyền rủa, là một kẻ chất chứa bao tội ác nặng nề ắt phải bị công lý phán xử. Thắng biết điều đó. Nhưng hắn không căm tức, không trả thù lại bọn trẻ. Hắn chỉ biết cúi đầu câm lặng và cam chịu trong day dứt. Những ngày qua, hắn chỉ hướng ánh nhìn nhức nhối và đau đáu về cánh cửa đang đóng chặt của phòng bệnh. Đối với hắn, giờ đây, chỉ có hơi thở bình an và sự tha thứ của vị thiền sư mới chính là thứ quý giá duy nhất trong cuộc đời hắn. Hắn không cần gì khác, hắn chỉ nguyện cầu. Chao ôi! Đó là sự nguyện cầu của một kẻ sát nhân để cứu vớt sinh mệnh của con người từng bị hắn giết hại. Vị thiền sư đã tỉnh lại. Hắn phủ phục xuống chân giường bệnh. Thiền sư chỉ kịp đáp lại kẻ sát nhân bằng một ánh nhìn bao dung, cao thượng, mà chợt như nhói buốt tận tâm can. Thắng Sẹo từ từ buông tay thiền sư và để mặc hai công an viên lôi đi.

***

Buổi sớm hôm ấy, trời quang. Thắng đứng dựa vào cây cột gỗ, tâm trạng trống rỗng. Chiếc áo tù nhân phong phanh mở toang khuy cổ khiến hắn có cảm giác lành lạnh se lòng. Phía trước, từng nòng súng lên đạn lạch cạch, nhắm thẳng trái tim tử tội.

***

Bốn tháng trước. Không gian chìm trong không khí lâm thâm ẩm ướt.

Thắng Sẹo bước ra từ phòng biệt giam, hai mí mắt sụp xuống. Thắng cúi gằm mặt nhìn qua tấm kính lớn chặn giữa người nói và người nghe, bất chợt gục đầu xuống mặt bàn không thể kiềm chế được.

“Cha ơi! Con là thằng Thắng của cha mẹ đây! Đã ba mươi sáu năm rồi! Sao trời đày cha con ta phải gặp nhau trong tình cảnh trớ trêu như thế này! Con đã đi tìm cha suốt ba mươi sáu năm rồi cha có biết không?”.

“Thắng! Đúng là thằng Thắng của cha đây rồi! Cha cũng đã đi tìm con suốt ba mươi sáu năm qua! Tội lỗi ngày xưa cha gây ra cha không thể nào tự tha thứ cho mình được. Cha không thể nào quên chính cái ngày mà cha say rượu và đã chém oan lên mặt con một nhát dao và đuổi con cùng mẹ con ra khỏi nhà. Đã ba mươi sáu năm nay cha dằn vặt không yên giấc. Lúc nào cha cũng muốn con trở về, dẫu là chỉ để trả mối hận trong lòng con”.

“Cha ơi! Con không bao giờ có thể nào thù hận cha được. Chính cha là người đã dạy cho con thổi sáo bài Nguyệt Hồ Ca do cha sáng tác. Khúc ca đó đã trở thành máu thịt của con. Mỗi khi con đau đớn hay tuyệt vọng, con lại nhớ đến khúc Nguyệt Hồ Ca. Nó như một niềm tin để con tiếp tục sinh tồn, tiếp tục sống để tìm lại cha. Con đã về quê ta nhiều lần, nhưng người làng nói rằng cha đã đi mãi không về. Cha đã đi đâu? Và vì sao khúc sáo Nguyệt Hồ Ca, cha lại dạy cho bọn trẻ chăn bò và cả các tiểu đồng trong khắp vùng này. Con đã qua đây nhiều lần lắm rồi, kỳ lạ là đâu đâu cũng nghe vang khúc Nguyệt Hồ Ca.”.

“Cha đã đi tìm con! Nhưng cha không tìm được. Con đã khôn lớn, hình dáng và tính tình chắc cũng đã đổi khác. Cha chỉ có thể tìm con bằng cách dạy khúc Nguyệt Hồ Ca cho bọn trẻ khắp những nơi cha trú chân suốt nhiều năm qua mà hy vọng con còn nhớ được và vô tình nghe được để tìm về gặp cha. Cha cũng chỉ nghĩ rằng vết sẹo trên trán con là dấu vết duy nhất không thay đổi, nên bao nhiêu năm qua cha vẫn không ngừng đi tìm người có vết sẹo dài trên trán. Cha đã lờ mờ nhận ra con, trong cái đêm con ngã xuống trước cánh cửa đại điện.”.

Thiền sư nghẹn ngào nói trong nước mắt. Dường như ông không chịu đựng nổi sự đè nén của cảm xúc ngày gặp mặt và những ký ức tang thương bao nhiêu năm dội về trong trái tim tưởng chừng như đã lạnh giá. Ông dừng lại, hai cánh tay ôm chặt lấy lồng ngực đang lên cơn co thắt dữ dội. Những giọt máu lấm tấm trên bàn tay ông báo hiệu ngày tháng cuối cùng của niềm tin yêu, của nỗi nhớ thương, của sự sám hối. Nghiệp chướng thế là đã chấm dứt. Trong mường tượng mơ màng của ông, có một quầng hào quang đang rạng rỡ trên con đường, ông dắt tay đứa con trai bảy tuổi, đi về phía chân trời.

***

Thắng ngẩng đầu lên bầu trời lần cuối. Đôi môi khô rạn bình thản nở một nụ cười. Loạt đạn trên pháp trường dội lên buồn thảm. Trên bức vách đổ, cánh chim sẻ đầu tiên vút lên không trung bay về phương nam tránh cái lạnh đang ập đến. Sau cái ngày định mệnh ấy, người ta không còn nghe thấy nhịp mõ đều đều vang lên trong ngôi chùa nhỏ bên bờ sông Cầu nữa. Chỉ có khúc Nguyệt Hồ Ca là vẫn như ba mươi sáu năm đã từng, ngày này qua ngày khác, theo chân đám trẻ chăn bò và các tiểu đồng ngân nga khắp chốn, như hồn của cố hương.

 

Truyện ngắn. Viên Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước