Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:41 (GMT +7)

Tiếng nói bản lĩnh của một bộ phận văn học đặc thù

Ngày 18 tháng 11 năm 1991, theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), “Hội những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số” ra đời (nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển với những thành tựu, dấu mốc đáng ghi nhận, đến nay, số lượng hội viên của Hội có tới hơn 1000 người thuộc các dân tộc, các chuyên ngành, đã đóng góp tiếng nói độc đáo riêng trong nền văn học Việt Nam đa sắc. Việc phát huy “dòng chảy” thơ ca nhiều giá trị cũng như bồi đắp đội ngũ ngày một lớn mạnh vừa như một đòi hỏi vừa là một nhu cầu tự thân của bộ phận văn học đặc thù này.

Nhu cầu đổi mới hướng đến hiện đại

Đây là đặc điểm tất yếu cho phép thơ dân tộc thiểu số nói riêng, văn học dân tộc thiểu số nói chung tồn tại trong dòng chảy đời sống văn học đương đại. Một mặt họ vẫn gìn giữ được những đặc điểm truyền thống tiêu biểu, mặt khác họ cần bước vào một ngôi nhà chung; và vì thế đứng trước một yêu cầu, sáng tác của họ đến được với bạn đọc ngoài “không gian bản làng” nhưng vẫn không trở nên xa lạ với chính những chủ thể của không gian ấy. Có thể thấy, mạch nguồn truyền thống vừa là một sợi dây níu giữ, vừa là một hành trang cần thiết trong sự dàn xếp hài hòa để hướng đến hiện đại. Đó là thứ làm nên bản lĩnh và vị thế của những nhà thơ dân tộc thiểu số trong dòng chảy văn học đương đại.

Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Sự trưởng thành thống nhất trong đa dạng của văn học các dân tộc thiểu số kể từ sau Cách mạng Tháng Tám một phần không nhỏ đến từ việc họ ý thức được tầm quan trọng của các kiến thức lý luận văn học của những năm sáu mươi và bảy mươi trong thế kỷ trước. Có lẽ chính nhờ được tiếp cận một cách có hệ thống những kiến thức mới mẻ và hiện đại này vào thời điểm đó, các tên tuổi như Nông Quốc Chấn đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng nên bản sắc trong văn học dân tộc thiểu số kể từ khi đất nước giành được độc lập. Bước sang thế kỷ XXI, quá trình hội nhập sâu rộng vào văn học thế giới đã tiếp tục mang cho các nhà văn Việt Nam nói chung và cho các tác giả dân tộc thiểu số nói riêng cơ hội tiếp cận sự đa dạng và phong phú của nền văn học thế giới. Bản thân nền văn hóa Việt Nam vốn được tạo nên từ sự đa dạng và phong phú của 53 dân tộc thiểu số, luôn có những sự trao đổi giao lưu các cộng đồng dân tộc, đây là điều kiện thuận lợi, mang đến sức mạnh đáng kể.

Từ khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, các dân tộc thiểu số ngày càng nhận được sự quan tâm, sự đầu tư từ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn hóa các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hiện nay tuy cũng đối mặt với không ít những thử thách mà công cuộc hội nhập đưa lại, nhưng vẫn chứng tỏ được những đặc sắc, những riêng biệt và khẳng định vai trò không thể tách rời khỏi chỉnh thể văn hóa Việt Nam. Có lẽ, một phần quan trọng đến từ sự tự ý thức, từ nhu cầu cần được đổi mới của mỗi cá nhân người viết. Những năm 1980 của thế kỷ trước, thế hệ của những tác giả như Lò Ngân Sủn, Y Phương, Vương Anh, Pờ Sảo Mìn… cũng còn rất trẻ nhưng với một khát vọng tự mở lối đi bằng con dao sắc(1) và thế hệ trẻ hiện nay vẫn tiếp tục quá trình đến hiện đại từ truyền thống như một nhu cầu tự thân.

Chúng tôi cho rằng, yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc là điều kiện cần để gìn giữ; thêm vào đó, sự tự chủ, tinh thần phát huy truyền thống từ cái nhìn cởi mở là điều kiện đủ để trở thành động lực phát triển trong giai đoạn hiện tại và tiếp theo. Theo GS. Trần Đình Hượu, “đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác”, và càng về sau, “sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc càng thường xuyên, càng nhiều mặt”(2).

Về vấn đề tính độc đáo của văn hóa dân tộc, sinh thời, nhà thơ Nông Quốc Chấn là người luôn có những chú ý đặc biệt bởi đó là vấn đề cốt yếu của nền văn học khu vực này. Những bài viết giai đoạn đầu như “Bản sắc dân tộc trong thơ và Trả lời bạn thơ Mường” trong tập Đường ta đi (1970); đến sau này khi ông hướng sự quan tâm đến trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc: “Độc lập hòa bình và trách nhiệm của nhà văn” trong tập tiểu luận Chặng đường mới (1985)… đều nhất quán quan điểm ấy.

Nhà nghiên cứu Lâm Tiến khi bàn đến các vấn đề đặt ra cho văn học các dân tộc thiểu số cũng luôn nhấn mạnh yếu tố độc đáo của nghệ thuật dân tộc phải do chính những nghệ sĩ của dân tộc tạo ra. “Trong sự phát triển đó, văn học các dân tộc thiểu số không thể không tiếp nhận những giá trị mới, những giá trị của văn học Kinh, văn học phương Tây và văn học thế giới hiện đại. Đó cũng là hình thức tích cực bảo vệ bản sắc dân tộc của nhà văn, góp phần phát huy và làm giàu bản sắc dân tộc trong văn học”(3).

Những nền tảng khẳng định vị thế trong cuộc hội nhập

Bên cạnh những tác giả đã thành danh và có vị trí vững chắc trong nền văn học Việt Nam, tiếng nói trẻ hiện diện trong nền thơ ca dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay cho thấy tính tiếp nối, xu hướng vận động đặt trong tiến trình vận động của văn học nghệ thuật nói chung. Những tác giả có sự định hình lối viết trong đội ngũ văn học trẻ đương đại các dân tộc thiểu số có thể kể đến không ít. Sáng tác của họ là một mảnh đất đầy hứa hẹn mà nhiều nhà lý luận phê bình có thể có những thử nghiệm phân tích để mang đến cái nhìn mới về bản sắc của các cộng đồng dân tộc trong thời hiện đại.

Có thể thấy, việc tìm kiếm tính hiện đại và đa sắc của những tác giả như Hoàng Chiến Thắng, Nông Quang Khiêm, Lý Hữu Lương, Phùng Hải Yến… nằm ở việc không tự bó mình vào một thể loại hay vào những hình mẫu đã thành chuẩn mực. Và vẫn những tính tẩu, điệu páo dung, tiếng khèn, lời khan - khắp - cọi; vẫn cuộc sống chân tình của người miền núi; vẫn sự đa sắc của phong tục tập quán; vẫn tình yêu bền bỉ mộc mạc của trai gái vùng cao… nhưng tiếng nói của thế hệ này vẫn tìm ra sự mới lạ trong cách thể hiện.

Phùng Thị Hương Ly mang đến một giọng thơ nữ tính, cá tính, cách nhìn tình yêu, cuộc sống trẻ trung và nhiều chuyển động. Viết khi nhớ cha, khi lan man những điệu nhạc không lời, khi tự cắt nghĩa mình trong một buổi chiều vô nghĩa, nhưng cảm giác rõ nhất mà thơ Ly mang đến chính là sự tự tin nhập cuộc, tự tin nói tiếng nói của mình trong một bản hòa âm nhiều xáo động, dù chưa bao giờ thôi day dứt:

Ta là nghé con bụi đời đi tìm trống trải

Chưa đi hết đồng quê đã bắt nhịp phố phường

Nhắm mắt thêm lần nữa

Ta đi lạc không biết mấy chặng đường

Rồi về tay không nức nở

 

Lúc này mùi tro tàn và bếp lửa

Mùi nước mắt lẫn trộn ta trong thinh không.

               (Ngày qua - Phùng Thị Hương Ly)

Cảm giác trở về đó bắt gặp những nét tương đồng với Y Việt Sa, khi đã qua những phố xá với bao vết thương, khi nhận ra cái lạc lõng nếu quên mình sinh ra từ núi:

Bao năm mê mải giữa lòng đô thị

Ngủ những giấc chập chờn mộng mị

Tôi quên mất tiếng chiêng

Quên gõ tơ-rưng, quên vỗ đàn klông-pút

Đời tất bật xô tôi

Trôi dòng hối hả

Để chiều nay vấp ngã

Ơ kìa,

Núi vẫn đứng trông tôi.

               (Vết thương phố xá - Y Việt Sa)

Sự nhiệt huyết, bạo liệt, đặc biệt khi viết về tình yêu đôi lứa: Em yêu/ Em có dám bỏ hết đàn trâu nhà mình/ Để cưới anh về làm chồng/ Để một mai/ Em dắt anh về làm trâu/ Ở chuồng bên ấy// Trâu này/ Không chỉ ăn cỏ hàng ngày/ Mà uống ngày - ăn đêm lấy đêm làm ngày/ Anh sẽ cày cho nước tràn bờ, cho đất tung lên/ Để ngày mai cây lúa cây ngô/ Lên xanh giữa đồng mênh mang (Thách cưới - Krajan Plin).

Khác với chất núi rừng nguyên sơ, ngang tàng trong thơ Plin, H’Trem Knul là một tác giả trẻ nhưng lối viết đằm thắm, nhiều liên tưởng. “Tiệc rượu” được chị nhìn bằng sự tự hào và kiêu hãnh: Hai mùa một năm/ Có một mùa dành bảy ngày để uống rượu cần/ Ấy là bảy ngày để say/ Ấy là bảy ngày để thương, để nhớ// Bảy ngày để kể hết một bài ca/ Để ngọn lửa trong bếp không có khoảng lụi tắt/ Nhiều con mắt hướng về một nơi// Bảy ngày người già trẻ lại/ Tìm lời “duê” cho nhau…  (Tiệc rượu).

Nhiều bài thơ thể hiện một cá tính quyết liệt, không chịu đứng yên, trân trọng nhưng không lệ thuộc truyền thống, nói thay tiếng nói cộng đồng; và đôi khi, một nhà văn đứng tách biệt với cộng đồng thì “anh ta có khả năng diễn tả một cộng đồng tiềm tàng khác, có khả năng tạo nên những phương tiện diễn tả một ý thức khác và sự nhạy cảm khác”(4). Cũng như Hoàng Chiến Thắng lặng lẽ “tuyên ngôn”: Người của núi có cái nhìn màu xanh/ Có nụ cười của suối...; Lý Hữu Lương thể hiện một cái nhìn về bản lĩnh dân tộc khi “vẽ khuôn mặt làng Yao”… Kinh nghiệm viết ký của nhà văn Mã A Lềnh đem lại những gợi mở cho thế hệ trẻ. Khi viết, ông luôn cảm thấy mắc nợ với đời và “phải viết lên những gì tai nghe mắt thấy, nghĩa là cuộc sống đang vận động vô cùng phong phú để vươn lên ấm no, hạnh phúc, tuy nhiên phải có sự chắt lọc đã được kiểm nghiệm qua thời gian”(5). Những tác giả như Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Cầm Biêu, Vương Trung, Y Phương, Inrasara, Dương Thuấn… đã có những sáng tác song ngữ thành công. Thế hệ trẻ hiện nay cũng ý thức sâu sắc về vấn đề này, bởi “nhà văn bằng mọi con đường cần luôn luôn ý thức về ngôn ngữ để làm phong phú cho ngôn ngữ và văn học nói chung”, để ngày càng phát triển ngôn ngữ lên một tầm cao mới “đáp ứng yêu cầu của sáng tác văn học đương đại”(6).

Nếu như ở những không gian truyền thống, thơ dân tộc cùng gặp nhau ở một điểm là ý thức mạnh về một bản sắc thì sang đến một không gian mới hơn, những sự chọn lựa cũng vì thế tăng lên và không loại trừ cả những rẽ ngang. E. Said đưa ra một khái niệm là địa lý tưởng tượng để chỉ một thứ không gian “nhân tạo” mà sự tồn tại cũng như những đường biên/ những đường ranh giới của nó được xác định không phải dựa trên các điều kiện “thực tế tự nhiên”; ngược lại: “nó là những giả thiết, hình ảnh và huyễn tưởng có tính khuynh hướng về một khu vực”. Theo ông, trong sự thuyết minh văn hóa và trao đổi trong một nền văn hóa, những gì thường được văn hóa lưu truyền không phải là “sự thật” mà là những sự thể hiện(7). Và bởi thế, tính độc đáo, bản sắc như một công cuộc mà mỗi thế hệ lại sáng tạo trong sự chuyển động của những giá trị cũ, một sự chuyển động có lẽ không bao giờ đến đích. Theo Gaston Bachelard, ý niệm về cái tôi bao giờ cũng gắn chặt với nỗi đam mê về nơi chốn, hay nói cách khác, cảm thức về nơi chốn có ý nghĩa sinh tử trong việc tìm hiểu về bản sắc con người - người ta chỉ có thể là một cái gì đó ở một nơi nào đó. Như cách nói của Y Phương trong tản văn Rễ người: “Khi con người ý thức sâu sắc cội rễ của mình thì trong họ đầy lòng tự tin. Đức tính tự tin được biểu hiện trong quan hệ giữa mình với mọi người xung quanh... Người Tày có câu rễ cây ngắn, rễ người dài là vì thế!”.

Đứng trước dấu mốc 50 năm nhìn lại công cuộc phát triển văn học nghệ thuật sau ngày thống nhất đất nước, chủ trương “thống nhất trong đa dạng” là một tiền đề quan trọng cho sự phát huy vị thế, bản sắc văn học các dân tộc thiểu số trong ngôi nhà chung. Những chuyển động của văn học dân tộc thiểu số vẫn luôn vận hành theo sự đổi khác của xã hội. Quá trình khẳng định vị thế của một nền văn học luôn bắt đầu từ quá trình khẳng định của mỗi tác giả. Thế hệ trước đã tạo nên những giá trị, những định hình khác biệt cho+ khu vực văn học này và mỗi tác giả trẻ dân tộc thiểu số cần phải tự trau dồi, tích lũy để vượt khỏi những ràng buộc quen thuộc, những khuôn mẫu. Khi đó, bản sắc của những cộng đồng dân tộc thiểu số không còn khuôn trong những giới hạn của truyền thống mà trở nên hiện đại và năng động. Đấy là những điều kiện tốt nhất cho một sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

 

------------

(1) Ý thơ trong Lời người cha lũng núi của Lương Định.

(2) Lê Ngọc Trà (tập hợp và giới thiệu), Văn hóa Việt Nam - đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb. Giáo dục, 2003; tr.45-46.

(3) Lâm Tiến, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nxb. Văn hóa dân tộc, 1995, tr.73.

(4) Gilles Deleuze, Félix Guattari, Kafka vì một nền văn học thiểu số, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb. Tri thức, 2013; tr.68, 69.

(5) Mã A Lềnh, Nhọc ngoài với ký, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai, 2000; tr.6

(6) Hà Công Tài, “Vấn đề ngôn ngữ, song ngữ trong văn học dân tộc thiểu số đương đại”, in trong Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, 2017; tr.298.

(7) Đặng Thị Thái Hà, Phê bình không gian như một hướng nghiên cứu diễn ngôn, BCKH tại Hội thảo thường niên Viện Văn học 2012.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy