Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
22:05 (GMT +7)

Tiếng lòng của một nhà giáo, nhà thơ nặng ân tình

(Đọc tập thơ “Đôi bờ thế kỷ” của nhà thơ Vũ Đình Toàn, NXB Hội Nhà văn, 2023)

Nhà giáo - nhà thơ Vũ Đình Toàn có phong cách sống và viết luôn lặng thầm như núi đá, nhưng giấu trong đá lạnh là sông ngầm tuôn chảy, ngọt mát vô cùng.

Cốt cách nhà giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến bút pháp nghệ thuật của thơ ông: Mực thước, chỉn chu, luôn dằn vặt trước nỗi trong đục, buồn vui, giàu nghèo, bất công hay công bằng của thế nhân. Cốt cách nhà giáo cũng tác động để hình thành phong cách thơ thiên về hướng nội - tự vấn, nhằm biểu hiện những suy tư - triết luận về con người và cuộc đời. May mắn sao trong dòng chảy mực thước ấy thi thoảng những con sóng lãng mạn, tài hoa mang dấu ấn nghệ sĩ vọt trào, hát say mê về tình yêu và khát vọng hạnh phúc lứa đôi, về thơ và vai trò của thi sĩ... Những âm vang của bao con sóng ấy làm nên vẻ đẹp trầm tư của tập thơ “Đôi bờ thế kỷ”.

Nhà thơ Vũ Đình Toàn - sự khác biệt giữa Con người trong đời và Con người trong thơ
Quang cảnh buổi tọa đàm Thơ Vũ Đình Toàn ngày 11/11/2023. Ảnh: Quang Khải

Có rất nhiều điều thú vị để bàn luận về tập thơ này. Tôi xin phép tập trung vào đôi điều làm mình say mê.

1.Với tư cách là một nhà thơ, Vũ Đình Toàn trăn trở suy tư, rồi nói lên quan niệm của mình về thơ và nhà thơ.

Thực ra có bao nhiêu người làm thơ thì có bấy nhiêu quan niệm về thơ và về nhà thơ. Thật khó đưa ra một định nghĩa có thể chiều lòng tất cả mọi người. Nhưng với quan niệm của riêng mình, Vũ Đình Toàn khiến chúng ta phải suy nghĩ và tâm đắc. Ông viết:

Người là ai mà lạ lùng đến vậy?

Là ăng ten thu phát sóng tâm hồn

Là cây cầu nối bờ tim nhân loại

Hay kẻ lữ hành lầm lũi cô đơn?

Là kẻ tầm thường không chấp nhận tầm thường

Nghèo xơ xác hay giàu như tỉ phú ?…

(Thi sĩ)

Chỉ vài nét phác họa như thế, Vũ Đình Toàn khiến tôi ít nhiều nhận ra mình trong đó. Ông viết về tâm hồn trẻ thơ vĩnh viễn của thi sĩ mới thú vị làm sao:

Thế nghĩa là tôi vẫn trẻ thơ

Nghĩa là tôi ngốc nghếch dại khờ

Ừ nhỉ, tôi điên, nhưng chẳng lạ

Lòng tôi đang cháy một niềm thơ!

(Cháy một niềm thơ)

Ở những nghệ sĩ đích thực, tâm hồn mãi tươi non, như trẻ thơ là một bí quyết, một sức mạnh kì diệu.

Dù viết tặng bạn thơ của mình, ông đã đưa ra quan niệm về thơ của mình một cách gián tiếp:

Bài thơ Anh

Không thấy câu thấy chữ

Chỉ phảng phất hồn của chữ của câu

Lãng đãng như sương

Vô hình như gió

Mà muôn vật xôn xao bừng nở…

(Nguyên sơ )

Có thể vận dụng một danh ngôn vào trường hợp này: “Hãy nói anh yêu thích những bài thơ nào, tôi sẽ nói anh là ai, thi sĩ ạ!”

2.Vũ Đình Toàn là một nhà giáo - nhà thơ viết về nghề giáo với bao trăn trở.

Theo tôi, bài thơ Tự vấn của ông là một trong số ít những bài thơ hay về nghề giáo hôm nay:

…Tiết giảng với cuộc đời

Vui say và nhức buốt

Nỗi đầy lại nỗi vơi

 

…Sáng vừa giảng niềm tin

Chiều đã nghe nói dối

Sáng thành thật hết mình

Chiều giấu đầu trong bụi!

 

Tiết giảng luôn trong veo

Đời lập lờ sáng tối!

Tuy so sánh ấy còn có chút ngây thơ - mà ngây thơ thì mới là thi sĩ, sự khác biệt ghê gớm giữa lí thuyết trong bài giảng với thực tiễn còn xô bồ thô nhám trong đời thường vẫn làm nhà giáo có trách nhiệm nhói lòng.

May mắn sao, vẫn còn những tâm hồn trong sáng của các em thơ nâng đỡ lòng yêu nghề cho nhà giáo làm thơ ấy:

Phấp phới bên tôi đôi tà áo trắng

Rộn ràng chung nhịp bước hoa niên

Phấp phới quanh tôi bao tà áo trắng

Lòng tôi mở cánh muốn bay lên…

(Áo trắng học trò)

Bài thơ Đừng nhìn tôi như thế có chút ngậm ngùi khi thầy giáo nghỉ hưu về qua trường cũ, có bao người đã gặp tâm trạng bâng khuâng này như ông?

Các em ơi đừng nhìn tôi như thế

Khách phương xa lạc bước nơi này

Đừng nhìn tôi như cây già đứt rễ

Như người mất trí, như kẻ tha hương!

 

Tôi - một thân tằm nhả tơ rút ruột

Đến trọn đời tơ vẫn còn vương…

3.Nhà giáo - nhà thơ Vũ Đình Toàn suy tư - triết luận về tình yêu, khát vọng hạnh phúc cùng bao chuyện vui buồn của thân phận con người.

3.1. Thơ Vũ Đình Toàn là những suy tư - triết luận về tình yêu và khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Có khá nhiều bài thơ viết về chủ đề này như: Áng mây thơm; Khế chua muối ớt; Thực và mơ dạ hương đêm mưa; Cái án cô đơn… Có một điểm đặc biệt trong bút pháp nghệ thuật viết về chủ đề này, đó là nhà thơ hay xây dựng các đoạn đối thoại, hoặc tự đối thoại để tự vấn, tạo nhịp thơ hối hả mê say, đẩy buồn đau hay hạnh phúc lên tới tột cùng:

Mưa đêm em ơi mù mịt

Sao không chọn buổi xuân về?

Ngày xuân đã thừa hưởng sắc

Việc gì còn phải phô khoe?

 

Mưa đêm em ơi tầm tã

Giữ sao cho vẹn hương lành?

Hoa dẫu mưa vùi xối xả

Hương còn thơm đọng hồn anh!

(Dạ hương, đêm mưa)

Bên cạnh khá nhiều bài thơ tình “nhẹ ngoài nặng trong” - giấu bao giằng xé trong hình thức dịu nhẹ, tôi đặc biệt chú ý tới một biểu tượng độc đáo trong một bài thơ lạ của ông:

Đây chiếc bánh bột nhồi trong giông bão

Chất dầu thơm tinh kết tự hương trời

Hoa đắng quả cay quyện thành thơm thảo (…)

…Này sắp nguội rồi bánh thơm thế đó

Bóc ra nào! Nhai ngấu nghiến người ơi!

Vầng dương ta đang ngả xuống lưng đồi…

Trong lịch sử thơ Việt Nam hiện đại, tôi chưa gặp biểu tượng “chiếc bánh” tình yêu này! Đặc biệt “chiếc bánh” tình yêu của nhà thơ có vẻ đẹp xuân tình, kín đáo, có sự vẫy gọi của vẻ đẹp tính dục đang vẫy gọi mờ xa, mà tuổi tác đã như “Vầng dương ta đang ngả xuống lưng đồi…”.

Tiếng lòng của một nhà giáo, nhà thơ nặng ân tình
Con gái thứ Vũ Thị Thu Hương, hát tặng ông bà ca khúc trong buổi tọa đàm “Vũ Đình Toàn -Tiếng thơ giữa đôi bờ thế kỷ”

3.2. Thơ Vũ Đình Toàn là những suy tư - triết luận về bao vui buồn của thân phận con người. Ở đây tôi gặp những suy tư - triết luận có tính khái quát rộng lớn, chạm đến những vấn đề có tính nhân loại. Đó là chiến tranh, cái chết, nỗi đau nhân thế mấy ngàn năm qua vẫn thế:

Và lá cờ xanh của sứ giả hòa bình

Thì xanh tái giữa bao màu chết chóc

Duy chẳng có sắc màu nào có thể điểm tô cho tiếng khóc

Của những bà mẹ Nam Tư bên xác chồng con…

 

Đêm nay, ngồi lọt giữa sa-lông chăm chú màn hình

Hưởng bữa tiệc no nê của sắc màu diễm ảo

Nhấp ngụm rượu của đời thơm thảo

Mà nghe gai nổi khắp thân mình!

(Xem ti vi màu)

Ti vi màu có thể làm nổi bật bao sắc màu! Vậy còn màu của nước mắt bà mẹ khóc chồng con chết trong chiến tranh có màu gì? Câu hỏi ấy như mũi khoan sắc nhọn xoáy mãi vào ngực chúng ta!

Tính triết luận sắc sảo còn cháy sáng trong các bài thơ: Những dấu hỏi trước nhân loại thương đau; Giao thừa thế kỉ; Chùa hoang hoa đại; Tình yêu vĩnh cửu...

Tôi thích thú trước suy nghĩ về sự giàu nghèo của nhà thơ - để có được sự thay đổi quan niệm này, dân tộc ta phải đi mất hơn nửa thế kỉ:

Vậy sao ta cứ trộn nhầm

Sự giàu có lẫn với điều độc ác?

Cái nhơ nhuốc gán riêng cho tiền bạc?

Cái thanh cao chỉ thấy dưới lều tranh?

(Người giàu cũng khóc)

***

Còn bao điều thú vị không thể nói hết trong một bài viết nhỏ, tôi mong anh chị em cùng đọc những vần thơ say mê này - có sự hòa quyện khát vọng hạnh phúc lứa đôi với khát vọng hạnh phúc cho quê hương đất nước - hai giai điệu Riêng - Chung quấn quýt, rồi cùng vút bay trong khúc Tình ca tuyệt đẹp này:

Đêm hoa đăng

Hớn hở núi Đôi, hớn hở lứa đôi, cây đa đôi hớn hở

Vai kề má dựa

Trên đường đôi, đôi lứa ríu ran cười

 

No nê sông Cầu ngọt sữa

No nê Tam Đảo lừng hương

No nê đèn hoa rực rỡ

Ôm riết ôm riết

Xuân đời tươi nở

Tình đời mênh mang.

Thật vui mừng khi được đọc, viết và giới thiệu tập thơ của một tâm hồn - trí tuệ rất trẻ của một nhà thơ không còn trẻ nữa. Gửi trao một tấm lòng cao cả tới triệu tấm lòng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy