Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
14:00 (GMT +7)

Tiếng chim lưng chừng trời

Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 anh hùng

VNTN - Hoạch cùng tiểu đội vừa xuống hầm, các trận địa pháo cao xạ đã đồng loạt nổ súng. Nhiều ngày nay, máy bay Mỹ thực hiện không kích với cường độ cao. Sự tàn phá khủng khiếp của các trận bom hủy diệt làm Hoạch và đồng đội gần như kiệt sức. Suốt ngày đêm, các đội viên phải bám trụ tại mọi vị trí trọng điểm. Chỉ một trái bom nổ giữa mặt đường chậm được san lấp, hàng trăm chiếc xe sẽ phải dừng lại... Bất chợt, nhiều tiếng bom chát chúa nổ gần làm tất cả giật nảy người, ngã dúi dụi, đầu Hoạch đập vào cột gỗ. Căn hầm như chao võng, đất đá lọt qua kẽ rơi lả tả. Mùi khói xộc vào khét lẹt, anh ho sặc sụa, vội giật mạnh khuy áo ngực cho dễ thở.

Tiếng súng ngưng, tiếng máy bay cũng ầm ì xa dần. Căn nhà tranh gần đó bốc cháy ngùn ngụt. Biết đợt không kích của máy bay Mỹ đã chấm dứt, không chờ báo yên, cả tiểu đội lao ra khỏi hầm dập lửa. Đang giữa trưa, vòm trời vẫn đen đặc khói. Từ đỉnh dốc, đại đội phó Tấn khoát tay chỉ về phía trước: “Tiểu đội 4 trúng bom, 3 đồng chí theo tôi”. Hoạch sững sờ, gỡ vội túi cứu thương Phùng đang đeo chạy lên dốc. Tiểu đội 4 hầu hết là nữ, làm việc cách đó chỉ một đoạn. Thấy cả tiểu đội theo mình, Hoạch nói như ra lệnh: “Hoàn, Nhung đi thôi, còn lại ra mặt đường”…

* * *

Khu xóm nhỏ Làng Phan bên hồ Bi Gù tan hoang, nhiều thi thể bộ đội và dân thường đen sạm khói bom, bê bết máu. Tiểu đội 4 của Đại đội 915 một đội viên hy sinh và 8 người bị thương. Lực lượng ứng cứu của các đơn vị bạn cũng vừa có mặt...

Chờ những chuyến xe cứu thương khuất sau rặng cây, Hoạch xuống bậc đá ven hồ lau rửa máu đồng đội trên tay. Vẫn biết làm nhiệm vụ trên tuyến giao thông huyết mạch này, sự sống và cái chết cách nhau mong manh gang tấc, nhưng trước mất mát, Hoạch cố nén vẫn không thể cầm lòng. Nhìn gương mặt mình thất thần in trên mặt nước, Hoạch như choàng tỉnh, anh vốc nước vã lên mặt. Đại đội đa số là nữ, mấy đứa mới chỉ 16 tuổi, mình hơn chúng dù chẳng bao nhiêu, nhưng dẫu sao cũng đàn ông đàn ang, có chết cũng không được tỏ ra hèn nhát.

Leo qua một thân cây lớn bị bom băm nát, Hoạch bất chợt nghe thấy tiếng chim non yếu ớt. Lạ thật, sao không có tiếng chim mẹ xao xác quanh đây? Hồi bé, mấy lần đi bắt chim cùng lũ bạn, chim mẹ nhào tới kêu lạc giọng nhảy bổ vào liều chết giữ con. Vậy mà… Không khó để anh tìm được con chim nhỏ giữa đám cành lá bom phạt ngổn ngang. Con chim đã đủ lông cánh, chắc mới vào cữ tập bay, nó dường như kiệt sức, run rẩy sợ hãi nằm trên lòng bàn tay Hoạch. Không hiểu biết nhiều về các loại chim, anh vẫn biết đây là loại sáo nâu, rất dạn người. Ngày mùa theo mẹ ra đồng, Hoạch thường gặp chúng hay nhảy bắt cào cào chấu chấu, hoặc đậu cả lên cổ, lên lưng trâu lần mò bắt rận. Tìm quanh quất, Hoạch không thấy còn con chim nhỏ nào. Chắc nó là con chim duy nhất may mắn sống sót sau trận bom. Nghe tiếng còi thu quân ngoài mặt đường, Hoạch vội lật mũ, đặt chim vào và vội vã quay trở lại trọng điểm. Dẫu trận bom vừa trúng một tiểu đội, nhưng không ai tỏ vẻ sợ hãi. Hoạch chìa mũ nói với tốp đội viên nữ: “Chúng mày bắt cho anh mấy con cào cào”. Chảy liếc chim, cô tưng tửng: “Ôi giồ, chim của anh bé quá thôi lố”. “Nó còn non. Em giúp chăm chim cho anh để nó mau lớn!” “Còn lâu né!”. Tốp đội viên nữa cũng vừa kéo tới, mọi người quây lại xem. Con chim nhỏ có bộ lông mềm mượt đen óng, chân và mỏ màu vàng, chót cánh và phần trên đuôi màu ghi, bụng màu vàng nâu, mí mắt có một vành da mỏng màu vàng. Chắc đói, nó ngoác chiếc miệng nhỏ xíu đỏ hỏn đòi ăn. Tiến, người bạn cùng tiểu đội vuốt ve con chim, gật gù: “Loại này khôn lắm. Mình nuôi dạy cho nó nói”. Đại đội trưởng Việt và đại đội phó Tấn đi qua, Tấn nghiêm mặt: “Lớn tướng, vợ con đến nơi mà còn chim cò”. Hoạch luống cuống chỉ thân cây bị bom phạt gãy: “Em nhặt được nó dưới gốc. Chắc chỉ còn nó…”. Việt nhẹ nhàng: “Thôi được rồi. Nuôi nó cũng không sao. Mình tản cách nhau đi về cho an toàn”…

Chiều muộn, hoàng hôn đỏ bầm như máu. Khu xóm Bến Đò sực nức mùi rơm rạ ngấu gió. Vài cánh dơi chấp chơi tìm nơi neo mình. Dư âm các tình huống về trận bom khốc liệt qua nhanh. Các đội viên í ới gọi nhau ra bến sông Mo Linh tắm, tiếng cười con gái trong veo. Mấy đội viên nữ ôm bọc quần áo đi giặt ghé qua, thả vào ống bơ đựng thức ăn cho chim của Hoạch mỗi người một nắm châu chấu, anh giãy nảy: “Nó còn bé, ăn được ít thôi. Mấy đứa tính nuôi anh à?”. Các cô đỏ mặt, khúc khích lỉnh ra ngõ: “Nuôi con nào cũng được…!”.

Tiến lò dò mang về chiếc rổ cũ úp ngược, buộc bên dưới bằng mảnh nan: “Cho em nó ở tạm vài hôm, mày để ngoài mèo nó vồ thì phí. Mai tao kiếm vật liệu đan cho nó cái lồng”. Buổi tối, việc sinh hoạt chính trị diễn ra nhanh gọn để ban chỉ huy tiếp tục tiến hành công tác thương binh liệt sỹ.

Không chờ đến mai, Tiến kiếm mấy đoạn tre nứa dúi bên hè hý húi làm lồng chim. Hoạch mượn chiếc nia dựng bên cột che ánh sáng từ ngọn đèn dầu. Cùng sinh hoạt trong tiểu đội, Hoạch luôn thán phục độ khéo tay hay làm của Tiến. Ngay việc nuôi chim, anh cũng biết Tiến thích nuôi từ bé và quá siêu trong việc dạy chim nói tiếng người. Nghe nói hồi học lớp 5, bằng cả nịnh nọt và dọa dẫm. Tiến đã huấn luyện được con mèo và chim có thể chơi với nhau. Tiến nuôi chim siêu đến nỗi khi mở cửa lồng, chim không bỏ đi mà suốt ngày quanh quẩn bên chủ. Ngày giỗ Tết, thấy bưng mâm cỗ đặt lên ban thờ, chim của Tiến liền bay tới, điềm nhiên mổ chén lia lịa như cỗ dọn cho nó vậy. Một buổi, nó dẫn bạn về chui vào lồng ở cùng làm Tiến mừng quýnh. Chỉ được mấy bữa, trận bom kinh hoàng của máy bay Mỹ trút xuống làng. Từ hôm đó, không rõ chết vì bom, hay khiếp sợ, đôi chim không bay về. Tiến buồn ngơ ngẩn một dạo. Thương Tiến, người em kết nghĩa của bố trên Võ Nhai lùng mua cho một con yểng. Sau bữa liên hoan đưa tiễn đi thanh niên xung phong, Tiến đem biếu ông bác họ, vốn cũng có thú nuôi chim. Tiến bảo: Bố vắng suốt ngày, nhà chỉ còn có mẹ. Mẹ chỉ giỏi đồng áng, cái món nuôi chim bà chẳng thèm để mắt.

Mất vài tối, chiếc lồng chim đẹp như bán ngoài chợ cũng làm xong. Chuyển chim sang lồng mới, Tiến nhắc: “Mỗi lần cho ăn, mày huýt gió ba lần, nó khắc nhớ nhận ra chủ”. Thả mảnh sâu bọng sắn dây đã được cắt vừa cái miệng nhỏ xíu ngoác rộng, Tiến tủm tỉm: “Các cụ nói cấm có sai: Dạy con từ thở còn thơ/ Dạy chim…”. “Mày chỉ được cái ăn nói thiên thẹo. Nhớ giữ răng mà nhai”…

Nhiều hôm làm thông tầm, Hoạch xách cả lồng chim mang đi để tiện chăm sóc. Tiến tỷ mẩn gọt đoạn nứa nhỏ buộc bên cạnh đựng nước cho chim, thủng thẳng nói như có nghề: “Vứt bừa các thứ ăn được vào cho nó tập mổ. Đút ăn sẵn quen mồm, lỡ quên chăn, không khéo nó chết đói”.

Cả tiểu đội coi con chim nhỏ như một thành viên. Sau nhiều ngày, con chim cũng dần cứng cáp, Hoạch không còn mang theo ra mặt đường. Những hôm nắng ráo, trước khi đi anh treo lồng chim ra giàn hoa thiên lý trước cửa. Con chim bén hơi người, khi tiểu đội trở về, nó mừng rối rít, đập cánh nhảy loạn xạ. Tiểu đội nghe lời Tiến, ai cho ăn cũng huýt gió ba lần, con chim quen, cứ nghe tiếng huýt gió lại túng tắng như phát cuồng. Chảy sang chơi với chim, cô huýt gió dứ dứ con châu chấu bên nan lồng, con chim nhào ra mổ và nuốt chửng một cách ngon lành.

Chảy lại ngắt bông hoa lý giả làm mồi làm con chim nhẩy đòi lưng tưng: “Em thích con chim của anh Hoạch rồi né!”. Tiến đứng bên cạnh tỉnh queo: “Em thích thật không? Thằng Hoạch nó cho một con mà chơi”. “Thích thật chứ. Cái mình không biết dối đâu vớ”. Chảy là cô gái xinh đẹp người dân tộc Tày, quê mãi tận Bắc Kạn. Dạo mới vào thanh niên xung phong, Chảy nói tiếng Kinh chưa thạo. Cô hồn nhiên trong sáng như bông hoa rừng, nhiều khi nhìn anh với ánh mắt thật khác lạ làm trái tim Hoạch ngân lên rung động đầu đời. Tuy vậy, họ chưa có cơ hội nói chuyên riêng.

* * *

Các cuộc không kích của máy bay Mỹ xuống tuyến đường diễn ra ác liệt. Hố bom vừa lấp xong, trận bom khác lại trút xuống. Đại đội 915 rải quân khắp toàn tuyến làm việc suốt ngày đêm. Tiểu đội của Hoạch cũng phải chia đôi người đảm bảo kíp trực. Không còn thời gian kiếm cho chim thức ăn tự nhiên, mỗi lần đi ăn về, Hoạch mang cho nó ít hạt cơm, hoặc mẩu bánh bao, anh huýt gió rồi trò chuyện như với người: “Thanh niên thời chiến, mày cũng phải biết thích nghi”. Con chim vừa rỉa bánh bao, vừa gại mỏ xòe cánh chừng cũng khoái.

Chắc hẳn nghe tiếng máy bay gầm rú và đạn bom nổ đã quen, con chim tỏ ra bình thản trước những âm thanh khủng khiếp ấy. Một bận dứt báo động, nghe nhiều tiếng chim bạn ríu rít trong lùm cây bên hiên nhà, con chim ngẩn người nghe rồi vỗ cánh định bay ra. Bỗng nhiên, Hoạch thấy thương con chim nhỏ. Trong khi đồng loại được thỏa sức bay nhảy, nó phải cam chịu giam hãm tù túng… Hoạch rót nước vào khay cho chim, anh nhìn Tiến trầm tư: “Tao thấy nó tội quá. Bọn mình bom đạn, sống chết chẳng biết thế nào, nhưng có chết cũng là vì nhiệm vụ. Nó thì cả đời bị cầm tù…”. Tiến cười lục khục: “Phỉ phui cái mồm mày, chết là chết thế nào. Bom nó bỏ, mày ở làng cũng chết, huống hồ… Không được dao động, bọn con gái nó còn không sợ…”. “Tao sợ quái đâu. Nếu sợ, tao đảo ngũ lâu rồi”. Tiến vê thuốc nhét vào nõ điếu, châm lửa rít xoe xóe rồi ngả cổ nhả khói, chiêu ngụm nước khà rõ to sảng khoái như ông cụ non. Hứng lên, Hoạch cũng cầm điếu bắt chước Tiến vê thuốc, châm lửa rít mạnh và ho sặc sụa. Một con chim sà xuống cây cam trước mặt líu lo hót làm con chim của Hoạch dướn cổ ngó ra mơ màng. Hoạch mở cửa lồng lấy hạt cơm đặt lên lòng tay và huýt gió. Con chim lưỡng lự một lát rồi mạnh dạn bước ra nhặt. Anh vuốt ve nó âu yếm. Con chim bay lên một lúc rồi lại vòng về đậu lên đầu anh. Cả buổi tối, tiểu đội chơi với chim tới khuya mới cho nó vào lồng.

Từ hôm sau đi làm, Hoạch mở sẵn cửa cho con chim tự do ra ngoài bay lượn. Chiều về, Hoạch đã thấy con chim đậu sẵn trên cành cây sát bên lồng chờ đợi…

* * *

Tôi rất muốn kết thúc câu chuyện một cách có hậu, nhưng đành phải để lửng ở chi tiết đó, bởi đồng đội của Hoạch may mắn sống sót sau trận bom, họ chỉ biết đến thời điểm ấy và kể lại. Trân trọng những người đã khuất, tôi không muốn hư cấu viết thêm. Đêm Noel 24/12/1972, 60 đội viên TNXP, trong đó có cả Hoạch, Tiến và Chảy đều anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực ga Lưu Xá. Không ai biết số phận con chim thế nào…

Trở lại Linh Sơn, nơi Đại đội TNXP 915 từng sống, chiến đấu dưới bom đạn kẻ thù, tôi không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Dọc con đường 16A năm xưa, một miền quê trù phú đã hiện hữu. Giữa vòm xanh bạt ngàn của cây trái, ríu rít tiếng chim trong trẻo hót. Tôi nhận ra cả loài chim sáo nâu và tiếng hót thánh thót của nó.

Trên vòm trời xa thẳm, từ những làn mây trắng bồng bềnh trôi, tiếng chim của một miền ký ức cũng chợt như vọng về…

 

Truyện ngắn. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước