Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
19:59 (GMT +7)

Thượng thư Đỗ Cận

Trích tiểu thuyết. Phan Thức

LTS: Đỗ Cận sinh năm 1434, chưa rõ năm mất, lúc nhỏ tên là Đỗ Viễn, quê ở xã Thống Thượng, huyện Phổ Yên, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên (nay là thôn Thống Thượng, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên).

Trong số những vị đỗ đại khoa của quê hương Thái Nguyên, danh nhân Đỗ Cận là bậc khai khoa, ông đỗ Tiến sĩ năm 1478, làm quan đến Thượng thư, vào hàng những vị đại thần đứng đầu triều đình Lê Thánh Tông (1460-1497) - vị vua “hùng tài đại lược” vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nhằm tôn vinh danh nhân Đỗ Cận, người có tinh thần hiếu học, nghị lực phi thường, ý chí quyết đạt bằng được hoài bão lớn lao từ thuở hàn vi, tài cao đức trọng, yêu nước, thương dân, tác giả Phan Thức (Chi hội Thơ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) đã tái hiện cuộc đời ông qua tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận bằng những sử liệu hiện có và những truyền thuyết còn lưu truyền trên quê hương Phổ Yên. Cuốn sách dày trên 200 trang sẽ giúp cho độc giả hiểu thêm về một danh nhân đất Thái Nguyên và xã hội thời đó.

Văn nghệ Thái Nguyên xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một phần chương XI trong tiểu thuyết Thượng thư Đỗ Cận.


Chương XI

…Đã hơn một năm, từ ngày mẹ mất. Đỗ Cận về quê cùng gia đình thực hiện đầy đủ tuần tiết: Cúng tuần đầu, lễ tứ cửu, một trăm ngày, giỗ đầu cho mẹ…

Sáng nay, Đỗ Cận trong bộ quần áo thường dân, chân đi giầy cỏ, vượt qua quãng đường gần một dặm đến nhà xã trưởng để bàn một việc mà ông đã suy nghĩ nung nấu lâu nay mà chưa có điều kiện thực hiện.

Hồi đầu tháng, Đỗ Cận đã cùng với người cháu họ dành gần một tuần, đi bộ thăm mấy đầm lầy trong xã đã bao nhiêu năm bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Đỗ Cận nhớ lại ngày còn ở quê, cánh đồng này từ Thống Thượng đến Thống Hạ thường xuyên mất mùa, có nhiều năm người dân cặm cụi trên đồng nắng mưa suốt từ đầu vụ đến lúc cây lúa sắp trỗ, chỉ cần mấy trận mưa lớn là cánh đồng chìm trong biển nước, hoặc gặp nắng hạn kéo dài là cây lúa khô táp. Người dân rơi vào cảnh mất mùa, đói kém liên miên. Cũng có năm được mùa, người dân nuôi được con lợn, con gà, rồi lên rừng kiếm được lâm sản, nhưng không biết bán ở đâu, vì chợ ở xa, đường sá đi lại khó khăn…

Đi đến đâu, ông đều đăm chiêu suy nghĩ, nét mặt thể hiện đầy quyết tâm. Nhiều người dân nhận ra quan Thượng thư, họ cung kính cúi chào, tỏ vẻ ngạc nhiên trước hình ảnh một vị quan triều đình mà ăn mặc và đi thăm đồng như thường dân. Đỗ Cận giơ tay đáp lễ mọi người.

Nhận ra Đỗ Cận đi vào sân, xã trưởng vội chạy ra, cúi đầu chào:

- Thượng quan đến nhà, mà không cho người báo trước để hạ quan cho người đến đón.

Đỗ Cận vội xua tay:

- Hôm nay ta đến với ông để bàn một vài việc liên quan đến đất đai của xã Thống Thượng thôi.

Khi Đỗ Cận yên vị trên tấm phản bằng gỗ lim, xã trưởng cung kính:

- Có điều gì xin đại quan cứ dạy bảo.

Đỗ Cận suy nghĩ một lát, rồi nói rành rẽ những suy nghĩ lâu nay:

- Ta thấy người dân quê mình bao nhiêu đời nay chịu thương, chịu khó làm ăn nhưng cuộc sống vẫn chật vật khó khăn, một số người bỏ quê đi làm ăn nơi khác. Đất đai Thống Thượng là vùng bán sơn địa, khí hậu thất thường…, đó chính là những điều gây nên những năm mất mùa, người dân đói kém.

Xã trưởng chắp tay:

- Dạ vâng, hạ quan cũng đã thấy điều đó.

Đỗ Cận nói tiếp:

- Những năm vừa qua, nhà vua đã ban bố chiếu khuyến nông, chiếu lập đồn điền, sửa đổi luật thuế khóa, điền, địa, kêu gọi người phiêu tán về quê… Để làm được những điều đó, phải tạo điều kiện cho người dân yên ổn làm ăn, giảm cảnh mất mùa.

Ngừng một lát, Đỗ Cận nói:

- Đất Thống Thượng và Thống Hạ không phẳng, vì vậy ta phải khuyên dân san đất để tạo ra những khu ruộng bằng phẳng giữ nước cho cây lúa, đồng thời đào mương để dẫn nước từ đầm lên những đồng cao, như vậy sẽ tránh được nước úng ngập và có nước khi trời không mưa kéo dài.

Xã trưởng thưa:

- Liệu dân tình có nghe không, vì bao đời nay vẫn làm ăn tự nhiên như thế.

Đỗ Cận nhìn thẳng vào xã trưởng:

- Ta phải nói với dân để họ hiểu mà làm theo. Đất đai ở Thống Thượng nhiều nhưng tại sao người dân vẫn bỏ đi nơi khác làm ăn. Các người được triều đình, được huyện, được phủ cho ăn lộc của dân, các người phải nghĩ đến dân chứ.

Xã trưởng im lặng không nói gì. Đỗ Cận nói nhỏ như để vừa đủ cho xã trưởng nghe và cũng như tự nói với mình:

- Mỗi năm dân nộp bao nhiêu thuế, cứ như thế này, đến lúc dân không có gì để nộp nữa.

Xã trưởng ngập ngừng:

- Xin đại quan để cho hạ quan suy xét thêm, rồi sau xin thưa lại với đại quan.

Đỗ Cận chậm rãi:

- Ta thấy người dân làm ra hạt thóc, củ khoai, chăn nuôi được con lợn, con gà, lên rừng kiếm được gánh củi… nhưng không biết bán ở đâu. Vua Lê Thánh Tông đã từng khuyến dụ: “Trong dân gian hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới”. Ta thấy các người cần bảo dân làm con đường xuống chợ Vạn, để cho dân đi lại buôn bán. Về lâu dài con đường này sẽ được mở mang đi lên hướng Tây phía dãy núi Tam Đảo.

Xã trưởng khoanh tay:

- Xin tuân lời đại quan.

Đỗ Cận nói như một lời tâm sự:

- Bảo ban dân làm được những điều ta vừa nói, ta tin dân không còn đói kém, họ sẽ không còn bỏ quê đi nơi khác kiếm sống nữa.

Ngừng một lát, Đỗ Cận nói tiếp:

- Ở phía Đông Nam xã Thống Thượng, có ngôi miếu từ xa xưa thờ thần linh của nhân dân vùng Sơn Cốt. Bây giờ là Miếu Vật thờ Dương Tự Minh, thủ lĩnh phủ Phú Lương, quê ở Quan Triều. Ông là người thẳng thắn trung thực, có lòng thương dân, có công tiêu diệt giặc Tống năm Đại Định thứ 5 (1148) và có công tiêu diệt bọn tham quan càn rỡ bảo vệ vững chắc ngai vàng cho Triều đình nhà Lý năm Đại Định thứ 22 (1150).

Đôi mắt của Đỗ Cận nhìn ra xa như hồi tưởng điều gì, giọng ông sôi nổi hơn:

- Ngôi miếu này còn thờ Tướng quân Lưu Nhân Chú, ông là người ở Đại Từ một vị tướng tài của Lê Thái Tổ, có công giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh. Tướng quân Lưu Nhân Chú đã đến vùng này tuyển mộ nghĩa quân. Trong thời gian tuyển mộ nghĩa quân ở đây, ông đã tổ chức thi đấu vật tại bãi đất trước Miếu cổ. Từ đó nhân dân gọi là Miếu Vật. Sau này, khi chiến thắng quân Minh, đã có lần Lưu Nhân Chú trở lại thăm và ghi lưu niệm tại Miếu Vật.

Giọng Đỗ Cận càng nói càng phấn chấn:

- Thủ lĩnh Dương Tự Minh và tướng quân Lưu Nhân Chú là người có công lớn với dân với nước, cần có nơi thờ cúng lâu dài, để muôn đời sau lấy đó làm gương mà noi theo.

Bỗng giọng Đỗ Cận chùng xuống:

- Tiếc rằng do thời gian quá lâu, lại không được xây dựng, tu bổ, ngôi miếu đã hư hỏng nhiều. Ta biết, từ lâu nay, nhân dân sáu giáp gần đây đều đến ngôi miếu mà hương khói, thờ cúng, do vậy ngôi miếu này cần được xây dựng mở mang rộng rãi hơn.

Đôi mắt Đỗ Cận đầy vẻ suy tư:

- Ta biết những việc ta vừa nói, cần nhiều người, nhiều công của, riêng chỉ dân Thống Thượng cũng khó kham nổi. Rồi ta sẽ có ý bảo ban các xã bên cùng làm. Riêng việc san đồng, lấy ruộng cho dân cấy trồng, đào mương lấy nước, tiêu nước thì người bảo dân sau vụ này làm ngay đi. Có điều gì khó, ta với các ngươi cùng lo.

Xã trưởng khoanh tay:

- Hạ quan xin nghe lời của đại quan. Được như vậy thật phúc cho dân Thống Thượng.

Đỗ Cận suy nghĩ thêm, rồi nói tiếp:

- Còn ngôi Miếu Vật, ta cũng đã xem xét, cần phải làm lại to và rộng hơn, bền vững hơn để cho nhân dân sáu giáp này có nơi thờ cúng. Xem ra cả vùng đất Thái Nguyên không có cây to gỗ quý. Hồi làm bố chánh phủ Thanh Hoa, ta thấy trong đó có nhiều gỗ tốt lâu năm. Việc này để ta nhờ quan bố chánh phủ Thanh Hoa cho người đục đẽo, trạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh rồi ta cho người vào vận chuyển ra đây thay thế cho ngôi miếu cũ. Việc huy động dân làm là do các người cắt cử. Ta tin việc như thế dân tình sẽ làm theo thôi.

Xã trưởng lại khoanh tay:

- Đa tạ đại quan, hạ quan sẽ hết sức mình làm theo lời của đại quan.

* * *

Đã hơn một tuần trăng, người dân ở Thống Thượng, từ thôn Hạ, thôn Thượng, thôn Trằm, thôn Đậu đến thôn Lầy, thôn Nga Sơn như sống trong ngày hội. Từ tờ mờ sáng nghe tiếng loa, tiếng trống, người dân đã đem dụng cụ san đào đất, tấp nập tập trung tại sân đình. Rồi từng đoàn chia nhau, đoàn đi san đất ruộng, đoàn đào mương, đoàn làm đường… Mỗi đoàn có hàng trăm người, nét mặt người nào cũng hồ hởi, như làm việc của nhà mình. Những đầm lầy bao năm bị bỏ hoang, dần dần đã được san lấp thành những thửa ruộng. Những khu đất bên sườn đồi, ngày trước gặp mưa là nước trôi tuột kéo theo những lớp đất mầu, bây giờ người dân đắp bờ san phẳng phiu thành những thửa ruộng. Một con mương dài được đào, dẫn nước từ đầm lên khu đất cao. Ngoài việc tưới tiêu, con mương còn là nơi người dân dùng thuyền, mảng nhỏ để chuyên chở phân tro, lúa, mạ… Con đường mòn đi đến chợ Vạn, trước đây gập ghềnh chỉ đủ cho người đi gánh gồng, giờ đã được mở rộng đến vài thước, mặt đường được san lấp phẳng phiu, đi lại dễ dàng. Xã chính, xã sử, xã tư và mấy ông trưởng thôn, chạy ngược, chạy xuôi, có lúc cũng tay cuốc, tay mai cùng làm với dân.

Sau hôm gặp xã trưởng, Đỗ Cận gặp tri phủ Phổ Yên, nói rõ ý kiến của mình và yêu cầu tri phủ có giấy gửi đến các xã có liên quan cùng làm với người dân Thống Thượng, đặc biệt là con đường đi qua chợ Vạn vào gần chân núi Tam Đảo, nên số người làm lên tới cả mấy nghìn.

Từ hôm nhân dân các thôn hô hào nhau đi san đất làm ruộng, đào mương, mở mang đường sá, hôm nào Đỗ Cận cũng trong bộ quần áo dân thường đi hết khu vực này đến khu vực khác để đôn đốc dân chúng. Đi đến đâu, ông cũng vui lòng vì thấy mọi người vui vẻ, làm việc hăng say. Đỗ Cận nghĩ đến một ngày không xa nữa, dân tình không còn đói kém, người dân sẽ hồi hương. Gặp xã trưởng cũng đang tất bật đi kiểm tra dân chúng làm, Đỗ Cận vỗ vai, thân mật:

- Đến hôm nay, người đã tin vào dân chưa?

Xã trưởng tỏ ra lúng túng:

- Dạ thưa đại quan, quả tình khi đầu hạ quan rất lo lắng, vì đây là việc chưa từng có ở xã Thống Thượng và phủ Phổ Yên ta.

Đỗ Cận hỏi tiếp:

- Đến bây giờ người thấy thế nào?

- Dạ đến bây giờ hạ quan thấy mọi việc sẽ tốt đẹp ạ, nhưng…

Đỗ Cận nhìn xã trưởng:

- Ông còn băn khoăn điều gì, đúng không?

Xã trưởng lấm lét nhìn Đỗ Cận:

- Dạ… không ạ.

Đỗ Cận nghiêm nghị:

- Ngươi cứ nói đi, đừng ngại. Ta không bắt tội đâu.

Xã trưởng ngập ngừng:

- Dạ đúng là hạ quan còn băn khoăn một điều là khi các đầm lầy bị lấp đi, con mương được đào lên, có động gì đến long mạch vùng đất Thống Thượng này không ạ?

Đỗ Cận nói chậm, rõ ràng:

- Khi còn trẻ, ta đã đến vùng đất này nhiều lần. Trước khi nói với ngươi về san đất làm ruộng, đào mương và làm đường, ta cũng đã xem xét cụ thể, ta thấy không có đầm nào san lấp và con mương được đào có thể chạm vào long mạch đất Thống Thượng. Làm được những việc này chỉ tốt cho dân thôi, ngươi hãy tin vào ta.

Xã trưởng tỏ vui vẻ:

- Dạ vâng, đội ơn đại quan.

* * *

Khi thầy đồ mất, Đỗ Cận đang làm tham nghị xứ Quảng Nam, bận việc triều đình, đường sá xa xôi, tiếp đó lại là thời gian đi sứ, ông không về chịu tang được. Chuyện này Đỗ Cận cứ mang nỗi ân hận mãi trong lòng. Mãi sau đó mấy năm, có điều kiện về quê, Đỗ Cận mới đến được gia đình thầy để thăm hỏi và ra ngôi mộ được xếp bằng đá ở bên đồi để viếng thầy. Đỗ Cận nhớ hôm ấy, khi vừa thắp ba nén hương, lầm rầm xin thầy sá cho lỗi muộn mằn của mình thì tất cả chân hương trong bát hương bốc cháy. Đỗ Cận hiểu lời cầu của mình đã linh ứng đến với thầy. Cũng bao năm nay, trong nỗi niềm sâu thẳm, Đỗ Cận muốn làm một điều gì đó để báo hiếu với thầy.

Còn hơn tuần trăng nữa mới hết thời gian cư tang mẹ, Đỗ Cận đến nhà người con trưởng của thầy đồ:

- Từ lâu nay, thầy là ân nhân của đời ta. Khi thầy mất ta không có nhà. Ta muốn xây ngôi mộ cho thầy, để báo đáp công ơn trời bể.

Người con trưởng của thầy đồ lễ phép:

- Đa tạ quan lớn, gia chủ không dám phiền quan lớn.

Đỗ Cận vỗ vai người con của thầy đồ:

- Ta với ngươi là tình huynh đệ, ta không làm được việc này thì suốt đời ta mắc lỗi với thầy.

Người con của thầy đồ cúi đầu:

- Đa tạ quan lớn.

Ngay ngày hôm sau, Đỗ Cận cho gọi người chở gạch đá đến xây mộ thầy đồ. Ông còn thuê người khắc tấm bia lớn đặt lên mộ thầy.

Đỗ Cận quỳ xuống vái ba lần. Nhìn ngôi mộ thầy đồ mới xây xong Đỗ Cận thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái đôi phần.

* * *

Thời gian cư tang mẹ sắp hết, chuẩn bị về kinh đô. Đỗ Cận dành mấy ngày đi thăm lại đất đai mà khi ông đỗ Tiến sĩ, nhà vua cấp cho mấy chục mẫu đất và ruộng, đất đồi và ao. Số ruộng đất đó, gia đình ông thuê người làm. Bây giờ mẹ đã mất, Đỗ Cận nghĩ, sau đợt này chắc mình ít có dịp về quê.

Buổi tối ông cho mời trưởng thôn, mấy ông chú, ông cậu, bà cô, bà dì đến nhà:

- Lâu nay tôi không ở nhà. Khi nhà tôi có việc, đã được bà con trong làng, các chú, các cô, các cậu, các dì trong họ đến giúp đỡ, tôi xin đa tạ mọi người. Tới đây tôi về kinh đô, việc triều đình bận rộn, chưa rõ khi nào về quê được. Hôm nay tôi mời mọi người đến đây để nói rõ một ý.

Mọi người nhìn nhau, chưa hiểu quan Thượng thư định nói gì. Thôn trưởng lễ phép:

- Có điều gì xin đại quan dạy bảo.

Đỗ Cận nói chậm, rõ từng câu:

- Số ruộng, vườn được triều đình ban cho tôi, nay tôi chỉ giữ lại một phần, còn lại tôi sẽ để cho dân làng và người trong họ.

Ngừng một lát, Đỗ Cận nói tiếp những điều ông đã sắp đặt từ trước:

- Cánh đồng lớn trước cửa đình, tôi sẽ để lại cho dân làng làm của chung, hàng năm lấy hương hỏa cúng lễ. Còn ruộng, ao, rừng tôi sẽ dành cho họ hàng, mỗi người một phần… Ngay ngày mai, thôn trưởng và trưởng bạ, theo ý tôi mà làm giấy tờ cụ thể.

Mọi người vô cùng ngạc nhiên, họ chưa từng được thấy, được nghe chuyện một ông quan đem ruộng đất chia cho dân làng và họ hàng như vậy. Thôn trưởng ngập ngừng:

- Thưa đại quan…

Đỗ Cận quả quyết:

-Đó là ý của ta, ta đã suy nghĩ lâu nay rồi. Các ông cứ vậy mà làm.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 3 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước