Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
14:00 (GMT +7)

Thực trạng chiếu sáng đô thị ở thành phố Thái Nguyên, giải pháp hướng tới phát triển đô thị bền vững

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, thành phố Thái Nguyên đang ngày càng thể hiện rõ sức mạnh của một đô thị loại I với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng đô thị phát triển thông minh, hiện đại.

Để phát triển đô thị thông minh, bền vững, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố thông minh, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiết kiệm chi phí điện năng, giảm phát thải bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Thực trạng chiếu sáng đô thị ở thành phố Thái Nguyên, giải pháp hướng tới phát triển đô thị bền vững
 Khu vực trung tâm thành phố Thái Nguyên nhìn từ trên cao

1. Thực tế hiện nay cả nước đa phần chưa lập quy hoạch chiếu sáng đô thị được phê duyệt. Ngoài 3 đô thị trực thuộc trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã lập, phê duyệt quy hoạch chiếu sáng đô thị, phần lớn các đô thị còn lại chỉ có nội dung quy hoạch chiếu sáng trong đồ án quy hoạch đô thị. Cũng chính vì như vậy nên không có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn để có danh mục đầu tư, nguồn vốn đầu tư mà chỉ có kế hoạch hàng năm, và không chủ động được triển khai thực hiện các công trình chiếu sáng công cộng, chỉ giải quyết được yêu cầu sử dụng tạm thời, chưa mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững. Ngoài ra, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập, không đồng bộ, manh mún trong đầu tư phát triển lĩnh vực này... nên rất nhiều nơi chiếu sáng đô thị thiếu tính thẩm mỹ, thiếu kiểm soát, có nguy cơ ô nhiễm ánh sáng...

Thực trạng hệ thống chiếu sáng đô thị tại thành phố Thái Nguyên chỉ mới đáp ứng cơ bản về đảm bảo an toàn giao thông, chú trọng trong việc chiếu sáng giao thông cho tuyến phố hoặc bố trí cho các công trình trọng điểm, chủ yếu là những không gian lễ hội, giải trí. Nguyên nhân một phần do các thiết bị chiếu sáng được sản xuất bằng vật liệu hoặc công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng, trong khi cần phải tiết kiệm năng lượng cho tương lai. Điều này vô tình dẫn đến việc tạo ra nhiều khoảng thiếu sáng cho không gian kiến trúc vào đêm. Chiếu sáng đô thị còn phải đảm bảo an ninh trật tự xã hội, mang tính nghệ thuật cao. Chiếu sáng đô thị phải được bố trí phù hợp khiến người dân cảm thấy an tâm, an toàn tham gia giao thông khi trời tối. Nó cũng kích thích mọi người rời khỏi nhà để tham gia các hoạt động cộng đồng ngoài trời, hoặc sử dụng phương tiện công cộng vào ban đêm, là một tiềm năng rất lớn để phát triển thương mại, du lịch cho thành phố.

Qua quan sát thực tế tại thành phố Thái Nguyên hiện nay cũng đã có nhiều công trình mới xây dựng được chú ý phần chiếu sáng trang trí ngoại thất. Các công trình được làm đẹp không chỉ phần kiến trúc, mà còn là các không gian ngoại thất cảnh quan như cổng, tường rào, cây xanh... kết hợp đèn chiếu sáng trang trí khi hết ánh sáng mặt trời nhưng chưa được đồng đều tạo thành các vùng sáng, tối không đều và cũng chưa hài hòa, có nơi bị mờ nhạt hoặc bị yếu tố thời tiết (mưa, nắng, các mùa trong năm…) chi phối làm ảnh hưởng cảnh quan chung.

Như ngay tại đường tròn trung tâm, công trình Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam với diện tích gần 40.000m2, là một trung tâm văn hóa lớn có kiến trúc đẹp và đồ sộ của tỉnh, nhưng phần chiếu sáng mới chỉ dừng lại là ánh sáng hắt xung quanh kết hợp đèn sân vườn thưa thớt, không tạo được điểm nhấn cho công trình và có phần tạo ra khoảng tối cho một góc trung tâm thành phố. Trong tình trạng tương tự là công trình Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nằm tại vị trí đối diện công trình Bảo tàng không có hệ thống chiếu sáng trang trí ngoại thất, sân vườn... Việc bố trí ánh sáng soi rọi công trình khi hết ánh sáng mặt trời, ngoài bảo vệ an ninh còn tạo cho thành phố một bộ mặt không có không gian đường phố nào giống nhau, đây chính là sự khác biệt phong phú dựa trên nguyên tắc thiết kế riêng từng không gian và bề mặt ngoại thất theo hình khối kiến trúc. Các công trình khác nhau, tạo ra cảnh quan khác nhau, tạo nét đặc sắc muôn màu của hệ thống chiếu sáng công cộng.

Trung tâm thành phố điểm nhấn là đảo tròn trung tâm lấy đài phun nước kết hợp hệ thống ánh sáng nhiều màu khi hoạt động tạo nên một không gian ánh sáng huyền ảo qua các tia nước cũng là nơi giao nhau của 4 trục đường chính từ 4 hướng kết nối giao thông vào trung tâm thành phố. Trên 4 tuyến đường có hệ thống chiếu sáng giao thông bằng đèn led, kết hợp treo hoa văn trang trí đô thị bằng đèn led đảm bảo chiếu sáng và trang trí trên các tuyến đường, nhưng chưa tạo được tính trang trí mỹ thuật đặc sắc của từng tuyến phố, cũng như điểm kết nối là đảo tròn trung tâm khi đài phun nước phun nước kết hợp hệ thống ánh sáng nhiều màu không hoạt động.

Ngoài ra khu vực Quảng trường Võ Nguyên Giáp cũng không thường xuyên đảm bảo chiếu sáng và thiết kế chiếu sáng cho công trình tạo thành điểm nhấn của trung tâm thành phố, thúc đẩy người đân tham gia các hoạt động cộng đồng thường xuyên mà chỉ chiếu sáng vào các dịp lễ, tết và các chương trình đặc biệt của tỉnh, thành phố. Dòng Sông Cầu là điểm nhấn của định hướng phát triển đô thị thành phố hai bên sông chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng; cảnh quan cũng như hệ thống chiếu sáng ven sông, tạo ra khoảng tối về ánh sáng là rất lớn không thúc đẩy được các hoạt động phát triển kinh tế về đêm và kết nối thành một hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh như định hướng phát triển đã đề ra.

Đôi khi ánh sáng đô thị còn là hiệu quả đem lại từ các màn hình led truyền tải thông điệp, thông tin khi lắp đặt phải có nghiên cứu kỹ về hình thức, điểm thu hút thị giác sao cho an toàn với người tham gia giao thông và chống lóa cho các công trình xung quanh… Bảng thông tin led tại đường tròn trung tâm thành phố nằm bên cạnh Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam nhiều khi trình chiếu các video, hình ảnh, ánh sáng mạnh phát ra từ màn hình khiến những phương tiện tham gia giao thông đi từ đường tròn hướng về phía đường Bắc Kạn, bị lóa, gây bất lợi khi tham gia giao thông.

2. Thành phố Thái Nguyên với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng đô thị phát triển thông minh, hiện đại, kế thừa và phát huy những thành tựu để trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mở rộng về hai bờ sông Cầu cần định ra phương hướng và xây dựng kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị hiệu quả nhất.  Xin đưa ra những giải pháp sau.

Cần lập quy hoạch chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên; đánh giá hiện trạng về hệ thống chiếu sáng đô thị, xác định các chỉ tiêu chiếu sáng cho các đối tượng được chiếu sáng; dự báo nhu cầu điện năng cho chiếu sáng. Khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chiếu sáng đô thị; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị; xây dựng phần mềm và ban hành hướng dẫn kiến thức về điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị; hoàn thành hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện và thay thế đèn led của hệ thống chiếu sáng đô thị. Ngoài ra việc thiết kế và áp dụng công nghệ chiếu sáng nghệ thuật hiện đại (công nghệ hình ảnh ba chiều 3D Hologram, màn hình Led 3D, đèn chiếu lazer 3D…) phù hợp theo đặc điểm hình khối từng công trình kiến trúc để làm đẹp, tạo điểm nhấn về đêm, đặc biệt cho các công trình văn hóa - kiến trúc (Quảng trường, Bảo tàng Văn hóa, phố đi bộ, đảo tròn đài phun nước và 4 trục đường chính kết nối vào trung tâm thành phố...) cũng rất cần thiết để đảm bảo tính thẩm mỹ và nghệ thuật.

Để đạt hiệu quả hệ thống chiếu sáng đô thị thành phố Thái Nguyên hiện có và xây dựng mới phải được cải tạo và xây dựng theo hướng chiếu sáng thông minh được quản lý và điều hành từ Trung tâm điều khiển chiếu sáng đô thị thành phố. Trung tâm có khả năng kết nối đồng bộ để quản lý, giám sát, điều khiển từ xa tất cả các thiết bị chiếu sáng như: chiếu sáng các công trình giao thông đô thị, chiếu sáng không gian công cộng trong đô thị, chiếu sáng mặt ngoài các công trình trong đô thị...; có khả năng tương tác với các nền tảng thông minh khác của đô thị thông minh và các lĩnh vực khác để thu thập các thông tin trong thành phố. Trung tâm cũng đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả trong quản lý, tiết giảm năng lượng, đảm bảo cung cấp ánh sáng đúng, đủ cho địa điểm và thời gian phù hợp, làm tăng mức độ an toàn cho người dân thành phố.

Ngoài ra việc hình thành các trục đường chiếu sáng mang đậm bản sắc lịch sử, văn hóa thành phố Thái Nguyên, nhằm thúc đẩy vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa đặc biệt là các hoạt động kinh tế về đêm như trục đường chiếu sáng kết nối quảng trường, chợ truyền thống, trục đường chiếu sáng kết nối các di tích văn hóa kiến trúc lịch sử, trục đường chiếu sáng hai bên bờ Sông Cầu là rất cần thiết.

KTS. Vũ Tùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy