Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:16 (GMT +7)

Thực thần – dễ có ngày bán mạng

Chỉ cần là một người hay lướt mạng xã hội như Facebook, YouTube hay TikTok, không khó để chúng ta bắt gặp những video về thử thách ăn uống “siêu to, siêu nhiều” với khoản treo thưởng hấp dẫn từ các hàng quán dành cho những ai có năng lực “thực thần”.

“Bé Mai” (bên phải) chiến thắng trong lần thi ăn nhanh hết 5 tô phở. Ảnh cắt từ clip.
“Bé Mai” (bên phải) chiến thắng trong lần thi ăn nhanh hết 5 tô phở. Ảnh cắt từ clip.

 

Motip phổ biến là quán sẽ đưa ra thử thách, nếu người tham gia có thể ăn hết khẩu phần món ăn (từ vài kilôgam đến vài chục kilôgam) thì sẽ được nhận khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Nếu ăn không hết trong khoảng thời gian quy định, người chơi chỉ phải trả tiền cho đồ ăn mà thôi. Những video này khá thu hút, nhận được sự quan tâm và tương tác lớn của người dùng mạng xã hội. Người ta dừng lại xem vì sự tò mò, muốn biết người tham gia có thể chiến thắng thử thách hay không. Mặc dù trào lưu ăn uống “siêu to, siêu nhiều” này không mới lạ, nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước, được nhiều youtuber trong và ngoài nước thực hiện với mục đích giải trí, song hễ thấy có người “ăn thùng uống vại” là vẫn muốn xem.    

Thời gian gần đây, trào lưu ăn uống “siêu to khổng lồ” đang nở rộ trở lại, bắt đầu từ thử thách của một quán bún chả sứa ở quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Quán đưa ra thử thách dành cho người tham gia là tô bún khổng lồ với phần bún 1 kg cộng thêm 1,2 kg đồ ăn kèm nước lèo. Người thắng cuộc sẽ nhận được 1,3 triệu đồng, còn thua thì phải trả lại 300 nghìn đồng cho quán. Nếu có thể ăn hết 2 tô bún như thế sẽ nhận ngay 30 triệu đồng. Bé Mai, sinh năm 2005, quê ở tỉnh Vĩnh Long là nhân vật gây sự chú ý đặc biệt khi tham gia thử thách, trong vòng 80 phút đã ăn hết 2 tô bún với tổng khối lượng gần 4,5 kg và uống thêm 2 chai nước ngọt.

Việc đưa ra thử thách ăn uống “siêu to khổng lồ” đã và đang được các chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống đua nhau thực hiện. Người ta sẵn sàng chi tiền thưởng để nhận về sự tương tác của cộng đồng mạng, thông qua các video được đăng tải nhằm quảng bá, thu hút khách hàng đến với quán. Trào lưu thử thách “thực thần” lan rộng từ các quán bún, bánh xèo, gà rán, quán nước trái cây, đồ ăn cay… Khi nhận được tương tác cao, các quán ăn còn nâng cao mức tiền thưởng, khiến sự quan tâm của cộng đồng thêm phần đặc biệt.

Bé Mai nổi lên như một nhân tố phi thường khi “chinh chiến” qua nhiều hàng quán và ăn đâu thắng đó. Tính sơ sơ qua hơn chục video tham gia thử thách ăn uống với số lượng siêu nhiều, từ bún mì, gà rán, cơm cà ri, bánh xèo, món Thái, trái cây…, cô này đã có thu nhập gần cả trăm triệu đồng.

Một youtuber tên Nga sumo cũng khiến dân tình ngạc nhiên bởi sức ăn khủng khiếp, song dáng vóc rất bé nhỏ. Các video ăn uống nổi bật của Nga sumo có thể kể đến như: 2kg mỡ lợn; 48 bát tiết canh; 100 trứng vịt lộn; 4kg lợn quay, uống 6 lon bia trong vòng 35 giây; ăn bát bún riêu hải sản gần 5kg trong 15 phút… Nga sumo không tham gia thử thách ăn để lấy thưởng, xem các video ăn uống của cô thì thấy, việc ăn đa phần là muốn trải nghiệm, thử sức bản thân và quay clip. Tuy ăn khá thoải mái, không nhồi nhét mệt nhọc như một số cá nhân tham gia thử thách để giành tiền thưởng, song cô này cũng ăn với tốc độ cực nhanh.

Lướt xem các video ăn uống siêu khủng ấy, thấy nhiều ý kiến bày tỏ sự nể phục trước khả năng ăn uống của người chơi. Với những trường hợp như Bé Mai, không ít người cho rằng đây là cơ hội “làm giàu không khó”. Song đa phần các bình luận bày tỏ lo ngại, cho rằng việc ăn cùng lúc một lượng lớn thức ăn với tốc độ quá nhanh như vậy, thật sự rất hại cho cơ thể, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Có nhiều video Bé Mai ăn mà đầu tóc bết bát, mồ hôi nhễ nhại, ăn không kịp thở, người xem cũng cảm thấy mệt ngang.

Ở một video thử thách ăn bánh xèo (12 chiếc bánh kèm hơn 1 kg rau sống các loại) nhưng không giành chiến thắng, cô gái tiết lộ vừa phải nhập viện. Tuy không tiết lộ bệnh gì, nhưng nhiều nghi vấn của cộng đồng cho rằng có liên quan tới việc đi ăn kiếm tiền của cô.

Có ý kiến cho rằng, việc các hàng quán đưa ra thử thách để thu hút khách hàng cũng là một cách họ làm truyền thông, nên khó trách. Nhưng ở khía cạnh người tham gia, thì vì tiền mà bất chấp hệ lụy sức khỏe, liệu có đáng?

Việc ăn quá nhiều và ăn thật nhanh trong một thời gian ngắn sẽ vô tình buộc người chơi phải nhai qua loa, nuốt vội vàng, khiến một số cơ quan nội tạng như dạ dày, túi mật, gan, thận, tim,… phải hoạt động tích cực để xử lý và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây cũng chính là căn nguyên tạo nên những áp lực về sau cho dạ dày, dễ gây rối loạn hấp thu. Ăn nhanh, ăn nhiều khiến cơ thể mất kiểm soát năng lượng, người luôn trong tình trạng buồn ngủ, đó là còn chưa kể đến những nguy cơ xấu khác như thừa cân, béo phì, suy thận và nhiều hệ lụy về tiêu hóa...

Các “thực thần” chịu nhịn đói cả ngày, sau đó lại ăn một lượng thức ăn khổng lồ thì chẳng khác gì là “bán mạng”. Đã có trường hợp sau khi tham gia thử thách phải nhập viện cấp cứu, bị đau bụng 3, 4 ngày liền vì rối loạn tiêu hóa.

Ăn để kiếm tiền là một chuyện, bên cạnh đó cũng có không ít người tham gia thử thách ăn để “tạo nét” trên mạng xã hội. Không gian mạng ồn ào bởi những màn so sánh khả năng thực thần của người này người kia, thậm chí là những màn “khiêu chiến” lẫn nhau. Có người tham gia thử thách lại khiến người xem ngán ngẩm bởi cách hành xử thiếu văn hóa khi chê bai, bóp đồ ăn, thậm chí là chửi tục khi không giành chiến thắng...

Xem các video ăn uống “siêu to khổng lồ” ấy, quả thật thấy lo ngại hơn là thích thú. Tham gia thách thức nhằm mục đích săn tiền thưởng, xét cho cùng là lợi bất cập hại. “Thực thần”, không bao giờ có thể trở thành một loại nghề nghiệp để mưu sinh. Khi trào lưu này thoái trào, chắc có lẽ nhiều thực thần cũng phát sợ... chính mình!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 48 phút trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 6 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 15 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 16 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước