Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
05:38 (GMT +7)

Thực hiện các chuyên mục đặc thù góp phần lan tỏa, làm sinh động đời sống văn học, nghệ thuật

(Tham luận của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên lần thứ VII)

Thành lập từ tháng 6/1991, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có quá trình phát triển không ngừng, trở thành một tờ báo tuần, có tiếng vang trong làng báo chí văn nghệ cả nước. Từ ngày 01/02/2021, Báo được chuyển đổi thành Tạp chí với tên gọi “Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên”. Và từ đây, Văn nghệ Thái Nguyên có 2 phiên bản: Tạp chí in xuất bản mỗi tháng 2 kỳ (ra ngày 10 và 25 hằng tháng), 44 trang, in màu trên khổ 28,5 cm x 36 cm. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho phép thiết lập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Cả 2 phiên bản này hoạt động đều đặn gần 4 năm qua và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đồng chí Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên lần thứ VII
Đồng chí Trần Văn Thép, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên phát biểu tham luận tại Đại hội 

Bản thân tên gọi “Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên” đã cho thấy tính đặc thù của báo, đó là một tờ báo chuyên ngành về lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh. Nhìn vào các chuyên mục, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó: “Văn xuôi”, “Thơ”, “Văn học nước ngoài”, “Bút kí – Phóng sự”, “Nghiên cứu – Trao đổi”… Trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, ngoài những chuyên mục như tạp chí in nêu trên, còn một số chuyên mục đặc thù của báo điện tử, như Video, Audio, Emagazine, Infographic, Multimedia giúp đa dạng các hình thức thông tin, góp phần làm lan tỏa, sinh động đời sống văn học, nghệ thuật.

Khai thác tính đặc thù, đi sâu vào các lĩnh vực chuyên ngành văn học nghệ thuật là con đường tất yếu, nhưng làm thế nào để nâng cao chất lượng bài viết, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thì đó mới là điều căn cốt. Hơn 30 năm qua kể từ ngày thành lập, Văn nghệ Thái Nguyên đã luôn chú ý điều này. Với một bộ máy vô cùng khiêm tốn (hiện tại gồm 6 biên chế, và lại thêm cả tạp chí điện tử như đã nói), nên việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên là cực kỳ quan trọng. Mặt khác, muốn có những tác phẩm chất lượng cao thì không thể chỉ trông vào các tác giả, các văn nghệ sĩ ở trong tỉnh, mà phải mở rộng ra phạm vi toàn quốc, thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài. Nhờ quá trình giao lưu, kết nối bền bỉ, đến nay, Văn nghệ Thái Nguyên đã có một đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, trong đó có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận là những tên tuổi lớn của trung ương.

Để làm phong phú các nội dung tuyên truyền, hàng năm, Tạp chí và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện lớn. Điển hình như: Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hoa núi” (tổ chức hàng năm, từ 2021); tham gia Hội Báo Xuân của tỉnh, của trung ương; tổ chức các Cuộc thi: “Đọc từ trái tim” (2021 và 2023); Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” (9/2021); Cuộc thi Bút kí - Phóng sự 2021 – 2023; … Bên cạnh đó, Tòa soạn còn tích cực tham gia các Cuộc thi, Giải thưởng do trung ương và tỉnh phát động. Thông qua hoạt động này, đã tiếp thêm động lực và thôi thúc các tác giả cố gắng hơn trong việc tìm tòi, phát hiện và khai thác những đề tài hay, nâng cao hơn nữa chất lượng của tác phẩm.

Các cuộc thi “Đọc từ trái tim”, “Tôi và Thái Nguyên” và cuộc thi “Bút kí - Phóng sự” do Tạp chí phát động đã để lại những dấu ấn sâu đậm. “Đọc từ trái tim” hướng đến một hình thức thể hiện mới là các tệp âm thanh, do cả những người chuyên nghiệp và không chuyên nhưng có đam mê và muốn thử sức tham gia, từ đó tạo nguồn cộng tác viên cho chuyên mục Podcast “Xóm Chòi kể” (lên sóng số đầu vào ngày 18/9/2022 với tần suất mỗi tuần 1 số). Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên” giúp khơi gợi những ký ức, cảm nhận của mỗi người về mảnh đất, con người Thái Nguyên. Sau Cuộc thi, chuyên mục này vẫn tiếp tục được duy trì đến nay và luôn thu hút sự quan tâm của độc giả. Còn với cuộc thi “Bút kí - Phóng sự”, đó thực sự là một “sân chơi” mang tính chuyên nghiệp của những nhà văn, nhà báo, những độc giả yêu mến văn chương, báo chí. Dưới ngòi bút văn chương, các tác phẩm đã nêu lên bức tranh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thái Nguyên, phản ánh các vấn đề đang được công chúng Thái Nguyên quan tâm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội ở các chiều khác nhau. Lược qua về 3 cuộc thi đó để thấy rằng, Văn nghệ Thái Nguyên đã chú trọng việc tạo ra hoạt động để thu hút cộng tác viên, đồng thời thu hút thêm độc giả cho tờ báo.

Thực hiện các chuyên mục đặc thù góp phần lan tỏa, làm sinh động đời sống văn học, nghệ thuật
Các đại biểu dự Đại hội

Xin được nói đôi điều về các chuyên mục Video, Audio, Emagazine, Infographic, Multimedia… trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử. Chúng ta đều biết rằng, sản phẩm media đòi hỏi phải có chuyên môn và thiết bị công nghệ, thậm chí là các thiết bị công nghệ đắt tiền. Như vậy, các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ… hầu hết sẽ không đáp ứng để cung cấp sản phẩm đặc thù này cho Tạp chí. Việc cộng tác với đồng nghiệp thuộc các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn để họ cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh cũng không hề dễ dàng, bởi họ cũng đều bận rộn, và thường cũng phải dành những đề tài hay để làm cho báo của mình. Đó là chưa kể đến, cái “form” của Văn nghệ khác với form của các cơ quan báo chí khác... Trước những khó khăn nêu trên, Văn nghệ Thái Nguyên đã tìm ra bước đi thích hợp: từng bước đào tạo đội ngũ và kết nối với cộng tác viên để thực hiện một phần công việc. Chẳng hạn: tận dụng ưu thế của các hội viên là những nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa giỏi về ảnh nghệ thuật, vừa có khả năng làm ảnh báo chí… tham gia cộng tác, thực hiện phần ảnh của bài Emagazine; cộng tác viên là nhà văn có thể viết phần nội dung trong đó, để cùng với biên tập viên của Tòa soạn biên tập nội dung và làm đồ họa. Hoặc với Video của chuyên mục “Muôn nẻo đường quê” hay “Chân dung nghệ sĩ” có thể do phóng viên của Tòa soạn viết kịch bản, lời bình, thậm chí dẫn chương trình hay làm nhân vật trải nghiệm, còn phần ghi hình và dựng hình là nhờ người và thiết bị ở bên ngoài.

Có thể nói, từ chỗ “tay không”: không có phóng viên được đào tạo chuyên sâu; không có thiết bị kỹ thuật; chưa từng có chuyên mục và sản xuất các sản phẩm media… nhưng Tòa soạn đã không ngần ngại đi thẳng vào lĩnh vực “công nghệ” này. Đến nay, các sản phẩm: Video, Emagazine, Infographic, Multimedia, Podcast,… của Tạp chí đã được định vị, đảm bảo về chất lượng, được độc giả đón nhận.

***

Là một trong ba cơ quan báo chí của tỉnh, với những tính chất đặc thù, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã có một chỗ đứng riêng và định vị thương hiệu của mình trong làng báo chí văn nghệ cả nước.

Con đường phía trước còn dài, chúng tôi còn không ít khó khăn, khiếm khuyết, nhưng tin rằng với truyền thống đoàn kết, vượt khó; với phương châm Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển, Văn nghệ Thái Nguyên nhất định sẽ vươn xa hơn nữa, tiếp tục đổi mới, phát triển và gặt hái nhiều kết quả trong thời gian tới.

2 đã tặng

1

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy