Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
08:03 (GMT +7)

Thuật nói nhại

VNTN - “Nói nhại” là một thủ pháp sáng tác. Theo đó, người nói nhại phỏng theo những câu, những bài đã có trước, thường là nổi tiếng, mà tạo ra hình thức diễn đạt  mới và nội dung ngữ nghĩa mới, có tác dụng gây cười, châm biếm. Ví dụ từ câu thơ trong bài “Hai sắc hao ti gôn” : “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/ Thở dài những lúc thấy tôi vui”, ai đó có thể vui đùa mà nhại thành câu: “Người ấy thường hay lục ví tôi/ thở dài những lúc ví tôi vơi” để vui đùa hoặc phê phán người bạn thực dụng.

Nói nhại là một tủ pháp nghệ thuật phỏng theo câu thơ câu văn có trước mà tạo ra “sản phẩm ngôn từ” mới.  Tuy vậy nói nhại khác với “đạo văn”. “Đao” văn là chép lại câu văn, câu thơ, hoặc cả tác phẩm hoặc ý tưởng của người khác mà không ghi xuất xứ văn bản gốc, có thể có chế biến đôi chút nhưng về cơ bản vẫn là câu chữ, ý tứ của người tạo ra văn bản gốc. Còn nói nhại thì phỏng theo văn bản có trước, tạo ra câu văn hoặc văn bản mới, về hình thức giống hoặc gần giống với văn bản gốc nhưng hướng tới đich ngôn trung khác. Câu ca dao: “Cưới vợ thì cưới liền tay/ Chớ để lâu ngày có kẻ gièm pha” có ý khuyên người ta trong việc cưới xin. Câu ca dao này có người nhại để nói lên nỗi chua chát trong thời lạm phát cao, đồng tiền mất giá: “Lãnh tiền thì lãnh liền tay/ chớ để lâu ngày mất giá khó tiêu”  

Nói nhại cũng khác với “lẩy Kiều” ( hay “tập Kiều”). Lẩy Kiều là lấy câu LỤC ở đoạn này ghép với một câu Bát ở đoạn khác của Truyện Kiều để tạo thành những cặp lục bát mới , diễn đạt nội dung mới. Ví dụ: Để tả cái sáo diều, có người lẩy hai câu Kiều: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời/ Đinh ninh hai miệng một lời sông song” Một  giai thoại kể rằng: Hai người bạn chơi thấn nhau. Người này vay tiền của người kia, lâu không trả. Chủ nợ đành phải nhắc khéo:

 Rằng ngày hôm nọ giao binh

Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây

Tháng tròn như cuội cung mây

Tường đông nghé mắt ngày ngày hằng trông.

Anh bạn vay nợ vội gửi tiền trả và gửi kèm theo mấy câu lẩy Kiều:

Trước sau cho vẹn một lời

Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau

Rằng trong ngọc đá vàng thau

Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?

Lẩy Kiều còn là trường hợp trích dẫn một số câu nguyên văn hoặc có thay đổi đôi chữ để vận dụng vào những hoàn cảnh giao tiếp tương tự.

Nói nhại cũng là môt kiểu sáng tác. Phỏng theo  một câu/ bài có trước, tùy theo mục đich mà người ta có thể “nhại “ thành các câu/ bài khác nhau, tùy theo mục đích nhại: Câu thơ trong bài “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.Kh : Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/ Trời ơi! Người ấy có buồn khôngcó thể bị nhại thành “Nếu biết rằng tôi sắp bỏ chồng/ Trời ơi người ấy có vui không?” nhàm mục đich vui đùa, phê phán hiện tượng quan hệ trai gái không lành mạnh; hoặc nhại thành : Nếu biết rằng tôi đã làm chồng/ Vợ là người ấy có kinh không?”nhằm phê phán các bà vợ quá quắt trong cư xử với chồng.

Nói nhại, thường gặp ,trước hết là nhại từ.

Từ ngữ , được mọi người  thừa nhận và sử dụng thường xuyên mọi lúc mọi nơi, ta gọi là từ ngữ dạng chuẩn. Các từ ngữ chuẩn đó, đôi khi được người nói, người viết cố ý dùng sai chệch đi  nhằm biểu đạt một dụng ý nào đó.Việc nói “chệch” âm khiến cho từ trở nên đồng âm với một từ khác. Từ nói nhại trở nên lấp lửng hai nghĩa khác nhau. Thời kháng chiến chống Mỹ, Bác Hồ, trong một số bài báo, đã  gọi  tướng Mỹ  Oét – mô – lân là “Vét mồ lên”, gọi đại sứ Mỹ Ca bốt lốtlà “Cá bỏ lọt”. Hiện nay, trong khẩu ngữ, nhiều người vẫn gọi các tài xế (lái xe) mà lái ẩu, vi phạm luật giao thông, gây nguy hiểm cho nhiều người là “quái xế”, gọi quý tử là con yêu quý nhưng nếu hư, láo thì sẽ bị nhại thành “quái tử”.

.Hiên tượng nói nhại có thể xảy ra ở các từ, cụm từ, câu và cả văn bản (bài văn, bài thơ).

Để tạo ra các dạng từ ngữ nói nhại, tiếng Việt có nhiều biện pháp.

Trước hết là ở cấp độ ngữ âm, một từ có thể được phát âm chệch đi các âm thanh tạo nên mọt hình thức mới. Nhờ đó, hình thức mới này của từ sẽ mang một nét nghĩa mới: “anh hùng” là người có công trạng đặc biệt, đáng được ca ngợi,  nhưng nếu nói nhại , chệch âm đi thành “Yêng hùng”  thì lại có nghĩa là người / hành động liều lĩnh, đáng phê phán”. Tương tự như vây, chúng ta thấy trong tiếng Việt có nhiều từ “nói nhại” bằng biện pháp biến âm: hăng hái/ xăng xái; xung phong/ thông phongưu tú/ yêu túgiáo chức/ giức cháo.Hình thức nhại do biến âm thường đồng âm với một từ, ngữ khác. Trong trường hợp đó dạng nhại sẽ sẽ là hình thức lấp lửng hoặc hiểu thế này hoặc hiểu thế kia. Ca – bôt - lôt mà phát âm thành “cá bỏ lọt”, ca dao nhại thành ca raodanh tướng nhại thành ranh tướng, danh ngôn nhại thành ranh ngôn… sẽ gợi ra sắc thái khinh thường, mỉa mai.

Tạo ra dạng nhại của từ có thể được thực hiện bằng việc thay thế một yếu tố trong cấu tạo từ ghép. Từ ghép là từ do sự kết hợp của hai tiếng có nghĩa mà thành. Khi nhại từ, một hoặc vài yếu tó trong từ ghép được thay thế bằng những yếu tố khác.  Ví dụ phó ban, thủ trưởng, tiến sĩ… khi nhại từ, một trong các yếu tố tạo từ ghép sẽ bị thay thế bằng một yếu tố khác, yêu tố thay thế đồng âm với một từ đơn nào đó trong từ vựng, khiến cho dạng từ nhại được hiểu “lấp lửng “ theo các nghĩa khác nhau. Môt anh nào đó được cử làm phó ban, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ lại thường gây mất đoàn kết nội bộ, người ta sẽ gọi chệch ra thành  phá ban, một tập thể  hỗn độn, mất đoàn kết nội bộ sẽ bị gọi là tạp thể. Để chỉ các tác phẩm văn nghệ có nội dung không lành mạnh, người ta nhại văn hóa phẩm thành văn uế phẩm. Khoa học xã hội là một lĩnh vực khoa học muốn có kết qủa nghiên cứu  phải dày công học tập, nghiên cứu. Nhưng có ai đó nghĩ rằng đó là lĩnh vức nhàn nhã, làm qua loa, thì người ta lại nhại thành khoa học xả hơi.Hiện nay người dân thường phải nộp nhiều loại phí như  học phí, viện phí, .. có những việc muốn suôn sẻ phải bỏ tiền ra để đút lót nhà chức trách,. Từ các loại phí hợp pháp, hợp lệ như vừa nói, dân chúng đã nhại từ tạo ra “tiêu cực phí,” “bôi trơn phí”. Để chỉ và phê phán những hành vi tham nhũng. Và để chỉ những khỏan chi tiêu  bừa bãi, tùy tiện lại có từ “lăng nhăng phí”. Đó là kiểu cấu tạo từ nhại dựa theo khuôn mẫu của từ chuẩn có trước.

Nhại từ còn được tạo ra bởi phỏng theo tiếng nước ngoài. Phê phán thái độ vô trách nhiệm  người ta dùng cụm từ “mặc kệ nó” đọc liền, viết liền và biến thanh thành mackeno hay mackebono. Ngược lại, có khi một từ tiếng nước ngoài được phát âm chệch thành từ Việt. Yamaha tên một sản phẩm xe máy tiếng Nhật được nhại thành từ tiếng Việt: già mà ham.

Nhại từ ngữ có khi được cấu tạo bằng cách chơi chữ đồng âm và kết hợp với những từ ngữ biểu thị một nội dung cần phê phán.  Các nhà sư thường có họ Thích.. Trong sinh hoạt, vui đùa, người ta nhại: “ anh ấy tên là Thích Tăng Lương”  hoặc để phê phán những người hay làm những việc khuất tất bằng cách gọi “anh ây là thích đi đêm

Dạng “nói nhại “ của các từ có hình thức gợi ra dạng chuẩn, có thể hiểu mập mờ theo nghĩa gốc của nó, nhưng rõ ràng đã biến nghĩa, biểu thị một nội dung khác với dạng chuẩn và mang một giá trị bổ sung thể hiện sự đánh giá của người nói về điều được nói đến.

Trong các tác phẩm văn chương, nói nhại thường được dùng như một thủ pháp nhệ thuật. Ở đây hình thức nói nhại không phải chỉ là sự biến đổi ngữ âm hay các thành phần cấu tạo từ mà nhiều khi còn là sự biến đổi cả một câu, một đoạn hay toàn bài văn . Trong truyện “Trạng lợn” tác gải dân gian đã để cho nhân vật đọc chệch câu “Thiên tich thông minh, thánh phù công dụ “ thành  “thiên tích thong manh, thánh nằm chỏng gọng”. Cách đọc “chệch” xét từ phía nhân vật là do dốt, nhưng xét từ phía tác giả lại là một sự cố ý để biểu thị một thái độ.

Thủ pháp nói nhại thượng gặp là hiện tượng “chế” các thành ngữ tục ngữ, bằng cách thay thể thành phần các từ ngữ trong câu thành ngữ, tục ngữ vốn có, tạo ra hình thức mới biểu thị nội dung mới. Trong dân gian có câu: “ Gậy ông đập lưng ông” chỉ những việc làm xấu tự mình gây hại cho bản thân mình. Nhưng thực tế có người làm những việc gây tác hại đến những người thân, ruột thịt. Do đó câu thành ngữ được nhại thành “Gây ông đập lưng bà”. Câu thành ngữ “nhại” vừa gây cười vừa có ý phê phán những hành động, những việc làm xấu.

Ngày xưa, trong học hành thi cử, thường có câu “Học tài thi phận” để nói về sự may rủi trong các kì thi. Nhưng ở những nơi nào đó thi cử không coi trọng tài năng và tri thức mà quá chú trọng vào thành phần xã hội , thì câu tục ngữ trên lại được nhại ra thành: “học tài thi lý lịch”, và  hiện nay việc thi tuyển công chức, có những cơ quan tổ chức thi cử  không trung thực, tiêu cực thì câu tục ngữ lại bị nhại thành “học tài thi tiền”.

Nói nhại nhiều khi được thực hiên bằng biến đổi từ ngữ của câu văn, câu thơ  của các nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Xuân Diệu có câu thơ: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tô buồn” . Trong lúc vui chơi , đùa tếu một sinh viên nghêu ngao: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi cười không hiểu vì sao tôi cười!”. Nhưng “nhại” thường thì để tỏ một thái độ, một quan điểm khác với câu văn câu thơ gốc. Xuân Diệu trong bài “Là thi sĩ” viết : “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió” Sóng Hồng nhại lại: “Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu”…Phê phán óc bè phái, cục bộ, người ta “nhại” câu ca dao: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn “ thành “Ta về ta tắm ao ta/Dù dơ, dù bậy phe nhà vẫn hơn”.

Các tác phẩm văn thơ nổi tiếng thường hay bị trích dẫn một, một số câu để nhại. Rất hay gặp là hiện tượng nhại Kiều. Khác với “lẩy Kiều,” nhại Kiều tuy cũng phỏng theo câu thơ trong Truyện Kiều, nhưng câu nhại tạo ra nội dung có tính chất vui đùa hoặc đả kich. Nguyễn Du  than cho số phận của những người phụ nữ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” Một ai đó  khi đùa cợt có thể nhại thành “Sung sướng thay phận đàn bà/ Đi đâu cũng được người ta nuông chiều” Thường thì người ta nhại Kiều để tỏ thái độ phê phán. Nguyễn Du nhận xét về hai chị em Kiều và Vân: “Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười” . Có người nhại câu này để phê phán những ai hư hỏng: “Mỗi người mỗi vẻ mười phân hỏng mười”.

Các tác phẩm văn thơ nổi tiếng cũng thường được nhại theo để phục vụ cho những mục đích khác nhau. Mở đầu “Bình Ngô đại cáo’ Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” Một ông anh có thể nhại câu này thành lời dặn dò đàn em học hành: “Việc học hành cốt ở siêng năng/ Trong thi cử trước cần trung thực”.  Thời bao cấp, bữa ăn của nhà ăn tập thể quá nghèo nàn. Do vậy, đã có người nhại bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến thành bài”Thực đơn hằng ngày của ký túc xá:” như sau:

Thau canh nhỏ bé nước trong veo

Một miếng dưa leo bé tẻo teo

Vài cọng lá hành hơi gợn tí

Mỗi anh một muỗng múc đưa vèo!

Từng người mặt mũi sao xanh tái

Mình mẩy chân tay thịt chẳng đeo!

Tựa gối ôm bài lâu hổng nổi

Có đâu đủ sức để o mèo!

 (Thiện Minh- Tuổi trẻ cười)

Nói nhại là một thủ pháp nghệ thuật ngôn  từ., dựa vào các câu văn câu thơ, các tác phẩm có sẵn, người ta phỏng tác ra các hình thức mới nhằm vui đùa hoặc châm biếm, đả kích. Nhiều câu nói nhại thể hiện  tính trào lộng, và  châm biếm., gây sự hứng thú cho người nghe.Thuật nói nhại thường dùng trong các tác phẩm trảo phúng.    

  Lương Bèn

[su_button url="https://vannghethainguyen.vn/2016/11/22/10565/"]Trở về thư viện tác giả[/su_button]

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy