Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
18:23 (GMT +7)

Thư Sigmund Freud gửi con gái Mathilde

VNTN - Giới thiệu:

Sigmund Freud sinh ngày 6/5/1856 tại Freiberg (Áo), ngày nay thuộc Cộng hòa Séc, và mất ngày 23/9/1939 tại Luân Đôn. Ông là một nhà Thần kinh học, là cha đẻ của thuyết Phân tâm và được coi là một nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20. Ông xuất thân từ một gia đình Do thái tầng lớp bình dân. Ông là con trai cả trong cuộc hôn nhân cuối cùng của cha mình, và có năm em gái và hai em trai.

Theo Henri Ellenberger, “cuộc đời của Freud là một ví dụ về sự thăng tiến giai cấp trong xã hội, đi từ tầng lớp bình dân hạ đẳng để tiến đến giai cấp tư sản thượng đẳng.” 

Trên thực tế, gia đình Freud đi theo xu hướng thuộc phần đông những người Do thái thành Vienne thời ấy. Sigmund Freud không được nuôi dậy trong một chế độ truyền thống Do thái chính thống khắt khe, mà ngược lại, ông được nuôi dậy khá cởi mở và được hấp thụ nền triết học Ánh sáng. Ngay từ nhỏ, ông đã nói tiếng Đức, tiếng Yiddish và hình như biết tiếng Tây Ban Nha thông qua một phương ngữ pha lẫn với tiếng Hébreu mà khi ấy được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng Do thái ở thành Vienne. 

Là một đứa trẻ thông minh, trong những năm đầu đời, Sigmund Freud luôn đứng đầu lớp ở trường học. Năm 1873, ông vào Đại học ở thành phố Vienne. Ba năm sau, ông vào viện Sinh lý học của Ernst Brucke và tận tâm nghiên cứu Mô học của hệ thống thần kinh. Giữa những năm 1878-1879, ông làm nghĩa vụ quân sự và dịch tập 12 trong tuyển tập hoàn chỉnh của triết gia người Anh, Stuart Mill.

Freud học xong chương trình đại học năm 1881 và trở thành bác sỹ. Năm 1882, ông vào làm việc trong khoa của giáo sư bác sỹ đa khoa Nothnagel, người khởi xướng bộ môn Điện sinh lý học tại Vienne, và được thông báo về quá trình điều trị của Bertha Pappenheim (được biết dưới tên Anna O. trong phân tích tâm lý), Bertha bị vướng chứng cuồng loạn ic-tê-ri. Ông là một trong những người đầu tiên làm về bệnh bại não (hậu quả thần kinh do bệnh tật, bất kể nguồn gốc của chúng, ảnh hưởng đến hệ thần kinh đang phát triển).

Ông trở nên nổi tiếng khi nghiên cứu chứng hystérie (chứng cuồng loạn), và sử dụng thôi miên như là phương pháp chữa các chứng rối loạn tâm thần. Nhưng ông nghiêng nhiều về phân tích tâm lý nhiều hơn để điều trị liệu pháp thông qua tiếng nói và ông cũng đã nghiên cứu vô thức, tức là đề cập đến chủ đề giấc mơ.

Năm 1916-1917, Freud xuất bản tác phẩm phổ biến nhất của ông: Giới thiệu về Phân tâm học. Năm 1917, ông cảm thấy mệt mỏi, nghĩ đến cái chết nhưng vẫn rất nỗ lực để tiếp tục công việc của mình. Năm 1919, ông tiếp xúc rộng rãi với người Anh và người Mỹ, tìm kiếm bệnh nhân và các bác sĩ muốn theo con đường nghiên cứu phân tâm học.

Freud rất giỏi trong nghiên cứu, những cuốn sách và những bài giảng của ông đã làm rạng danh tên tuổi ông và do vậy cũng kéo theo cả những chống đối trong cộng đồng y học lúc bấy giờ. Dẫu đã khiến được nhiều người tò mò muốn tìm hiểu những suy nghĩ và thuyết mới của mình, nhưng ông cũng có thêm nhiều kẻ thù. Tuy nhiên, Freud có một trở ngại rất lớn, tức là ông không chấp nhận bất kỳ ai không đồng ý với quan điểm của ông, nên thời đó cũng có khá nhiều người công khai phản đối thuyết của ông trên một số diễn đàn.

Năm 1925 ông xuất bản tác phẩm Cuộc đời tôi và Phân tâm học, cuốn tự truyện dành nhiều cho sự nghiệp khoa học và phát triển các ý tưởng của ông hơn là nói về cuộc sống riêng tư của ông. Năm 1931, ông được bổ nhiệm là thành viên danh dự của Hiệp hội các bác sĩ thành Vienne. Ông qua đời vào ngày 23/9/1939, do ung thư hàm răng, sau khi bị rơi vào tình trạng hôn mê sâu.

Là cha đẻ của thuyết Phân tâm, là nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20, người dành cả đời mình cho các học thuyết nghiên cứu nhưng ông cũng là một người cha đầy yêu thương (ông có bốn người con), luôn luôn sẵn sàng giúp các con mình bằng cách trả lời những vấn đề chúng đặt ra. Qua lá thư dưới đây, trong chủ đề tình yêu, Sigmund Freud đã đưa ra những câu trả lời đơn giản, đúng mực và phải chăng, cho con gái Mathilde của mình. Học yêu không phải là một việc đơn giản!

Ngày mùng 6 tháng Năm 1908

Con gái Mathilde yêu dấu của bố,

Bố hoàn toàn không bị bất ngờ trước những gì con viết cho bố. Đương nhiên rồi, là bố đã đợi để con tự nói ra mà thôi. Bởi bố tin tưởng nơi con và bố tin rằng con đã không phản bội lại niềm tin tưởng ấy. Nếu con thấy hài lòng và hạnh phúc về mình, thì bố cũng hạnh phúc như vậy, con gái yêu ạ. 

Bố chỉ có thể cho con vài lời khuyên và muốn con chú ý thận trọng đến vài thứ. Con có thể đã biết rằng người ta cần phải học yêu, hệt như tất cả mọi thứ khác trên đời. Thế nên khó mà tránh được cái mà chúng ta thường gọi là sai lầm. 

Không nhất thiết cứ là mối tình đầu thì buộc phải trở nên bền bỉ đâu. Ý định của con muốn tiếp xúc qua lại với R.[obert] H.[ollitscher] cho đến tận lúc các con làm quen chơi thân với nhau có lẽ là hợp lý nhất đấy. Nhưng con cũng biết những rủi ro có thể gặp phải chứ, xã hội này dành quá ít tự do cho một cô gái trẻ và sẽ uổng công thôi khi một cá thể muốn đấu chọi lại cả một xã hội. Nguy hiểm lớn nhất có lẽ là ta tự để chính mình “trượt” vào trong đó nhanh hơn và sâu hơn mà ta đã muốn lúc ban đầu; dù gì đi nữa, bản chất của con người là luôn vội vã. Nên nếu như con vẫn còn có thể duy trì được lâu mối quan hệ ở mức bạn bè thân thiện vui vẻ, thì cứ tiếp tục nhé. 

Từ những thông tin đầu tiên mà bố thâu lượm được về cậu ấy, bố có cảm giác dẫu chưa chắc chắn rằng mẹ cậu ấy vướng chứng bệnh tâm thần khó chữa, và có lẽ chính cậu ấy cũng có tiếng không phải là một người đàn ông khỏe mạnh. Ấy thế mà con biết đấy, về mặt sức khỏe mà nói thì con phải tìm được ở nơi người chồng của mình, và cả nghị lực nữa; đáng buồn là các nhân cách tốt và tao nhã lại không phải lúc nào cũng là những người mạnh khỏe nhất. Bố không biết chắc chắn đâu. Bây giờ đương nhiên là bố sẽ quan tâm đến chuyện ấy, và sẽ đề nghị Dì của con dò hỏi gia đình Dub về tình hình của cậu ấy. Con chắc chắn sẽ không đánh giá cao rằng những tính toán lạnh lùng như vậy thì không đáng được coi trọng song song ngang hàng với tình cảm. 

Việc con không có mặt ở đây, với bố thì lại đặc biệt thích hợp trong bối cảnh này; bố hi vọng rằng những cảm xúc của con sẽ không lấy mất những gì mà mặt trời và không khí trong lành tiếp thêm cho tinh thần chung của con. Tóm lại, con biết rất rõ rằng bố chẳng vội vã gì để nhìn con lập gia đình trước tuổi 24 và con có lẽ cũng sẽ hài lòng với các người bạn khác của con nữa chứ, ấy là bố hi vọng thế. Nhưng chớ có vội kết luận rằng bố có điều gì đó chống lại cậu R. H. nhé, ngoài vài lời căn dặn tự nhiên nhất dành cho con, và chuyện ấy thì cũng hết sức thường tình thôi. Bố đã luôn chờ đợi để đem con theo trong ký ức là một trong những học trò và môn đồ dễ thương và thân thiện nhất của mình. 

Con thấy là bố luôn luôn sẵn sàng cho con những lời khuyên, nhưng nói thực ra thì phải do chính con điều khiển cách vận hành của mọi sự, tựa như chuyện phải diễn ra như thế. Còn về Salzbourg, bố chẳng thể viết gì cho con được. Bố không có thời gian, nhưng bố sẽ nhanh chóng viết tiếp để trả lời con. Bố chỉ nói được điều này thôi: ấn bản biên niên sử là của chính chúng ta và đã được bảo đảm. 

Hãy chuyển lời chào thân ái của bố đến Raab và hãy đón nhận lời chúc tốt đẹp nhất của một người cha yêu con gái bằng tất cả trái tim mình.

Bố của con

Freud

 

Hiệu Constant (sưu tầm và dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 1 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước