Thứ năm, ngày 02 tháng 01 năm 2025
23:06 (GMT +7)

Thư Pénélope gửi Ulysse

(Thư giả tưởng do Ovide viết)

Giới thiệu 

Chúng ta ít nhiều đã đọc hoặc nghe nói đến sử thi Iliad và Odyssey của đại thi hào Homère. Trong đó nhắc nhiều đến người anh hùng Ullysse. Sau chiến thắng thành Troie (Trojan), người hùng trở về Hi Lạp thì gặp bão biển rồi lạc vào các hòn đảo, gặp bao tai ương… Trong thời gian đó thì vợ chàng, nàng Pénélope xinh đẹp ở quê nhà chờ chồng. Nàng cũng gặp nhiều sức ép, người ta cho rằng chồng nàng đã chết và ép nàng tái hôn, nhưng nàng không chịu, và rút cục ra một điều kiện rằng nàng sẽ dệt một tấm áo, khi nào áo được dệt xong thì sẽ tái hôn. Chuyện kể rằng ban ngày nàng ngồi dệt vải, rồi ban đêm lại cặm cụi tháo ra, cứ như vậy… Và cuối cùng nhờ trời thương nên Ullysse đã trở về.

 Pénélope và Ullysse (Tranh minh họa)

Tác giả Ovide

Ovide tên la tinh đầy đủ là Publius Ovidius Naso, sinh năm 43 TCN tại vùng Sulmona, miền Trung nước Ý và mất năm 17 SCN khi viễn xứ ở thành Tomis (nay là thành phố Constanta thuộc Roumanie). Ông là một thi sỹ đã sống suốt giai đoạn thành lập Đế chế La Mã. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Nghệ thuật Yêu (Art d'aimer) và Sự biến hóa (Métamorphoses).

Tượng chân dung thi sỹ Ovide

Xuất thân từ một gia đình khá giả, Ovide được thừa hưởng một gia sản lớn. Ông theo học ngành Tu từ học tại thành Roma. Ở tuổi 18, ông được cha cho đi du lịch đến Athène, chuyến du lịch đã ghi dấu ấn sâu đậm và ảnh hưởng đến các tác phẩm văn chương của ông, chủ yếu là cuốn Sự biến hóa.

Sau chuyến du lịch dài ngày đến Hi Lạp, ông bắt đầu hành nghề Luật pháp để làm hài lòng cha, thi thoảng ngồi ghế Ủy viên tòa án mười người của Tòa án. Nhưng ông nhanh chóng rời bỏ nghề quan tòa và hành chính. Ông bị thơ ca, niềm đam mê và khiếu thiên phú của ông thu hút. Là một nghệ sỹ thượng lưu, nhạy cảm, hóm hỉnh và tinh tế, ông giao lưu với các nhà thơ Horace, Tibulle và Properce.

Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương ở tuổi 24 với tác phẩm Tình yêu, xuất bản năm 19 TCN. Sau đó ông trở nên nổi tiếng rất nhanh với ba tập thơ Héroïdes, những lá thư giả tưởng nhắm tới các nữ nhân vật trong Thần thoại ; Nghệ thuật yêu, xuất bản năm 01 TCN, viết về lí thuyết quyến rũ, và Các phương thuốc chữa bệnh tình, xuất bản năm 02 SCN.

Sau tuổi bốn mươi, ông không tiếp tục thơ ca gợi tình nữa mà dành thời gian viết Sự biến hóa, những bài thơ gồm 12.000 câu lục ngôn, được in thành mười lăm tập. Đó là những câu chuyện kể về thần thoại Hi lạp và La mã. Mặc dù bản chất các chủ đề dường như rất rải rác thì mối liên hệ giữa những tác phẩm này rất có thể là thuyết chiêm tinh mà Ovide đã lồng vào nhiều bài thơ, và chúng phản ánh cuộc hội thoại giữa ông với các đức tin thời hậu-Pythagore.

 Dưới đây là bức thư giả tưởng được trích trong tập Héroïdes, trong đó Pénélope trải lòng tâm sự với Ullysse khi chàng mãi chưa về sau trận thắng thành Troie.

Dưới đây là thư Pénélope gửi Ulysse: 

Gửi chàng Ullysse

Pénélope của chàng gửi thư này đến chàng, quá muộn màng Ulysse ạ. Đừng viết trả lời em làm gì mà hãy tự mình đến nhé. Thành Troie, thật bỉ ổi trước các phụ nữ Hy Lạp, thì chắc chắn đã thất thủ rồi. Priam và toàn bộ thành Troie chỉ hơi ngang giá với những gì em phải trả mà thôi.

Ôi cái gã trộm cắp ngoại tình của em ấy, giá mà hắn đã bị chôn vùi trong dòng nước cuồn cuộn khi đoàn thuyền đưa hắn đến Lacédémone! Thì em chắc sẽ không khóc chồng vắng bóng và để em trong cảnh chăn đơn gối lạnh đâu. Xa hắn, em sẽ không kết tội tháng ngày trôi quá chậm và, góa phụ của chàng sẽ không còn phải nhìn thấy một tấm vải dệt vẫn luôn dang dở trên đôi tay mệt mỏi của mình để cố gắng lấp khoảng trống trong các đêm đen thăm thẳm dài đằng đẵng.

Khi nào thì em đã không sợ những hiểm họa lớn hơn thực tế ư? Tình yêu luôn luôn lo lắng và sợ hãi không ngừng, chàng thân yêu của em ơi! Em hình dung đám dân thành Troie cuồng loạn nhảy xổ vào chàng. Cái tên Hector luôn khiến em tái người. Em đã được người ta cho biết rằng Antiloque đã bị Hector đánh bại, Antiloque là một trong những mối lo của em. Em cũng được biết dẫu với những vũ khí lợi hại thì con trai nhà Ménoete cũng đã tử trận. Em khóc khi nghĩ rằng thành công có thể phải cần đến mánh khóe. Máu của Tlépolème đã nhuộm đỏ lưỡi giáo của một người lính xứ Lycie (hiện thời là lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - ND), cái chết của Tlépolème khiến cơn hãi hùng của em tái diễn. Rút cục mà nói thì bất kỳ chiến binh nào trong trại Hy Lạp tử trận, thì con tim em đều trở nên lạnh giá hơn cả đá băng.

Nhưng một vị thần công bằng đã trợ giúp tình yêu trinh trắng của em. Thành Troie đã bị biến thành tro bụi và chồng của em vẫn còn sống. Các thủ lĩnh Argos đã trở về. Hương trầm nghi ngút trên các ban thờ. Di hài những người Barbare được đặt dưới chân các vị thần Tổ quốc. Những người vợ trẻ mang đến đó những món quà ân tình, hiến tặng vị thần cứu rỗi của chồng mình, còn những người này lại ca ngợi số phận các con dân thành Troie đã bị bại trận dưới tay đồng đội của họ. Những cụ già đầy trải nghiệm và các thiếu nữ ngưỡng mộ họ. Người vợ nghe như uống từng lời của chồng đang nói.

Một số chiến binh phác lại trên mặt bàn hình ảnh những trận chiến khiếp đảm, và trong vài giọt rượu vang, trận Pergame hiện ra toàn bộ rõ rệt : “Chỗ này là sông Simois chảy qua, chỗ này là mũi đất Sigée. Chính chỗ này mọc lên tòa lâu đài nguy nga oai vệ của lão già Priam. Chính tại chỗ này mà con trai nhà Eaque trú quân, chỗ này là Ulysse. Xa hơn, Hector bị rạch mặt khiến những con ngựa kéo xe cho anh ta cũng phải sợ hãi.”

Ông già Nestor đã kể hết mọi chuyện cho con trai chàng nghe, nó được phái đi tìm tin tức chàng và đã kể lại hết cho em nghe. Nó còn nói với em rằng Rhésus và Dolon bị cắt cổ chết, làm sao mà người này thì bị phản bội trong khi ngủ, người khác lại do bị mắc mưu chứ. Chàng đã quên người thân của mình mất rồi nên đã dám liều lĩnh chỉ đem theo mỗi một tên lính và ban đêm bí mật lẻn vào doanh trại quân Thraces và đã giết chết rất nhiều kẻ thù trong cùng một lúc. Liệu đó có phải là khôn ngoan không? Liệu đó có phải là nhớ về em không? Nỗi sợ hãi đã khiến tim em run rẩy cho đến tận lúc người ta cho em hay rằng chàng đã chiến thắng, chàng đã được tung hô khắp đoàn quân Ismare.

Nhưng có ích gì đối với em khi đôi cánh tay lực lưỡng của các anh có thể đả chết sư tử, có ích gì với em khi các bức tường thành cổ bị vụn nát nếu như em cứ mãi như hồi thành Troie còn kháng cự trước vũ khí của các anh, nếu như em không biết chồng em còn vắng mặt đến khi nào? Thành bị hủy diệt thì dành cho người khác, với em chỉ cần Pergame vẫn trụ vững và tuy những con bò bị bắt được phải kéo cày dưới sự điều khiển của một người chiến thắng xa lạ. Mùa thu hoạch đã kịp tăng trưởng trên các cánh đồng mà thành Troie và đất đã trở nên màu mỡ thêm nhờ máu người Phrygie (nay thuộc nước Albanie - ND), tặng cho lưỡi hái mùa bội thu. Lưỡi cày cong vấp phải hài cốt những người lính tử trận chôn vội. Cỏ phủ đầy những ngôi nhà hoang phế.

Là người chiến thắng mà chàng vẫn luôn biệt tăm tích, còn em thì không biết nguyên do sự chậm trễ này lẫn việc chàng đang trốn lủi ở nơi nào, vô cảm trước những dòng nước mắt của em. Bất kỳ ai cặp bến nơi đây với con thuyền xa lạ của họ, thì cũng chỉ rời đi sau khi đã bị em chất vấn vô vàn điều liên quan đến vận mệnh chàng. Em đặt vào tay họ lá thư nhằm gửi tới chàng để kể về vận mệnh em lúc này, và họ phải đưa tận tay chàng, nếu như vô tình họ gặp được chàng ở nơi nào đó.

Em đã phái lão Nestor đến Pylos, nơi con trai Nélée cai trị, nhưng những tin tức ở Pylos không mấy chắc chắn. Em lại phái lão ấy đi Sparte, thì tại đây họ cũng không biết gì hết. Chàng đang sống trên dẻo đất nào, và chốn nào đã níu chân khiến chàng vắng mặt lâu đến thế? Em có lẽ sẽ kiếm được nhiều hơn nếu như các bức tường thành của thành Troie vẫn còn hiện diện (Than ôi! Chẳng hợp lý chút nào, em nổi cáu với chính những mong ước của mình!).

Bởi như vậy, em chắc biết rõ chồng em đang đánh trận ở đâu, em sẽ chỉ sợ chiến tranh, và em sẽ không phải sợ một mình mà sẽ có rất nhiều người cùng sợ như em. Em không biết em sợ cái gì. Tuy nhiên trong cơn thất lạc như em đang sống đây thì em sợ tất cả, và những lo lắng của em mới mênh mông làm sao. Tất cả mọi hiểm nguy mà biển rình rập, mà đất rình rập, em ngờ rằng chúng chính là nguyên nhân cho sự chậm trễ quá lâu của chàng. Trong khi em điên khùng thổ lộ những nghĩ suy này, thì có thể chàng đang bị tình yêu níu giữ trên một bến bờ xa lạ nào đó cũng nên, bởi đâu là sở thích không hay thay đổi của đàn ông chứ. Có thể chàng đang nói về tính quê kệch của vợ chàng bằng vẻ khinh miệt, người vợ chỉ biết làm sạch và tinh chế len từ đám lông cừu.

Nhưng cho dù đó là một sai lầm, và mong cho lời kết tội này tan loãng trong gió: hãy tự do trở về chàng nhé, chàng không muốn vắng mặt. Cha Icare của em ép em rời bỏ tổ ấm mà chàng đã bỏ mặc cho đơn lạnh, và kết tội sự vắng bóng vĩnh viễn này. Mặc kệ cha kết tội chàng, nếu cha muốn. Còn em thì không, em chỉ muốn được là của chàng thôi. Pénélope sẽ mãi mãi là vợ của Ulysse. Tuy nhiên, cha em đã bị sự dịu dàng và những lời cầu nguyện âm thầm của em thuyết phục nên sự ép buộc đã trở nên dung hòa hơn. Nhưng một đám đông người tình đến từ Dulichium, từ Samos và từ vùng đất tuyệt đẹp Zacinthe… cứ không ngừng bám theo chân em. Họ tập trung trong sân nhà chàng mà chẳng ai phản đối. Họ dành nhau trái tim em và gia sản của chàng. Em sẽ gọi tên chàng là Pisandre, Poybe, Médon - kẻ tàn nhẫn, Eurimaque, Antinoüs - bàn tay tham lam, và còn bao nhiêu cái tên khác, rằng sự vắng mặt đáng xấu hổ của chàng để cho khối tài sản dành được bằng máu của chàng bị thỏa thuê phân tán đi ư? Kẻ bần cùng Irus và Mélanthe dẫn đàn gia súc đến bãi chăn thả, sẽ hoàn thiện bức tranh xấu hổ và tàn lụi của chàng.

Ở đây nhà ta chỉ có ba người, quá yếm thế để chống lại họ: một người vợ yếu đuối, ông già Laerte và Télémaque còn là một đứa trẻ. Đứa con này, hồi trước biết bao khó khăn và cạm bẫy đã suýt khiến em mất nó. Nhưng dẫu vậy nó vẫn đang chuẩn bị để đi Pylos. Hãy cầu nguyện các thần linh để nó sẽ là người vuốt mắt cho em và anh, theo đúng thông tục của định mệnh. Đó cũng là nguyện ước của người chăn bò nhà ta, người vú già và cả người trung thành chăm nom cái chuồng bò uế tạp này.

Nhưng Laerte không thể chịu nổi sức nặng của vũ khí, không thể cầm vững cây đoản kiếm giữa bọn kẻ thù này. Với tuổi mình, miễn sao nó tiếp tục sống, Télémaque sẽ trau dồi sức mạnh, nhưng sự yếu kém hiện giờ của nó chắc cần cha nó giúp lắm. Em không đủ mạnh để đầy lùi kẻ thù ra khỏi cung điện nhà ta mà chúng đang bao vây. Hãy về đi, hãy về nhanh nhất có thể đi chàng. Chàng là bến bờ cứu hộ của gia đình ta, là nơi cư trú tị nạn của gia đình ta. Chàng đang có một đứa con trai và em mong chàng có thể giữ nó được lâu, tuổi trẻ của con cần được hình thành và phát triển trước tấm gương khéo léo trải nghiệm của người cha! Hãy nghĩ đến Laerte, người mà chẳng mấy nữa chàng sẽ phải vuốt mắt cho ông. Ông nhẫn nhục chờ đợi ngày cuối cùng của định mệnh. Phần em, khi chàng ra đi em còn rất trẻ, nhưng đến lúc chàng về, sớm hay muộn, thì chắc sẽ già đi rồi trong mắt chàng.

Pénélope

Hiệu Constant (Sưu tầm và dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 6 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước