Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
14:36 (GMT +7)

Thư Karl Marx gửi vợ Jenny

 VNTN - Giới thiệu:

Karl Marx (05/05/1818 - 14/03/1883) sinh tại thành phố Trèves, thuộc vương quốc Phổ (hiện này là Đức) và mất ở Luân Đôn, thuộc vương quốc Anh. Ông là một triết gia, kinh tế gia và chiến binh đấu tranh cho nền chính trị Đức.

Karl Marx - một triết gia, nhà tư tưởng lớn của chủ nghĩa xã hội khoa học

Ông xuất thân trong một gia đình Do thái, sau đó chuyển sang đạo Tin Lành. Đầu tiên ông học Luật, Lịch sử và Triết học. Ông khởi nghiệp bằng nghề báo và viết cho tạp chí Gazette rhénane”. Khi ấy ông đứng trước ngã ba các luồng tư tưởng: triết học Đức (Hegel, Feuerbach), chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp (Saint-Simon, Fourier) và kinh tế chính trị Anh (Smith, Ricardo). Học thuyết triết học của ông bắt đầu từ con người và được coi là hành động chứ không phải tư duy. Ông phê phán tôn giáo và nhà nước, đó là những thành tựu tưởng tượng và thay thế ý thức con người bằng ý thức thần thánh.

Karl Marx phát triển một nền triết học dựa trên cuộc đấu tranh giai cấp (bóc lột và bị bóc lột), là một động cơ của lịch sử. Chủ nghĩa duy vật biện chứng được đặc trưng bởi tính ưu việt của lịch sử (mọi thứ đều tiến triển), những tiến bộ đến từ những xung đột đã được giải quyết, hành động qua lại của vạn vật và tác động của chúng lên nhau, tiến bộ nhờ các bước nhảy vọt, nhờ các khủng hoảng đột ngột và bất ngờ (các cuộc cách mạng).

Giai cấp vô sản phải được tổ chức trên tầm quốc tế để chiếm quyền và, sau một thời kỳ quá độ (chế độ độc tài của giải cấp vô sản), dẫn đến việc bãi bỏ giai cấp và sự biến mất của Nhà nước (chủ nghĩa Cộng sản). Karl Marx đã tiên đoán đoạn kết của xã hội hiện thời mà chủ nghĩa tư bản sẽ tự hủy hoại, và như vậy cho phép sự đăng quang của một nhà nước Công nhân.

Chuyển từ lý thuyết sang thực tiễn, cùng với Friedrich Engels, Karl Marx thành lập Liên đoàn cộng sản vào năm 1847 và cùng người này soạn thảo  “Tuyên bố của Đảng Cộng sản”. Sau thất bại của Cách mạng Đức năm 1848, ông sống lưu vong tại Luân Đôn, tại đây ông vừa làm thứ công việc của người chiến binh (điều hành “Quốc tế công nhân” đầu tiên) vừa soạn thảo tác phẩm quan trọng nhất của ông, “Tư bản luận”, mà rút cục ông đã bỏ dang dở.

Karl Marx đã sống trong cảnh đói nghèo và được người bạn trung thành Engels hỗ trợ về tài chính. Những thuyết của ông đã được tiếp tục sau khi ông qua đời dưới dạng giáo lý, chủ nghĩa Marx, để dùng làm cơ sở cho các phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào công nhân vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, và cũng để biện minh cho sự thái quá của chúng.

Là triết gia, là nhà tư tưởng lớn của chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng trước hết ông cũng là một người đàn ông, hơn nữa lại là một người đàn ông đa tình. Trong lá thư này mà ông gửi cho vợ mình, Jenny, cha đẻ của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã để lộ ra khía cạnh một người đàn ông đầy đam mê, mà hình như những tình cảm trong ông còn mạnh hơn bất kỳ niềm tin chính trị nào.

Karl Marx và Jenny Marx đã có với nhau bảy người con.

Karl Marx và và vợ, Jenny

 

Ngày 21 tháng Sáu năm 1856

Trái tim yêu thương của anh,

Anh lại viết tiếp cho em, vì anh đang ngồi một mình và vì anh thấy gượng gạo làm sao khi mà lúc nào cũng trò chuyện với em trong tâm tưởng, mà em không hề biết hoặc chẳng nghe thấy gì hết, mà em không thể trả lời anh. Bức chân dung của em ấy mà, xấu tệ đến như thế, thì lại giúp anh được rất nhiều đấy, và bây giờ anh hiểu tại làm sao mà những “đức mẹ đồng trinh da đen”, các chân dung ô nhục ghê tởm nhất của Mẹ của Chúa, mà lại vẫn có những kẻ tôn thờ ngưỡng mộ đến tận cùng như vậy và thậm chí còn có nhiều người ngưỡng mộ hơn cả những bức chân dung có chất lượng.

Nói gì đi nữa, không một bức chân dung đại diện nào của các đức mẹ đã nhận được nhiều nụ hôn, nhiều ánh mắt đưa tình và bằng chứng ngưỡng mộ hơn bức ảnh của em đâu. Ảnh của em chắc chắn là không đen rồi, nhưng khắc nghiệt, và nhất là không hề phản ánh chút nào khuôn mặt thân thương dễ mến và thường xuyên vẫy gọi những nụ hôn, khuôn mặt dolce của em. Nhưng anh chỉnh sửa những đường tia nắng mặt trời đã tạo nên một lớp màu rất xấu và anh thấy rằng cặp mắt của anh, dẫu đã rất kém do thứ ánh sáng nhân tạo và do thuốc lá, thì vẫn còn biết vẽ, không chỉ trong mơ đâu, mà thậm chí còn trong cả những lúc thức nữa đấy.

Anh nhìn thấy em đứng trước mặt anh, bằng xương bằng thịt, và anh bế em trong đôi bàn tay của anh, anh đặt lên em vô vàn nụ hôn, từ đầu đến chân, anh quì xuống trước em và thầm thì : “Thưa phu nhân, tôi yêu nàng”. Và đúng là tôi yêu nàng thật, còn hơn cả gã Maure de Venise1 khi yêu nữa kia. Thế giới này, vốn giả dối và biến chất, quan niệm tất cả những người có cá tính riêng theo cách giả dối và biến chất của nó. Trong số rất đông những kẻ đặt điều cho anh và đám kẻ thù có miệng lưỡi độc ác, thử hỏi ai đã chưa từng khiển trách khi anh được gọi đến đóng một vai thanh niên đầu tiên trong một sân khấu hạng hai chứ? Tuy nhiên, đó là chuyện có thật đấy. Nếu như lũ vô lại này đã có tí đầu óc, thì chúng hẳn đã có một bên là “những quan hệ sản xuất và lưu thông”, và bên kia là anh đang quì dưới chân em. Look to this picture and to that - và đấy, đây hẳn là những chữ mà chúng nên viết giải thích phía bên dưới. Nhưng đó là lũ vô lại ngu xuẩn, và chúng sẽ mãi như thế thôi, in seculum seculorum.

Một sự vắng mặt tạm thời là một điều tốt, bởi chúng hiện hữu, mọi thứ giống nhau quá đỗi để ta khó mà phân biệt được chúng. Ngay cả những cái tháp, khi nhìn gần, cũng thấp tí như kích thước của chú người lùn vậy, trong khi những vụ việc nho nhỏ diễn ra hàng ngày, khi được xem xét quá kỹ, thì chúng lại vụt lớn nhanh quá. Không là gì khác ngoài những niềm đam mê.

Những thói quen nho nhỏ, mà do sự gần gũi thì trở thành một dạng đam mê, và chúng biến mất ngay khi đối tượng trực tiếp của chúng được che khỏi tầm nhìn. Những niềm đam mê lớn, do sự gần gũi với đối tượng của chúng, lấy lại kích thước tự nhiên nhờ hành động huyền diệu của thời xa xưa. Tình yêu của anh là như vậy đấy. Em chỉ cần trốn khỏi anh và đó chỉ qua giấc mơ thôi, thì anh sẽ ngay lập tức biết rằng thời gian chỉ giúp cho tình yêu của anh tăng lên thôi hệt như nắng và mưa khiến cho cây cối phát triển. Tình yêu của anh dành cho em, ngay khi em ở xa, xuất hiện đúng như nó vốn thế, hệt như một người khổng lồ mà tất cả mọi sức lực của tinh thần anh và sự quả quyết của trái tim anh đều tập trung vào đấy.

Anh lại cảm thấy mình là đàn ông, bởi anh cảm nhận được một niềm đam mê lớn lao, và sự đa dạng mà do nghiên cứu và văn hóa hiện đại thường làm chúng ta rối lên, chủ nghĩa hoài nghi mà chúng ta đã dùng nó để gièm pha tất cả những cảm giác chủ quan và khách quan, chúng được tạo ra rất hoàn hảo để biến chúng ta thành những kẻ nhỏ nhoi, yếu đuối, sụt sùi và không nhất quán. Nhưng tình yêu mà chúng ta đang mang không phải cho người đàn ông của Feuerbach2, cho sự chuyển hóa của Moleschott3, cho giai cấp vô sản, mà là cho tình yêu thương mến của chúng ta, cụ thể hơn là cho em, đó chính là điều biến con người thành một con người.

Em sẽ tủm tỉm cười mất thôi, trái tim hiền dịu của anh ơi, và sẽ tự hỏi làm sao mà anh tự dưng lại đi nói với em cả một bài hùng biện hoành tráng này!

Nhưng nếu anh có thể ghì chặt vào tim mình trái tim tinh khiết dịu dàng của em, thì anh sẽ nín thinh và không thốt ra bất kỳ lời nào. Do anh không thể hôn em bằng chính đôi môi của mình, nên anh đành phải hôn qua ngôn ngữ và anh phải viết ra những con chữ như thế này.

K. Marx

 

Chú thích:

1. Marx muốn nói đến vở Othello, Người Maure ở Venise (Othello, the Moor of Venice). Một vở kịch của William Shakespeare, được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1604.

2. Tên đầy đủ Ludwig Andreas Feierbach (1804 -1872) là một triết gia người Đức.

3. Tên đầy đủ Jacobus Albertus Willebrordus Moleschott là người Hà Lan. Ông là một bác sỹ, một nhà sinh lý học và triết gia, ông sinh ngày 9/8/1822 tại làng Bois-le-Duc trong vùng Brabant-Septentrional, Hà Lan, và mất ngày 20/5/1893 tại thành phố Roma, Italia.

Hiệu Constant (sưu tầm và dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước