Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:40 (GMT +7)

Thư giãn cùng thị trấn cổ đẹp như thơ xứ Phù Tang

Ẩn mình dưới bóng núi Unzen và bên bờ biển Ariake (phía Nam Nhật Bản), thị trấn cảng Shimabara là một nơi thuận tiện để dừng chân và thư giãn giữa Nagasaki và Kumamoto. Dù từ lâu đã là một điểm đến nổi tiếng với du khách trong nước nhưng Shimabara vẫn là một bí ẩn với khách nước ngoài.

Đến ga trên chuyến tàu một toa và đi qua những con đường vắng về phía lâu đài, thành phố có cảm giác tĩnh lặng và im ắng như bất kỳ tỉnh lẻ nào khác của Nhật Bản. Thế nhưng khác với vẻ đẹp ban sơ thị trấn này còn che giấu một lịch sử bạo lực và những đặc trưng về văn hóa của người dân xứ mặt trời.

Cá Koi tung tăng dưới cống nước.

Du khách thường biết đến Nhật Bản với một môi trường tuyệt vời bởi ý thức giữ gìn của người dân, và điều dễ thấy nhất trên khắp đất nước này không chỉ có sông hồ, kênh rạch… mà các cống thoát nước thải cũng đầy những cá chép. Thế nhưng khi đến Shimabara người ta còn thấy cá chép Koi - loài quốc ngư của Nhật Bản tung tăng ở dưới các rãnh thoát nước trong vắt. Giống như mọi nơi khác của Nhật Bản, đường phố ở đây được lát đá tự nhiên càng làm tăng vẻ cổ kính, hoang sơ cùng với những rãnh thoát nước không đậy nắp như những con kênh kiểu máng xối đủ nông và rộng để có thể nhìn thấy rõ những chú cá Koi với màu sắc cầu vồng, có chú dài tới 50cm.

Hẳn mọi người đều biết giống chép Koi đẹp như thế nào và để nuôi được chúng cũng yêu cầu về môi trường sinh sống rất khắt khe, nước phải đảm bảo tinh khiết, không lẫn tạp chất thì chúng mới có thể sống khỏe mạnh. Thế nên khi thấy chép Koi bơi dưới rãnh nước ở đây hẳn ai cũng không thể không trầm trồ vì sự sạch sẽ của người dân Nhật với nguồn nước ngọt nguyên sơ và an toàn như dòng suối mini chảy giữa các con phố.

Người Nhật là vậy, họ không phải là nơi khởi phát của thú uống trà, của cây cảnh nhưng trà đạo và bonsai của Nhật luôn nức tiếng toàn thế giới. Với cá Koi cũng vậy, cá Koi có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi vào tay người Nhật, được họ lai giống thì đã tạo thành một giống cá hoàn toàn khác. Và không chỉ nuôi để làm cảnh, tại Nhật loại cá này còn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cảnh quan kiến trúc vườn Nhật - khu vườn điển hình có hồ nước để nuôi cá Koi, tiểu cảnh, sân đá và cây bonsai… Sự hiện diện của chúng làm cho quang cảnh hồ nước thêm sinh động và như điểm nhấn “lấy động để tả tĩnh” trong vườn Nhật. Ngoài ra giống cá này trong văn hóa Nhật Bản cũng tượng trưng cho sự may mắn. Không chỉ là thú chơi trong nước, nuôi cá Koi đã thành một di sản văn hóa lâu đời, được duy trì cần mẫn trong hơn một thế kỷ qua và người Nhật đã lan tỏa thú chơi đó ra khắp thế giới, từ đó mang về một nguồn thu ngoại tệ không hề nhỏ bằng việc xuất khẩu loài cá xinh đẹp này.

Có một điều ít người biết, nguồn nước trong sạch, mát lành ở đây không chỉ do ý thức giữ gìn của người dân mà nó vốn bắt nguồn từ dãy núi lửa Unzen hùng vĩ vẫn còn đang âm ỉ hoạt động. Thế nên đến Shimabara bạn sẽ không khỏi bất ngờ tại sao nước trong sạch đến vậy, bởi đây là một trong những con suối nguồn nước sạch nhất của Nhật với nước suối tự nhiên phun lên từ mặt đất và chảy qua các con kênh, rãnh của thị trấn.

Vườn cảnh một ngôi nhà

Ý tưởng này xuất phát từ năm 1978, người địa phương thấy rõ nguồn lợi của nước sạch, Hiệp hội khu phố bắt đầu quy hoạch hệ thống đường thủy nội địa dài khoảng 100m. Sau đó kết hợp với du lịch, họ tận dụng nguồn nước sạch thả nuôi cá Koi. Hệ thống rãnh thoát nước liên hoàn đan xen chằng chịt trong thị trấn, len vào các ngôi nhà cổ các hồ cá trong vườn. Ngoài nguồn nước nguyên thủy sẵn có, thì ý thức của người dân địa phương cũng rất đáng khen ngợi. Tới Shimabara đố bạn có thể tìm thấy một cọng rác hay một chút nước bẩn sinh hoạt nào được thải ra từ những căn nhà trong thị trấn. Họ ý thức rõ nguồn nước là nguồn sống của cả thị trấn nên có những quy ước và quy định riêng về việc giữ nước trong sạch như: cho cá ăn ít để nước không bị bẩn hoặc biến đổi… Thế nên ở thị trấn dễ dàng bắt gặp cảnh trẻ em địa phương có thể thoải mái chơi đùa bên rãnh nước mà không ngại về vấn đề vệ sinh.

Việc cho cá ăn ít khiến cho những chú cá ở đây bơi rất năng động. Du khách thường thấy một số con cá chép dường như đang đói cồn cào, tranh nhau ngấu nghiến những miếng bánh mì do họ cho ăn mà bỏ quên biển báo “đừng cho cá ăn”; hoặc giả có lẽ họ không quan tâm và bị kích thích quá mức, giống kiểu cho những con mèo ở quán “cà phê mèo” ăn. Hơn 1.000 con cá bơi dọc theo mương nước ở các đường phố và giữa những ngôi nhà cổ như kiểu chúng đang thư giãn để xem và vui vẻ đón nhận thức ăn.

Cho cá ăn là một công việc thú vị, thu hút mọi lứa tuổi nhất là trẻ em, chính điều này khiến việc dừng chân ở khu vườn Shimeiso càng trở nên hấp dẫn hơn. Nếu bạn bước vào một ngôi nhà để ngắm cây xanh, nhiều khả năng người phụ nữ truyền thống sẽ ra hiệu cho bạn ngồi trên hiên râm mát và thưởng thức một tách trà miễn phí. Khu vườn thật ấn tượng, và nước suối tự nhiên nổi lên từ mặt đất tạo thành những hồ thủy tinh lớn chứa đầy cá chép Koi, khiến bạn không thôi ngạc nhiên mà ước đoán: nhiều cá chép thật, ồ cả một tổ cá nhé… nó đang chui lên kìa…

Che giấu một lịch sử đẫm máu

Trong trẻo, nguyên sơ, con lạch nước chảy róc rách ở trung tâm giống hệt con lạch đã cung cấp nước suối sạch mát cho cư dân địa phương từ nhiều thế kỷ trước. Nhưng mọi thứ xung quanh đây không phải lúc nào cũng yên tĩnh như cách bạn nghĩ. Những ngôi nhà cổ và lâu đài cổ, con đường đá, bức tường phủ đầy rêu làm bằng đá từ núi lửa Unzen gần đó, như úp mở một điều gì đó đen tối, bạo lực làm cho bạn hồi hộp và tò mò.

Hẳn rồi, Shimabara đã từng là chất xúc tác cho một chương rất đẫm máu trong lịch sử Nhật Bản, khi một đội quân của người địa phương nổi dậy và cố gắng lật đổ người thống trị do Tokugawa áp bức họ trong một sự kiện được gọi là Cuộc nổi dậy Shimabara (1637 - 1638).

Lãnh chúa Shigemasa Matsukura cai trị Shimabara một cách tàn bạo, ban hành các vụ hành quyết hàng loạt người theo đạo Thiên chúa, lao động cưỡng bức và đánh thuế cắt cổ để tài trợ cho việc xây dựng lâu đài Shimabara. Người dân địa phương nổi dậy - đầu tiên là nông dân, sau đó là ronin Công giáo - và cố gắng bao vây lâu đài Shimabara. Khi thất bại, cả nhóm tiến xa hơn về phía nam và đánh chiếm lâu đài Hara lân cận trong vài tháng trước khi họ bị quân Tokugawa đánh bại. Quân đội chính phủ sau đó đã tàn sát đẫm máu những người nổi dậy, tất cả 27.000 người trong số họ bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, xóa sổ gần như toàn bộ dân số của bán đảo Shimabara.

Lâu đài Shimabara

Ngày nay, khi bạn thấy vài ngôi nhà cổ và lâu đài Shimabara và bạn nghĩ đấy là những thứ còn lại sau cuộc nổi loạn, nhưng thực chất là nó vốn không phải là cơ quan quan liêu của cuộc Duy tân Minh Trị. Trong thị trấn thực chất chỉ có đường hào và những bức tường đá là những công trình kiến ​​trúc nguyên bản duy nhất, còn lâu đài và những ngôi nhà cổ là bản sao được phục dựng vào năm 1964. Theo người Nhật Bản, Shimabara không phải là “cò trắng” hay “quạ đen”, mà lâu đài này là một bảo tàng của thành phố với các cuộc triển lãm về văn hóa Cơ đốc giáo sơ khai và ghi dấu về Cuộc nổi dậy Shimabara.

Nếu bạn đi theo con kênh dẫn vào những con đường yên tĩnh ở phía tây bắc lâu đài, bạn sẽ tìm thấy những ngôi nhà buke yashiki-gai của Shimabara, hoặc những ngôi nhà của samurai. Khu phố này từng được gọi là Teppo-machi, hoặc thị trấn súng, được đặt theo tên của những tay súng cư trú trong khu vực. Có ba dinh thự của samurai thời Minh Trị mở cửa cho công chúng, cũng như một trường học và một tháp chuông. Bảng chỉ dẫn là tối thiểu nhưng nó chẳng khác một cuộc triển lãm sống động với những hình nộm được đặt ở giữa những vị trí nấu ăn, hoặc viết chữ. Du khách thoải mái cởi giày và khám phá những căn phòng trải chiếu tatami rộng rãi, nơi các samurai cấp thấp thời đó làm công việc kinh doanh hàng ngày của họ.

Ngôi nhà samurai được xây dựng từ thời Minh Trị, có những bức tượng mô phỏng sinh hoạt của người dân khi xưa.

Tản bộ trong thị trấn khi đã mệt nhoài cùng chiếc bụng đang cồn cào thúc giục tìm bữa, thì một nơi tuyệt vời để dừng chân là Himematsuya. Đặc sản ở đây là gu-zouni, một loại súp trong và nhẹ với nhân mochi, lươn, trứng và các loại rau địa phương. Người sáng lập của Himematsuya được cho là đã tạo ra món ăn này vào năm 1813, dựa trên một món ăn mà thủ lĩnh phiến quân Amakusa Shiro và quân đội của ông ta ăn khi họ đang ẩn náu tại lâu đài Hara, chỉ với khẩu phần mochi và rau rừng kiếm được để ăn, trong những tháng cuối cùng của Cuộc nổi dậy Shimabara. Ngoài ra bạn cũng có thể thưởng thức món bánh gạo địa phương kanzarashi có truyền thống lâu đời, có vị ngọt, gần giống như bánh trôi nước ở Việt Nam. Nguồn nước để làm bánh được lấy chính từ nước suối ở thị trấn.

Minh Quang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 3 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 3 năm trước