Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:54 (GMT +7)

Thư Gérard Depardieu gửi mẹ

Giới thiệu 

Gérard Depardieu sinh ngày 27/12/1948, tại thành phố Châteauroux, thuộc miền Trung nước Pháp. Và từ năm 2013, ông đã đề nghị và được Tổng thống Putin chính thức công nhận là công dân Nga. Có thể nói ông một con “quái vật” của nền điện ảnh Pháp. Với khán giả Việt, ai đã từng xem Bá tước Mont-Cristo, hoặc Christophe Colombe - năm 1492 thì sẽ thấy ông thủ vai chính trong các bộ phim này. Ông đã tham gia gần hai trăm bộ phim, trong đó có một phim thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp, 10 phim có hơn 5 triệu lượt khán giả và hơn sáu mươi phim thu hút hơn một triệu lượt khán giả. 

Diễn viên điện ảnh Gérard Depardieu 

Ngoài tài năng không thể cự cãi của ông thì trong suốt sự nghiệp diễn viên của mình, ông cũng luôn chứng tỏ sự cố gắng học hỏi không ngừng và nhất là lòng quả cảm để chiến đấu với mọi thử thách và nghiệt ngã của cuộc sống. Nhưng cũng không phải vì thế mà ông đánh mất đi tính khôi hài, sự hài hước… - những điều vốn làm cho cuộc sống giảm bớt sự khắc nghiệt, đôi khi rất cam go của nó. Ông vừa là diễn viên điện ảnh, diễn viên sân khấu, và còn là doanh nhân và ông chủ của nhiều đồn điền nho tại Pháp và Italia. 

Trong lịch sử điện ảnh Pháp, ông là diễn viên thứ hai của Pháp đã thu hút được tổng số lượt khán giả đến rạp xem phim đông nhất. Trước khi trở thành một tài tử điện ảnh nổi tiếng thế giới, ông đã từng trải qua một tuổi thơ hết sức vất vả cùng với các anh chị của mình (gia đình ông có sáu anh chị em), đã sống trong cảnh đói nghèo và gia đình khốn đốn. Trong lá thư rất xúc động mà ông viết gửi mẹ mình, được gọi là Lilette dưới đây đã phần nào nói lên gia cảnh của ông, những tình cảm sâu đậm ông dành cho mẹ và nhắc lại tuổi thơ sống trong khung cảnh sôi động đầy sắc thái của gia đình mình. Bố mẹ ông đều qua đời năm 1988, cách nhau mấy tháng. Có một giải thoại kể rằng khi ông đã trở nên rất nổi tiếng, giàu có và là chủ của nhiều đồn điền nho, trong một lần được phỏng vấn về người cha của mình, được gọi thân mật là Dédé, ông nói : “…chỉ mơ được chứng kiến bố uống đến say mèm thứ rượu vang được cất trên chính những đồn điền nho của con trai ông… 

Thư 

Lilette của con…

Vâng, mẹ thân yêu của con… Mẹ chắc ngạc nhiên lắm phải không, Lilette yêu quí của con. Con vẫn chưa bao giờ gọi mẹ như thế. Có thể vì lý do đó mà mẹ nhất định muốn cho con đi học buổi tối. Để một ngày nào đó, con có thể gửi cho mẹ một lá thư, một lá thư thật dài bắt đầu bằng: “Mẹ thân yêu của con…”. 

Chắc bây giờ mẹ lại tự hỏi liệu có chuyện gì đang xảy đến với con, điều gì khiến con ngồi viết thư cho mẹ ? Trong gia đình mình hiếm khi có chuyện tự thú nhận, hoặc nói chuyện một cách đơn giản. Trong nhà mình ở Châteauroux, trong cái hang động của nhà mình, có luật im lặng thì đúng hơn. Một sự im lặng ầm ĩ! Bởi vì lúc nào trong nhà mình cũng có tiếng kêu hét. 

Con thoạt đầu đã học gào trước khi biết nói. Đến mức mà mỗi khi con nghĩ đến gia đình mình thì con nghe thấy tiếng hét. Những tiếng gào hét thấm đượm tất cả mọi gam màu. Hét vì vui, hét vì giận dữ, cũng có khi hét là do đau đớn… 

Nhưng trước hết, con muốn thổ lộ với mẹ một điều khá kỳ cục: trước đây lúc nào con cũng thấy mẹ giống một con bò cái. Vâng, chính thế Lilette của con ạ, mẹ giống một con bò cái. Đừng giận nhé mẹ yêu, một con bò cái thì rất tốt mà. Đó là sữa, là thịt và máu nữa… Nhưng với con mà nói thì trên hết, đó là sự bất động, một sự trơ ì nóng ấm và trấn an, một dạng như là thuyết định mệnh vậy. Thế nên con đã nghĩ đến mẹ. Đến tính điềm tĩnh và bình thản của mẹ, đến sự nhẫn nại của mẹ. 

Mọi chuyện đã diễn ra quá nhanh đối với mẹ. Thành hôn với Dédé ở tuổi đôi mươi, lũ trẻ chui ra khỏi bụng mẹ theo nhịp độ công nghiệp, chúng đúng là những quả bóng bàn thực sự đấy! Mẹ vẫn còn như bị ngạc nhiên, như bị sững sờ trước điều ấy… Ở thời của mẹ, cây kim đan không thế chỗ cho viên thuốc tránh thai(1) được. Đây mẹ này! Hôm nay con đã tỉnh giấc mà giật bắn mình đấy, và đưa tay lên đỉnh đầu sờ xem liệu có còn vết sẹo nào không… Thôi, kẻo mẹ sẽ lại bảo rằng con đang nói linh tinh… 

Nói gì thì nói, lúc nào con cũng nhìn thấy mẹ bụng to, cái bụng to tròn ung ủng ấy chiếm hết cả chỗ trong căn hộ, với những phòng ngủ quá chật chội. Cái bụng của mẹ lúc nào cũng hiện diện, kềnh càng, ám ảnh, con thực sự có cảm giác rằng nó trêu ngươi con. Con những muốn tung chưởng đấm vào đấy! Con những muốn kêu lên: “Thiếu khí quá! Con ngạt thở rồi !... ”. Nói thật chứ, rõ ràng là mẹ lúc nào cũng mang bầu. Mẹ sinh em bé rất nhanh! 

Những lần sinh đẻ của mẹ đều là ngày hội. Một ngày hội và một ngày họp mặt gia đình, một ngày lễ bí ẩn. Máu mà mẹ bị mất hôm đó, chính là máu của một tình yêu mà mẹ đã không thể diễn tả. Đó là một thứ máu đẹp, tốt lành không đau đớn. Đừng lo mẹ ạ, Dédé biết rõ lắm. Nhiều là khác. Phải nhìn bố lẩn đến quán trong phố uống rượu ngay khi mẹ vừa có những cơn trở dạ đầu tiên, bố đi uống say để quên cơn sợ hãi cùng cực và cũng là do bản tính kín đáo tuyệt vời của bố. 

Bố mẹ đã có đến sáu đứa con với nhau bởi bố mẹ không thể nói với nhau câu “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” một cách khác đi. Bố mẹ là những kẻ khốn khổ cứ làm khổ nhau suốt, cứ không ngừng la hét chửi bới nhau, xúc phạm nhau, bị một dạng thù hằn sâu xa kiểu súc vật gắn vào người, bởi tình yêu của bố mẹ là một sức mạnh mà nó sẽ… nói thế nào nhỉ… nó cứ luôn luôn chạy ngược lại. Chính thế đấy, bố và mẹ cứ say sưa chống lại nhau. 

Nhưng mẹ và Dédé, bố mẹ có khả năng thà bị chết đói chứ không muốn đi quấy rầy người khác. Im hơi lặng tiếng, không để bị phát hiện, đó là điều bố mẹ thích hơn cả. Chúng ta là một kiểu bộ tộc, một chủng tộc thổ dân da đỏ đang bị đe dọa diệt chủng, nằm ẩn nấp trong hang động. Trên hết, bố mẹ không muốn gặp bất kỳ rắc rối nào với người khác. Bố mẹ không chường mặt ra như bọn ngố nhà quê thích huênh hoang, đứng cạnh cái tủ lạnh mới coóng vừa tậu và giữa đám con cái của chúng. Khi những khoản trợ cấp gia đình bị quên gửi đến nhà mình vào cuối tháng, bố mẹ thậm chí còn không dám đi đòi.

Cũng có lúc mẹ đã quá chán chường cuộc sống ấy, Lilette của con ạ, mẹ ngán những tiếng kêu gào, mẹ ngán Dédé, mẹ ngán câu chuyện tình yêu vừa điếc vừa câm ấy. Mẹ không muốn mất máu nữa và không muốn mất tuổi trẻ của mình. Mẹ chán cảnh suốt ngày bị con quẩn chân. Mẹ nói với con rằng nếu không có đứa con thứ ba, thì mẹ đã bỏ đi từ lâu rồi, đã đi rất xa, đi du lịch, đi một chuyến mãi mãi không về. Và đứa con thứ ba ấy, chính là con. Khi con bỏ nhà đi(2), thì chính là do con đã bị những vụ bỏ trốn thất bại của mẹ ngấm vào chân, vào tim con đấy. Con đã bỏ nhà đi thay mẹ, con đã ra đi vì mẹ… 

Lần sinh đẻ cuối cùng của mẹ, lần thứ sáu ấy, lễ hội nhà mình thiếu chút nữa đã biến thành thảm cảnh. Mẹ đã bị băng huyết không ngừng, máu cứ chảy mãi như một dòng suối, như một cơn lốc. Giường của mẹ đỏ rực máu của mẹ. Mẹ bị chìm hẳn trong máu. Ánh mắt mẹ khi ấy chứa đầy hận thù, sợ hãi và cái chết. Mẹ bị kiệt sức sau khi sinh em bé. Chuyện đó giống như một vụ thảm sát vậy. Tự nhiên trong đầu con thoáng hiện ra hình ảnh biểu cảm của những con ngựa bị đưa tới lò mổ. 

Hồi bé con rất hay la cà trong các lò mổ. Ngựa bị treo vào một cái móc trên trần nhà, nó đoán cái chết đang hiện diện ở đó. Nó khua khoắng tuyệt vọng trong không gian, trong cuốc chạy nước đại cuối cùng, trong một điệu valse đám ma. Con đã nghĩ đến tất cả những chuyện đó khi nhìn mẹ bất lực, đau đớn thân hình của kẻ tử vì đạo. Họ đã đi gọi bác sỹ. Họ đã báo cho bố về vì đang có chuyện khẩn nghiêm trọng xảy ra ở nhà. Bố đã ngỡ nhà mình có hỏa hoạn. Bố đã về cùng với xe cứu hỏa, có thang dài bắc đến tận cửa sổ phòng ngủ của mẹ và bố leo lên. Sau đó mọi thứ trở nên mông lung trong đầu con. Nỗi sợ hãi kinh hoàng của Dédé, khuôn mặt mẹ trắng bệch gần như xác chết khi mọi thứ xong xuôi, và bác sỹ đã trấn an cả nhà. 

Lilette yêu thương của con, trong sự im lặng của mẹ, trong sự buông bỏ của mẹ, trong tiếng kêu gào, trong cơn bực mình của mẹ, luôn tồn tại một tình yêu vô biên. Nếu có thể diễn tả được bằng lời, đó hẳn sẽ là một tình yêu của thi sỹ. Mẹ đã không tưới thẳng vào con tất cả những tình cảm yêu thương trìu mến như một bà mẹ Miền Nam quí con mình một cách thái quá: “Mẹ cho con tất cả đấy, con trai yêu của mẹ! Lấy đi, lấy đi, đó là cho con mà, cho con trai của mẹ đấy!” Không, mẹ lúc nào cũng có chút khoảng cách, một phẩm giá của riêng mẹ.

Mẹ đã hi sinh cho chúng con ngay khi mới chớm đôi mươi. Mẹ đã từng là một phụ nữ duyên dáng, hệt như Catherine Deneuve, mẹ đã bị đổi thành gà đẻ mà không hiểu, không nhận ra. Mẹ đã kín đáo cho con tất cả. Cho đến kiệt cả sức, gần như đến tận lúc chết. 

Sao hả mẹ, lúc này đây, mẹ sẽ không thể ngăn con nói với mẹ điều mà tất cả những tiếng ồn ĩ và tiếng gào thét của bố mẹ đã uổng công vô vọng muốn át đi chứ. Câu nói cấm kỵ, câu nói bé tí bé tẹo mà những tiếng kêu đã kìm giữ, lấn át nó quá lâu, câu nói mà tất cả chúng ta đều đã sợ, con viết nó ra cho mẹ nhé, Lilette của con, hết sức đơn giản thôi mà: “Con yêu mẹ…” 

G. Depardieu

1. Mẹ Gérard Depardieu, khi  được tin mang thai đứa con thứ ba (là ông) thì đã dùng kim đan len, xọc vào qua cửa mình để muốn bỏ đi đứa con đến không theo ý muốn.

2. Gérard Depardieu đã bỏ nhà ra đi khi mới 12 (hay 13) tuổi...

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước