Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
11:09 (GMT +7)

Thư André Gorz gửi vợ

Giới thiệu:

André Gorz, tên thật là Gérard Horst, sinh ngày mùng 9 tháng Hai năm 1923 tại Vienne, mất ngày 22 tháng Chín năm 2007 tại thành phố nhỏ Vosnon, Pháp. Ông là một triết gia và nhà báo Pháp. Tư tưởng của ông giao động giữa triết học, học thuyết chính trị và phê bình xã hội. Là đệ tử của Chủ nghĩa Hiện sinh của Jean-Paul Sartre, sau đó ngưỡng mộ Ivan Illich, vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông trở thành một trong những nhà lý thuyết hàng đầu về Sinh thái học chính trị và sự Suy thoái - thứ từ mới mà chính ông sáng tạo ra. Năm 1964, cùng với Jean Daniel, ông là đồng sáng lập tập san Nouvel Observateur dưới bút danh Michel Bosquet.

Ở độ tuổi cảm thấy không còn đủ sức để bắt đầu một tác phẩm dài, André Gorz quay về cuộc đời mình, và bất chợt phát hiện ra rằng ông đã chưa bao giờ viết về điều cốt lõi của cuộc sống, tức mối quan hệ của ông với vợ và ông bắt đầu viết trực tiếp cho vợ. Tác phẩm bắt đầu bằng: “Em sắp chớm tuổi tám mươi hai rồi. Em đã mất đi sáu xăng ti mét chiều cao và em chỉ còn nặng có bốn mươi lăm ki lô nhưng em vẫn rất đẹp, rất quí phái và đáng được ao ước. Đã năm mươi tám năm chúng ta sống bên nhau và giờ đây anh còn yêu em hơn bao giờ hết. Mới đây, anh đã phải lòng em một lần nữa, và anh lại cảm thấy một sự trống rỗng khủng khiếp trong lồng ngực mình mà chỉ hơi ấm cơ thể em khi áp sát vào anh mới có thể nấp đầy… Chúng mình đã yêu nhau đến nỗi mà một trong hai chúng ta khó mà sống nổi nếu người kia chết đi. Mình đã thường xuyên nói với nhau giả sử có một cuộc đời thứ hai, thì chúng mình sẽ lại muốn sống cùng nhau”.

André Gorz và vợ Dorine lúc còn trẻ...

Từ trước đến nay, hiếm có tác phẩm nào gây ấn tượng mạnh nhường ấy, trong vài câu thì đã đem lại âm sắc, âm thanh, nhạc điệu và sự xúc động, phẩm chất của một cuộc đời. Một lá thư được gửi cho một người đàn bà đang còn sống, bị bệnh tật, đang chịu đau đớn và cái chết nhãn tiền đang đợi bà đâu đó, và cái chết này là không thể chấp nhận nổi đối với người đọc thư cũng như người viết thư. Trong những dòng cuối cùng, những câu chữ được lặp lại gần như y chang những dòng đầu tiên của lá thư dài và trên một âm sắc khiến con tim người đọc còn rúng động hơn nữa.

Khi kể lại một câu chuyện tình yêu dị thường, vô hình chung Gorz đã rơi vào một cuộc tranh luận về vấn đề đôi lứa. Ở phía thái cực này, như Sartre và Beauvoir mà Gorz và Dorine biết rất rõ: trải nghiệm về sự cởi mở, sự chung thủy trong một thỏa thuận cam kết suốt đời và nói với nhau tất các mối quan hệ tình ái khác mà họ tự cho phép mà không phản bội mối quan hệ nền tảng ban đầu giữa hai người, được ưu tiên nhất trong tất cả những cái được ưu tiên. Ở thái cực bên kia, Gorz và Dorine, cùng thỏa thuận ấy nhưng lúc này lại trong một mối cam kết độc quyền, cả tâm hồn lẫn thể xác, bởi tâm hồn là cơ thể sống. Sự chung thủy là đối ứng về đạo đức: anh sẽ không làm với em điều mà anh không muốn em sẽ làm với anh. Giữa hai mô hình này, toàn bộ mọi sắp xếp có thể, hợp đồng ngầm, thỏa thuận, những lừa dối, thiếu sót, thất vọng, những thành công được thể hiện, những thất bại được che giấu, hoặc ngược lại, những dàn xếp mà chúng thường được phần đông các cặp đội chọn để ứng xử với nhau khi mà họ còn sống bên nhau.

Câu chuyện khiến ta liên tưởng đến bộ phim Tình Yêu của Haneke. Bộ phim do Jean-Louis Trintignant và Emmanuelle Riva thủ vai chính. Bộ phim nói về một người đàn ông rất già đã cố gắng hết sức để chăm sóc bà vợ bị ốm nặng. Rút cục, bộ phim cũng đã có một cái kết bị kịch, nhưng trên hết giúp chúng ta hiểu rằng đâu đó trong cuộc đời có những câu chuyện tình yêu khiến những người trong cuộc đủ sức yêu thương nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui hạnh phúc cũng như những khổ đau về tâm hồn, đau đớn về thể xác, và chuyện đó kéo dài hàng hơn nửa thế kỷ. Tình yêu đích thực hiện hữu trên đời là có thật! Có những mối tình nở rộ trong cuộc đời này và tiếp tục thăng hoa trong một “cuộc đời khác”.

… và lúc về già.

Gorz đã nói rằng tác phẩm Thư gửi D., thư gửi cho Dorine - vợ của ông khi ấy đang bị mắc bệnh nan y không thể chữa khỏi, sẽ là tác phẩm cuối cùng của ông. Và ông đã không nói dối: sau khi đã viết xong bức thư dài gần trăm trang, tác phẩm đã được nhà xuất bản Galilée xuất bản và phát hành năm 2006, thì vào ngày thứ Bảy, 22 tháng Chín năm 2007, trong ngôi nhà mình ở thành phố Vosnon thuộc tỉnh Aube của Pháp, vợ chồng ông đã cùng kết thúc cuộc sống để chấm dứt chuỗi ngày đau đớn của Dorine. Ông khi ấy hưởng thọ 84 tuổi.

Sau đây là một số đoạn trích trong lá thư xúc động ấy:

Ngày 21 tháng Ba 2006

 Anh đã tự hỏi đâu là điều không cần thiết mà anh nên bỏ qua để tập trung vào cái cần thiết. Anh đã tự nhủ rằng để hiểu tầm quan trọng của những biến động đang diễn ra trong tất cả các lĩnh vực, thì phải cần nhiều thời gian suy ngẫm hơn và nghề làm báo chuyên nghiệp không cho phép thực hiện điều đó. Anh đã không thực sự chờ đợi điều mới mẻ nào khi đảng cánh Tả chiến thắng đợt bầu cử Tổng thống năm 1981 và anh đã nói ngay điều ấy với em sau khi gặp hai vị Bộ trưởng của Chính phủ Mauroy* vào ngày hôm sau khi họ được bổ nhiệm. Anh đã ngạc nhiên thấy rằng sự ra đi của anh, sau hai mươi năm cộng tác, đã chẳng khiến anh lẫn những người khác cảm thấy day dứt quyến luyến gì. Anh nhớ đã viết cho E. rằng rút cục chỉ có một điều duy nhất cần thiết đối với anh: được ở bên em. Anh không thể hình dung tiếp tục viết nếu như em không còn hiện diện ở đây nữa. Em là điều cốt tử đến nỗi mà không có em, toàn bộ những gì còn lại mà anh vốn thấy chúng có vẻ hết sức quan trọng khi em còn hiện diện, thì mất đi ý nghĩa và cả tầm quan trọng của chúng. Anh đã nói với em điều đó khi đề tặng trong tác phẩm mới đây nhất của anh.

Hai mươi ba năm đã trôi qua kể từ khi chúng mình dọn về sống ở vùng nông thôn. Trước tiên là trong ngôi nhà “của em”, ngôi nhà đó đã toát lên vẻ hài hòa thiền định. Mình đã chỉ được tận hưởng trong vòng ba năm. Công xưởng xây dựng một nhà máy sản xuất điện hạt nhân đã xua chúng ta đi. Rồi tụi mình đã tìm thấy được một ngôi nhà khác, rất cổ, mát mẻ về mùa hè còn mùa đông thì rất ấm, với một khu đất trống rộng thoáng. Em chắc đã rất vui vẻ khi sống ở đó. Ở đó chỉ có một khu đồng cỏ mênh mông và em đã tạo thành một khu vườn có hàng rào và nhiều búi cây lúp xúp. Anh đã trồng hai trăm cây trong khu vườn này. Trong vài năm ấy, chúng mình thi thoảng vẫn đi du lịch; nhưng dù với phương tiện nào đi nữa, với độ rung lắc của chúng, đều khiến em đau đầu và đau khắp mình mẩy. Bệnh viêm màng nhện tủy đã buộc em dần dần lìa xa phần lớn các hoạt động mà em yêu thích. Em đã che giấu rất tốt những cơn đau đớn của mình. Bạn bè của tụi mình luôn thấy em “hết sức khỏe mạnh”. Em đã không ngừng cổ vũ anh viết. Trong hai mươi ba năm sống trong ngôi nhà của chúng mình, anh đã xuất bản sáu đầu sách và hàng trăm bài báo, cũng như các cuộc trò chuyện. Chúng mình đã đón tiếp hàng chục khách thăm đến từ khắp nơi trên các châu lục và anh đã đồng ý trả lời hàng chục cuộc phỏng vấn. Ba mươi năm về trước, anh chắc chắn đã không thể đủ tầm để thực hiện những gì đang diễn ra: sống bình an trong hiện tại, dẫu sao cũng chú tâm đến gia tài thuộc về cuộc sống chung của đôi mình. Hiện giờ, anh sống lại những khoảnh khắc mà anh đã quyết định thực hiện việc này với một cảm giác cấp bách. Hiện thời, anh không chuẩn bị tác phẩm lớn nào cả. Anh không muốn nữa - nói theo câu của Georges Bataille là - “trì hoãn cuộc sống”. Anh quan tâm đến sự có mặt của em hệt như thời đầu chúng mình quen nhau và mong muốn khiến em cảm nhận được điều đó. Em đã cho anh cả cuộc đời em và cho anh tất cả những gì thuộc về em; anh mong có thể cho em toàn bộ những gì anh có trong suốt khoảng thời gian còn lại trên trần gian của chúng mình.

 Em vừa chớm tuổi tám mươi hai. Em vẫn rất đẹp, rất quí phái và đáng ao ước. Đã năm mươi tám năm chúng ta sống bên nhau và hiện giờ đây anh còn yêu em hơn bao giờ hết. Mới đây, anh đã phải lòng em một lần nữa, và anh lại cảm thấy có một sự trống rỗng khủng khiếp trong lồng ngực mình mà chỉ có hơi ấm cơ thể em khi áp sát vào anh mới có thể nấp đầy. Thi thoảng khi đêm về anh nhìn thấy hình bóng một người đàn ông đi sau một cỗ xe tang trên con đường vắng và trong một phong cảnh thê lương. Và anh là người đàn ông ấy. Còn chiếc xe tang đang chở em đi. Anh không muốn tham dự lễ hỏa táng của em; anh không muốn nhận cái bình chứa tro hài cốt của em. Anh nghe thấy giọng ca của Kathleen Ferrier vang lên và thế là anh tỉnh giấc. Chúng mình đã yêu nhau đến nỗi người còn lại sẽ không không sống nổi nếu một trong hai ta chết đi. Chúng mình đã thường nói với nhau rằng giả định có một cuộc đời thứ hai, chúng mình sẽ lại muốn sống cùng với nhau.

 

* Thủ tướng đầu tiên của cố Tổng thống Pháp François Mitterrand trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên (1981 -1988)

Hiệu Constant (Dịch) 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước