Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
12:50 (GMT +7)

Thư Amadou Hampâté Bâ gửi Thanh Thiếu niên

VNTN - Amadou Hampâté Bâ (1900 - 15/05/1991), chào đời ở Bandiagara - thủ phủ vùng Dogon và cố đô của Đế chế Toucouleur, qua đời ở Abidjan, Bờ Biển Ngà, là một nhà văn và dân tộc học người Mali. Là hậu duệ của một gia đình quí tộc Peule, ông bảo vệ văn hóa truyền khẩu truyền thống, chủ yếu của tộc Peule. Ông là thành viên Hội đồng thừa hành Unesco 1962 - 1970. Ông là cha đẻ của câu nói mà sau này đã trở thành ngạn ngữ, “Ở châu Phi, khi một người già lìa trần, đó là cả một thư viện bị đốt cháy”.

Amadou Hampâté Bâ một nhà văn và dân tộc học người Mali, thành viên Hội đồng thừa hành Unesco 1962 - 1970.

Sáu năm trước khi qua đời, ông đã viết một lá thư gửi “Thanh thiếu niên”, tràn đầy sức mạnh và nhựa sống. Trong thư này, ông - người đã từng qua lại với Théodore Monod* ở Viện Văn hóa Pháp Châu Phi và đã từng giữ chức vụ quan trọng ở Unesco tiết lộ những cam kết cuối cùng, cuộc chiến đấu của ông để bảo vệ sự đa văn hóa và hòa bình. Một bài học ý nghĩa về cuộc sống, tràn trề hi vọng vào đúng thời điểm mà Mali lại đang bị chia cắt.

          Dưới đây là thư Amadou Hampâté Bâ gửi Thanh Thiếu niên:

 

1985

Các bạn trẻ thân mến,

Người đang ngỏ lời với các bạn đây là một trong những kẻ chào đời đầu tiên của thế kỷ 20. Vậy nên hắn đã sống rất lâu rồi và, như các bạn có thể hình dung, hắn đã chứng kiến và nghe rất nhiều chuyện trên khắp thế giới mênh mang này. Dẫu vậy, hắn không cho mình là một người thầy trong bất kỳ lĩnh vực nào. Trên hết, hắn muốn mãi mãi là một nhà tìm kiếm, một học trò và ngay hôm nay đây, cơn khát được học hỏi trong hắn vẫn sống động hệt như ngày mới lớn.

Hắn đã bắt đầu bằng việc tìm kiếm trong chính con người hắn, đã rất khổ công để tự khám phá bản thân và tự hiểu mình, để sau đó có thể nhận ra hình bóng mình trong thế hệ con cháu và do vậy yêu thương chúng. Hắn mong muốn mỗi người trong các bạn cũng làm những việc tương tự.

Sau cuộc tìm kiếm khó khăn đó, hắn bắt đầu đi giao du khắp thế giới: Phi châu, Cận-Đông, Âu châu, Mỹ châu. Là một học trò tự tin và không thành kiến, hắn học hỏi ở tất cả các ông thầy và các nhà hiền triết mà hắn may mắn được họ đồng ý gặp gỡ. Hắn ngoan ngoãn nghe họ giảng giải. Hắn trung thành ghi nhận lời họ và phân tích một cách khách quan, để hiểu cặn kẽ những khía cạnh khác nhau của nền văn hóa của họ và qua đó, hiểu được lý do cách cư xử của họ. Tóm lại, hắn luôn cố gắng để hiểu mọi người, bởi vấn đề lớn nhất của cuộc sống, đó là “thấu hiểu lẫn nhau”. Đương nhiên, đó là những cá thể, những quốc gia, những chủng tộc hoặc những nền văn hóa khác nhau, mỗi chúng ta thì không ai giống ai nhưng tất cả chúng ta đều có cái gì đó từa tựa nhau, và phải tìm ra cái đó để có thể nhận ra mình đang ẩn hiện trong hình hài người khác và trò chuyện với họ. Thế nên những khác nhau giữa chúng ta, thay bằng chia cắt chúng ta thì sẽ trở thành phần bổ trợ và mạch nguồn để làm phong phú lẫn nhau. Cũng hệt như vẻ đẹp của một tấm thảm phần lớn là nhờ màu sắc đa dạng được dệt trên đó, sự khác nhau giữa các nền văn hóa và văn minh tạo nên vẻ đẹp và sự phong phú của thế giới. Sẽ buồn và đơn điệu làm sao nếu tồn tại một thế giới y chang nhau, nơi mà tất cả mọi người đều được can trên một mô hình, sẽ cùng một nếp nghĩ và tư duy giống nhau, sẽ sống cùng một phong cách! Chẳng còn gì để khám phá nơi những người khác thì làm sao ta có thể trau dồi vốn kiến thức cho mình?

Ở thời đại chúng ta, luôn bị đe dọa dưới mọi hình thức, thì con người không nên chỉ chú trọng đến những gì chia cách nhau, mà cần để ý đến những thứ mà họ có điểm chung, trong sự tôn trọng danh phận của mỗi người. Gặp gỡ và lắng nghe người khác thì luôn bổ ích hơn là những mâu thuẫn và các cuộc tranh luận vô bổ để áp đặt quan điểm riêng, thậm chí đối với sự phát triển và thăng hoa danh phận của chính mình. Một hiền triết già Phi châu đã nói: Có chân lý “của tôi” và chân lý “của bạn”, và chúng sẽ chẳng bao giờ gặp nhau. Chân lý “Đích thực” sẽ đứng ở giữa. Để tiến lại gần đó, mỗi người cần tự mình rũ bỏ chút chân lý “của mình” để xích một bước về phía người kia…

Hỡi các bạn trẻ, những người trẻ nhất của thế kỷ hai mươi, các bạn sống trong một thời kỳ vừa đáng sợ do những đe dọa đè nặng lên nhân loại, nhưng cũng hết sức thú vị trước những khả năng mà thời kỳ này mở ra trong lĩnh vực kiến thức và truyền thông giữa con người với con người. Thế hệ của thế kỷ hai mươi mốt sẽ được trải nghiệm một cuộc hội ngộ tuyệt vời giữa các chủng tộc và ý tưởng. Theo cách mà thế hệ ấy đồng hóa được hiện tượng này, họ sẽ đảm bảo sự sống còn của mình hoặc tự hủy diệt bằng những cuộc xung đột đầu rơi máu chảy. Trong thế giới hiện đại này, không ai có thể ẩn náu trong tháp ngà của mình. Kể từ giờ mọi quốc gia, mạnh hoặc yếu, giàu hay nghèo, đều phụ thuộc lẫn nhau, về kinh tế hoặc đối mặt trước hiểm nguy của một cuộc chiến tranh thế giới. Dù muốn hay không, tất cả chúng ta cùng ngồi trên một chiếc bè: một cơn bão nổi lên thì đều bị đe dọa ngang nhau. Sẽ chẳng tốt hơn là nên cố gắng hiểu và trợ giúp lẫn nhau trước khi quá muộn ư?

Chính sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các Quốc gia đòi hỏi một sự bổ sung cần thiết của con người và văn hóa. Trong thời đại chúng ta, nhân loại giống như là một nhà máy rộng lớn và chúng ta làm việc theo dây chuyền: mỗi một bộ phận, dù lớn hay nhỏ, đều đóng một vai trò quyết định trong sự vận hành thông suốt của toàn bộ nhà máy.

Hiện thời, theo qui tắc chung, các khối lợi ích đối đầu và xâu xé nhau. Hỡi các bạn trẻ, có thể chính các bạn sẽ dần dần làm nảy sinh một trạng thái tinh thần mới, hướng về bổ sung và đoàn kết hơn, cả cá nhân cũng như quốc tế. Đó sẽ là điều kiện của hòa bình, mà nếu không có nó, thì sẽ không thể có sự phát triển thịnh vượng.

Nền văn minh truyền thống (tôi nói chủ yếu về châu Phi ở vùng sa-van miền nam Sahara, nơi mà tôi đặc biệt biết rõ hơn cả) trên hết là một nền văn minh chịu trách nhiệm và đoàn kết ở mọi cấp. Trong bất kỳ trường hợp nào, một người không bao giờ bị cô lập, dẫu anh ta là ai. Không bao giờ người ta để mặc một phụ nữ, một đứa trẻ, một người bệnh hay một người già sống ngoài lề xã hội, giống như một phụ tùng bị bong chóc. Người ta luôn tìm được một chỗ cho họ ở giữa đại gia đình Phi châu, nơi mà ngay cả một kẻ qua đường xa lạ cũng tìm thấy điểm tạm trú và thức ăn. Tinh thần cộng đồng và ý thức chia sẻ chiếm vị trí độc tôn trong tất cả các mối quan hệ. Đĩa cơm, dẫu khiêm tốn đến độ nào, đều được đưa ra mời tất cả mọi người.

Con người được xác định danh phận thông qua lời nói của mình, lời nói thiêng liêng. Thường xuyên nhất, các mâu thuẫn được giải quyết hòa bình nhờ cuộc “thương nghị”: “Tập hợp để tranh luận, - ngạn ngữ nói vậy, - đó là để tất cả mọi người thoải mái và tránh sự bất hòa”. Những người già, trọng tài được tôn trọng, để mắt đến việc duy trì bình an trong làng. “Hòa bình!”, “Chỉ có hòa bình thôi nhé!” là những câu nói quan trọng trong tất cả các nghi lễ chào hỏi của người châu Phi. Một trong những mục tiêu lớn nhất của những việc khai tâm nhập môn và các tôn giáo truyền thống là mỗi cá nhân đạt được sự tự chủ hoàn toàn và an tịnh trong tâm hồn mà nếu không có điều này, thì sẽ không thể có được sự bình an bên ngoài. Chính trong hòa bình và chỉ trong hòa bình thì con người mới có thể xây dựng và phát triển xã hội, trong khi chiến tranh có thể phá hủy trong tích tắc tất cả những gì chúng ta đã phải mất hàng thế kỷ để xây dựng!

Con người cũng được coi là chịu trách nhiệm về sự cân bằng của thế giới tự nhiên xung quanh. Anh ta bị cấm chặt cây xanh một cách vô cớ, giết một con vật mà không có lý do chính đáng. Đất không thuộc quyền sở hữu riêng của anh ta, mà là một sự ủy thác thiêng liêng được Đấng Tạo hóa cậy nhờ anh ta giữ hộ và anh ta chỉ là người quản lý. Đó là một khái niệm mà hiện giờ mang toàn bộ ý nghĩa của nó nếu ta nghĩ đến sự nhẹ nhàng mà con người trong thời đại chúng ta làm cạn kiệt tài nguyên của hành tinh và phá hủy những cân bằng tự nhiên của nó.

Đương nhiên thôi, giống như bất kỳ xã hội loài người nào, xã hội châu Phi cũng có những tì tật, thái quá và yếu kém. Chính các bạn, những trai thanh gái lịch, những người lớn của mai sau, phải làm giảm những phong tục tập quán bị lạm dụng, trong lúc vẫn lưu giữ được những giá trị truyền thống tích cực. Đời sống con người tựa như một cây to và mỗi thế hệ giống như một người làm vườn. Một thợ làm vườn giỏi không phải là kẻ nhổ rễ cây, mà là người biết cách lược bớt đúng lúc những cành khô và nếu cần, phải sáng suốt tiến hành ghép những nhánh hữu ích. Đốn cây sẽ là tự vẫn, chối bỏ nhân cách của chính mình để khoác vào nhân cách của người khác một cách giả tạo, thì không bao giờ đạt được hoàn toàn. Tại điểm này nữa, hãy cùng nhớ câu ngạn ngữ: “Khúc gỗ dù đã ở lâu trong nước có thể sẽ trôi nổi, nhưng sẽ không bao giờ trở thành cá sấu được!”.

Hỡi các bạn trẻ, hãy là người làm vườn xuất sắc kia, hãy là người biết rằng, để làm tăng độ cao và để các cành nhánh tỏa rộng khắp hướng trong không gian, thì một thân cây cần bộ rễ khỏe mạnh cắm sâu vào lòng đất. Chính vì thế, hãy ăn sâu thấu hiểu chính mình, các bạn sẽ có thể mở mang ra bên ngoài mà không e dè sợ hãi, để cùng lúc vừa cho đi vừa nhận về.

Để thực hiện công việc to lớn này, các bạn cần hai dụng cụ quan trọng: trước hết, học sâu hiểu rộng và bảo tồn tiếng mẹ đẻ, thứ phương tiện không thể thay thế trong nền văn hóa đặc thù của chúng ta; sau đó, kiến thức hoàn hảo về ngôn ngữ được thừa kế từ công cuộc thực dân (với chúng ta là tiếng Pháp), cũng hoàn toàn không thể thiếu, không chỉ để cho phép các sắc tộc Phi châu giao tiếp với nhau, hiểu rõ nhau hơn, mà còn để chúng ta mở rộng ra bên ngoài và cho phép chúng ta tương tác với các nền văn hóa trên toàn cầu.

Các bạn trẻ châu Phi và trên toàn thế giới thân mến, vào cuối thế kỷ hai mươi này, vào lúc bình minh của một kỷ nguyên mới, số phận đã muốn các bạn như là một cây cầu nối liền hai thế giới: thế giới quá khứ, nơi những nền văn minh cũ xưa chỉ khao khát để lại cho các bạn những vật báu trước khi chúng biến mất, và thế giới tương lai, chắc chắn là đầy rẫy những khó khăn bất ổn nhưng cũng có vô vàn những cuộc phiêu lưu mới và trải nghiệm thú vị. Đến lượt các bạn phải đối mặt với thách thức và làm sao để đó không phải là một sự không-tuyệt giao cần cắt bỏ mà là một sự tiếp tục lành mạnh và mối hoài thai của một thời kỳ nhờ một thời kỳ khác.

Trong cơn lốc xoáy sẽ cuốn các bạn đi, hãy nhớ đến những giá trị cộng đồng cổ xưa của chúng ta, tình đoàn kết và chia sẻ. Và nếu như các bạn may mắn có được một đĩa cơm, thì chớ ăn một mình nhé. Nếu bị những cuộc xung đột đe dọa, thì hãy nhớ đến những mặt tốt của hội thoại và tranh luận!

Và khi các bạn muốn cố gắng hành động, thay bằng dành toàn bộ năng lượng vào những công việc vô ích lợi, hãy nghĩ đến lúc nên quay về với Mẹ Đất, tài sản duy nhất thực sự của chúng ta, và hãy dành tặng Mẹ tất cả sự chăm nom để ta có thể lấy được những gì nuôi sống tất cả mọi con người. Tóm lại, hãy phục vụ Cuộc Sống, dưới mọi khía cạnh của nó!

Một số trong các bạn có thể sẽ nói: “Thế là đòi hỏi ở chúng tôi nhiều quá đấy! Một nhiệm vụ như vậy vượt quá sức chúng tôi rồi!”. Hãy cho phép một kẻ già nua như tôi được thổ lộ một bí mật: tương tự như không có bất kỳ hỏa hoạn nào là “nhỏ” (tất cả phụ thuộc vào bản chất của nhiên liệu gặp phải), không có nỗ lực nào là bé cả. Mọi cố gắng đều được tính đếm bởi vào lúc khởi đầu ai mà biết trước rằng hành động nào, dẫu có vẻ khiêm nhường đến đâu, sẽ khiến nảy sinh sự kiện làm thay đổi bộ mặt của vạn vật. Chớ quên rằng vua các loài cây trong sa-van, cây Bao báp hùng dũng oai vệ, thì lúc đầu cũng nảy mầm từ một hạt nhỏ không to hơn một hạt cà phê bé tí tẹo đâu…

*(1902 - 2000): Một khoa học gia người Pháp, nhà sinh học, nhà thám hiểm, học giả và là người theo chủ nghĩa nhân văn và thuyết tự nhiên.

Hiệu Constant (Sưu tầm và dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước