Thong dong mây trắng…
Úp lồng bàn xuống mâm cơm, Xiêm tính nhắn dặn chồng ăn cơm trước đi đừng chờ, nhưng nghĩ nào lại thôi. Tạt qua chợ mua ít hoa quả, chị rẽ vào con đường quen thuộc. Cổng chùa hiện ra, ngày rằm phật tử đến đông, xe cộ dựng kín dưới gốc bồ đề cổ thụ. Xiêm sắp lễ, cúi đầu lạy Phật, vẳng bên tai tiếng các sãi đọc kinh. Chị cứ quỳ trước bàn thờ Phật hồi lâu, không đọc kinh cũng chẳng khấn xin gì. Chị thấy lòng nặng trĩu, đến cửa chùa cũng không thể buông bỏ nhẹ nhõm hơn.
Ai đó khẽ lay vai Xiêm, nhắc ra đăng ký cho buổi lễ cầu siêu vào cuối tuần. Chị như bừng tỉnh, gượng sức đứng dậy, đúng lúc chuông điện thoại reo lên. Phan gọi hỏi “bao giờ em về, anh chờ cơm?”. Sẵn tiện khoe cây bơ đã ra những chùm hoa bói đầu tiên, “chắc là em chưa biết?”. Chị lặng người, nỗi mất mát xót xa trào lên trong lòng người mẹ. Cây bơ ra hoa có gì mà chồng vui đến thế? Khi nó gợi nhớ đến đứa con trai bé bỏng đáng thương của Xiêm. Hồi mới sinh con, thấy có xe chở cây giống đi qua nhà, chị nói chồng vẫy lại mua một cây gì đó trồng trong mảnh vườn nhà. Để con được lớn lên theo những mùa quả ngọt, nhìn tuổi cây mà nhớ tuổi con. Bây giờ cây còn đó tươi xanh mà con Xiêm đã về miền mây trắng. Gần hai năm đã trôi qua, nỗi đau chưa một ngày nguôi ngoai trong chị. Nhiều ngày nay chị hay mơ thấy con về. Con đứng ở sân nhà, tay cầm con gấu bông quen thuộc, không nói gì chỉ khóc. Mỗi khi chị muốn lại gần chạm vào con thì mọi thứ lại hóa thành ảo ảnh. Giật mình tỉnh giấc chị vẫn không tin rằng mình đã mất con. Nhiều lần mẹ khuyên Xiêm nên đi cầu siêu cho con. Nhưng chị còn cố chấp, tha thiết thèm cảm giác con vẫn còn quanh quẩn bên mình. Chị lặng lẽ rời chùa đúng lúc tiếng chuông vừa gióng lên ngân vang vào cõi thực.
- Con định sống thế này đến bao giờ? Đừng có tự giày vò bản thân và chồng mình mãi. Không phải lỗi tại ai, tất cả là số phận, hết duyên nợ rồi thì thằng bé rời đi.
Xiêm chưa từng nói một lời oán trách nào với chồng mình. Nhưng sự im lặng của chị còn sắc hơn nghìn nhát dao đâm vào trái tim Phan. Đêm nào anh cũng chỉ nhìn thấy tấm lưng của vợ nằm co lại như một bào thai. Xiêm không xoay người lại nên chẳng thể nào nhìn thấy nỗi ân hận, dằn vặt lấp đầy trong hố mắt sâu hoắm của chồng. Phan không thể nào quên được buổi sáng hôm ấy ở quê nhà. Xiêm gọi điện cho anh, dặn đi dặn lại nhiều lần không được cho thằng nhỏ ra sông. Nhưng lần nào Phan cũng nói khúc sông ấy hiền khô, anh lặn ngụp ở đó từ năm mười tuổi. Có những trưa trốn mẹ bơi qua sông bẻ mía ăn thỏa thích, nằm ngủ quên một giấc, tỉnh dậy lại bơi về. Mỗi lần được theo bố về quê thằng nhỏ thích mê. Thương con ở phố tù túng nên mỗi lần về quê anh đều dẫn con ra bờ sông thả diều, nghịch cát. Hôm nào nắng nóng, Phan dạy con tập bơi. Sông vẫn thế thôi, hiền hòa chảy. Phan hay phụ mẹ chăm tưới mấy bãi rau trồng ngay ở bãi bồi, thỉnh thoảng đưa mắt trông chừng đứa con trai sáu tuổi chạy chơi trên cát trắng. Anh không ngờ rằng chút lơ đễnh của mình đã để con rơi vào nguy hiểm. Thằng nhỏ có lẽ đã thả con thuyền gỗ đồ chơi mà anh làm tặng cho con rồi bơi theo dòng nước. Chẳng may mấy hôm trước trên thượng nguồn mưa lớn, nước sông đột ngột dâng cao. Lúc anh nhìn không thấy con đâu, lao mình xuống dòng nước thì thằng nhỏ đã bị khúc sông ấy ngoặm vào lòng. Xiêm đâu có biết rằng lúc vớt con bế trên tay, hồn Phan đã nằm sâu dưới lòng sông ấy.
Hôm nay Xiêm vào chùa tụng kinh Địa Tạng cầu cho con siêu thoát, sớm đầu thai trong một hình hài khác. Buổi lễ vừa kết thúc thì Xiêm nhận được điện thoại báo tin Phan gặp tai nạn trên đường. Xiêm hoảng hốt cúi đầu lạy Phật cầu bình an cho chồng rồi vội vã rời chùa. Lúc ra khỏi sân chùa Xiêm nghe thấy mấy câu của sư thầy vẳng đến tai: “Trước khi cúi đầu lạy Phật thì con hãy cúi xuống đời mình trước đã”. Mấy câu ấy không rõ sư thầy nói với Xiêm hay với ai trong số Phật tử đang ngồi ở đó. Sau khi mất con, Xiêm luôn rơi vào trạng thái muốn buông xuôi vì nghĩ mình chẳng còn gì nữa. Nhưng hôm nay, khi nghe tin Phan đang nằm trong phòng cấp cứu, cảm giác bất an suốt đoạn đường đến viện khiến Xiêm nhận ra mình vẫn còn nhiều thứ quý giá trên đời.
Mẹ từng hỏi Xiêm đã bao giờ thử ngoảnh lại nhìn dáng vẻ buồn đau của Phan chưa? Một người cha không thể nào quên được giây phút bàn tay bé nhỏ của con đưa lên cầu cứu rồi chìm nghỉm trong sự bất lực của mình. Bao nhiêu lời oán trách của người thân, họ hàng hai bên đổ xuống đầu Phan. Ngay cả sự im lặng của Xiêm cũng trừng phạt anh đến tàn rạc cả thân thể lẫn tâm hồn. Nhưng anh vẫn gượng dậy để chống chọi với thời gian, níu lấy một gia đình. Khi người qua đường gọi điện cho Xiêm, trước lúc tắt máy có nói một câu: “Chắc đầu óc anh ấy để đẩu đâu, nên mới không thấy xe đằng trước đã xi nhan xin đường”.
Phan nằm viện nửa tháng thì được về nhà. Những ngày vừa đi làm vừa chạy đi chạy lại trong bệnh viện chăm chồng khiến Xiêm không còn thời gian nghĩ ngợi nhiều. Dạo này Xiêm không còn mơ thấy đứa con trai bé bỏng của mình nữa. Có thể vì mệt, mỗi lúc nằm xuống là chị chìm vào giấc ngủ, mê man. Cũng có thể qua cơn hoạn nạn của chồng, Xiêm thấy mình cần phải vực dậy sống cho ra cái hồn người. Để ở một thế giới khác, đứa con trai bé bỏng của chị có thể yên lòng. Đã lâu lắm rồi mọi cánh cửa trong căn nhà mới được mở toang đón nắng vào nhà. Cũng lâu lắm rồi Xiêm mới nghe thấy tiếng của lũ chim hót ríu ran ngoài vườn, dù chúng vẫn ở đó suốt bốn mùa. Phan chưa khỏe hẳn, chỉ có thể làm được những việc nhẹ nhàng. Anh sơn lại cánh cổng nhà, dọn đám cỏ dại mọc lan cả vào sân. Xiêm đi làm về đã thấy cơm canh nóng hổi chờ mình dù có thể món này mặn, món kia còn nhạt nhẽo. Mấy năm người buồn, vườn vặng cửa nhà quạnh quẽ, nhìn xung quanh chẳng thấy một cành hoa nào nở. Mẹ xuống chơi ít ngày mang theo mấy bó hoa mười giờ, thược dược, tỉ muội để gây giống trong vườn. Nghe tiếng cuốc bổ chan chát xuống nền đất sỏi chẳng hiểu sao Xiêm ứa nước mắt nghĩ đến một mùa hoa. Tay mẹ thoăn thoắt bổ hố trồng một hàng cây đinh lăng nếp, nói với Xiêm:
- Vườn nhà ít ra cũng phải có vài loại cây thuốc thông dụng như giống đinh lăng này. Trông thế thôi chứ chữa trị được biết bao nhiêu bệnh đấy. Nào thì trị suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém, chữa ho, thân và cành dùng chữa phong thấp, đau lưng. Lá dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú. Loại cây này còn có tác dụng lợi sữa sau sinh. Thỉnh thoảng các con nhớ tưới tắm cho nó, ít bữa nữa sinh con còn có cái mà dùng.
Chiều nay gội đầu xong Xiêm ra trước hiên nhà hong tóc. Lúc chải đầu cho vợ, Phan thở dài bảo:
- Em đã có tóc trắng rồi này.
- Thì tụi mình cũng đâu còn trẻ nữa. Ngót ngét bốn mươi tuổi đến nơi rồi. Mẹ về rồi nhà cửa hiu quạnh quá anh ạ.
Phan nắm lấy tay Xiêm im lặng nhìn ra vườn nơi những chùm hoa bơ đã bắt đầu đậu quả. Hai mái đầu chụm lại, chẳng cần nói thêm điều gì nhưng trong lòng họ đã ấm áp dần lên. Nắng xuân rải đều trên mảnh sân nhỏ trước nhà, nơi Phan mới căng thêm chiếc dây phơi để ít bữa nữa nhà có thêm người còn phơi phóng. Xiêm mường tượng ra trong ánh nắng lấp lóa trên dây phơi tã lót và những bộ quần áo trẻ con bay phấp phới bay. Rồi chẳng mấy chốc cửa nhà sẽ vui lên bởi tiếng bi bô, tiếng kêu chim chíp phát ra từ đôi dép tập đi vang từ nhà ra ngõ. Xiêm đặt tay xuống bụng mình vỗ về một sinh linh bé nhỏ vừa mới hình thành. Chị ngước lên bầu trời khẽ mỉm cười nhìn một vầng mây trắng thong dong…
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...