VNTN - Tôi đến với Thương nhớ mười hai khi còn là sinh viên. Dù trí tưởng tượng của cô sinh viên văn khoa có bay bổng đến đâu, cũng chẳng thể nào hình dung, cảm nhận được mùi ngon miếng ngọt của những cơm gạo vàng ăn với thịt con gà mái ấp, rau sắng nấu suông bát canh trứng cáy; bánh cuốn tráng miệng chè sen long nhãn, dưa cà Nghệ ăn với trứng cua đồng vắt chanh chim ngói, chả rươi; cá nhỏ tôm càng…trong trang viết đẹp như thơ của chàng họ Vũ. Bởi, trong giấc mộng thủa ấy, cùng lắm chỉ dám mơ đến bát cơm không phải độn khoai, sắn, không phải trệu trạo nhai hạt bobo hoặc cục bột mì luộc mà thôi.
Thế nhưng vẫn yêu lắm, xứ trung du bán sơn cước với thời trân mà chỉ có đám trẻ nghèo như chúng tôi thời đó mới biết thưởng thức.
Tuổi thơ của tôi gắn với những vạt lúa, ruộng khoai và những trò tinh nghịch của đám trẻ đầu trần chân đất. Ở đó chúng tôi tự khám phá, sáng tạo và thưởng thức biết bao thời trân.
Cuối giêng hai, khi mưa xuân đã ngớt, cũng là lúc mầm khoai lang từ những luống đã dỡ trước Tết còn sót lại bắt đầu vươn vai sau giấc ngủ. Thường thì sau bữa trưa, chúng tôi cắp xảo đi kiếm rau lợn. Nơi tụ bạ là bãi ruộng với những vạt cỏ ốc xanh rờn, rau rệu mơn mởn, vườn cải cuối vụ trổ hoa vàng và luống khoai lang lấp ló mầm. Quẳng xảo một chỗ, chúng tôi lao ra ruộng khoai. Sục sạo và kiếm tìm. Đứa nào cũng thủ sẵn một con dao nhỏ, đã cùn để tác nghiệp. Trong đám chúng tôi, B là đứa nhanh tay, nhanh mắt nhất. Bao giờ nó cũng kiếm được những mầm to. Thậm chí, đang nhoi, bới mầm này, nó đã kịp đảo mắt sang luống bên để xí phần mầm khác. Thỉnh thoảng tôi cũng vớ được những mầm mập mập. Cho đến giờ tôi vẫn không sao quên được cảm giác mỗi khi phát hiện ra mầm khoai mập. Hình như có cả niềm vui chiến thắng trong đó. Dưới mầm trăng trắng, xinh xinh như búp tay là củ khoai to tròn lông lốc. Chọn những củ vỏ trơn, nhẵn bóng, chúng tôi tự thưởng “nóng” tại chỗ. Nếu không tiện có vũng nước, củ khoai đó sẽ được chùi nhanh vào quần, dùng con dao vốn đã quằn hết lưỡi gợt gợt vỏ ngoài rồi chuyền tay nhau cắn mỗi đứa một miếng. Chao ôi! Cái vị ngọt thanh thanh, man mát, bùi bùi ấy vừa “vào đến môi đã trôi xuống bụng”. Nếu hôm nào may mắn, mót được nhiều, cả lũ hò nhau kiếm rơm, kiếm củi, chụm đầu vào lùi khoai. Trong lúc chờ khoai chín, chúng tôi làm nhiệm vụ. Đứa nào đứa nấy nhanh nhanh vơ cỏ bợ, rau rệu, vảy ốc... sao cho mau đầy xảo để còn thưởng thức “tác phẩm” đang ủ trong đống dấm rơm. Những củ khoai vùi than rơm, vỏ ngoài cháy xém, trong bở tơi, thơm thơm ngầy ngậy. Vừa xuýt xoa thổi, vừa đưa lên miệng trong cái rét hanh hao của tháng giêng hai, miếng ngon ấy đã theo tôi suốt cả thời thơ ấu.
Giêng hai cũng là mùa các loài hoa đua nở. Có một loài hoa được coi là thức trân của bọn tôi. Hoa mít, gọi theo các cụ là dái mít. Thường thì cuối đông, hoa mít vẫn được ủ ấm trong bao. Khi đó chẳng thể biết đâu là “anh mít” hay “chị mít”. Sang xuân, hoa mít bừng dậy, nhớn nhác ló ra khỏi bao vỏ xanh. Lúc này “giới tính” bắt đầu được phân định. Thường thì hoa mít nào có cuống to, mặt mũi sần sần, được bọc trong vỏ bao xanh dày dặn, thì dễ là “chị”, sau sẽ đậu thành trái mít. Còn hoa cuống mảnh, mịn màng, bao bọc hờ hững bằng vỏ mỏng, nhạt hơn thì nhiều khả năng là “anh”. Thời đó, mít mọc nơi nơi. Chỉ ngay khu ao “Các cụ” đã có tới gần chục cây. Ấn tượng nhất là cây mít thoai thoải, xoài mình ra phía ao, thân treo cái kẻng làm bằng quả bom.
Cứ trưa nắng, sau khi trốn ngủ trưa để dính ve sầu, chuồn chuồn, chúng tôi lại mở tiệc liên hoan dái mít. Thú nhất là cả bọn xúm vào,hò nhau đủn đít đứa giỏi trèo nhất, bởi gốc mít già cỗi gốc to quá vòng tay khẳng khiu của lũ choai choai 11, 12 tuổi. Đứa trên cây chuyền thoăn thoắt từ cành la sang cành bổng theo sự chỉ dẫn của lũ ở dưới.
Dù ẩn nấp khéo léo dưới chòm lá đến đâu, những trái dái mít nhỏ cỡ ngón tay cái kia cũng chẳng thoát khỏi một hệ thống rada dưới mặt đất. Trên cây tung xuống, dưới đất chìa vạt áo ra hứng (lần nào mẹ giặt cũng cằn nhằn vì nhựa dính đầy áo). Đu đủ rồi, cùng quây quần dưới tán lá, đầu đội mũ kết bằng cách xâu từng chiếc lá mít khoanh tròn. Và bắt đầu mở tiệc. Thủ lĩnh thường là đứa được chìa tay đựng muối. Mỗi đứa nhặt một cái, rồi cùng chấm, cùng thưởng thức cái vị chát, thơm nhẹ của dái mít hòa quyện với vị mặn của muối và cay cay của ớt. Thú vị nhất là sau khi thỏa thuê rồi, kết thúc bữa tiệc, thủ lĩnh cầm muối bao giờ cũng có một đặc ân là liếm chút mằn mặn còn lại trong lòng bàn tay với vẻ mặt hoan hỉ, trước ánh nhìn ngưỡng mộ và thoáng chút ghen tị của những đứa còn lại.
Tháng 4, 5 khi những luống lá cải già đã lụi, rồi những vạt rau vảy ốc, rau rệu đã vơi dần, chúng tôi lại chuyển vùng “hoạt động”. Lúc này đám rau vừng, lá sắn bắt đầu mơn mởn. Vứt xảo một chỗ, đứa thì nằm dang tay dang chân giữa đám cỏ vừng xanh lốm đốm hoa trắng nghêu ngao hát, đứa thì xông vào bụi lá dứa bên hàng rào để chọn. Mà phải chọn theo khẩu vị. Thích ăn chua thì chọn lá dứa dài, màu xanh lục, gai trắng. Thích ngọt sẽ lựa lá ngắn, trắng pha sắc đỏ, gai đo đỏ.
Phựt một cái, lá dứa sẽ lên cả tàu từ phần trắng kết nối với gốc đến phần ngọn. Ngắt phần ngọn của lá, thay dao, tuốt dọc hai bên gai từ phần đầu cho tới ngọn, rồi sau đó co gối, hoặc cong mông để lau đi lau lại vào quần phần phấn trên mặt lá. Dưới lớp phấn trắng đã bay hết còn lại là dải xanh xanh, sành sạch. Lật ngửa dải xanh xanh ấy, dùng móng tay khéo kéo, nhẹ nhàng bóc lớp vỏ trắng. Thế là sắp được món ăn. Tước dài theo chiều lá, cuộn bên trong chút muối, nhai như nhai trầu, sẽ là thứ nước giải khát có đủ vị chua chua, ngọt ngọt, mằn mặn, man mát, thơm thơm trong những ngày đầu hè của đám trẻ chúng tôi.
Hết thưởng thức món lá dứa, chúng tôi lại kiếm tìm ngọn tu hú và quả mâm xôi. Tìm được những thức này gian truân và công phu hơn nhiều so với lá dứa. Nhát rắn, bao giờ tôi cũng chỉ là đứa ăn theo. Vì nghe nói trong đám cây lúp xúp, rậm rạp dễ gặp loại “không chơi được” này. Cây tu hú (hình như còn có tên cây đùm đũm) mọc thành từng bụi, thân mềm, có gai, quấn vào nhau. Trong một bụi vừa có thể tìm được mậm tu hú, vừa có thể hái được quả mâm xôi. Thường thì len xuống dưới gốc sẽ tìm được mậm. Những mầm tu hú lấp ló dưới tán lá. Mầm ngon, to khoảng bằng ngón tay út, nhú khỏi mặt đất không quá 30 cm. Tước phần xơ, ở bên trong thân sẽ là màu xanh non, mềm mại, mọng nước, có vị chua chua ngọt ngọt thanh thanh. Với tay lên trên đám lá sẽ kiếm được mâm xôi. Dân gian gọi là mâm xôi, có lẽ vì các quả được xếp chồng lên nhau thành chùm khum khum như mâm xôi đơm đầy. Sự quyến rũ của nó không chỉ ở độ căng mọng từ khi còn xanh, qua thời chín đỏ đến lúc chín tím mà còn bởi hương thơm, vị ngọt ngào như đôi môi của sơn nữ. Chẳng sợ gai cào, rắn đuổi (tôi vẫn không hết ám ảnh), đám bạn tôi cảm tử, tranh nhau xông vào tìm mầm, hái mâm xôi. Kiếm được mầm tu hú hay quả mâm xôi, chúng không nỡ quên chia phần cho đứa nhát chết như tôi. Phần vỏ ngoài được tước rất nhanh, tôi tận hưởng tắp lự cái non tơ mềm mại, thơm dịu, mát lành của mầm tu hú. Còn những cỗ mâm xôi tím đỏ thì cứ nâng niu, mân mó mãi trên tay, chẳng nỡ phá đi cái chỉnh thể đầy thẩm mỹ mà tạo hóa đã kì công thiết kế (vừa xong tôi mới biết đến cái tên thật điệu đà, diệu vợi của trái mâm xôi: phúc bồn tử). Lần nào cũng vậy, mấy đứa bạn cũng giục: Ăn đi chứ, đồ thi sĩ dở hơi! Sợ mang tiếng là đồ thi sĩ dở hơi thì ít, mà không cưỡng lại sức quyến rũ của trái mâm xôi thì nhiều, gỡ từng quả nhỏ, tôi khẽ đưa lên miệng. Từng giọt trong mát, thơm lành, ngọt ngào như mật rớt từ trái chín căng mọng ấy là quà của miền sơn cước ban tặng cho đám trẻ nhà nghèo chúng tôi.
Phương Thái
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...