Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:07 (GMT +7)

Thời gian cứ trôi, tình bạn còn mãi…

VNTN - Trong một chiều gió đông lao xao, lá vàng tíu tít nghiêng chào cây trước khi hôn nhẹ mặt đất, tôi nhận được cuộc điện thoại, giọng quen thân: “Tôi muốn lên bàn với các bạn về chương trình gặp gỡ của năm nay... Không, không, dứt khoát là phải làm, chừng nào chúng tôi còn đi lại được thì mỗi năm phải được gặp nhau một lần như mấy năm qua!”...


Năm 2015, những người bạn cũ gặp lại nhau sau hơn 20 năm xa cách. (Trong ảnh: anh Vũ Tam Hãn thứ 3, anh Lại Tiến Vinh thứ 5, hàng đầu, từ trái sang)

Người điện thoại cho tôi là anh Lại Tiến Vinh, tuổi “bát thập niên”. Như những năm trước, anh lại làm công việc “tiền trạm” cho cuộc gặp của những người bạn từ lúc còn trẻ trung, giờ đa số đã thành “cụ hưu”, còn các anh cũng ở tuổi “xưa nay hiếm”.

Tôi vụt nhớ lại một sự việc kỳ lạ xảy ra năm 1994. Đó là chương trình kết nghĩa giữa Báo Văn nghệ Bắc Thái (cũ) (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Thái) và Công ty Xây lắp 2, được tổ chức long trọng ở hội trường lớn của Công ty. Kỳ lạ ở chỗ, Công ty Xây lắp 2 (thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam), thời điểm những năm 1990 đang khởi sắc. Công ty có gần 30 đơn vị thành viên ở hầu khắp các tỉnh từ Thanh Hóa trở ra. Trong lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp, Công ty nằm trong tốp đầu cả nước về quy mô, doanh số, thu nhập. Ban lãnh đạo Công ty lúc ấy là anh Vũ Tam Hãn, Tổng giám đốc; anh Lại Tiến Vinh, Phó Bí thư, sau là Bí thư Đảng ủy; anh Ngô Tôn Trì, Vũ Văn Biên, Phó Tổng giám đốc… ở vị trí “ăn to nói lớn”, lo cơm áo cho hàng nghìn con người, đầu óc loang loáng con số thu - chi khủng khiếp. Còn Báo Văn nghệ Bắc Thái thì sao? Chúng tôi mới bập bẹ làm báo được 3 năm, mỗi tháng ra một số, phát hành 1.000 tờ trầy trật. Văn văn thơ thơ trong thời buổi đói kém, nhiều người bảo mấy ông bà “chập mạch”, “tâm hồn treo ngược cành cây”. Thật là một cuộc kết nghĩa chả “môn đăng hộ đối” chút nào. Vậy mà chính anh Vũ Tam Hãn, Tổng giám đốc, là người đề xuất với nhà thơ Hà Đức Toàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Tổng Biên tập Báo, cho hai đơn vị kết nghĩa. Hồi đó, có người nghĩ: Chắc doanh nghiệp muốn nhờ báo chí lăng - xê tên tuổi; còn báo chí muốn “kiếm chác” chút lộc rơi lộc vãi của doanh nghiệp? Thật tình, ở cả hai vế, đều không đúng. Vì báo chưa mấy người biết đến, làm gì có tiếng nói để bảo vệ ai. Còn báo được hưởng “lộc” hay không? Người trong cuộc như chúng tôi hiểu nhất.

Sau này, anh Vũ Tam Hãn có lần tâm sự: “Người làm kinh doanh đâu phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến một chữ “tiền”, tâm hồn khô cứng như sỏi đá. Chúng tôi cũng yêu văn chương và muốn kết giao với một nơi sản xuất ra món ăn tinh thần để cuộc sống “mềm” đi, để tâm hồn những người làm kinh doanh chúng tôi tươi tắn hơn. Ngược lại, văn thơ cũng không tách rời cuộc sống, khi kết giao với chúng tôi, những người làm báo Văn nghệ có điều kiện tiếp xúc với thực tế nhiều hơn”.

Còn Bí thư Đảng ủy Lại Tiến Vinh thì giải thích “văn hoa” hơn: “Chúng tôi muốn giao lưu, tiếp cận với “thượng tầng” để cuộc sống thêm phong phú, biết đâu lại biết viết văn…”.

Trở thành “người một nhà”, chúng tôi được tham dự vào hầu hết các “công to việc lớn” của người anh em kết nghĩa Xây lắp 2. Từ khánh thành nhà máy sản xuất xi măng, mở rộng dây chuyền sản xuất tấm lợp, gạch lát… ở Thái Nguyên; khởi công các công trình ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…; từ giao lưu văn nghệ; tọa đàm về sản xuất kinh doanh. Ngược lại, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), đoàn lãnh đạo của Công ty đến chúc mừng Báo Văn nghệ sớm nhất. Rồi nhà ai có chuyện vui, chuyện buồn, ai xuất bản sách, ai đau ốm… các anh biết tin đều chia sẻ. Công việc của người làm kinh doanh đâu có thư thái thong dong, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận một nụ cười nhạt, cái bắt tay hờ hững hoặc câu chuyện xã giao đưa đẩy mỗi khi gặp gỡ. Cái thật thà, chân tình, gần gũi khiến chúng tôi thấy vừa được trân trọng, vừa được quý mến.

Có một kỷ niệm chúng tôi vẫn nhắc mỗi khi gặp nhau. Hồi ấy, cả cơ quan Hội Văn nghệ chỉ có chiếc ô tô Moskovic cũ kỹ, thỉnh thoảng lại ì ra hỏng, thủ trưởng chổng mông đẩy xe trên đường là chuyện thường, nên chúng tôi gọi là mốt cô vứt. Lần ấy Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang mời lãnh đạo Hội (đồng thời là lãnh đạo Báo) lên dự tọa đàm. Sáng hôm sau phải đi rồi mà đến tối sẩm mốt cô vứt vẫn không chịu nổ máy. Nhà báo Lê Thế Thành, Phó Tổng Biên tập đạp xe xuống trụ sở Công ty (ở phường Trung Thành, TP Thái Nguyên) để mượn ô tô. Anh Lại Tiến Vinh hội ý chớp nhoáng với anh Ngô Tôn Trì, Phó Tổng giám đốc: “Chúng ta đi kiểm tra tiến độ thi công của đơn vị ở Tuyên Quang luôn”. Thế là một công đôi việc, chuyến đi râm ran cười nói thơ phú thật khó quên.

Vài năm “mặn nồng” như thế, rồi những người lãnh đạo Công ty như anh Vinh, anh Hãn, anh Trì chuyển công tác và nghỉ hưu; Công ty chia tách thành 3 đơn vị. Bên Báo Văn nghệ thì chú Toàn, chú Lê Thế Thành… cũng lần lượt nghỉ hưu. Câu chuyện kết nghĩa năm nào dần dần bẵng đi.

Vậy nhưng sợi dây tình cảm chỉ tạm chìm xuống chứ không hề đứt đoạn. Không còn danh nghĩa cơ quan gắn kết thì còn tình bạn, dù phần lớn người năm ấy tuổi đã cao, sức khỏe dần kém hơn.

Phục và lạ trí nhớ tuyệt vời của anh Vũ Tam Hãn. Sinh nhật của tôi, Châm, Huyền… anh đều gọi điện chúc mừng. Riêng sinh nhật của anh thì anh bảo “các cô không cần nhớ”. Chú Lê Thế Thành, chú Hà Đức Toàn ốm, từ thành phố Hồ Chí Minh ra, anh đến tận nhà thăm. Phục và lạ nữa là tình thân của hai anh Bí thư Đảng ủy Lại Tiến Vinh và Tổng giám đốc Vũ Tam Hãn. Hồi còn đương chức đương quyền, họ luôn ăn ý trong điều hành doanh nghiệp. Người rủ rỉ, nhỏ nhẹ, đúng “chất” bí thư; người quyết đáp, mạnh mẽ đúng “chất” giám đốc, hai anh là hình ảnh đoàn kết, gắn bó trong đơn vị. Nay nghỉ hưu đã mấy chục năm, xa nhau hàng nghìn cây số, nhưng hai người vẫn giữ liên lạc thường xuyên, những cuộc điện thoại hàng nửa giờ đồng hồ vẫn diễn ra giữa hai đầu Nam - Bắc. Và mỗi lần anh Hãn ở thành phố Hồ Chí Minh ra Thái Nguyên đều chỉ ở nhà anh Vinh chứ không phải khách sạn nào khác, khi ấy, đôi bạn già lại chuyện đời thủ thỉ trắng đêm.

Cuối năm 2015, tôi nhận được điện thoại của anh Vinh: “Chúng tôi (tức là anh Vinh và anh Hãn) đã bàn nhau rồi, từ năm nay trở đi sẽ tổ chức gặp gỡ những người bạn cũ mỗi năm một lần”. Xúc động quá, nhưng chúng tôi ái ngại: “Các anh tuổi đã cao, lại xa như thế. Đi lại tốn kém ra”. “Không ngại gì hết, chúng tôi đi được, lo được, miễn là được gặp nhau, vui với nhau”. Vẫn cái cặp tài liệu cắp bên người, vẫn giọng nói nhẹ nhàng, nhỏ nhẻ, anh Lại Tiến Vinh “năm lần bẩy lượt” gặp chúng tôi, thống nhất danh sách mời người này, người kia; chọn địa điểm; lên thực đơn… tỉ mỉ, chu đáo đến từng chi tiết. Việc gì anh cũng bảo: “Anh Hãn đã nắm được tình hình, mọi chuyên tôi đều thông tin cho ông ấy hết”.

Vậy là sau 20 năm, chúng tôi lại ngồi bên nhau, kể tên từng người vắng mặt vì đau yếu hay đã mất. Cùng đọc những câu thơ tếu táo đậm chất “xây lắp” ngày nào: Hùng hục đi đâu ủng với giày/ Nhác trông cứ tưởng anh thợ xây/ Đi ăn chả khác đi làm mấy/ Đi đổ bê tông cái dạ dày. Các anh kể những ngày làm công trường, ăn cơm tập thể, hái nắm rau dệu nấu canh, xuống bếp lấy cơm, gặp các cô gái, hỏi nhau mấy câu, cũng thành bài thơ: Các anh đi đâu?/ Lấy cơm về nhà/ Thế à, chắc thịt gà?/ Mấy cây rau dệu cũng là ăn tươi/ Các em cười… Rồi người hát, người đàn, người rớm nước mắt. Năm 2017, 2018, các cuộc gặp đông người hơn, cả một số lãnh đạo công ty ngày ấy, một số giám đốc đơn vị thành viên, thêm những người bạn mới. Các anh bảo: Mời các bạn trẻ nữa để họ nối dài thêm tình bạn này. Vẫn thế, ôm nhau thật chặt, trò chuyện chẳng muốn ngừng, chén rượu cầm trên tay không có thời gian để uống…

Tôi ngắm hai “anh cả” của Công ty Xây lắp 2 ngày xưa, nay là hai “thủ lĩnh” giữ lửa tình bạn, ngộ ra một điều: Sức bền của mối quan hệ không có được nhờ ý chí tập thể mà thường xuất phát từ trái tim của một người, rồi tỏa lan sang nhiều người khác. Các anh đã sống rất sâu, rất chân tình.

Không riêng đối với những người bạn như chúng tôi đâu, trái tim các anh dành thương yêu đến nhiều phận đời kém may mắn, cùng ghé vai chia sớt khó khăn với họ. Ngay như năm 2017, Ban liên lạc các thế hệ cán bộ Đoàn Công ty Xây lắp và Sản xuất công nghiệp, do anh Lại Tiến Vinh làm Trưởng ban (thành lập năm 2004) đã giúp cháu Sùng Văn Ngài, ở xã Dân Tiến (Võ Nhai) 34 triệu đồng. Chẳng là, xem chương trình “Lục lạc vàng” trên VTV, các anh xúc động trước gia cảnh cậu bé dân tộc Mông, sinh viên trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Cậu có nguy cơ phải bỏ học vì nhà quá nghèo. Ban liên lạc đã kêu gọi quyên góp giúp cháu 15,5 triệu đồng để cháu ăn học. Sau khi cháu tốt nghiệp, Ban liên lạc tiếp tục giúp cháu 18,5 triệu đồng để cháu mua phương tiện đi lại và xin việc làm. Nay Sùng Văn Ngài đã làm việc trong một ngân hàng.

Ngay khi đang viết bài này, tôi nhận được điện thoại của anh Hãn, giọng bùi ngùi: Anh vừa xem trên báo thấy trường hợp em Phạm Văn Hảo (ở xã Phục Linh, huyện Đại Từ) bị đá đè vào người, phải cắt bỏ nửa thân dưới. Nhờ có bà Đinh Thị Thương (ở xóm 7, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) cưu mang, nhận làm con để chữa trị mà cậu được sống. “Cuộc sống còn nhiều cảnh đời thương quá em ạ. Anh sẽ bàn thêm với Ban liên lạc đến thăm cậu bé này”. Buông điện thoại xuống, tôi chợt nhớ những ca từ trong tác phẩm “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…

Vâng, gió hãy cuốn đi mọi câu hỏi vì sao chúng tôi đã duy trì tình bạn 25 năm qua. Đơn giản vì chúng tôi trân trọng từng phút giây được sống trong tình thân mà thôi.

Ký. Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy