Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:50 (GMT +7)

Thời cơ và thách thức trước CPTPP: Nhìn từ hệ thống ngân hàng

VNTN - Nếu theo đúng lộ trình, thì chỉ còn vài tháng nữa, CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) sẽ bắt đầu có hiệu lực thực thi tại Việt Nam. Mặc dù dịch vụ tài chính mà một trong số các cam kết đã được Việt Nam đàm phán thành công trong việc đưa vào danh mục tạm hoãn thực hiện để tạo bước đệm trước khi thực thi đầy đủ, song Hiệp định này vẫn tạo ra độ mở đối với tất cả các tổ chức tín dụng khi mà bất kỳ ngân hàng nào cũng có quyền cung cấp dịch vụ tài chính tại các nước thành viên. Thực tế này đang và sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội đối với hệ thống ngân hàng và cũng sẽ tác động mạnh đến khách hàng, nhất là những khách hàng “dưới chuẩn”.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 này, Việt Nam sẽ là nước tiếp theo trong 11 nước thành viên phê chuẩn CPTPP, để có thể đưa Hiệp định này thực thi từ đầu năm 2019. Theo các chuyên gia kinh tế, hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có ngành ngân hàng cần phải chuẩn bị mọi tâm thế để sẵn sàng thích ứng. Nói như ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, nếu không có sự chuẩn bị, thì cơ hội đến vừa không thể nắm bắt mà thách thức cũng không thể xử lý được.

Xây dựng và củng cố thương hiệu là một trong những giải pháp cần thiết để các ngân hàng nội thích ứng với các FTA. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Thái Nguyên.

Ông Khoa chia sẻ: Việc CPTPP đã được ký kết buộc các ngân hàng sẽ phải tuân theo chuẩn quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc phải nâng chuẩn, bởi so với mặt bằng chung của 10 nước khác là thành viên của Hiệp định, phần lớn các ngân hàng của chúng ta đều “yếu” hơn mọi mặt, từ công tác quản trị, ứng dụng công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực đến nguồn vốn, các sản phẩm dịch vụ. Và trong cuộc cạnh tranh không biên giới giữa các nước thành viên trong CPTPP, một điều hiển nhiên là ngân hàng càng yếu, sẽ càng gặp nhiều khó khăn, thách thức; ngược lại, những ngân hàng có “sức khỏe” tốt, sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 30 chi nhánh tổ chức tín dụng cấp 1, trong đó có 23 chi nhánh ngân hàng thương mại trong nước, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển, 1 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô; tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tính đến đầu tháng 9/2018 là gần 51,8 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 49 nghìn tỷ đồng.

Nếu so với các tỉnh trong khu vực, Thái Nguyên hiện đứng trong tốp các tỉnh có quy mô tín dụng cao. Nhưng nếu nhìn vào kết quả hoạt động của từng chi nhánh, thì có sự chênh lệch khá đáng kể giữa các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đều có quy mô cả huy động vốn và cho vay đạt từ vài nghìn tỷ đồng trở lên thì các ngân hàng hàng thương mại cổ phần đại chúng chỉ phổ biến từ một vài trăm tỷ đến trên dưới 1 nghìn tỷ đồng. Và theo quy luật của thị trường, càng ngân hàng có quy mô nhỏ càng dễ chịu tác động từ chính sách, thị trường, trong đó có CPTPP.

Không chỉ tác động đến ngân hàng, CPTPP cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến người dân, doanh nghiệp ở cả 2 mặt thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi ở chỗ họ có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc sử dụng các loại dịch vụ ngân hàng, với giá cả cạnh tranh và thái độ chăm sóc khách hàng cũng sẽ phải tốt hơn. Trong đó có cả những loại dịch vụ mới, đẳng cấp quốc tế. Còn khó khăn là phải đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của ngành ngân hàng cũng như của pháp luật, đặc biệt là về tính minh bạch, tính tuân thủ và nguồn tài sản đảm bảo. Trong khi đó, đây lại là những vấn đề không dễ hóa giải đối với một tỷ lệ không nhỏ của các doanh nghiệp nội, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong một tương lai không xa, các ngân hàng sẽ thực hiện việc kết nối liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đây, việc nắm bắt, tra cứu thông tin có liên quan đến doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng, thực chất, qua đó sẽ nắm bắt được “sức khỏe thực” của doanh nghiệp, từ đó giúp ngân hàng quyết định mức cho vay cần thiết, giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Việc một tổ chức tài chính thuộc CPTPP có quyền cấp dịch vụ tài chính qua biên giới 10 nước còn lại mà không cần có sự hiện diện đang và sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh mới cho các định chế tài chính ngân hàng trong nước, cũng như đòi hỏi cơ quan quản lý phải có cách quản lý phù hợp. Trong khi “sức khỏe” của các ngân hàng “nội” còn có nhiều hạn chế thì với độ mở này của CPTPP đang buộc các ngân hàng phải tự thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị mất thị phần ngay tại sân nhà, chứ chưa nói đến cơ hội mở rộng thị trường sang các nước khác. Vậy giải pháp nào được đưa ra ở đây? Câu trả lời là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, mà trước hết là năng lực tài chính để xây dựng và củng cố thương hiệu; tiếp đến là chất lượng tín dụng, chất lượng điều hành ở mọi cấp độ và chú trọng thực hiện ngân hàng số theo công nghệ 4.0…

Đối với BIDV, một trong số 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thực hiện theo chuẩn của Hiệp ước Pasel 2 (được hiểu nôm na đó là Hiệp ước thành lập ủy ban giám sát ngân hàng được thành lập bởi ngân hàng trung ương một số nước phát triển). Với việc thực hiện theo chuẩn mực này, có rất nhiều việc mà mỗi Chi nhánh như BIDV Thái Nguyên đã, đang và sẽ phải làm. Ông Hà Mậu Quý cũng chia sẻ: Một số nước trên thế giới giờ đã thực hiện Pasel III, thì ở Việt Nam mặt bằng chung mới đạt ở cấp độ I. Điều này cho thấy những khó khăn mà các ngân hàng Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt khi mà cánh cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng mở rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cũng là một trong số các ngân hàng lớn, với số lượng khách hàng doanh nghiệp nhiều, ông Trần Thùy Dương, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB), Chi nhánh Thái Nguyên nhận định: Chắc chắn tới đây, doanh nghiệp và lao động nước ngoài sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Điều này đòi hỏi mỗi ngân hàng cần có sự thích ứng với quy định, thông lệ quốc tế. Để biến những thách thức thành cơ hội, chúng tôi luôn nhắc nhở mỗi cán bộ VCB phải không ngừng cập nhật những quy định của pháp luật nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng, từ đó gia tăng hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, VBC sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm dịch vụ liên quan tới tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế (nhờ thu, tín dụng chứng từ…) tới khách hàng; tiếp tục làm tốt việc niêm yết tỷ giá công khai, kịp thời làm cơ sở tham chiếu cho khách hàng khi hạch toán, giao dịch…

Ngay từ đầu TPP, sau đó là CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội vượt trội so với các FTA mà chúng ta đang có, bởi nó sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là dệt may, da giầy, sản xuất công nghiệp phụ trợ… trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Peru, Mexico, Canada. Tuy nhiên, để những cơ hội này trở thành hiện thực, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có sự thích nghi theo thông lệ quốc tế. Riêng đối với hệ thống ngân hàng, có lẽ cụm từ khó khăn, thách thức được nhắc tới nhiều hơn là thời cơ, thuận lợi, nhưng điều quan trọng là mỗi ngân hàng đều đã tự biết nhìn ra điểm yếu để có giải pháp khắc phục. Có thể bên cạnh sự lớn lên của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp cũng sẽ là sự xóa sổ của không ít trường hợp. Âu đó cũng là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường với môi trường cạnh tranh ngày càng tự do, quyết liệt. Điều quan trọng nhất vẫn là xu hướng tốt lên của nền kinh tế thế giới và Việt Nam và người hưởng lợi vẫn là số đông người dân.

 

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy