Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
21:03 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Thời gian

Thời gian 

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

               trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ

 còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

Và đôi mắt em

như hai giếng nước.

Văn Cao

Bài thơ này Văn Cao làm vào mùa xuân năm 1987. Một thi phẩm viết về thời gian, cái khái niệm quen thuộc gắn với chúng ta trong quá khứ, đến hiện tại và tương lai. Bài thơ hàm súc mang những trải nghiệm cuộc sống thâm hậu.

Với Văn Cao, thời gian là cái có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Cái được đo bằng thiên kỷ, thế kỷ, thập kỷ, năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây ấy trong bước đi vô tận của mình đã kịp để lại “cảm giác” qua kẽ tay của một nghệ sỹ đa tài. Thời gian qua kẽ tay. Bằng sự nhạy cảm ông đã nhận ra nhịp lưu hành của cái vô hình: thời gian. Và, bước đi của nó trong một cuộc đời nhanh lắm. Thời gian để lại dấu ấn trên ta với những đổi thay về thể xác, tâm hồn qua mỗi chặng đời tựa sự an bài không gì cưỡng lại được. Điều ấy, được diễn đạt ở bài thơ này thật giản dị với những thi ảnh, âm thanh không hề xa lạ cao siêu với chúng ta: Thời gian qua kẽ tay / Làm khô những chiếc lá / Kỷ niệm trong tôi / Rơi / Như / tiếng sỏi / trong lòng giếng cạn.

Mấy câu thơ cứ nặng dần, nặng dần và bị chia cắt bởi lối xuống dòng bất chợt. Hình như có cái gì đó không được trôi chảy, hanh thông và biết đâu trong đấy còn những trắc ẩn chìm khuất chưa được giãi bày. Thiên nhiên, cảnh vật, tâm hồn không còn xanh tươi, nhẹ nhàng như thuở nào nữa. Những chiếc lá đã bị úa héo…Tiếng rơi của hồi ức khô khốc nặng nề như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn. Tiếng rơi kỷ niệm chẳng hề êm dịu nếu như không muốn nói rằng đó là tiếng rơi chát đắng của dĩ vãng xuống nền hiện tại cằn cỗi.

Nếu chỉ như thế, Văn Cao cứ mải mê đuổi theo những héo khô nặng nề dù có thật chăng nữa thì chắc bài thơ không lưu lại trong ta nhiều suy ngẫm đáng kể. Người đọc may ra chỉ chia sẻ cảm thông và có thể cùng ngậm ngùi về thế cuộc, về nhân tình với tác giả mà thôi.

Không, những tâm hồn thoáng đạt, những tầm nghĩ lớn lao như Văn Cao không bao giờ dừng lại ở đó. Ông biết tôn vinh, nâng lên những nét đẹp, nguồn sáng, sự tươi tắn của cuộc sống mà trước hết là của nghệ thuật và tình yêu đích thực. Triết lý nhân sinh, lãng mạn cuộc sống thêm lần nữa được Văn Cao viết lên bằng những thi ảnh lung linh: Riêng những câu thơ / còn xanh / Riêng những bài hát / còn xanh / Và đôi mắt em như hai giếng nước.

Thế chỗ những chiếc lá khô, lòng giếng cạn là những câu thơ còn xanh và những bài hát còn xanh cùng với đôi mắt em, đôi mắt của tình yêu đẹp đẽ, trong mát như hai giếng nước. Đôi mắt em như hai giếng nước, một sự ví von tuyệt vời; cái đẹp mát rượi sâu đằm nhưng cũng gần gũi thân thuộc làm sao. Đôi mắt ấy, tình yêu ấy sẽ tưới mát tâm hồn ta, sẽ giải thoát ta ra khỏi những héo úa khô khát cằn cỗi của cuộc sống.

Năng lượng thơ được giải phóng từ những hình ảnh, câu chữ đắc địa, ngỡ bình thường mà rất sâu sắc, dễ hiểu nhưng không nông cạn, triết lý nhưng không cần viện cao siêu rườm rà. Thời gian của Văn Cao, một thi phẩm “Ý tại ngôn ngoại”, tôi cho là thế!

 Nguyễn Hữu Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ My Tiên

Thơ 1 giờ trước

Thơ Nguyễn Nhật Huy

Thơ 1 ngày trước

Thơ Tô Hoàn

Thơ 2 ngày trước

Giọt chiều dưới nón

Thơ 3 ngày trước

Hoa dâng thày

Thơ 4 ngày trước

Thơ Nguyễn Hưng Hải

Thơ 5 ngày trước