Thơ và đời sống thơ ca đương đại: Cảm hứng từ nhà thơ Trần Anh Thái
VNTN- Ngày 23/11, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Thơ và đời sống thơ ca Việt Nam đương đại - Cách viết thơ và viết trường ca” với sự tham gia của các hội viên Chi hội Thơ, văn xuôi, giáo viên và học sinh Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, sinh viên Trường Đại học Khoa học, cùng những người yêu thơ thuộc một số câu lạc bộ thơ trên địa bàn tỉnh.
Khám phá thơ ca qua góc nhìn đương đại
Buổi sinh hoạt có sự góp mặt của nhà thơ Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam, người từng nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Với hai nội dung chính: “Thơ và đời sống thơ ca Việt Nam đương đại” và “Cách viết thơ và viết trường ca,” nhà thơ Trần Anh Thái đã mang đến những góc nhìn sâu sắc và mới mẻ.
Nhà thơ Trần Anh Thái mở đầu buổi trao đổi bằng việc khái quát bức tranh đời sống thơ Việt Nam hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Thơ ca là sự khám phá và sáng tạo không ngừng.”
Với những điểm sáng trong công cuộc đổi mới thơ đương đại, Nhà thơ Trần Anh Thái nhìn nhận rằng, đời sống thơ ca Việt Nam đương đại đã có nhiều bước tiến đáng kể nhờ sự cởi mở trong tư duy và phương thức sáng tạo. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như xu hướng có phần dễ dãi trong sáng tác và xuất bản.
Trả lời câu hỏi thế nào là một bài thơ hay, ông chia sẻ: “Một bài thơ hay không có công thức hay định nghĩa cố định. Nhưng trong đó, tác giả cần “vẽ” ra hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu để người đọc nhận ra, cảm nhận được và cùng rung cảmvới mình.”
Sáng tác trường ca: Hành trình dài của cảm xúc và lao động nghệ thuật
Một trong những nội dung nổi bật của buổi sinh hoạt là phần chia sẻ về trường ca. Nhà thơ Trần Anh Thái đã cung cấp định nghĩa về trường ca theo văn học Nga. Đồng thời đề dẫn những trường ca tiêu biểu của các tác giả đã thành danh minh chứng cho sự phát triển của trường ca qua các thời kỳ.
Nhà thơ Trần Anh Thái nhấn mạnh rằng chỉ khi trường ca được viết bằng cảm nhận thực sự, không đơn thuần chỉ là những điều nhìn thấy bằng mắt, thì trường ca ấy mới có thể biểu đạt được chiều sâu tâm hồn của người thi sĩ.
Ông đặc biệt nhấn mạnh: Trường ca không phải là một hình thức kéo dài câu chữ, mà là sự chắt lọc những gì tinh túy, đặc sắc và tiêu biểu nhất từ đời sống để biến chúng thành những biểu tượng mang tính nghệ thuật cao.
Việc sáng tác trường ca đòi hỏi không chỉ kiến thức sâu rộng mà còn là một quá trình lao động bền bỉ, nghiêm túc. Đặc biệt, nhà thơ cần duy trì cảm xúc xuyên suốt, bởi cảm xúc là linh hồn của trường ca. Nhà thơ Trần Anh Thái đưa ra định nghĩa của riêng mình rằng: “Nếu như một bài thơ ngắn là một khoảnh khắc của cảm xúc, thì một trường ca là một trường cảm xúc kéo dài liên tục nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.”
Ông cũng chia sẻ trải nghiệm cá nhân, rằng mỗi trường ca đều ngốn của ông một thời gian dài, thường là hàng năm trời, và sau khi hoàn thành, ông cảm thấy dường như kiệt sức:
“Tôi đã viết như tôi đã chết/ Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau.”
(Trích từ trường ca Ngày đang mở sáng của nhà thơ Trần Anh Thái).
Những câu thơ ấy không chỉ là lời tự sự của một người nghệ sĩ mà còn là thông điệp sâu sắc về sứ mệnh của thơ ca, nơi cảm xúc hòa quyện với cuộc đời, tạo nên những giá trị vĩnh cửu.
Để viết được trường ca, ngoài cảm xúc mãnh liệt, người sáng tác cần có ý tưởng rõ ràng, bố cục chặt chẽ và một vốn sống phong phú. Theo nhà thơ, trường ca chỉ thực sự đạt được giá trị khi những yếu tố này hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau.
Ngoài ra, ông cũng nhận định rằng trường ca của hôm nay đã có sự chuyển mình so với trước đây. Nếu như trước kia, trường ca thường mang tính sử thi, tráng ca với nội dung phản ánh thân phận của cộng đồng và dân tộc, thì ngày nay, các tác phẩm trường ca có xu hướng trữ tình hơn, đi sâu vào nội tâm nhân vật, nhấn mạnh tính cá nhân hóa.
Tuy nhiên sự thay đổi này không làm mất đi giá trị cốt lõi của thể loại mà còn mở ra những chiều hướng sáng tạo phong phú hơn, đậm chất nhân văn.
Buổi sinh hoạt chuyên đề không chỉ gói gọn trong phạm vi chia sẻ chuyên môn, mà còn tạo sức lan tỏa đến những người trẻ. Cô giáo Hoàng Phương Thảo, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, bày tỏ:
“Trong môi trường học đường, đặc biệt là giáo dục Ngữ văn ở trường phổ thông, thơ ca là một phần không thể thiếu. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc bồi đắp cảm xúc và nuôi dưỡng những rung cảm tốt đẹp trong tâm hồn thế hệ trẻ. Những chia sẻ của nhà thơ Trần Anh Thái đã mang đến nhiều kiến thức quý báu về bản chất của thơ ca và mở ra con đường tiếp nhận vẻ đẹp thơ ca hiệu quả, đúng đắn. Tôi rất mong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động như thế này để kết nối văn học nhà trường với thế giới sáng tạo của các nhà thơ hiện đại.”
Em Trần Thư Kỳ, sinh viên Trường Đại học Khoa học, cũng bày tỏ: “Những chia sẻ của nhà thơ Trần Anh Thái đã thôi thúc mạnh mẽ thế hệ trẻ chúng em phát huy và kế thừa những giá trị tốt đẹp mà thơ ca mang lại. Đó là nguồn cảm hứng để chúng em thêm yêu và hiểu hơn về thơ ca Việt Nam đương đại.”
Hội viên Dương Văn Mưu, Chi hội Thơ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ mong muốn: “Những ý kiến sâu sắc về trường ca của nhà thơ Trần Anh Thái giúp tôi mở rộng cách nhìn và phương pháp sáng tác. Tôi rất kỳ vọng sẽ có thêm nhiều buổi trao đổi chuyên sâu như thế này để giới sáng tác chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những tư tưởng mới và nâng cao chất lượng sáng tác”.
Buổi sinh hoạt chuyên đề đã kết thúc với nhiều dư âm cảm xúc và bài học giá trị, không chỉ về tư tưởng, kỹ thuật sáng tác mà còn khơi dậy tình yêu thơ ca và niềm cảm hứng sáng tạo trong mỗi người tham dự.
Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kỳ vọng: Từ những chia sẻ sâu sắc của nhà thơ Trần Anh Thái, các văn nghệ sĩ sẽ có thêm động lực để cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng cao, góp phần tham gia Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề ý nghĩa “Đường chúng ta đi”.
Cuộc vận động này được tổ chức nhằm hưởng ứng Kế hoạch số 150-KH/TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên về tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây không chỉ là dịp để ghi nhận thành tựu văn học nghệ thuật, mà còn là cơ hội để phát huy năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ Thái Nguyên và cả nước.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai hoạt động theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, với mong muốn sẽ lựa chọn được những tác phẩm giàu cảm xúc và giá trị nghệ thuật, đóng góp vào dòng chảy văn học nghệ thuật nước nhà. Thời gian nhận bài tham dự sẽ kết thúc vào trung tuần tháng 2 năm 2025.
Kim Ngân
3 đã tặng
3
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...