Thơ và bình thơ
VNTN - Trình độ có hạn lại không chịu học hỏi cộng với thói quen thích nghe những lời "tâng bốc" dẫn đến sự ngộ nhận tai hại cho rất nhiều người mới làm thơ. Họ tưởng thơ của họ hay nên thi nhau xuất bản. Ngoài mục đích giao lưu, giới thiệu thơ mình với bạn bè họ lại còn muốn để lại một giá trị tinh thần cho hậu thế. Có ngờ đâu họ đang khoe những khiếm khuyết của mình trước bàn dân thiên hạ. Thật đúng với sự chiêm nghiệm của nhà thơ Phùng Cung "Không biết sống nên không biết chết/Nửa thế kỷ bị lưu đày trong cõi tung hô."
Song hành với hàng nghìn tập thơ kém chất luợng ra đời hàng năm là đội ngũ hùng hậu các nhà bình thơ mới xuất hiện. Người ta sẵn sàng thuê cả triệu đồng để có được một bài viết nhất là của những nhà phê bình, nhà thơ... đã thành danh. Thậm chí cả những nhà bình thơ bất đắc dĩ cũng vào cuộc thật rầm rộ.
Một tập thơ sắp xuất bản có khi người ta còn thuê đến ba, bốn thậm chí là đến năm bảy người viết bài bình. Vô tình họ đã làm khó cho những người cầm bút bởi nhận lời viết thì biết viết sao đây? Chẳng lẽ chê nhiều hơn khen. Thậm chí có tập thơ cả vài trăm bài mà không tìm nổi một bài hay để khen. Ấy thế là người ta tìm cách từ chối khéo. Trường hợp "bất khả kháng" thì đành phải viết. Những trường hợp này xảy ra nhiều. Mà phải công nhận là các cây bút bình thơ cũng thật khéo. Những lời khen thường là chung chung, điều mà người ta có thể gán cho bất kỳ một tập thơ nào cũng được. Những lời chê lấp lửng thì thật là tế nhị khéo đến nỗi tác giả của tập thơ cũng tưởng rằng đó hoàn toàn là câu khen. Tôi ví dụ một câu nhận xét sau:
"Thơ ông thật thà, mộc mạc như chính lời nói thường ngày của người dân quê hiền lành tảo tần cùng hạt lúa củ khoai"
Đã như "lời nói thường ngày" thì sao gọi là thơ được.
Còn viết được những câu thơ như lời nói thường ngày thì kể cả các nhà thơ nổi tiếng, có mấy ai viết được.
Ấy thế nhưng cũng có không ít những trường hợp do không hiểu vô tình, cố ý hay do trình độ người bình có hạn nên họ cứ khen bừa bãi. Thậm chí họ còn dẫn nhiều câu, nhiều bài rất kém ra để khen. Trong bài viết (đăng trên tạp chí Người yêu thơ - số 4) của một tác giả (xin giấu danh tính) nhận xét về tập thơ "Ký ức thời gian" (cũng xin giấu tên tác giả) mới xuất bản ở một câu lạc bộ nọ có đoạn viết:
"Tác giả kể về quê hương với lòng tự hào, với tình cảm mộc mạc đau đáu: Làng tôi có cây đa to/Có ngôi miếu cổ, có chùa linh thiêng".
Cặp lục bát trên chưa phải là thơ nên chưa có nỗi niềm gì trong ấy. Nếu làm thơ như vậy mà đã bảo là "đau đáu" rồi thì người viết bài bình kia hoặc chả biết tí gì về thơ, hoặc cố tình chiều theo cái tai ưa nghe nịnh của chủ nhân tập thơ mà thôi. Vả lại, với cặp lục bát này, cái tối thiểu của ca vè là gieo vần lại cũng không được. Tình trạng trên xảy ra ở khắp nơi, từ trung ương tới địa phương. Có vụ gây "sốc" trên các trang báo mạng. Có người bảo khen sai cũng được nhưng chê đúng cũng không nên. Quả thực là khó nghĩ.
Nếu cố tình nhận xét sai thì lại là người cầm bút thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm trước độc giả. Khi bình văn có nghĩa là mình đang làm một việc vô cùng quan trọng: Định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Tai hại bao nhiêu cho văn học nước nhà khi lại xuất hiện rất nhiều những bài bình kém chất lượng, rất nhiều những "nhà phê bình bất đắc dĩ", định hướng đưa đường sai cho độc giả. Nếu cứ cái đà này thì không hiểu nền thơ Việt Nam sẽ đi đến đâu?
Phong trào “Thơ” hiện nay ở nước ta đang rất cần những tập thơ chất lượng cùng những cây bút bình luận đủ trình độ, có tâm huyết, thực sự là những người định hướng thẩm mỹ mẫu mực cho công chúng.
Trần Kế Hoàn
(Hội VHNT Nam Định)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...