Thơ Trần Cầu - thủng thẳng niềm yêu sống
Trong thơ, suy tư để rồi trăn trở buồn đau có lẽ cũng là câu chuyện thường tình, nhưng suy tư để rồi thủng thẳng với niềm yêu sống thì đó lại là câu chuyện ít gặp. Các tác phẩm của nhà thơ Trần Cầu khiến tôi ấn tượng chính là ở điều đó.
Xuyên suốt 4 tập thơ của nhà thơ Trần Cầu, có thể nhận thấy hầu như mỗi bài thơ đều bắt đầu từ một câu chuyện, một gặp gỡ, một thân phận và cảnh đời cụ thể, được viết lên bằng cái nhìn ân cần của một tấm lòng giàu sẻ chia, bằng sự thấu hiểu của một người giàu trải nghiệm. Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở đây là càng đối diện với những câu chuyện muôn mặt của nhân sinh thì tác giả lại càng yêu hơn đời sống bề bộn buồn vui này. Đọc bài thơ nào ta cũng có thể hình dung ra trong đó một nụ cười ấm áp, bình thản. Đằng sau mỗi câu chữ, ta đều thấy một Trần Cầu luôn thủng thẳng niềm yêu sống - một tình yêu trong trẻo, ngọt lành.
Giữa những chuyến đi hối hả, những cuộc gặp vội vã, tác giả vẫn luôn sẵn sàng gạt bỏ mọi bận rộn, tự dành cho mình những khoảng dừng để ngồi lại mà lắng lòng: Mặc tốc độ trụi trần, nhịp ngày hối hả/ Anh nhâm nhi từng hớp sống trong lành (Tản mạn bên nồi thắng cố).
Đến với một vùng đất, tác giả mở lòng mình đón nhận những thanh âm, cung bậc để hòa mình vào với sắc diện văn hóa và hiểu hơn, yêu hơn con người nơi đây: Búp tay thon nẩy vang cung đàn tính/ Giọt then vàng thả xuống giữa chiều say (Trở lại Bắc Sơn).
Mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện của tác giả luôn đầy ắp sự tin yêu, hào sảng, khiến cho tất cả những vất vả mưu sinh hay khuất khúc nhân tình đều trở nên nhẹ bẫng mây tan: Chiều chừng như chùng xuống/ Nào đã say gì đâu/ Hai mặt trời soi nhau/Dốc cạn bầu tâm sự (Uống rượu trong ngôi nhà 167).
Với tâm thế ấy, ở đâu và lúc nào tác giả cũng lọc đi những tăm tối ám mờ để đón nhận về mình những tinh khôi, như thể đời sống này chỉ toàn thơm thảo ấm áp nồng hậu mà thôi: Đền Xương Rồng chuông thức ngày trần thế/ Trà thơm loang tan sương tương tư (Một sớm bên hồ).
Ứng xử trước thử thách và bể dâu giông gió cuộc đời như thế nào, nó là do mỗi người lựa chọn - một sự lựa chọn phụ thuộc vào biên độ rộng mở của lòng mình. Về điều này, tác giả thường không nghĩ về việc mình phải đối diện những gì, mà chỉ tâm niệm về việc đời sống đã cho mình thật nhiều: Phía đồi thông gió lộng/ Mát tận cùng niềm vui (Nẻo đường bổn phận).
Niềm yêu sống ấy đã giúp cho tác giả lúc nào cũng đắm mình trong một mĩ cảm của sự hồi sinh, lúc nào cũng tươi xanh và ấm áp, trong từng ý nghĩ, từng rung cảm, từng câu chữ: Lắng tiếng chiều xuân/ Tre trúc ấm lời ươm chữ/ Cây vối già trổ nụ/ Tinh khôi xanh đến ngại ngần (Một thoáng vườn Bùi).
Bản chất của thơ là viết ra câu chuyện trong mình, cho nên câu chữ trong thơ luôn là sự phóng chiếu cái tôi bản thể của tác giả. Phải chăng vì lẽ đó mà khi đọc những câu thơ này, tôi hình dung và tin rằng nhà thơ Trần Cầu cũng như một cây vối già trổ nụ vậy, vững vàng và bình thản thơm hương.
Với người làm thơ, tâm thế viết bộc lộ tâm thế sống. Những điều thường trực trong tâm thế sẽ từng bước, từng bước dẫn dắt nhà thơ đến lựa chọn thái độ cho mình. Tôi hình dung rằng, với tâm thế thủng thẳng niềm yêu sống, nhà thơ Trần Cầu đã có một lựa chọn không hề dễ dàng - lựa chọn thái độ của người vô sự trước muôn sự.
Phạm Văn Vũ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...