
Góc biếm họa số 5 (2025)

Đặt vấn đề
Khi nhắc đến thơ ca trong thời hiện đại, câu hỏi đầu tiên mà mọi người có thể nghĩ đến là: bây giờ còn thơ không? Còn nhà thơ không? Có thể vẫn còn, nhưng họ cũng bị chế giễu là những người vô dụng và những bài thơ họ viết ra là vô tích sự.
Nhưng lịch sử thì không như vậy. Chỉ cách đây không lâu, số lượng hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không đông, mỗi lần kết nạp chỉ bẩy, tám người. Những năm gần đây, số hội viên mỗi lần kết nạp đông lên gấp hàng chục lần, đa phần là nhà thơ. Đó là chưa kể các CLB thơ nở rộ như măng rừng sau sấm tháng Ba. Ai đó đã từng nói, Việt Nam là vương quốc thi ca, cũng không ngoa. Do vậy bàn về thơ và trách nhiệm của nhà thơ, tôi cho là vẫn cần thiết.
Thơ là gì
Nhiều người có thể cười khi đặt câu hỏi này. Vâng, mọi thứ diễn ra quanh ta hàng ngày quen thuộc như cơm ăn nước uống, nhưng lí giải cặn kẽ thế nào là cơm ăn nước uống không hẳn là chuyện ai cũng làm được. Vì thế, để nói về trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, thiết nghĩ cũng nên làm rõ thơ là gì.
Người Trung Quốc cổ nói, Thi giả, trí chi sở chi dã. Tại tâm vi trí, phát ngôn vi thơ (Tựa Mao Thi) Hoặc Thi giả, ngâm vịnh tính tình dã (Thương Lãng, thi thoại- Nam Tống). Ngắn gọn hơn như trong “Thượng thư. Ngũ thư” viết: Thi ngôn trí. Hoặc trong “Lễ kí”: Thi ngôn kì trí dã. Khổng Tử và học thuyết của ông cho rằng Thơ phải Văn dĩ tải đạo.
Từ điển Wikipedia tiếng Việt định nghĩa: Thơ là thể loại văn học lấy cảm xúc, lấy trí tuệ súc tích được diễn đạt theo hình thức có vần điệu hoặc tự do (không vần điệu). Nôm na có thể hiểu, thơ là một hình thức nghệ thuật, dùng ngôn ngữ giàu hình ảnh và có nhịp điệu, vần điệu để thể hiện nội dung một cách hàm súc.
Theo cá nhân tôi, định nghĩa này thiên về hình thức, chỉ ở tầng nổi, không bao quát được ý nghĩa sâu xa của thơ. Ở ta, trong thời nay, thời đại Hồ Chí Minh thì quan niệm xuyên suốt vẫn là trong thơ nên có thép/ nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Lâu nay khi thảo luận thế nào là thơ, nhìn chung, người ta tương đối dễ thống nhất, thơ thể hiện tình cảm, khát vọng của con người. Thơ sử dụng ngôn ngữ có tính cô đọng cao, thể hiện một cách sinh động những cảm xúc phong phú của tác giả, phản ánh đời sống xã hội một cách tập trung, có tiết tấu, nhịp điệu nhất định.
Một trong những đặc điểm của thơ là SÁNG TẠO. Sự sáng tạo của Thơ khác với sự sáng tạo của nhiếp ảnh, không phải sao chép cuộc sống mà là sáng tạo ra bằng phương tiện ngôn ngữ một cuộc sống mới ẩn chứa sức bùng nổ cảm xúc. Bằng cách đó, thơ mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần như sức hấp dẫn, sự sáng tạo lại, trí tưởng tượng mà không một chất liệu vật chất nào có thể tạo ra được.
Thơ trực tiếp hướng tới tâm hồn con người, ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người, là sự thể hiện tâm hồn, mà không chỉ tâm hồn. Thơ là chìa khóa để mở những bí mật của tâm hồn, từ đó phơi bầy một cách tinh tế mọi ngóc ngách của cuộc sống. Thơ là lời thú nhận thẳng thắn nhất của tâm hồn.
Hệ quả là thơ có thể xoa dịu, thanh lọc, nâng đỡ tâm hồn. Vậy nên, người ta thường nói rằng, nếu một dân tộc thiếu thi ca thì tương lai của dân tộc đó chắc chắn sẽ thiếu hy vọng.
Nhà thơ anh là ai
Dĩ nhiên là tác giả thơ, người sáng tạo thơ.
Thi pháp hiện thực chủ nghĩa cho rằng thơ là sự phản ánh cuộc sống thực trong trái tim nhà thơ. Chỉ có cuộc sống thực mới là nguồn gốc của thơ và mọi nghệ thuật. Nhà thơ là ca sĩ của cuộc sống, và thơ là bài ca của cuộc sống.
Thi pháp lãng mạn cho rằng nhà thơ là người lãng mạn. Khi cảm xúc trong lòng nhà thơ được truyền tải ra thế giới, mọi thứ trên thế giới đều sẽ được thơ hóa. Vì vậy, thơ ca phải là sự tự thể hiện của nhà thơ, là sự thể hiện trực tiếp cảm xúc của nhà thơ và là tiếng gọi của tâm hồn nhà thơ hướng tới một thế giới lý tưởng.
Hiển nhiên, từ góc độ sáng tạo văn học, nhà thơ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình thông qua thơ, và thơ chính là sự phản ánh thế giới nội tâm của nhà thơ. Nhà thơ giao tiếp với người đọc thông qua sự đồng cảm của con tim, từ đó truyền tải cảm xúc và ý tưởng của riêng mình.
Từ góc nhìn của triết học và tâm lý học, thì nhà thơ chính là người luôn tự suy ngẫm khám phá bản thân, thông qua phản tư, lộn trái tư tưởng của mình mà khám phá ý nghĩa của sự tồn tại và bản chất của nhân loại.
Ngoài ra, từ góc độ bối cảnh xã hội và văn hóa, nhà thơ cũng liên quan đến thời đại và môi trường xã hội mà nhà thơ đang sống. Sáng tác của nhà thơ thường chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa, chính trị và kinh tế của thời đại.
Nhà thơ, anh là ai không chỉ là câu hỏi của nhà thơ đối với bản thân nhà thơ, mà quan trọng hơn, đó chính là câu hỏi đối với động cơ sáng tác của nhà thơ, đó là sự phản tư sâu sắc đối với bối cảnh văn hóa xã hội, và đối với cả nhận thức của bản thân mình. Thân phận của nhà thơ là đa nguyên, vừa biểu đạt cá nhân, vừa là thư kí của thời đại. Mỗi nhà thơ chỉ có một cuộc sống thực tế, anh ta không chỉ gánh vác những trách nhiệm xã hội mà còn có khát vọng cao cả là sự nghiệp thơ ca, nơi tâm hồn mình thuộc về.
Dưới góc độ nguồn gốc của nghệ thuật, thơ trước hết là kết tinh của tình cảm tinh thần cá nhân, nó không bị thời gian, không gian ngăn cản. Nó vừa là “tôi”, là “anh” và “người khác”… “Làm nhà thơ” hiển nhiên không phải dễ.
Quan hệ của nhà thơ với thơ
Nhìn chung, mối quan hệ giữa nhà thơ và thơ là mối quan hệ được cá nhân hóa. Là mối quan hệ chỉ A biết và B biết, chứ C không biết. Mối quan hệ này là mối quan hệ biết của biết và không biết của không biết. Mơ hồ và chợt gặp. Thơ về bản chất luôn hiện hữu. Dù nhà thơ có viết hay không thì thơ vẫn ở đâu đó. Mối quan hệ của nhà thơ và thơ là mối quan hệ “ngẫu kiến” (gặp bất chợt). Cuộc ngẫu kiến- yên sĩ phi lí thuần (thuật ngữ của một nhà phê bình thơ thế hệ trước 1945)- này có gì đó mang tính chất thần bí tôn giáo nhất định.
Đấy là cảm nhận của nhà thơ. Nhưng các bậc truyền giáo thì nghĩ khác.
Về bản chất, thời cổ xưa, thơ cũng giống như phép thuật phù thủy, nó khiến con người tạm thời tách mình ra khỏi thực tế và bước vào trạng thái điên rồ, thơ với vần điệu nhịp nhàng có thể dễ dàng đưa con người vào trạng thái phi lý tính, và trạng thái này thường có thể kéo dài trong một thời gian dài. Ngày nay, ta vẫn có thể chứng kiến những bài diễn văn đầy nhiệt huyết và rất dễ lây lan như thế, bởi vì bộ não ghét suy nghĩ lý tính, nên dễ tiếp thu kiểu mê đắm này.
Cùng với sự tiến hóa của loài người văn minh, mỗi thời đại có nền văn học riêng, và văn học đó phải phản ánh tinh thần của thời đại đó. Nhà thơ là người tiên phong trong việc phản ánh tinh thần thời đại, hiểu được đặc điểm của thời đại mình đang sống, phản ánh đời sống thực tế và quan trọng nhất là nhận thức rõ ràng về trách nhiệm mình gánh vác.
Nếu chúng ta phóng xa tầm mắt, nhìn lại lịch sử từ góc nhìn rộng hơn, khác hơn chúng ta sẽ nhận ra rằng nhiều vấn đề (không chỉ thơ) căn bản đã thay đổi hoặc đang thay đổi. Những thay đổi đó liên quan đến tinh thần văn hóa truyền thống, rộng lớn mới mẻ hơn. Trong hoàn cảnh đó, trong thời đại mới, nhà thơ không thể không hòa mình vào dòng chảy của thời đại, làm quen với mối quan hệ đa dạng mới mẻ, thậm chí xung đột với truyền thống.
Thời đại mới đòi hỏi những nguyên tắc thẩm mỹ và phẩm chất nghệ thuật mới. Các nhà thơ phải liên tục mở rộng tầm nhìn cá nhân và tầm nhìn tâm linh của mình và nâng cao sức mạnh biểu đạt cùng không gian nghệ thuật tiếng Việt. Chỉ khi nhà thơ có thể nắm bắt nhạy bén những thay đổi trong bầu không khí thời đại, thực sự hiểu được những thay đổi trong phương pháp tư duy, cảm nhận sâu sắc những dòng chảy ngầm của cấu trúc cảm xúc và phản ánh kịp thời sự độc đáo của lối sống, thì lập trường sống, chất lượng và giá trị văn bản của nhà thơ mới có thể nổi bật lên trong thế giới xô bồ.
Phẩm chất của khát vọng
Khát vọng của nhà thơ là một xã hội lí tưởng được xây dựng trên nền tảng chân- thiện- mỹ. Nhưng xã hội khát vọng ấy hơi có chút thần bí tôn giáo, khác với xã hội nhà thơ đang sống, một xã hội trần tục đầy những khiếm khuyết, phải nỗ lực cải tạo, dù đôi khi cảm thấy bất lực, thậm chí vô vọng.
Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội chân- thiện- mỹ? Hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội…
Nói như vậy đẻ thấy trách nhiệm xã hội của thơ có nền tảng rộng rãi. Và như thế trách nhiệm xã hội của nhà thơ là rất lớn.
Các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội. Trách nhiệm xã hội của nhà thơ là như thế nào? Thơ có thể phàn nàn về các vấn đề chính trị, phê bình những tệ nạn hiện tại và quan tâm đến sinh kế của con người. Thơ có thể trau dồi gu thẩm mỹ của con người và trau dồi tư cách đạo đức của họ. Nó cũng có thể đóng vai trò giao tiếp, kế thừa hoặc tiếp nối văn hóa. Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi TIÊN PHONG và DỰ BÁO nó.
Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải HAY.
THƠ HAY trong thời đại hiện nay, phụ thuộc vào góc nhìn, cách thức quan tâm, quan thiết đến cuộc sống… đặc biệt với cá tính mạnh, với trí tưởng tượng và tính sáng tạo xuất sắc của NHÀ THƠ.
Thơ hay có thể khám phá, thấu hiểu và soi sáng cuộc sống một cách sâu sắc, nhưng nó cũng có thể bộc lộ, lên án, phản kháng, trừng phạt và từ bỏ một lối sống, khơi dậy ý chí sống của con người, nó có thể dẫn con người đến một giao diện khác của cuộc sống, trong việc tích lũy kinh nghiệm, đánh thức ký ức cá nhân và mở rộng những cảm xúc nhất thời, truyền tải vô thức tập thể. Tất cả, trên nền tảng nhân văn cho đến khi cuộc sống được tái sinh.
Tóm lại, một bài thơ hay có thể được nhận biết thông qua những cơn “rùng mình” mà nó gây ra cho người đọc. Một bài thơ hay phải có đời sống tinh thần xung động, trải nghiệm thực tế hoặc ký ức lịch sử đằng sau lời nói của nó. Những bài thơ đầy cảm xúc, có thể nhìn thấy ánh sáng và bóng tối của bản chất con người chắc chắn sẽ chạm đến trái tim người đọc và khiến họ khó quên./.
HÀ PHẠM PHÚ
Nguồn: vanvn.vn
(https://vanvn.vn/tho-hay-trach-nhiem-va-khat-vong-cua-nha-tho/)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...