Thị trường bình ổn sau đợt tăng lương mới
Từ ngày 1/7/2024, lương của cán bộ, công nhân viên chức được tăng 30% và lương của cán bộ hưu trí tăng 15%. Thông tin này đã mang lại niềm vui cho nhiều người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, đi đôi với niềm vui này, nhiều người dân cũng bày tỏ sự lo lắng về khả năng hàng hoá thiết yếu sẽ bị thổi giá theo đà tăng lương như nhiều lần điều chỉnh lương trước đây. Bởi nếu cứ lương tăng, giá hàng hoá lại tăng thì việc điều chỉnh lương cũng không còn ý nghĩa trọn vẹn.
Nhưng trái ngược với những lo ngại đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong thời điểm hiện nay vẫn khá bình ổn. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình trạng hàng hoá “đội giá” như nhiều người phỏng đoán.
Bà Vương Thị Hoàn, tổ 2 phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên phấn khởi: Tôi về hưu năm 2014, tôi đang được hưởng mức lương hưu là 6 triệu đồng. Lần tăng lương này, tôi được lĩnh thêm khoảng 900 nghìn đồng. Dù không phải nhiều nhưng sự chênh lệch này cũng giúp chi tiêu sinh hoạt gia đình có phần dễ dàng hơn.
Đồng tình với suy nghĩ này, bà Lê Thị Thanh, tổ 4, phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên bày tỏ: Đây là lần lương tôi được tăng nhiều nhất. Mừng nhất là dù báo, đài nói nhiều về việc có chính sách tiền lương mới từ 1/7, nhưng giá cả thực phẩm tôi thấy tăng không đáng kể. Chỉ mong sau giá hàng hoá tới đây sẽ không “leo thang” để người dân như chúng tôi thực sự được hưởng niềm vui từ việc tăng lương.
4 giờ sáng, tôi có mặt tại chợ đầu mối, TP. Thái Nguyên. Sáng sớm luôn là thời điểm chợ tấp nập hơn cả. Người bán nông sản xếp hàng nối dài tràn ra cả lòng đường. Tuy lộn xộn về giao thông, nhưng tình trạng này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, khi chưa có nhiều phương tiện giao thông đi lại trên các tuyến đường. Đây cũng là đặc trưng của chợ Thái khi nửa đêm về sáng.
Đi chợ từ 3 giờ sáng, trên gác ba ga xe đạp của bà Nguyễn Thị Ba (xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên) có vài cân rau húng đỏ, vài chục mới rau đay, mùng tơi mới hái. Lấy tay khẽ che miệng để giấu cơn buồn ngủ do phải dậy sớm, bà Ba cho biết: Rau xanh trên thị trường thời điểm này không có rộ, vì thời gian vừa qua trời mưa quá nhiều khiến hầu hết các ruộng rau đều thối rữa, không phát triển được.
Thế nhưng trái với kỳ vọng của những người trồng rau, giá rau xanh ở thời điểm hiện tại khá rẻ. Chứng kiến bà Ba bán hàng, mỗi mớ rau đay, mùng tơi có giá 1,5 nghìn đồng; rau húng có giá 20 - 25 nghìn đồng/1kg. Ở hàng kế bên, rau mùi tàu cũng chỉ có giá 25 nghìn đồng/1kg, rau muống 2 – 3 nghìn đồng/mớ…
Dù đã ngồi được gần 2 tiếng đồng hồ nhưng gánh rau của chị Phạm Thị Phúc (xã Linh Sơn, TP. Thái Nguyên) vẫn chưa vơi được là bao. Chị cho biết: Thời điểm này rau rất khó trồng. Mấy lứa rau lá tôi gieo tháng trước thối bằng sạch vì mưa quá. Tôi còn mỗi mảnh vườn trên cao, che túi nilon mới giữ được mấy luống rau thì là. Mong rau đắt cho bõ công chăm sóc nhưng thời điểm này học sinh, sinh viên đang nghỉ hè, nhiều bếp ăn không nhập hàng nên rau bán khá chậm. Một chục mớ rau thì là gặp khách thì bán được 25 nghìn, không thì cũng chỉ 20 - 22 nghìn đồng. Riêng tiền nẹp tre để bó rau mỗi cái cũng đã mấy vài trăm đồng.
Trời sáng rõ, tôi dạo qua nhiều hàng bán thịt lợn. Các tiểu thương đều cho biết giá thịt lợn thời điểm này có tăng. Tuy nhiên, nếu nói thịt lợn tăng vì lương tăng lại có vẻ không đúng. Chị Ma Thị Ngọc Mai, một tiểu thương buôn bán thịt lợn lâu năm tại chợ Túc Duyên cho hay: Giá thịt lợn nhích dần lên trong khoảng hơn 2 tháng nay. So với giá khoảng 3 tháng trước thì giá thịt lợn hiện nay cao hơn từ 10 - 20 nghìn đồng/1kg tuỳ loại. Lý do thịt tăng giá là do xuất hiện dịch bệnh trên đàn lợn nên nguồn hàng khan hiếm hơn chứ không liên quan gì đến chuyện tăng lương của cán bộ, người lao động hay những người hưu trí.
Tìm hiểu kỹ mới hiểu, không phải cứ giá hàng hoá tăng là người buôn mừng. Những tiểu thương như chị Mai không hề mong muốn tình trạng này. Chị cho biết thêm: Tuy giá thịt có nhích hơn so với thời gian vài tháng trước đây, nhưng nhiều người lại có tâm lý sợ lợn mắc bệnh nên họ đã có những sự lựa chọn khác cho bữa cơm gia đình thay vì dùng thịt lợn.
Riêng sản lượng thịt bán ra của sạp hàng nhà chị Mai đã sụt giảm khoảng 30% so với thông thường.Việc sản lượng thịt lợn bán ra bị sụt giảm cũng là tình hình chung của hầu hết các tiểu thương khác ở chợ.
Tại một số cửa hàng bán hàng ăn trên địa bàn mà tôi khảo sát được gồm các hàng bán bún, phở, cơm, nước giải khát… chủ các cơ sở này cho biết không có ý định tăng giá bán sản phẩm vì yếu tố tăng lương.
Còn đối với mặt hàng thiết yếu khác như gạo, các cửa hàng dù quy mô lớn hay nhỏ, ở thành phố hay nông thôn cũng đều khẳng định, giá gạo vẫn rất bình ổn từ trước kỳ tăng lương lần này cho đến nay.
Chị Nguyễn Thị Liên, chủ cửa hàng gạo Liên Tú, nằm trên đường Bến Oánh, TP. Thái Nguyên cho hay: Tôi mới nhập mấy tấn gạo tuần trước, giá nhập vẫn rất ổn định như trong vòng một tháng qua. Tất nhiên giá gạo tôi bán ra cũng không có gì thay đổi. Cho đến hiện tại, tôi chưa thấy có dấu hiệu của việc gạo rục rịch tăng giá vì lương tăng.
Ngoài gạo, các mặt hàng khác như lạc, đậu đỗ các loại tại cửa hàng của chị Liên giá vẫn không bị dao động. Dạo qua các kệ hàng đồ dùng thiết yếu tại một số siêu thị, trung tâm thương mại như: Lan Chi, Minh Cầu, GO Thái Nguyên có thể dễ dàng nhận thấy vẫn rất nhiều các chương trình khuyến mại được các đơn vị tiếp tục tung gia nhằm kích cầu tiêu dùng. Quản lý tại một số quầy hàng tại đây cho biết: Hiện siêu thị vẫn bán các mặt hàng với giá như cũ. Nhiều nhà cung cấp cũng cam kết giữ giá ổn định trong thời gian tới.
Một trong những mặt hàng luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân mỗi lần biến động giá có thể kể đến là xăng, dầu. Tuy nhiên, trước lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu mới nhất vào ngày 8/7/2024 vừa qua, nhiều người cho rằng, sự thay đổi này vẫn diễn ra thường xuyên và không liên quan đến việc tăng lương.
Cụ thể, giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng tăng tất cả mặt hàng.Giá xăng E5 được điều chỉnh tăng lên 22.460 đồng/lít. Giá xăng RON 95 được nâng lên 23.550 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng lên 21.170 đồng/lít.
Để tìm hiểu xem việc xăng và dầu đều được điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng lên trùng vào thời điểm tăng lương có tác động như thế nào đối với người sử dụng dịch vụ trong ngành vận tải hành khách và hàng hoá, chúng tôi đã trao đổi với bà Đỗ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thương Mại và Du Lịch Hà Lan (có trụ sở nằm trên đường Dương Tự Minh, Phường Tân Long, TP.Thái Nguyên). Đơn vị hiện có trên 400 phương tiện vận tải hành khách và hàng hoá từ Thái Nguyên đến nhiều tỉnh, thành khác và ngược lại.
Bà Hương cho biết: Thời điểm hiện tại, hoạt động vận tải của Công ty chưa có biến động gì về giá. Việc Nhà nước tăng mức lương cơ sở không tác động đến việc điều chỉnh giá dịch vụ của Công ty hiện nay.
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, thị trường của các loại hàng hoá và dịch vụ thiết yếu gần như không bị tác động gì nhiều so với nhiều lần tăng lương trước đây. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người băn khoăn, thậm chí cho rằng nhiều mặt hàng đã “ăn theo” việc tăng lương để nâng giá. Điều này phần nào có thể lý giải qua hành vi của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Minh Tú, nhân viên Ngân hàng Vietinbank, Chi nhánh Thái Nguyên chia sẻ: Do công việc bận rộn nên tôi hay mua thực phẩm tại các quán nhỏ trên đường đi làm về. Thời điểm hiện tại, tôi vẫn phải mua mớ rau mùng tơi với giá 5 nghìn đồng, rau ngót là 7 nghìn đồng và thịt lợn cũng vậy, từ 130 đã tăng lên 150 nghìn đồng/kg. Nhiều lúc tôi buột miệng hỏi người bán hàng sao giá cao thế. Bình thường họ chỉ nói đó là giá chung rồi. Còn gần đây, nhiều người lại cười bảo, lương được tăng cao thế, rau thịt tăng như này có là gì.
Tuy nhiên, theo chị Tú thì những lý do của người bán hàng đưa ra có khi chỉ là “câu chuyện làm quà” cho thêm phần đon đả của người làm công việc bán buôn. Bởi, các sạp hàng này đều của người buôn. Nghĩa là họ mua đi, bán lại nên giá cao hơn chợ chung cũng là điều dễ hiểu. Riêng thực phẩm là thịt lợn thì một vài hàng chuyên thịt lợn bán vào buổi chiều luôn có giá cao hơn so với đại trà các hàng bán vào buổi sáng. Chưa kể, người bán hàng sẽ nương theo tình hình của chợ, nếu hôm nào canh chừng “cháy” hàng họ sẽ tự ý nâng giá các mặt hàng của mình và ngược lại.
Theo các chuyên gia kinh tế trên các diễn đàn đã phân tích, việc tăng lương lần này được thực hiện sau khi Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng kiểm soát lạm phát. Chính phủ hướng tới, mức tăng lương lần này có thể giúp cải thiện đời sống của người lao động. Đồng nghĩa với việc Chính phủ đang theo dõi chặt chẽ thị trường để có những biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Thiết nghĩ, người dân nên chi tiêu hợp lý, không nên quá lo lắng trước những thông tin chưa được kiểm chứng về khả năng tăng giá hàng hoá. Đồng thời, mỗi người cũng nên chủ động tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các nguồn tin cậy để có cái nhìn chính xác về tình hình kinh tế.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, thổi giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, giúp mọi người yên tâm hơn khi hưởng thụ những chính sách phúc lợi của Nhà nước.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...